Chùa Bửu Minh

Việc dịch kinh Phật văn xuôi sang tiếng Việt bằng văn vần, thay vì giữ nguyên gốc bằng văn xuôi, là việc có từ lâu, từ đầu thế kỷ XX, và tương đối phổ biến.


Chúng tôi dùng từ “văn vần”, thay vì “dịch thơ”, “thi hóa”, “diễn ngâm”, vì thực chất quá trình dịch như thế đã và đang được tiến hành thực chất là dịch kinh văn xuôi trong nguyên tác thành kinh văn vần.

Yếu tố “thơ” thường được gắn với tư duy hình tượng. Do đó, gọi “thi hóa” kinh Phật là không chính xác. Vì người dịch không thay đổi bản chất của bản văn kinh, là văn triết học. Và về mặt chủ quan, người dịch cũng không nhắm tới mục tiêu bổ sung yếu tố tư duy hình tượng vào kinh Phật văn xuôi, khi chuyển dịch từ văn xuôi sang văn vần.

Có một hình thức nữa là lấy bản dịch văn xuôi kinh Phật có sẵn rồi diễn đạt thành văn vần. Quá trình này cũng không phải “thi hóa”, vì cũng không nhằm mục tiêu thay đổi tính chất bản văn kinh, từ một văn bản triết học, có tính chất tự sự, sang một thể loại khác là thơ ca, mang tính chất trữ tình.

Lẽ ra, trong một bài viết như thế này, phải cần có nhiều dẫn chứng. Thế nhưng, xin phép quý bạn đọc cho phép tôi, vì lý do tế nhị, không nêu dẫn ra các ví dụ cụ thể.

Các bản văn xuôi kinh Phật được dịch bằng thể loại văn vần tuyệt đại đa số là do các bậc tôn túc tiền bối thực hiện, trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, trong sự tương thích với trình độ và tư duy ngữ văn lúc đó. Vì vậy, vì lý do tế nhị, thiết tưởng không nên dẫn ra những ví dụ cụ thể.

Chúng tôi xin phép chỉ nêu những vấn đề chung về mặt lý luận, để bạn đọc suy nghĩ và liên hệ vào các trường hợp cụ thể, rồi tự kết luận, đánh giá.

Chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau, rằng đối với kinh Phật, yêu cầu trước tiên đối với việc dịch là cần phải chính xác, chính xác tuyệt đối, chính xác đến mức cao nhất có thể.

Trong yêu cầu như vậy, chỉ có diễn đạt bản dịch bằng văn xuôi, thể loại văn mà văn bản gốc đã dùng thì mới bảo đảm được tính chính xác.

Để bảo đảm được tính chính xác văn bản dịch, văn vần tỏ ra hạn chế hơn nhiều, vì văn vần có nhiều ràng buộc, câu thúc.

Những ràng buộc, câu thúc đó sẽ hạn chế việc diễn đạt chính xác văn bản kinh gốc.

Sự ràng buộc của văn vần trước hết là vần.

Để hợp vần, thì từ được chọn dịch sẽ trở nên giới hạn rất nhiều.

Từ dịch chính xác, nếu không đúng vần, sẽ không dùng được.

Để đúng vần, có khi phải dùng một từ kém chính xác hơn.

Như vậy, tức thì vấn đề có thể kém chính xác nảy sinh. Điều đó là rõ ràng.

Điểm ràng buộc thứ hai là vấn đề số chữ. Tuỳ thể loại thơ, sẽ có số chữ ràng buộc tương ứng.

Trong khi diễn đạt bằng văn xuôi, thì số chữ không bị giới hạn.

Chính việc ràng buộc số chữ sẽ làm cho việc dịch kinh văn sẽ trở nên khó khăn hơn và từ sự khó khăn đó, thì vấn đề bảo đảm chính xác cũng sẽ nảy sinh.

Nói một cách dễ hình dung, dịch kinh Phật văn xuôi bằng thể loại văn vần, người dịch phải cắt gọn câu văn dịch sao cho vừa một cái khuôn mới trong ngôn ngữ “đích” (tức ngôn ngữ dịch ra). Mà khi cắt, gọt để vừa khuôn vần, khuôn chữ, việc dịch thuật tất yếu sẽ trở nên kém chính xác.

Khi tôi học đại học ngữ văn, thầy tôi một vị giáo sư, dạy phần văn học Lý Trần, khi đọc một bản dich bằng văn vần lục bát một bài kệ thiền nói về lẽ sa có không đã phì cười khi đọc đến từ cuối bản dịch:

Có thì có đến mảy may
Không thì cả thế gian này đều không
Vầng trăng vằng vặc in song
Chắc chi có có không không mơ màng

Bài kệ nguyên tác không có từ nào để dịch ra thành chữ “mơ màng”. Nhưng vì dịch bằng thể lục bát nên phải kéo thêm như thế.

Hơn nữa, nguyên tác cũng không phải là thơ (tư duy hình tượng, loại hình trữ tình) mà là văn vần triết học. Đến khi dịch, kết thúc bằng chữ mơ màng, thì đã thành một bài có vẻ là thơ hơn là kệ.

Hiện nay, kỹ thuật dịch đặt nặng yêu cầu chính xác, nên ngay khi dịch tác phẩm thơ chữ Hán, nếu làm kỹ, thì phải có đến 4 phần:

- Phần nguyên tác viết bằng chữ Hán, theo đúng văn bản gốc.

- Phần phiên âm, có thể có thêm chấm phết.

- Phần dịch nghĩa, là phần quan trọng nhất.

Phần dịch thơ, có thể có nhiều bản dịch thơ của nhiều tác giả khác nhau, và coi như là có yếu tố sáng tác lại trong đó.

Khi nghiên cứu tác phẩm, tùy mức độ mà nhà nghiên cứu có thể dẫn bản nguyên  tác, hoặc bản phiên âm. Đến tìm hiểu phần nghĩa, thì xu hướng ngày nay chỉ căn cứ vào bản dịch nghĩa bằng văn xuôi để bảo đảm tính chính xác, rất ít khi sử dụng đến bản dịch thơ.

Đầu thế kỷ XX, với mặt bằng dân trí ngày đó, việc dịch kinh Phật văn xuôi thành văn vần để tụng đọc là phù hợp.

Các tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Đài… kinh văn cũng toàn bằng văn vần.

Ngày nay, những tác phẩm triết học tôn giáo viết hay dịch bằng văn vần lục bát, song thất lục bát và lục bát biến thể thì với giới trẻ khó được tiếp nhận, vì sự thu hút của vần vè đã qua. Nhưng điều quan trọng là chắc chắn không bảo đảm được mức độ chính xác nếu so với văn xuôi, phong cách triết học.

Đành rằng kinh Phật dành cho tụng đọc, phải có vần có điệu, khớp với tiếng chuông, tiếng mõ.

Tuy nhiên giữa yêu cầu có vần có điệu, với yêu cầu bảo đảm tính chính xác của lời Phật, thì yêu cầu nào quan trọng hơn?

MT


Nguon: http://www.phattuvietnam.net/3/12819.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage