Chùa Bửu Minh

(VHPGO) Thường nói tuổi thơ của một đứa trẻ gói gọn trong vòng tay bao bọc che chở của bố mẹ luôn là điều hạnh phúc và ý nghĩa. Nhưng tôi tạm bỏ qua thứ hạnh phúc đó để nói về cái khổ  đang đứng bên cạnh tiếng cười vô ưu của trẻ.

Giáo lý nhà Phật nói hoàn chỉnh về cuộc đời của con người rằng, đời là bể khổ. Hễ còn thác sinh đến chốn này là còn khổ. Giờ tôi mới ngẫm được không chỉ một người trưởng thành  mà ngay cả một đứa bé sơ sinh chưa hiểu gì về cuộc sống này, chỉ tiếp xúc với thế giới bằng cách ăn ngủ rồi quấy khóc cũng biết đến cái khổ.

Có thể nói đến những biểu hiện thường ngày của một đứa trẻ dăm ba tuổi đang còn nằm nôi và bú sữa mẹ.

Giữa đêm ngủ, chút tác động nhỏ khiến trẻ thấy khó chịu là nó la khóc, và làm khổ lây người lớn. Đây là cái khổ của sự tiếp xúc nguyên sơ với thế giới chứ chưa nói đến tình cảm nhận thức về cuộc sống.

Qua một giấc ngủ, đứa bé tỉnh dậy và không có một ai ở bên cạnh, nó khóc. Rõ ràng, nó biết tủi, biết cô đơn và sợ hãi khi thiếu vắng vòng tay vỗ về, ôm ấp của bố mẹ. Như thế là một cái khổ.

Bố mẹ thúc ép con trẻ đánh răng, rửa mặt, uống sữa, ăn bột, thậm chí những việc bình thường này, người lớn cũng hỗ trợ giúp bé, nhưng một khi trẻ không muốn thì sẽ quấy khóc. Đó cũng là khổ.

Người lớn thường chơi với trẻ bằng mấy con búp bê, thú bông hoặc các đồ chơi bằng nhựa, kèm theo những tiếng cười đùa nhí nhảnh, khúc khích.  Nhưng lỡ có hôm nào bố mẹ có bận rộn, bỏ quên việc đùa vui với trẻ, để trẻ tự chơi một mình, có lẽ niềm vui của chúng cũng không được trọn vẹn. Như thế cũng sinh ra khổ.

Rồi kể đến những đứa trẻ có vật chất khó khăn hơn, nhìn thấy trẻ khác được bố mẹ cho quà bánh, quần áo đẹp, mà đòi bố mẹ thì lại chẳng đặng cho, ít nhiều chúng cũng phải thấy thèm thuồng và tủi. Như thế cũng thật là khổ.

Có thể chúng còn nhỏ chúng chưa biết đấy là khổ, trẻ thơ chỉ biết chấp nhận mọi thứ như cách mà cái khổ đến tự nhiên và trẻ cũng tự nhiên đón nhận. Chả trách mà sự đời lắm khi người ta chỉ tìm đến tâm hồn bình dị của trẻ con;  họ ước, ước gì vui được như bọn trẻ…

Tâm hồn trẻ thơ là tâm hồn trong sáng, vô ưu trước cuộc đời. Nhưng cái khổ đến với chúng từ những điều nhỏ nhặt và sơ giản nhất. Đối với các bậc ông bà, những người làm cha làm me, chỉ cần có tiếng khóc, tiếng cười, những trò đùa nghịch của trẻ tạo ra phiền hà cho người lớn luôn đủ để nói rằng có trẻ con là đủ thấy vui cửa vui nhà. Thế cũng là hạnh phúc. Do vậy, hạnh phúc đến từ những cái khổ, hạnh phúc cũng chính là sự khổ.

Bố mẹ chấp nhận khổ vì con từ miếng cơm, ngụm nước, giấc ngủ thì bố mẹ cũng sẽ thấy hạnh phúc vì có con để mà nuôi nấng và có con để mang lại cho mình sự yên bình, hạnh phúc. Trẻ con thì vô ưu, thích cười thì cười mà muốn khóc thì cứ khóc,  buồn hay vui thì nó luôn đón nhận vì đơn giản chúng là trẻ thơ, sống vô lo và tự tại. Trẻ  thơ đã tự tạo cho mình một cái lăng kính trong sáng, vừa lọc ra cái sự buồn khổ, vừa lọc lấy cái vui vẻ để sống an nhiên giữa cuộc đời. Trẻ thơ làm được như vậy, tại sao người lớn lại không thể ?

Sống trên đời chẳng qua cũng chỉ là giả tạm, việc gì người ta cứ phải áp đặt, ràng buộc lẫn nhau, rồi tự tạo ra sự thù ghét, đấu đá, tranh giành và làm tổn thương lẫn nhau. Sao người ta không đối xử với nhau hồn nhiên như đối xử với trẻ thơ hoặc như một đứa trẻ chơi đùa với búp bê, bong bóng. Chỉ khi có được tâm hồn của trẻ thơ, tư tưởng  người ta mới không bị “vấy bẩn”. Khi đó, những từ ngữ như “hòa hợp”, “đại đồng”, “thống nhất” sẽ không còn là những khái niệm hão huyền nữa.

Tuy nhiên, nếu con người ta không thể tạo được cái lăng kính trong sạch như một đứa trẻ, và họ đổ lỗi cho sự ràng buộc của cuộc sống khiến đời người luôn bị cái u minh vây bủa, cách duy nhất là nên chấp nhận. Sư Thầy Thích Thái Hòa có nói rằng Khổ là một sự thực của cuộc sống con người, nếu bạn không biết đùa chơi với nó là bạn đã mất đi rất nhiều cơ hội để tiếp xúc và nhận diện sự thực, đồng thời bạn cũng đã mất đi rất nhiều cơ hội để trưởng thành và hiểu được ý nghĩa đích thực của hạnh phúc. Thực vậy, còn sống là còn khổ, còn sống  là còn được an vui. Thế nên mới có những con người sống bằng sự tận lực và cống hiến. Họ nỗ lực vượt khổ để tìm đến sự an lạc, thảnh thơi. Hạnh phúc và đau khổ cứ song hành gắn kết với nhau. Hai thứ này làm nên cuộc sống. Do đó sống là phải biết chấp nhận, có chấp nhận cái khổ thì mới thấy được hạnh phúc.

Thu Ngọc

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=1140


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage