Chùa Bửu Minh

Hai đứa trẻ


NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Khi anh lái xe ra khỏi thành phố thì trời sập tối. Không quen đường, anh loanh quanh lạc mất nhiều vòng, dừng lại trước một ngã tư không biết chạy hướng nào. Nhác thấy bên kia đường. cuối bãi đậu xe khu shopping mall đã đóng cửa, hai đứa bé trai ngồi trên cỏ gần vệ đường. Một đứa 4, 5 tuổi, còn đứa kia 7, 8 tuổi, chắc là anh em.


hai-dua-tre


Khu vực này không hoàn toàn vắng, nhưng quanh chúng vào lúc đó không có ai cả. trời lại sắp tối. Anh ngạc nhiên, muốn quay xe lại, nhưng vì lạc đường hay vì thói quen lười biếng, anh phóng hẳn vào xa lộ, không quay lại được nữa. Trăng lên sáng bạc ở chân trời, anh mãi ngắm, quên hẳn mọi thứ.

Sáng hôm sau, thức dậy ở nhà, anh nhớ lại, băn khoăn. Cha mẹ hai đứa bé là ai? Ở đâu? Một người mẹ lơ đễnh bận đi mua sắm, một người cha ghé trạm đổ xăng. Không để ý ở băng sau hai đứa trẻ chui lọt ra ngoài. Hay một tai nạn bất ngờ? Nghĩ, lan man đủ chuyện.

Anh nhớ một buổi trưa chủ nhật, nằm đọc sách lơ mơ trên giường, gần cửa sổ. Mưa rơi lác đác trên mái nhà lúc anh bắt đầu ngủ thiếp. Mùi hương thoang thoảng làm anh tỉnh dậy. Không phải mùi hoa hống, mặc dù lúc đó là đầu mùa xuân. Mùi lạ bay trong gió, có lúc nhẹ, có lúc đậm đà, biến mất rồi quay lại. Nằm mông lung nghĩ ngợi.

Hai chuyện chẳng có vẻ liên quan gì đến nhau. Anh tự an ủi: trong đời biết bao nhiêu chuyện như thế, tưởng chúng có liên hệ nhân quả này nọ, nhưng về sau chỉ là tình cờ.

Mùa hè năm nay anh về quê, sau chín, mười năm góc biển chân trời, lại tìm ra được nó. Một buổi chiều đi dạo với người bạn gái cũ trên con phồ dọc bờ sông. Cô bạn bỗng nhiên chậm bước, ngẫm nghĩ rồi đi tiếp. Anh nhìn cô tò mò. Cô trả lời: nhà này nấu canh mướp ngọt mà không bỏ ruốc. Anh ngạc nhiên nhìn cô ngờ vực, cô vẫn như ngày nào. Cô giải thích: Biết chứ anh.

Ruốc. Trời ơi đó là thứ thức ăn gì khiến cho cô bạn của anh, người thời trẻ anh đã đem lòng yêu say mê, lấy làm quan tâm hơn cả mọi chuyện, ví dụ như là chuyện sức khỏe của anh gần đây không được tốt lắm?

Anh nhớ mẹ khi mới vào Nam lần đầu thăm con bảo: người Saigon không biết nấu ăn. Bà than phiền: họ nấu ăn mà không có ruốc. Tanh chết được. Anh nhớ những ngày mưa lụt tháng Mười, nghỉ học cùng các anh chị mang vợt ra sông, vớt những con tép nhỏ. Đó là thứ tép nhỏ di cư từ biển lên, người ta bắt để làm ruốc không ? anh không chắc. Một mình ở chốn tha hương, bạn bè không phải người cùng quê, anh chẳng có ai để hỏi, bây giờ người ta gọi là tham khảo ý kiến. Chị Tư, một người đàn bà khoảng 40 tuổi, mỗi năm gánh ruốc từ biển lên bán rong trong làng, có thể trả lời câu hỏi đó của anh, nhưng biết tìm chị ở đâu. Chị đi từ sáng sớm, mặc chiếc áo dài màu đậu đỏ, gánh một gành kĩu kịt, trời mưa lâm râm hay trời nắng đổ lửa, chị vẫn mặc chiếc áo dài. Chị bán khắp làng, nhưng dành thứ ruốc ngon nhất dưới đáy thúng cho mẹ anh, người khách cuối cùng trong ngày. Đường xa, mẹ giữ chị ở lại qua đêm, mời chị ăn cơm tối. Đêm chị ngủ trên chiếc chõng tre đặt ở gần cửa sổ ngoài hiên, mặc dù trong nhà, có chỗ nằm dành cho chị, nhưng chị ngại, khăng khăng không chịu vào nhà. Thế là mẹ anh cũng mang gối ra nằm ngủ ngoài hiên, tỉ tê trò chuyện. Ở đó, những đêm trăng sáng, dưới giàn hoa thiên lý xanh thơm man mác, bọn trẻ được chị kể cho nghe những chuyện cổ tích đầu tiên trong đời.

