Làng Ko Panyi, Thái Lan
Ko Panyi là một làng chài ở tỉnh Phang Nga, Thái Lan,
nhưng được các ngư dân Indonesia dựng lên. Dân số ngôi làng gồm 200 gia
đình và khoảng 1.500 đến 2.000 người dân. Họ là hậu duệ của 2 gia đình
Hồi giáo di cư từ đảo Java, Indonesia. Ngôi làng có một ngôi trường Hồi
giáo giành cho cả học sinh nam và nữ. Mặc dù lượng khách du lịch tăng
cao gần đây, nhưng cuộc sống ở ngôi làng Ko Panyi vẫn chủ yếu dựa vào
nghề đánh bắt cá, vì du khách chỉ đến đây vào mùa khô. Ngôi làng còn có
một sân bóng đá nổi, lấy cảm hứng từ World Cup 1986, khi lũ trẻ lấy các
mảnh gỗ và bè đánh cá cũ dựng lên.
Làng nổi Vịnh Hạ Long
Tại Vịnh Hạ Long, du khách có thể nhìn thấy một ngôi
làng với khoảng 600 cư dân được dựng trên nước. Địa điểm ấm áp tuyệt vời
này là nơi lý tưởng cho các du khách thoát khỏi sự hối hả của đường phố
Việt Nam. Ngôi làng là một thế giới nước thực sự, nâng lên hạ xuống
theo thủy triều và được che chở bởi các ngọn núi đá vôi xung quanh.
Người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào biển khơi, vì họ không thể trồng
trọt ở hầu hết các đảo đá trong vùng.
Giethoorn, Hà Lan
Giethoorn là một ngôi làng ở tỉnh Overijssel (còn được
gọi là Venice của Hà Lan), với một hệ thống kênh đào dài 7,5km khắp
làng. Ngôi làng được phát hiện khoảng năm 1230, khi những người chạy nạn
ở vùng Địa Trung Hải đến đây và định cư. Tất cả giao thông đều di
chuyển trên mặt nước và người dân phải sử dụng một loại mô tô điện để
không gây ảnh hưởng đến không gian yên bình trong làng. Nhiều ngôi nhà
được xây dựng trên những hòn đảo và người dân chỉ có thể đến nhà nhau
bằng những cây cầu. Có khoảng 500 cây cầu gỗ nhỏ bắc qua các con kênh
với độ sâu khoảng 1m. Giethoorn hiện tại có khoảng 2620 cư dân.
Làng nổi Uro, Peru
Đảo nổi Uro gồm 42 hòn đảo tự nổi ở hồ Titicaca, Peru.
Những hòn đảo tự tạo này được làm từ các loại lau sậy bản địa mọc tại
vùng nước nông trong hồ. Người Uro xây những ngôi nhà tạm trên những
hòn đảo đó và thường bị thủy triều tràn vào nhà. Khi đó, cứ 2 tuần người
Uro lại lót một lớp sậy mới để giữ hòn đảo vẫn nổi trên nước. Người dân
trên các đảo lớn thường sống nhờ vào du lịch và bán quà lưu niệm cho du
khách. Trong khi đó, cư dân ở các hòn đảo nhỏ vẫn sống dựa vào cácch
truyền thống là đánh bắt cá và bẫy chim.
Ô Trấn, Trung Quốc
Ô Trấn là một trong những thị trấn sông nước cổ nổi
tiếng nhất Trung Quốc. Nơi đây có những con kênh đi xuyên qua các tuyến
phố và con hẻm lát đá. Có diện tích khoảng 71,19 km vuông, Ô Trấn có dân
số khoảng 60.000 dân trong đó chỉ có 12.000 là dân thường trú. Ô Trấn
có lịch sử 2.000 năm với những cây cầu đá cổ bắc qua con sông thơ mộng,
những con đường đá đi giữa các bức tường có phù điêu được chạm trổ đẹp
mắt.
Kampong Ayer, Brunei
Kampong Ayer là một khu vực nằm trong thủ đô Bandar
Seri Begawan và nằm sau Vịnh Brunei. Thị trấn này có 39.000 dân, tương
đương với 10% tổng dân số Brunei. Tất cả ngôi nhà trong thị trấn đều là
nhà sàn trên sông Brunei và nối với nhau bằng những cây cầu. Mặc dù là
khu vực nổi trên sông, ngôi làng này có đầy đủ cơ sở vật chất như trường
học, bệnh viện, nhà hàng, cửa hiệu, nhà thờ Hồi giáo, trạm xăng và dịch
vụ taxi trên sông. Nhìn từ xa, ngôi làng có lịch sử 1.300 năm này trông
có vẻ cũ kỹ, nhưng người dân ở đây đều sử dụng tiện nghi hiện đại như
điều hòa, truyền hình vệ tinh, Internet...
Chu Trang, Trung Quốc
Chu Trang có cảnh quan tuyệt đẹp và nằm cách thành phố
Tô Châu, tỉnh Giang Tô chỉ 30km. Thị trấn này có những con kênh chằng
chịt, cây cầu cổ và các ngôi nhà được xây dựng trên sông. Với diện tích
nửa km vuông, 60% công trình ở Chu Trang được xây dựng từ thời nhà Minh
và nhà Thanh. Thị trấn này còn có nền văn hóa truyền thống độc đáo và
những ngôi nhà cổ được bảo tồn cẩn thận. Cùng với cảnh quan sông nước
đầy màu sắc tuyệt đẹp, Chu Trang nhờ đó được gọi là "Venice của Phương
Đông".
Ganvie, Benin
Ganvie còn được gọi với cái tên "Venice của Châu Phi",
là một ngôi làng trên hồ Nokoué ở Benin. Với dân số khoảng 20.000 dân,
đây có thể là ngôi làng trên hồ lớn nhất ở Châu Phi và là địa điểm thu
hút khách du lịch. Ngôi làng Ganvie được người Tofinu xây dựng từ giữa
thế kỷ 16-17. Ngoài sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, người dân ở
đây còn kiếm sống dựa vào du lịch và ngư nghiệp.
Kay Lar Ywa, Myanmar
Kay Lar Ywa là ngôi làng nổi trên hồ Inle. Người dân ở
đây là người Intha, một nhánh của nhóm người dân tộc thiểu số Tây Tạng -
Miến Điện. Họ sống dựa vào việc trồng rau trên những khu vườn nổi gọi
là kyun-hmaw. Người Intha dùng cỏ dại, bùn trong hồ Inle kết lại để tạo
ra vườn nổi và dùng cọc tre đóng xuống đáy hồ để giữ chúng không bị trôi
đi. Thông thường, phải mất 50 năm mới tạo ra một khu vườn dày 1m. Các
sản phẩm chủ yếu được trồng trong vườn là cà chua và đậu.
Đồng Lý, Trung Quốc
Đồng Lý là một thị trấn ở huyện Ngô Giang, ngoại ô
thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Đồng Lý nổi tiếng với những con kênh
thơ mộng, cây cầu cổ, nhiều ngôi nhà truyền thống và lưu giữ lại nét đặc
trưng của một thị trấn cổ Trung Quốc. Đồng Lý có tất cả 49 cây cầu đá
và nhiều vườn tược, đền chùa cổ. Cảnh quan thi vị và độc đáo ở đây là
yếu tố quan trọng thu hút rất nhiều du khách đến khám phá.
Bình An
Theo Infonet.vn