Như thế ruốc hẳn nhiên có liên hệ với anh rồi, cô bạn nhắc đến là phải, nhưng canh mướp thì liên hệ gì? Anh không nhớ được.

Rồi anh về nhà ở Canada, rồi một hôm lái xe qua Mỹ và đi lạc đường. Hai đứa trẻ, anh nhớ ra rồi. Đó là mộ buổi sáng tinh mơ đầu đời. Hôm ấy anh lên 4 hay 5 tuổi, Người ta có thể lưu giữ ký ức vào lúc mấy tuổi? Chú bé và người anh trai, lớn hơn hai tuổi, dẫn nhau qua đò ngang, lên tỉnh xem lễ Phật. Hồi ấy chưa có cây cầu tre tay vịn do Gia đình Phật tử bắc tạm qua sông để bà con từ vùng quê đến xem chương trình văn nghệ trên bãi đất trước mặt chùa Tịnh Hội phủ bóng phượng vĩ trổ bông đỏ thắm. Hai đứa trẻ lang thang  giữa đám đông, tranh với những đứa khác nhặt những cái nắp có  nút điên điển của chai Con Cọp nhét đầy túi. Chơi mãi quên cả tối, bên kia sông, phía nhà của chú, nắng chiều vừa tắt, chuyến đò ngang cuối cùng ngừng đưa khách, người lái đò gác mái chèo lên mạn  thuyền ì ọp sóng, kéo dây buộc vào bải cát trắng, lững thững đi đến quán rượu khuất sau bụi tre cuối bến, gần làng Xuân An, trước mặt chùa Sư Nữ.

Khi chúng nhận ra minh là những kẻ sau cùng trên bãi cỏ thì đã quá muộn.

Hai đứa trẻ sợ hãi ngơ ngác trên đường, chạy từ nơi này qua nơi khác, tìm đường về nhà, không dám hỏi đường trong một thành phố đã lên đèn, xa lạ. Bên hàng rào kẽm gai gần một trại lính mặc quân phục màu xanh bồng súng đứng gác trong im lặng. Dưới ngọn đèn đường vàng vọt, cao vút, tiếng ve bắt đầu hót, nghe khi từ bên phải, khi thì bên trái, chộn rộn vang rền. Một cặp tình nhân đi đi lại lại. Người thanh niên cao lớn tóc chải dầu bóng láng, người thiếu nữ nhỏ nhắn để tóc dài đen mượt xuống khỏi thắt lưng. Chị đi guốc cao gót, nên trông có vẻ nhún nhảy. Họ đi hết một đoạn đường, rồi quay ngược lại, và đi như thế đều đặn nhiều lần, nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị, không nói năng gì. Tiếng guốc gỏ nhịp đều đều. Khung cảnh kỳ lạ khiến hai đứa trẻ nhẩn người. một thế giới xa lạ. Đi bộ đau ở bắp chân, chúng kéo nhau vào cổng tam quan trước chùa. Đêm vào khuya, sân chùa vắng lặng không bóng người, trên ngọn ngô đồng cao vút, một con đêm đi ăn đêm về muộn kêu mấy tiếng rồi im bặt, chúng chui vào một góc tối  trước cổng chàu nằm ngủ. Chú bé mệt quá thiếp đi một lúc nhưng lát sau tỉnh lại vì đói bụng. Anh của chú bảo chú cầu nguyện. Chú làm theo, rồi ngủ thiếp lần nữa. lại thức dậy vì đói. Gió lạnh từ ngoài sông thổi vào. Một vật gì lành lạnh hơn chạm vào chân. Chú ngồi lên, hai đồng tiền của ai để rơi lắp lánh dưới ánh trăng. Đồng tiền kẽm có in hình cây trúc. Hai đứa trẻ cầm lấy  đồng tiền chạy qua quán tâp hóa  bên góc chùa. Người chủ quán càu nhàu vì mất ngủ, hé liếp cửa lấy tiền rồi bỏ vào tay chúng những viên kẹo, nhìn qua bên kia sông, trăng đã treo một lưỡi liềm sáng bạc trên rừng dương liễu đầu làng. Lần đầu tiên chú biết cảm giác nhớ nhà, xao xuyến, đau thắt cả ruột. Căn nhà  của chú nằm ngay dưới vầng trăng ấy, tưởng  chạm tay vào là được mà xa xôi quá. Từ đó về sau, khi đã lớn, cảm giác bồn chồn  không yên ấy thỉnh thoảng lại trở về. Tâm trạng tha hương.

Chờ đến sáng tinh mơ hai đứa trẻ đi xuống bờ sông. Lúc ấy còn sớm, chuyến đò ngang sớm nhất cũng bắt đầu trễ hơn. Dưới bến một con thuyền có mui của dân chài lưới đi đánh cá đêm cắm sào trong sương mù buồi sáng, từng lớp, từng lớp trôi đi. Chúng kéo tay nhau xắn quần đùi lội ra. Mùi thơm ngào ngạt xông lên từ mui thuyền. Mùi canh mướp mà mẹ chú thường nấu những ngày nóng nực. Mùi mướp ngọt, mùi ruốc bay xa trong gió, khắp xóm đều nghe. Một người đàn ông chắc là chủ thuyền  đang ngồi vá lưới, ngẩn đầu lên hỏi một câu gì đó rồi khoát tay ra hiệu cho hai đứa trèo lên. Ông chỉ tay vào cuối thuyền, một đứa bé gái trạc bằng tuổi chú hoặc lớn hơn một chút đỉnh, thắt hai bím bằng dây cao su xanh đỏ đang ngồi bên một nồi canh mướp bốc khói nghi ngút. Cô bé có vẻ lanh lợi, nhường chỗ cho chúng, bưng cho mỗi đứa một tô canh mướp nóng. Sau này chú không có dịp nào để quay lại cám ơn người chủ thuyền và cô con gái. Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại mùi canh mướp ngọt, mùi ruốc thơm trong gió, anh lại nhớ đến cô bé, giờ này chắc đã có con, có cháu. Và nhớ người anh trai lớn hơn hai tuổi. Một người ngã xuống trên chiến trường, dòng máu trên ngực đã khô từ lâu. Một người nay có lẻ đã trở thành người lái đò,hay một bà chủ tiệm, hay đã chết trong chiến tranh, hay là một góa phụ lặn lội giang hồ thân gái dặm trường?

Anh nhớ vầng trăng lưỡi liềm sáng bạc bên kia sông, nhớ chùa Tỉnh Hội, nhớ mùa Phật đản, nhớ cặp tình nhân đi đi lại lại bên hàng rào thép gai trại lính dưới ánh đèn vàng vọt, nhớ hai đứa trẻ lạc đường xa nhà đói bụng ngồi trên bậc tam cấp trước cổng chùa. Anh nhớ hai đứa trẻ khác ngồi bên vệ đường khi trời sập tối bên kia bãi đậu xe sau một khu shopping mall phồn hoa đô hội Mỹ. Hai đứa trẻ và người đàn ông lái xe cùng lạc đường không bao giờ có dịp gặp lại nhau.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG (Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 111)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage