Chùa Bửu Minh

CHÙA SẮC TỨ KHẢI ĐOAN


117 PhanBội Châu – Tp Buôn Ma Thuột

 

 
 

Mục lục:
 
 
 

            Giới Thiệu:
            Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần. Bấy giờ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Trị Sự Trưởng Tổng Hội Phật Giáo trung phần tiếp nhận và công cử Hòa Thượng Thích Đức Thiệu thay mặt tổng hội trông coi xây dựng. Về phía Hoàng triều, bà Từ Cung đặt cử thứ phi Mộng Điệp theo dõi việc tôn tạo.
Chùa hướng mặt Tây nam , nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa thế của khu phố Buôn Ma Thuột. Cái thế “tiền thủy hậu sơn” theo quan niệm phong thổ hài hòa của kiến trúc cổ Việt, thế đứng vững chãi bền lâu cho muôn đời con cháu. Lối kiến trúc phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp vói phong cách nhà sàn của dân  tộc Tây nguyên, pha chút kiến trúc hiện đại. Mái chùa cong, dáng dấp một cái nhà rông, nhưng rất uyển chuyển mềm mại với những đôi dao long quyện mây lướt gió, thật độc đáo mà hài hòa, cổ kính mà cũng thật gần gũi đậm đà.
Kinh phí xây dựng ban đầu do bà Từ Cung hỷ cúng, thêm vào đó là công đức của bá tánh thập phương. Năm 1953, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà hậu tổ, chùa được sắc phong là “SẮC TỨ KHẢI ĐOAN” – đời vua Bảo Đại. Khải Đoan là 2 chữ  đầu của vua Khải Định và Đoan Huy Hòang Thái Hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa này.
Từ đây hội Phật Giáo Đaklak được thành lập, trải qua nhiều giai đoạn, từ hội Phật học đến GHPGVNTN cho đến ngày nay, Khải Đoan là trụ sở của Phật giáo.
Xuyên suốt nửa thế kỷ, Khải Đoan kế tục 7 đời trụ trì: trụ trì đầu tiên ngài thích Đức Thiệu, kế tiếp đời trụ trì có các ngài Thích Từ Mãn, Thích Thiện Nhơn, Thích Viên Đức, Thích Quãng Hương, Thích Quang Huy. Đương kim trụ trì đời thứ 7 là Thượng Tọa Thích Châu Quang, trưởng tử của Hòa Thượng Thích Đức Thiệu.
Nét đốc đáo cổ kính của ngôi chùa giữa lòng thành phố Buôn ma thuột đang vươn lên hiện đại hóa, đã trở thành thắng cảnh du lịch của Tây nguyên.
Qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập, Khải Đoan đã cùng nhân dân các dân tộc Tây nguyên, góp phần vào trang sử hào hùng của cả nước, bằng ngọn đuốc Thích Quảng Hương tự thiêu chống Mỹ – Diệm tại quảng trường Lam Sơn – Chợ Bến Thành – Sài Gòn, nay Là Tp Hồ Chí Minh.
Về mặt văn hóa, Khải Đoan là ngôi chùa được vua ban hiệu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, lại có ngôi chùa đầu tiên có mặt tại Đaklak của tổ chức Phật Giáo. Khải đoan là cái nôi Phật Giáo Tây nguyên; từ đây hàng trăm ngôi chùa trong tỉnh được hình thành. Dân gian quen gọi là chùa lớn hay chùa tỉnh.
Ngôi chánh điện gồm năm gian thoáng đạt là nơi thờ phật và lễ bái. Khu hậu tổ cũng không kém phần trang nghiêm cổ kính.
Cây Bồ Đề: là tặng vật lưu niệm của Đại đức Narada mang từ  Côlômbô qua Việt Nam nhân chuyến ghé thăm Banmethuot. Đại đức tặng chùa Khải Đoan năm 1962.
Quan Âm Các: xây dựng năm 1972, do sự đóng góp của các hàng Phật tử, đây là công trình kiến trúc độc đáo, là sản phẫm nghệ thuật do các thợ Huế xây dựng. Quan Âm Các được tu sửa vào cuối năm 2000.
Đại Hồng Chung: là bảo vật hiến cúng của Hòang thái tử Bảo Long và Bảo Thăng , do các nghệ nhân  phường đúc Huế tôn tạo tại làng Hưng Đạo 1953.
Thánh Tử Đạo Thích Quảng Hương: nguyên Trụ Trì Sắc tứ Khải Đoan (60-63), vị pháp thiêu thân chống chính quyền Ngô đình Diệm đàn áp Phật Giáo ngày 05/10/1963 tại công trường Lam sơn, chợ Bến thành –Sài gòn.
Công Đức Tạng: tôn tạo năm 1993, lưu niệm công đức tiền bối  qua các thời kỳ, từ sơ khời xây dựng cho đến đời thứ 6 trụ trì Chùa Khải Đoan. Nơi đây cũng là nơi an trí nhục thân cố Hòa Thượng Thích Quang Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Sắc Tứ Khải Đoan (1963-1993).
Cổng Tam Quan: công trình kiến trúc thực sự mang đậm sắc thái nghệ thuật kiến trúc kinh thành, cao, rộng, sâu. Phía dưới có 3 cổng ra vào, phía trên có 3 lầu vọng nguyệt, tựa như cổng ngỏ của của các vương phủ. 
 
 
VUA KHẢI ĐỊNH
(1916-1925)
Tên thật Bửu Đảo, sinh ngày 1 tháng năm Ất Dậu (ngày 8/10/1885) con vua Đồng Khánh và Tiên cung Dương thị Thục.
            Năm 1902, từ lăng Đồng Khánh về ở Tiềm để, bên bờ Bắc sông An Cựu.
            Năm 1906, được phong Phụng hóa Công.
            18/5/1916, Lên ngôi, niên hiệu Khải Định.
01/7/1917, Xây dựng trường nữ Đồng Khánh.
Năm 1918, ngự giá Bắc tuần; mở khoa Hương cuối cùng.
Năm 1919, mở thi hội khoa cuối cùng; lập đài chiến sĩ trận vong trước trường Quốc học.
Năm 1920, tiền tên Tiền Đề thành cung An Định, ban cho Hoàng trưởng tử.
Năm 1922, sách lập Đông cung Hoàng Thái tử, ngự giá sang Pháp.
Tháng 6 năm 1923, lầu Kiến trung làm xong.
Tháng 10 năm 1924, đại lễ tứ tuần, đại khánh.
06/1/1925, băng hà tại lầu Kiến Trung. 
 
 
Vị trí lịch sử  CHÙA KHẢI ĐOAN
 
 
 
Chùa Khải Đoan đối với nhân dân Đak Lak ngày nay đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng Phật giáo gần gũi thân quen. Khải Đoan chẳng những là ngôi chùa lịch sử, một thắng tích du lịch ở Tây Nguyên mà còn là chiếc nôi của sinh hoạt Phật giáo Đak Lak.
Với ý nghĩa đó, Khải Đoan có quyền hãnh diện và mãi mãi xứng đáng đi lên trong lòng Phật tử ĐakLak cũng như cả nước, hoà mình cùng bước thăng trầm của vùng đất Bazan mầu mở và của cả dân tộc. Khải Đoan mãi mãi xứng đáng với niềm ước vọng của những kiến tạo nên nó và của hàng ngàn Phật tử đang quy ngưỡng “Sắc tử  Khải Đoan tự”, mà thói quen thường gọi là chùa Lớn, chùa Tỉnh hội.
Khải Đoan ra đời trong thời kỳ chín mùi của phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 30, tiến tới giai đoạn thống nhất Phật Giáo 3 miền Trung, Bắc, Nam năm 1951; là giai đoạn trưởng thành của Hội Phật học mà trước đó Đak Lak hầu như chưa có dấu vết đạo Phật với những sinh hoạt quy củ.
Năm ấy (1951), cố Hoà ThượngThích Trí Thủ. Hội trưởng hội Phật giáo Trung phần, với niệm hoằng dương chánh pháp, đem đạo vào đời, mang ánh sáng đạo Phật đến những vùng đất xa xôi hẻo lánh. Ngài đã đứng ra vận động chính quyền pháp thuộc, chính quyền Nam triều và nhờ sự giúp đỡ của Đoan Huy hoàng thái hậu, mẹ vua Bảo Đại đương triều, sau đó sắc chỉ của triều đình được ban hành cấp đất xây dựng chùa. Đất gồm 7 mẫu 8 sào, chạy dài từ phía Đông giáp đường Trần Bình Trọng, Tây giáp vùng đất nghĩa địa Lạc Giao, Nam giáp dường Lê Văn Duyệt nối dài( nay là đường Quang Trung), Bắc giáp đường Phan Bội Châu. Toàn bộ diện tích đất chùa nằm về phía Tây cách trung tâm thị xã Ban Mê Thuột chừng 500 mét.
Ngôi chùa lịch sử đầu tiên có mặt tại Đak Lak cùng với người dân phu đồn điền Tây Nguyên gây dựng nên sinh hoạt tín ngưỡng Đạo Phật được đặt dưới sự bảo trợ và quản lý của hội Phật giáo trung phần.Thầy Thích Đức Thiệu, vị trưởng tử của Ngài Trí Thủ coi xây dựng. Đến cuối năm 1953 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hoà thượng Đức Thiệu cũng là vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa này. Sau đó, vì niệm hoằng hoá hoà thượng Đức Thiệu rời Ban Mê Thuột đi xây dựng cơ sở Phật giáo tại Pleiku. Trại Mát, Đà Lạt v.v....Đại Đức Thích Quảng Hương được hội Phật học trung phần bổ nhiệm kế vị trụ trì. Đến năm 1963, trước yêu cầu đòi hỏi Tự do tôn giáo, chống chính quyền bất công Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, Đại đức đã phát nguyện tự thiêu ngày 17/8/1963 tại chợ Bến Thành Sài Gòn, với tâm niệm tác động tâm thức của toàn thể giới nhân kỳ Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại Nữu Ước, thúc đẩy phái đoàn điều tra Liên hợp quốc sớm đến miền Nam Việt Nam, chứng kiến tại chỗ chính sách bất công tàn bạo của Ngô Đình Diệm với nhân dân yêu nước, tự do độc lập và công bằng xã hội tại miền Nam Việt Nam. Vị trụ trì kế tiếp phát triển ngôi chùa Khải Đoan đi vào lịch sử  đấu tranh Phật giáo. Năm ấy, Đại đức Thích Quang Huy được giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bổ nhiệm trụ trì và duy trì ngôi Tam Bảo. Kế vị trụ trì hiện nay là Đại đức Thích Châu Quang.
Với nguyện vọng ban đầu của những người sáng lập, ngay từ buổi đầu đưa vào sử dụng, Khải Đoan giữ vai trò Trung tâm Phật giáo tỉnh. Trụ sở Hội Phật học tỉnh Đak Lak đầu tiên đặt tại đây với người đứng đầu guồng máy là cụ Hoàng Trọng Quang thường gọi là cụ Hường, vị hội trưởng đầu tiên . Kế đến các đời hội trưởng có thầy Thích Đức Thiệu, Thích Từ Mãn, Thích Thiện Nhơn, Thích Viên Đức, Thích Thuyền Ân. Sau 1963, Phật giáo miền Nam thống nhất sinh hoạt các giáo phái, các hội tăng già và hội Phật học, Khải Đoan lại tiếp tục sứ mạng của mình là trung tâm sinh hoạt giáo hội tỉnh với các nhiệm kỳ chánh đại diện gồm thầy Thích Minh Đức, Thích Đức Thiệu, Thích Nguyên Thanh, Thích Quán Tâm, Thích Toàn Anh, Thích Định Hương, Thích Quang Huy, Thích Giác Dũng
Sau ngày đất nước thống nhất, Phật giáo cùng dân tộc đi vào ổn định cuộc sống. Năm 1981 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, Khải Đoan lại một lần nữa lãnh xứ mạng cao cả của mình trong vai trò lảnh đạo Giáo hội tỉnh. Hai nhiệm kỳ đại hội phật giáo tỉnh ( 1986 - 1990) Khai diễn nơi đây, cũng như văn phòng Ban trị sự  đặt tại đây đã xác minh hùhg hồn vị trí, vai trò của Khải Đoan mà không một ai có thể phủ nhận.
Một nét khá đặt biệt ở cương vị lãnh đạo trung tâm sinh hoạt phật giáo Khải Đoan là thượng toạ Thích Quang Huy, trưởng ban trị sự lại là một tu sĩ suốt mấy nhiệm kỳ giữ chức vụ phó đại diện giáo hội tỉnh từ năm 1963 đến năm 1975, là nhân chứng trước bao thăng trầm của cơ sở này. Khải Đoan vẫn vươn lên sứ mạng lãnh đạo của nó.
Ngoài sứ mạng lãnh đạo, Khải Đoan còn là ngôi chùa mang nét nghệ thuật độc đáo của Tây Nguyên, hài hoà trong nét cổ kính của phương Đông. Toàn cảnh chùa quay mặt chênh chếch hướng Tây- Nam. Trông xuống vùng dân cư suối Đốc học, xưa kia là suối, nhận hai nguồn nước từ thị xã đổ về. Lưng chùa tựa vào thế đất dày của phố chợ Buôn Ma Thuột. Phù hợp với thể hình địa lý của người Á Đông; tiền thuỷ hậu sơn mà quan niệm địa dư gọi là 1 thế vững chải miên trường.
Phần chính của chùa được xây đựng đầu tiên là một ngôi chánh điện, phối trí theo kiểu nhà Rồng, kết hợp nghệ thuật kiến trúc của Nguyễn qua tám mái chồng diêm và đỉnh nóc có hình dáng tượng trưng lối kiến trúc “Lưỡng long chầu nguyệt”, mái chùa nhô ra như mái nhà Rồng của các dân tộc Tây Nguyên, bốn góc có hình đào uốn lượn. Các bậc tam cấp lên chánh điện, sân được lát bằng gỗ khá công phu tạo một cảm giác gần gũi thân quen của các ngôi nhà sàn dân tộc . Chánh điện chia làm 3 gian, kiểu nhà 3 gian 2 chái cổ xưa, rộng rãi thoáng mát. Trung tâm chánh điện, một bảng hoành phi chạm trổ công phu chữ Hán được mạ vàng là bảng tên chùa vua ban “Sắc tứ Khải Đoan tự” ,thêm hàng chữ nhỏ “Bảo Đại Quý Tỵ niên xuân cát nhật”, do các nghệ nhân kinh thành Huế tôn lập. Việc thờ tự nơi đây đã thoát lối thờ ngày trước, chỉ thờ tượng độc tôn và hai bên là các vị đại Bồ Tát. Các pho tượng đều mang dáng dấp nghệ thuật thời Nguyễn.
Đặc biệt, chùa không kiến tạo tháp chuông, trống mà đã được thay vào những mái nhà Rông cao ngất uốn lượn. Tiếng chuông trên mặt sàn cao đã đủ sức vang vọng khắp vùng. Đại hồng chung là một công trình nghệ thuật triều Nguyễn, nặng 380kg, do thái tử Nguyễn Phúc Bảo tặng và các nghệ nhân phường đúc Huế tôn tạo ngày 15/12/1963, với đường nét khắc chạm tinh xảo,công phu.
Sau 1963, do nhu cầu mở rộng, đáp ứng sinh hoạt ngày càng lớn, phần lớn chính điện đã được mở rộng bằng một nhà hai tầng bê tông cốt sắt .tầng trên tiếp giáp với chánh  điện nhằm mở rộng diện tích thờ tự và hành lễ, phần dưới làm văn phòng ban đại diện tỉnh hội những năm trước, hai bên làm tăng phòng cho các chức sắc thường trú –Đại đức Thích Nguyên Thanh, chánh đại diện giáo hội tỉnh đồng thời là người phát triển thêm phần sau chánh  điện này. Được biết dự  tính trên mái bằng của phần hậu tẩm này trong tương lai sẽ tạo dựng một ngôi bảo tháp, tạo cho cảnh quang  ngày thêm tráng lệ , hùng vĩ. Trứơc chùa cách một sân rộng là cổng Tam quan  với  hai tầng tháp  ,tầng trên tôn thờ đức Hộ pháp Bồ tát.Cảnh trái chánh diện là Quan Âm Cát được tạo dựng rất công  phu. Tượng Quan Thế Âm dựng trên toà sen, giữa một chiếc hồ tròn, phía trước có hình long mã phù  đồ, một chiếc cầu xi măng bắc qua.Toàn cảnh Quan Thế Âm là một biểu tượng cứu khổ độ sanh của đức Quan Thế Âm trên biển Nam Hải. Cách phối trí hài hoà thật là hữu tình non nước. Cánh phải chánh điện là khu nhà giảng đường tỉnh hội Đaklak được xây dựng vào năm 1970. Tiếp giáp là khu vực văn hoá xã hội, gồm trường Bồ đề, cô ký nhi viện Khải Đoan. Phía sau chánh điện là nhà thờ tổ, trí linh cùng một dãy tăng phòng phía trái. Tất cả được phối trí hài hoà kim cổ. Đó là tất cả địa hình và kiến trúc của chùa Khải Đoan.
Ngày nay, Khải Đoan và vị trí thực dụng của nó chỉ còn không đầy một mẫu. Nhưng Khải Đoan vẫn mãi trong lòng Phật tử Đaklak. Một ngôi chùa Lớn, chùa Tỉnh hội . Vị trí và tầm quan trọng của ngôi chùa vùng đất đỏ này đã tự nó khẳng định trong lòng người dân Đaklak, qua nhiều biến cố chiến tranh. Khải Đoan không sao tránh khỏi ảnh hưởng, song vẫn giữ được những nét cơ bản của phong cách nghệ thuật ban đầu . 
 
 
 
CHÙA KHẢI ĐOAN
Một di tích Văn Hoá – Lịch sử
 
 Chánh Điện
 
Chùa Khải Đoan nằm giữa đường Phan Bội Châu và Quang Trung, thuộc phường Thống Nhất – TP Banmêthuột. Chùa là trung tâm sinh hoạt của Phật giáo Daklak, ra đời và phát triển gắn liền với một bộ phận dân cư thành phố. Về kiến trúc – mỹ thuật, chùa có nhiều nét độc đáo, kết hợp hài hoà 2 lối kiến trúc Kinh – Thượng. Về lịch sử, chùa Khải Đoan là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn; nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Vậy chùa Khải Đoan có nên đề nghị xét nhận di tích văn hoá hay không? Sau đây là ý kiến ngắn mong góp thêm vài dòng gợi mở.
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG
Chùa Khải Đoan bắt đầu được xây dựng từ năm 1951, với 2 phần Hậu Tổ và nhà Giảng, còn Chánh điện thì đến 1953 mới khởi công. Căn cứ vào các văn bản còn lưu giữ thì công lao lớn nhất đóng góp xây dựng chùa thuộc về Đoan Huy Hoàng thái hậu (Vợ vua Khải Định) và sau đó là sự góp sức của bà con Phật tử.
Vào những năm cuối thế kỷ XX, theo những luồng di dân lập nghiệp của người Kinh, Phật giáo bắt đầu lan truyền ở Daklak. Năm 1905, trong bản đồ của người Pháp đã thấy xuất hiện của một ngôi chùa và những tụ điểm sinh hoạt khác. Đến đầu những năm 50 thì Phật giáo thực sự phát triển rộng rãi, cần có một trung tâm sinh hoạt lớn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp tìm cách chèn ép không cho phát triển, việc nhờ cận đến một người trong Hoàng tộc đứng ra xây dựng chùa là một giải pháp cần thiết. Trong bối cảnh đó, Đoan Huy Hoàng thái hậu đã làm “Mạnh Thường Quân” cho Phật giáo Daklak, nhận bảo lãnh chùa.
Về tên gọi, có người giải Nôm từ Khải Đoan là mở đầu sự tốt đẹp. Nhưng theo chúng tôi Khải Đoan là ghép hai từ đầu của Khải Định và Đoan Huy. Bởi vì tên “Khải Đoan Tự” không phải ai khác đặt ngoài bà Đoan Huy. Chính trong một bức thư hiện còn lưu giữ, bà viết: “với một số tín đồ Phật giáo vui lòng hưởng ứng, phụ lực, tôi đã cho xây dựng (chùa) từ năm 1953 và mang danh ba chữ Khải Đoan Tự cho trang nghiêm, tôn phụng” (Đoan Huy Hoàng Thị Cúc – Thư gửi Tổng trị sự giáo hội Tăng gia Trung Việt và Hội Việt Nam Phật học ngày 01/3/1955).
Từ ngày xây dựng đến nay, chùa trải qua nhiều thăng trầm. Sau nhiều lần sửa sang và trùng tu, hiện tại chùa có những thay đổi so với lúc mới hình thành. Nếu không kể xi măng cốt thép thì toàn bộ phần mộc trong và ngoài nội thất đều do bàn tay khéo léo của những người thợ Cố Đô Huế tạo dựng và trang trí. Họ đã tiếp thu phong cách kiến trúc địa phương nhào trộn với kiến trúc nhà Rồng  tạo nên một công trình mang yếu tố đan xen văn hoá, thắm đượm mối tình đoàn kết Kinh – Thượng.
            VÀI NÉT VỀ KIẾN TRÚC VÀ TRANG TRÍ
Như đã trình bày trên, chùa Khải Đoan xây dựng không xa chúng ta về thời gian,song kiến trúc có những nét độc đáo, vừa mang lối kiến trúc Triều Nguyễn vừa mang yếu tố bản địa. Nhìn đại thể, chùa được cấu trúc theo hình chữ Tam, trước là cổng tam quan,giữa là Chánh điện,sau là nhà Hậu tổ cách nhau một khoảng sân rộng.
Trước hết nói về Cổng tam quan. Đây là kiến trúc tương đối hoàn chỉnh,gồm hai tầng với ba vòm cửa.Cổng cao 7 mét, rộng 10,5 mét, dày gần 3 mét; trước và sau đều có ghi 3 chữ “Khải Đoan Tự”. Mặc dù mô phỏng kiến trúc cung đình nhưng với dáng dấp hiện đại, cổng Tam quan không có vẻ đường bệ như một số kiến trúc cùng thời khác.
Từ cổng đi qua một khoản sân rộng, chúng ta gặp Chánh điện. Đây là một công trình chính trong cấu trúc chùa, với mặt bằng hình chữ nhật (16 x 20m) và phân làm hai phần rõ rệt. Nửa phần trước của Chánh điện mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên. Toàn bộ cột đặt trên 4 hàng cột đá, nâng kiến trúc lên khỏi mặt đất và tạo thành kiểu sàn trên cột. Nữa sau thì hoàn toàn xây theo lối hiện đại. Tuy vậy nhìn chính diện, Chánh điện vẫn là một công trình kiến trúc theo lối cổ. Nhất là khi vào trong xem xét kỷ bộ giàn trò, mới thực sự thấy hết vẻ độc đáo của nó. Để mở rộng lòng nhà, hàng cột giữa được cắt bỏ và nâng lên thành chồng rường trên bộ khung dài. Mặt khác hai day cột chính lùi vào vách, nối với nhau bằng một xà ngang. Đây là một cấu trúc đặc trưng của nhà Tây Nguyên, có tác dụng làm cho nhà phát triển theo chiều dài. Một điều thú vị là nhà rường thường không có bộ phận đỡ đòn nóc, nhưng ở đây xuất hiện một cột rốn từ đòn nóc đến chánh giữa rường, làm ta liên tưởng ngay đến kiến trúc nhà của một số dân tộc Tây Nguyên. Cũng chưa rõ chi tiết này có ý nghĩa tôn giáo hay chịu lực, nhưng trông khá lạ mắt.
Bên cạnh những nét chung của chùa chiền, về tạo hình và trang trí nội thất chùa Khải Đoan cũng có những nét riêng biệt, tập trung chủ yếu ở Chánh điện và nhà Hậu tổ. Như đã nói trên, không gian chánh điện mang dáng dấp nhà dài nên bố trí nội thất tổng thể cũng mang chi tiết đó, có nghĩa là toàn bộ phần trưng bày và trang trí đều được gói gọn trong nội thất giống như sinh hoạt nhà dài (1).
Tượng Phật Thích Ca ở giữa Chánh điện bằng đồng cao 1,1 mét; đài sen bằng gỗ cao 0,35 mét trang trí nhiều hoa văn. Đáng chú ý hơn cả bên trong Chánh điện là chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Chuông có kích thước khá lớn, nặng 380 kg, đúc vào ngày rằm tháng chạp năm Quý Tỵ (tức tháng 01/1954). Phần thân cao 1,15 mét, chu vi đáy 2,7 mét. Quai chuông là đôi rồng liền thân, được đúc với kỹ thuật tinh xảo, thân dưới cong, mình đầy vẩy, cổ uốn khúc dính chặt vào mặt chuông, hàm răng nhe rộng ngậm hạt châu. Phần trên chuông ghi 4 chữ “Khải Đoan Chung tự”. Dưới thân chuông là hai đường viền hoa văn chạy hoạ tiết “lưỡng long triều nguyệt”với 8 con rồng đôi quay vào nhau (2).
 
CHÙA KHẢI ĐOAN TRONG THƠI KỲ KHÁNG CHIẾN
 
Cũng giống như nhiều cơ sở Phật giáo ở miền Nam, trong suốt cuộc kháng chiến của dân tộc, chùa Khải Đoan là nơi có phong trào Phật giáo yêu nước, đấu tranh đòi hoà bình, thống nhất Tổ quốc và chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm sôi sục, mạnh mẽ. Tiêu biểu trong phong trào này là các vị chánh đại diện Phật giáo Daklak kiêm trụ trì chùa Khải Đoan như Đại đức Thích Đức Thiệu, Đại đức Thích Quãng Hương và rất nhiều Tăng ni, Phật tử khác.
Chùa còn là nơi đùm bọc, che chở cho nhiều quần chúng Cách mạng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp. Có những thời điểm khó khăn, khốc liệt do địch khủng bố dữ dội, chùa trở thành nơi liên lạc của nhiều cán bộ cơ sở mật tại nội thi Buôn Mê Thuột. Đồng thời, chùa Khải Đoan lại chính là nơi đã nổ ra các cuộc đấu tranh chính trị, góp phần quan trọng vào phong trào Cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Dưới đây là tóm tắt 3 cuộc đấu tranh lớn từ 1954 đến 1968:
Từ năm 1954 đến 1960 trong bối cảnh miền nam dấy lên phong trào đấu tranh đòi hoà bình thống nhất Đất nước chùa KHẢI ĐOAN đã sớm trở thành tụ điểm của các hoạt động đấu chính trị hợp pháp, chống âm mưu thủ đoạn phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ của Chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1959, gần bảy nghìn phật tử đã tổ chức một cuộc biểu tình tại chùa KHẢI ĐOAN nêu cao khẩu hiệu đòi Ngô Đình Diệm thi hành các điều khoản của hiệp định Giơ ne vơ, đòi thi hành dân chủ, dân sinh, chống đàn áp khủng bố (lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột – tập II trang 21).
Từ năm 1960 đến1963, do ảnh hưởng sâu sắc của phong trào Phật giáo miền Nam, Phật tử tại Banmêthuột liên tục xuống đường đấu tranh đòi dân chủ, chống phân biệt, kỳ thị tôn giáo của tập đoàn Diệm  - Nhu. Ngày 11/6/1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sai Gòn chống chế độ Ngô Đình Diệm đã gây xúc động lớn trong đồng bào Phật giáo Đăk Lăk.  Tháng 7 năm 1963, Đại đức Thích Quảng Hương(chánh đại diện Phật giáo Đăk Lăk kiêm trụ trì chùa Khải Đoan) phát nguyện tự thiêu đúng vào thời điểm phái đoàn Quốc Tế đến thanh sát tình hình làm cho cuộc đấu tranh của Phật giáo Đăk Lăk bùng lên quyết liệt góp phần làm lung lay 
 
   ĐÔI NÉT KIẾN TRÚC CHÙA KHẢI ĐOAN
 
Ngôi chùa Khải Đoan thời gian xây dựng không xa chúng ta bao nhiêu, song về kiến trúc độc đáo vừa mang dáng dấp kiến trúc triều nguyễn, vừa mang yếu tố bản địa. Nhìn đại thể cấu trúc theo hình chữ “tam” ( 三 )
Trước: Cổng Tam quan
Giữa:    Chùa chính (Chánh điện)
Sau:     nhà hậu Tổ
   Cổng cao khoản 9m, rộng 12m, tường dày từ 40-60cm, chiều sâu cổng day khoản 3m. Dáng cổng đồ sộ, hùng tráng. Tầng trên như một vọng gác, có 3 cửa có thể ra vào được nhưng chỉ để vong. Bên trong lầu chính thờ thần hộ pháp, theo truyền thuyết thì đây là vị thần bảo vệ chùa.
 
Từ cổng Tam quan đi vào, bên phải chánh điện là điện Quan Âm, bên trái là điện Di Đà. Sau cách chánh điện một khoảng sân rộng là nhà thờ Tổ - trí linh.
Cổng Tam quan: Đây là kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm hai tầng với ba vòm cửa, cổng cao 7m, rộng 10,5m, dày 3m, Bên ngoài nhìn vào cổng, tầng trên ghi ba chữ “KHẢI ĐOAN TỰ “啟端守”.
Hai bên có bốn câu đối ghi:
          山水有情門精舎
            Sơn thủy hữu tình môn Tịnh xá
        煙雲無盡謢法門
            Yên vân vô tận hộ pháp môn
    Dịch nghĩa:
            Non nước hữu tình đoanh tịnh xá
            Khói mây vô tận giữ pháp môn
    Hai câu ngoài:
        盡把好風藏寺裏
            Tận bả hảo phong tàng tự lý
        不教 幽景落人間
            Bất giáo u cảnh lạc nhân gian
    Dịch nghĩa:
            Biết bao cảnh đẹp trong Tịnh xá
            Dễ đâu tìm thấy giữa nhân gian.
    Bốn câu tầng dưới:
        暮鼔辰錘驚醒人間行正道
            Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh nhơn gian hành chánh đạo
        宣經說法普通天下起慈心
            Tuyên kinh thuyết pháp phổ thông thiên hạ khởi từ tâm
    Dịch nghĩa:
        Sáng chuông chiều trống, cảnh tỉnh người đời theo nẻo chánh.
        Giảng kinh nói pháp, khắp nơi thiên hạ phát từ tâm.
    Hai câu trong:
          啟入禪門自覺圓成無二法
            Khải nhập thiền môn tự giác viên thành vô nhị pháp
        端嚴佛子修行得道有三乘
            Đoan nghiêm Phật tử tu hành đắc đạo hữu tam thừa
    Dịch nghĩa:
            Vào cửa thiền môn tự giác tròn đầy, không phân biệt.
            Phật tử trang nghiêm, tu hành đắc đạo, đủ tam thừa.
Từ trong sân chùa nhìn ra cổng, chúng ta thấy tầng trên chính giữa cổng đề 3 chữ “NHƯ LAI TẠNG” (如來藏)
    Hai bên có 4 câu đối:
            Hai câu giữa:
       佛法有現前
            Phật pháp hữu hiện tiền
       眾生登彼岸
            Chúng sanh đăng bỉ ngạn
    Dịch nghĩa:
            Phật pháp hiển hiện bày
            Chúng sanh thoát bờ mê.
    Hai câu hai bên:
       佛正遍知超法界
            Phật chánh biến tri siêu pháp giới
       教真實義度群生
            Giáo chơn thật nghĩa độ quần sinh
    Dịch nghĩa:
            Phật chánh biến tri siêu pháp giới
            Giáo nghĩa chơn thật cứ quần sanh
    Bốn câu tầng dưới ghi chữ Việt:
    Hai câu trong:
        Thuyền Bát nhã ra tay tế độ, cứu người bể trầm luân
        Nơi Phật đài mở dạ từ bi, giúp kẻ si mê lầm lạc.
    Hai câu ngoài:
        Gióng mỏ khuyên răn kẻ làm lành
        Tiếng chuông thức tỉnh người lánh dữ
             Tầng trên cổng, vòm giữa thờ tượng Ngài Hộ pháp biểu trưng sự gìn giữ hộ trì chánh pháp. Sau cổng tam quan là m khoảng sân rộng trước chánh điện.
            Chánh điện là công trình chính của cấu trúc chùa, được chia làm 3 gian, 2 chái theo lối cổ, rộng thoáng mát. Tại trung tâm chánh điện, phía trên là bảng hoành phi chạm trổ hình (Lưỡng long chầu nguyệt) rất công phu, chữ Hán được thếp vàng là bảng tên chùa vua, được viết chữ Hán là “Sắc tứ Khải Đoan tự”    (敕賜啟端守)
 Bên phải là hàng chữ “Triện” nhỏ ghi: “Bảo Đại Quý Tỵ niên mạnh xuân cát nhật”                            (保大癸巳年孟春吉日)
            Bên trái ghi: “Quốc vương từ tế đạo nhân ngự đề”
            國王慈漈道人御提
            Phía dưới chính giữ chữ “ĐOAN” (端) là “Từ Cung” (慈宮) khắc theo khuôn dấu hình vuông.
Đứng ở giữa chánh điện có cấu trúc mặt bằng hình chữ “Nhựt”     (日)
(16 x 20 m) chùa làm hai phần, nữa phần trước chánh điện mang dáng dấp nhà dai Tây nguyên mà ngược lại kiến trúc cột kèo theo mẫu nhà rường cố đô Huế. Toàn bộ cột đặt trên 4 cột đá nâng kiến trúc lên khỏi mặt đất tạo thành kiểu sàn ở trên cột.
            Khi vào bên trong xem xét thật kỹ, thấy toàn bộ giàn trò mới thật sự hết sức độc đáo. Để mở rộng lòng nhà, hàng cột giữa được cắt bỏ và nâng lên thành chồng rường trên bộ khung dài. Hai dãy cột chính lùi vào vách, nối với nhau bằng một xà ngang, lối kiến trúc nầy đặc trưng cho nhà Tây nguyên, có tác dụng làm cho nhà phát triển theo chiều dài. Điều thú vị nữa là nhà rường không có bộ phận đỡ đòn nóc, vả lại nơi đây xuất hiện một cột rốn từ đòn nóc đến chính giữa rường, khiến cho ta liên tưởng đến kiến trúc nhà của một số dân tộc thiểu số ở Tây nguyên nói chung, nổi bật là ở Daklak.
            Phần nửa sau thì hoàn toàn xây theo kiến trúc hiện đại (xi măng, bê tông cốt thép), vì phần nầy muốn nới rộng phần chánh điện. Chính giữa phần chánh điện dưới nhà sàn gỗ là nhà trước chánh điện theo lối kiến trúc nhà dài Tây nguyên, thì ngay dưới sàn có gạch nối giữa phần trước và sau chánh điện theo lối kiến trúc hiện đại, thì chánh giữa gạch nối giữa hai cột ấy ta nhìn thấy hai tâm liễn đối treo hai bên cột chánh điện có hai dòng chữ ghi:
            Cột bên phải ghi:
 塵劫或然那一朝南比爪分無罪眾玍臨苦海
Trần kiếp hoặc nhiên na nhứt triêu Nam Bắc qua phân vô tội chúng sanh lâm khổ hải                  佛心如在者千古啟端蓮坐有依方便普慈雲
Phật tâm như tại giả thiên cổ Khải Đoan liên tọa hữu y phương tiện phổ từ vân
佛子:廣慧- 杜楊林o供進- 乙未年仲冬       (1955)
Phật tử: Quảng Huệ – Đỗ Dương Lâm, cung tiến Ất Mùi niên trọng Đông (1955)
            Dịch nghĩa:
Trần kiếp vô thường, một sớm phân chia Nam Bắc, chúng sanh vô tội chìm trong bể khổ.
Phật tâm thường tại, muốn mở bày Khải Đoan, hằng phóng tòa sen độ kẻ trầm luân.
            Hay là:
Trần kiếp vô thường, một sớm Nam Bắc phân chia, chúng sinh vô tội chìm trong bể khổ.
Phật tâm thường tại, muôn thuở Khải Đoan mở bày, hằng phóng tòa sen độ kẻ trầm luân.
            Phía sau chánh điện là nhà hậu Tổ, hai giang hai bên nhà thờ tổ là thờ các Hương linh (các tín đồ Phật giáo mất), chính giữa thờ Tổ, hai bên trước bàn thờ treo hai câu đối nền đem thếp chữ vàng
            Câu bên phải ghi: 看曼陀華莊嚴絕妙
                            Khán  mạn đà hoa trang nghiêm tuyệt diệu.
            Câu bên trái ghi:   證菩提壽色相皆空
                             Chứng Bồ đề thọ sắc tướng giai khôn
        信嬡: 記, 法名: 潤技,癸巳        (1953) 恭 進-             Tín ái: Ký, pháp danh Nhuận Ky, cung tiến – Quý Tỵ (1953)
            Dịch nghĩa:
                        Trên hoa Mãn Đà thấy trang nghiêm tuyệt diệu
                        Dưới cội Bồ Đề rõ sắc tướng đều không
Phật tử:
            Chính giữa thờ Tổ là thờ chư vị Giác linh Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, chư vị hữu công khai sáng, tạo lập, trùng tu ... được thờ tự một cách trang nghiêm, điều đặc biệt thờ đức Từ Cung và vua Khải Định ở chính giữa.
            Bên trái chánh điện là Điệm Quán thế Âm được tạo dựng năm 1970 rất công phu, tượng Quan Âm đứng trên đài sen, đặt giữa hồ tròn, trước có hình “Long mã phù đồ” nối với một chiếc cầu xi măng bắt qua ...
Quan Thế Âm xây dựng kiểu hình lục giác, 6 trụ đều được đắp hình rồng uốn lượn mềm mại quang trụ, mái tháp 3 tầng. Tất cả phần chính của Quan Âm cát được nâng lên giữa mặt hồ có lan can bao bọc, bảo vệ toàn bộ Quan Âm cát và lòng hồ là một la thành chắn song sắt thoáng đạt hài hòa, dẫn vào bảo tòa Quan Âm cát (? ? ?) bằng một cổng hai trụ bê tông, trên trụ là 2 búp sen hồng. Mặt trước 2 trụ có hai câu đối:
             鳳閣莊嚴觀自在
        Phụng cát trang nghiêm Quán tự tại
        蓮壯麗見如來
        Liên đài tráng lệ kiến Như Lai.
            Cạnh hai thân trụ cổng được bố trí 2 con nghê vờn báng. Trung tâm cát là tượng Quan Thế Âm Bồ tát ngự trên tòa sen trắng.
            Quan Âm cát được tạo lập từ năm 1970, do Đại đức Thích Quán Tâm chỉ đạo và thực hiện là các thợ nề của Huế.
            Phía Tây Nam của chánh điện là ngôi Bảo tháp an phần thi hài Hòa thượng Thích Quan Huy, vị trụ trì và là Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Daklak nhiệm kỳ I và II (1986-1993).
            Tháp được xây dựng theo kiểu cổ lầu thờ bảo tượng, mái cổ lầu hình lục giác,  6 góc mái của 2 tầng có hình dao uốn lượn, đỉnh tháp là búp sen. Phần cổ lầu gắn phù điêu mô tả cuộc đời Phật tổ, phần dưới cổ lầu trang trí phù điêu đắp nổi cảnh bông hoa chim thú. Mặt tháp hướng Đông Nam được trang trí hiệu tháp: “CÔNG ĐỨC TẠNG’
Bên trong lòng tháp tôn trí bảo tượng phật A Di Đà ngự trên đài sen trắng. CoÏng sen là một trụ hình lục lăng, 6 mặt ghi bia ký bằng chữ Việt, riêng mặt trước là di ảnh của Hòa thượng Thích Quang Huy, 5 mặt còn lại là ghi công đức của những vị tiền nhân quá vãng đã có công tạo dựng chùa, truyền bá Phật pháp, đóng góp vào sự hưng thịnh của đạo cũng như đời. Đó là công đức tạo dựng của Đoan Huy Hoàng thái hậu – chánh phi của vua Khải Định, người đã hiến cúng sở đất gần 8ha để xây dựng chùa; Hòa thượng Thíhc Đức Thiệu – người đã trực tiếp trông coi việc xây dựng và là trụ trì đầu tiên chùa Khải Đoan; Thượng tọa Thích Viên Đức – người có công hoằng truyền Phật pháp, kiến lập nhiều ngôi chùa khác trong tỉnh; Đại đức Thích Quảng Hương, vị trụ trì chùa đã tự thiêu chống áp bức bất công, kêu gọi hòa bình độc lập dân tộc dưới thời Ngô đình Diêm; văn bia thứ năm ghi lại đạo hạnh của Hòa thượng Thích Quang Huy, người đã gắn bó suốt 3o năm với Phật giáo Daklak, tạo nhiều công hạnh đối với đời và đạo – người đã nước tặng huân chương chống Mỹ cứu nước năm 1993.
            Tượng Phật Thích Ca cao 1m20, ngự tọa trên tòa sen cao khoản 40cm, bệ thờ bằng gỗ, khắc chạm hoa văn rất công phu.      Tượng do thợ của làng phường đúc Huế đúc vào năm Quý Tỵ,
Cùng thời ấy,  Đại hồng chung được đúc tại làng Hưng Đạo – Tp BMt, do các nghệ nhân đúc đồng khuôn hội Tịnh độ làng Dương Biều, cố đô Huế tôn tạo ngày 15 tháng 12 năm Quý Tỵ (01/1954).
Thân đại hồng chung cao 1m15, chu vi đáy 2m70, nặng 380kg, quai chuông là con rồng con rồng chầu liền thân, dõng mãnh, mình đầy vảy, thân uốn cong, chân trước và cổ uốn cong gắn liền vào đỉnh chuông, miệng ngậm châu.
            Chung quanh 4 mặt chuông từ quai xuống lần lượt được thể hiện:
Dòng chữ Hán đúc nổi:”Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”
Ngăn cách ô bên dưới là một dãy hoa sen đúc nối liền nhau.
Tiếp xuống có 4 ô chữ, mỗi o chứa 1 chữ “KHẢI – ĐOAN – TỰ – CHUNG”
Vòng hoa văn liên vạn được tiếp nối với bài kệ chuông:
 “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tát giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác”
 “Hồng chung sơ khấu – Bảo kệ cao Âm
Thượng thông thiên đường – hạ triệt địa phủ
Nam mô U Minh Giáo chủ cứu khổ bổn tôn
Cứu bát minh đồ Đại nguyện Địa tạng vương Bồ tát Ma ha tát.”
 “Nhĩ thời Quán Thế Âm Bồ tát tức tùng tọa khởi
Đảnh lễ Phật túc nhi bách Phật ngôn
Thế tôn ức niệm ngã tích vô số hằng sa kiếp ư thời hữu Phật
Xuất hiện ư thế danh Quán Thế Âm ngã niệm bỉ Phật
Phát Bồ đề tâm bỉ Phật giáo ngã tùng văn tư tu
Nhập tam ma địa sơ ư văn trung nhập lưu vong sở
Sở nhập ký tịch động tịnh nhị tương liễu nhiên bất sanh
Như thị tiệm tằng văn sở văn tận văn bất chủ
Giác sở giác không không giác cực viên không sở không diệt
Sanh diệt ký diệt tịch diệt hiện tiền”
        Các ô kế tiếp chia theo chiều đứng của thân chuông lần lượt thể hiện:
Phương danh người cúng:
        Đoan huy Hoàng thái tử Bảo Thăng, Bảo Long  kính tặng.
        Đoan Huy Hoàng Thái hậu Hoàng Thị Cúc – pháp danh Trừng Thành – tự Diệu Hòa,
        Đông cung Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Bảo – pháp danh tâm Aán
        Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo – pháp danh tâm Hải
        Đồng thanh tín đẳng phụng cúng
Trước sự chứng minh của: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết
Tường Vân tự Đường đầu Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chứng minh
Thừa thiện Giáo hội Tăng già đồng hộ niệm
         Phật lịch nhị thiên ngũ bách thập lục niên
        Tuế tại Quý Tỵ thập nhị nguyệt thập nhựt chung tạo
        Giá đồng trọng tam bách bát thập ki lô linh
        Dương Biều Tịnh độ khuôn chú tượng ban phụng chú
Thời gian đúc chuông: rằm tháng chạp năm Quý Tỵ (nhằm ngày 01/1954)
Tiếp theo là hai dãy hoa văn “lưỡng long chầu nguyệt”.
Kết thúc nơi phần loe rộng của chuông là dãy hoa văn sóng nước đều đặn.
        Mặc dầu chuông có thời gian xuất hiện không xa chúng ta lắm, nhưng giá trị từ thân của Đại hồng chung nầy cho chúng ta thấy: đây là tác phẩm nghệ thuật đồng có giá trị mỹ thuật, văn hóa độc đảo nhân dân ta dưới thời phong kiến. 
............................. 
 
THÁNH TỬ ĐẠO THÍCH QUẢNG HƯƠNG
Người có công lớn trong việc phát triển cơ sở tại Daklak
 
            Đại đức Thích Quảng Hương, người gốc Tuy Hòa – Phú yên. Năm 1943, xuất gia đầu Phật với Hòa Thượng trụ trì chùa Kim Cang (Phú yên). Tốt nghiệp Phật học viện Nha Trang, được Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan và giảng sự tại Tỉnh hội Daklak vào năm 1961.
            Vào thời ấy (1961-1962), tại Daklak chỉ vỏn vẹn có 5 ngôi chùa: Sắc tứ Khải Đoan (trụ sở Tỉnh hội), Châu Phong (Quảng Nhiêu nay là huyện Cư M’Gar), Nam Thiên (Đạt Lý nay là xã Hòa Thuận), Tây Thiên (đồn điền cao su CHPI nay là phường Tân Lập) và Đông Độ (Meval). Trong khi đó, đồng bào ta (trong đó có nhiều Phật tử) từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên v.v…….. bị chính phủ Ngô Đình Diệm cưỡng ép đưa lên Daklak để khẩn hoang lập ấp gọi là vùng dinh điền. Đời sống của bà con ở các nơi ấy, về kinh tế nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ nên cuộc sống tạm ổn định, song về mặt tinh thần thì lúc nào cũng bị đe dọa, bức bách. Nhất là những tín đồ Phật tử thì bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Bà con Phật tử muốn lập một ngôi chùa (dù là mái tranh vách nứa) cũng rất là khó, phải đấu tranh năm lần bảy lược với chính quyền mới được, nhưng phải cất ngoài hàng rào ấp chiến lược, có nơi dễ dãi thì cất trong hàng rào nhưng phải ở tận sâu cùng ấp chiến lược.
Thấu rõ nỗi thống khổ ấy, đại đức Thích Quảng Hương nhiều lần đề nghị với Ban Trị sự Tỉnh hội tìm biện pháp giúp đỡ, can thiệp. Nhưng lời đề nghị của Thầy không có hiệu quả. Bức xúc trước tình cảnh ấy, Thầy thổ lộ với một số anh em Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử về ý định dấn thân của thầy cho đồng bào Phật tử ở các vùng dinh điền. Đồng cảm với sự trăn trở lo lắng của thầy, các anh Nguyễn Đình Vang, Phạm Hiền Lương và Nguyễn Minh Tâm phát nguyện cùng thầy làm Phật sự nầy. Có được người cận sự, có phương tiện đi lại, thầy và các anh lần lượt len lỏi vào các vùng dinh điền để thăm hỏi, an ủi động viên Phật tử, giải quyết những Phật sự cần thiết cho đời sống tín ngưỡng cần thiết của họ, đồng thời hướng dẫn họ đi vào sinh hoạt có tổ chức và trở thành những đơn vị Phật giáo cơ sở của Tỉnh giáo hội. Việc đến với Phật tử tại các vùng dinh điền không phải là dễ dàng, đến cổng là bị xét hỏi giấy tờ, hạch sách đủ điều! Ngoài việc dùng lời ôn hòa để thuyết phục, có lúc phải đấu trí với bộ máy chính quyền sở tại mới vào được vòng đai ấp chiến lược.
Do đức độ và tinh thần vô úy của Thầy cùng với tâm đạo nhiệt thành của các Đạo tràng Phật tử, BDH/GĐPT, chỉ trong vòng 5 tháng, Đại đức Thích Quảng Hương đã lập thêm được 30 khuôn hội: Tư Cung, Tân Điền, Thăng Đạt, v.v….. mỗi khuôn hội đều có thành lập GĐPT tại hầu hết các vùng dinh điền trong tỉnh Daklak. Hàng ngàn Phật tử và đoàn sinh GĐPT có nơi sinh hoạt tín ngưỡng lễ bái thờ tự, học hỏi giáo lý làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho người Phật tử đoàn kết gắn bó với nhau, vượt qua mọi trở lực, động viên nhau giữ gìn niềm tin vào chánh pháp và đạo lý cổ truyền của dân tộc.
Năm 1963, đứng trước phong trào đấu tranh đòi bình đẳng và tự do tôn giáo, chủ quyền dân tộc của Phật giáo miền Nam ngày càng quyết liệt. Ngọn lửa thiện của Bồ tát Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 đã làm chấn động toàn thế giới, hàng triệu Tăng Ni Phật tử từ già đến trẻ đểu tình nguyện hy sinh cho đạo pháp bằng những cuộc biểu tình, tuyệt thực đình công bãi khoá, tự thiêu.
Là một Tăng sĩ trẻ, có dòng máu yêu nước mến đạo, không thể ngồi yên nhìn cảnh đàn áp bắn phá, phong tỏa chùa chiền, bắt bớ hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm. Noi gương các thánh tử đạo, với chí nguyện đem thân làm đuốc soi sáng u minh, tình người thức tỉnh, Đại đức Thích Quảng Hương đã âm thầm từ giã Tăng Ni và Phật tử Daklak, bỏ lại sau lưng những Phật sự còn dở dang, cùng lòng tôn kính đợi chờ của bà con Phật tử ở các vùng dinh điền ngày đêm bị chèn ép, kỳ thị trong vòng rào ấp chiến lược, thầy đã tìm cách về Sài Gòn trình sở nguyện  của mình lên chư tôn giáo phẩm trong Ủy ban tranh đấu Phật giáo trước sự chứng minh và cho phép của UBTĐ Phật giáo , vào lúc 12 giờ 25 phút ngày 05/10/1963 (nhằm ngày 18/8/Quý Mão) Ngọn lửa Thích Quảng Hương đã bùng cháy tại công trường Diên Hồng, bồn binh Chợ Lớn Sài Gòn, thêm một lời cảnh báo cho chế độ Ngô Triều tàn bạo và thêm sức mạnh cho Phật giáo đồ quyết tâm hy sinh bảo vệ đạo pháp và chủ quyền dân tộc.
Đại đức Thích Quảng Hương, một vị Tăng trẻ với 37 tuổi đời, 20 tuổi đạo đã có công hạnh lớn đối với
sự nghiệp phát triển Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. 
......................
 
 
 TIỂU SỬ
CỦA CỐ HÒA THƯỢNG: THƯỢNG ĐỨC HẠ THIỆU
Giáo Phẩm Chứng Minh kiêm Đặc ủy Tăng Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm đồng
 
 
Hòa Thượng húy Nguyên Minh, tự Đức Thiệu hiệu Hải Ấn, tự pháp đời thứ 44 dòng Thiền LâmTế Chánh Tôn, thế danh Bùi Xuân Quang, sinh ngày 11 tháng 10 năm kỷ mùi (1919) có một số giấy tờ hộ tịch ghi Hòa Thượng sinh năm (1911) tại làng Nam Phổ Trung, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế thân phụ là cụ Bùi Xuân Lai. Thân mẫu là bà Nguyển Thị Nghẹt. Hòa Thượng là con trai út trong một gia đình Gồm ba anh em trai, và một chị gái. Hòa Thượng Vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống tin Phật lâu đời, hai anh trai của Hòa Thượng đều xuất gia, và rất nổi tiếng, đó là Hòa Thượng Thích Viên Thông, và Hòa Thượng Thích Trí Toàn.
Từ năm lên bảy ngài được thân mẫu, thân phụ cho phép xuất gia tại Chùa Viên Thông, và sau đó về làm đệ tử của đức Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ lúc này ngài đang làm trú trì Chùa Ba La Mật TP. Huế. Và sau đó được đức Hòa Thượng Bổn Sư  cho phép tòng học tại Phật Học Đường Báo Quốc do Đại Sư THÍCH TRÍ ĐỘ làm giám đốc.
Năm 1938 ngài được thụ sa di giới tại Chùa Đại Bi, Tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 15 năm tòng học tại Phật học đường Báo Quốc, sở học và phạm hạnh của ngài vượt bực, ngài được đức Hòa Thượng Bổn Sư cho phép chính thức thụ phong, và đắc giới cụ túc tại Hộ Quốc Đại giới đàn tổ Chức năm Kỷ sửu (1949) tại tổ đình Báo Quốc, dưới sự chứng minh của đức đại lão Hòa Thượng đệ nhất Tăng Thống  THÍCH TỊNH KHIẾT làm đàn đầu đại giới đàn này do đức Hòa Thượng THÍCH CHÁNH THỐNG và đức Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ làm chánh phó chủ đàn.
Cuối năm 1951 ngài được tổng hội Phật Giáo Trung Phần bổ nhiệm làm trú trì Chùa Viên Giác Cầu Đất, xã Xuân Trường , TP. DaLat và ngài trùng tu ngôi phạm vủ này trở nên to lớn  trang nghiêm hơn.
Năm 1954 sau ngày đình chiến, do yêu cầu Phật sự tại các Tỉnh Cao Nguyên, ngài được hội Phật Giáo Trung Phần bổ nhiệm trú trì Chùa Khải Đoan, TP. Buôn Mê Thuộc, Tỉnh Hội Phật Giáo ĐakLak
Đến năm 1957 ngài nhận chức Chánh Đại Diện Hội phật Giáo Tỉnh PleiKu và trú trì Chùa Bửu Thắng trong thời gian từ năm 1958 đến 1960 ngài lên truyền bá chánh pháp tại Huyện Cheo Reo, là một Huyện miền núi xa xôi hẻo lánh, khi đó ngài đã khai sơn Chùa Bửu Minh và đã trở thành cơ sở Phật Giáo Tỉnh Hội Phú Bổn sau này( nay thuộc Tỉnh Gia Lai ), đồng thời ngài cũng Đứng ra xây dựng Chùa Bửu Tịnh thuộc huyện Ayonpa và thành lập Phật Giáo Huyện này. Đầu năm 1959 mặc dù bận nhiều Phật Sự ở tại Tỉnh Phú Bổn,ngài đã đáp ứng  nguyện  vọng của Phật Tử Tỉnh Kom Tum  Đứng ra xây dựng và làm trú trì  Chùa Hồng Từ, Chùa này cũng đã trở thành cơ sở Phật Giáo Tỉnh Hội Kom Tum ngày nay,    
Đến năm 1960 Giáo Hội Phật Giáo Trung Phần bổ nhiệm ngài làm trú trì và kiêm hoằng PhápTại Chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Phan Thiết ở đây ngài đả lãnh đạo phong trào đấu tranh bảo vệ tín ngưỡng năm 1963.
Sau năm 1964 ngài được Hội Phật Giáo điều về làm Chánh Đại Diện Hội Phật Giáo tỉnh Kom Tum.
Từ năm 1967 trở đi ngài trở về hành đạo tại TP. DaLat nhưng vẩn thường xuyên đi về hoằng pháp và cố vấn lảnh đạo cho các đàn em, đang làm Phật sự tại các tỉnh Cao Nguyên, là những nơi mà ngài đã từng lãnh đạo và xây dựng trườc đây như : PleiKu, Phú Bổn, Kom Tom, Buôn Mê Thuộc, Đà Lạt. V V.
Ngài là một trong những vị đầu tiên đem chánh Pháp lên hoằng hóa trên vùng  Cao Nguyên vào những thập niên đầu của thời kỳ chánh hưng Phật Giáo, nên ánh sáng chánh pháp và các mgôi phạm vũ được xây dựng trùng hưng khắp nơi trên những miền cao nguyên hẻo lánh. Để mọi người biết đến chánh pháp, và thực hành xây dựng đời sống an lạc tại vùng cao nguyên rộng lớn, ngài xứng đáng là một hành giả đi đầu trong sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự. Và vị trí của ngài là vị trí của người khơi nguồn mở mạch. Do công hạnh tận tuỵ suốt đời phục vụ không biết mệt mỏi cho sự nghiệp tu học và hoằng hoá của ngài, nên vào năm 1973 ngài được đức Hòa Thượng Bổn Sư Thích Trí Thủ đã ấn chứng cho ngài làm trưởng tử, và ban cho bài kệ phú pháp như sau:
 
DĨ ĐỨC THIỆU GIA PHONG
CỔ KIM NHƯ THỊ ĐỒNG
XUÂN QUANG HƯƠNG BẤT TẬN
HẢI ẤN THỂ HÀM DUNG
Tạm dịch là
LẤY ĐỨC NỐI GIA PHONG
XƯA NAY ĐIỀU NHƯ VẬY
XUÂN QUANG THƠM CÙNG KHẮP
THỂ HẢI ẤN BAO DUNG
 
Sau năm 1974 thể theo nguyện vọng của bốn chúng đệ tử,và lời thỉnh cầu của Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, ngài đã về thường trú tại Tổ Đình Chùa Linh Quang TP. DaLat
Sau năm 1982 khi Ban Tri Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng thành lập, ngài đã được chư Tăng Ni, và quý Phật Tử cung thỉnh vào hàng Giáo Phẩm Chứng Minh, kiêm Đặc ủy Tăng Sự thuộc Ban Tri Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng.
Năm 1987 sau khi Hòa Thượng Thích Minh Cảnh viên tịch, Ban Tri Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng, đã cung thỉnh ngài làm trú trì Tổ Đình Linh Quang, ngài đã đích thân chỉ đạo cùng với Đại Đức tri sự Thích Thanh Tân trùng tu ngôi Tổ Đình Chùa Linh Quang được trang nghiêm cổ kính như hiện nay, và cùng năm này ngài đã được Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt nam tấn phong giới vị Hòa Thượng.
Đầu năm 1988 ngài nhận thấy ngôi Chùa Liên Trì . là một ngôi Chùa nhỏ tọa lạc trên một ngọn đồi cao cũng là một nơi cơ sở của Giáo Hội và có nhiều gắn bó với lịch sử cách mạng đang xuống cấp và hoang phế, ngài đã đứng ra xin phép trùng tu, và đích thân làm trú trì  và ngài đã sống tịnh tu ở đây cho đến ngày cuối cùng.
Tháng giêng năm 1993 ngài đã 75 tuổi, sức khỏe yếu rất nhanh, ngài cảm thấy sắp đến ngày xả báo thân. Nên tuy sức yếu nhưng ngài yêu cầu được đi thăm những nơi. như Tổ Đình. Chùa Linh Sơn và vào TP. HCM để dự lể huý nhật và là nơi ghi lại dấu chân hoằng hóa cuối cùng của Đức Hòa Thượng Bổn Sư Thích Trí Thủ, và đến tháng tám năm 1993 Ban Tri Sự,vàHòa Thượng Trưởng Ban cùng chư tôn thiền đức nhận thấy sức khỏe của ngài đã giảm sút nên quyết định cung thỉnh ngài về tịnh dưỡng tại Tổ Đình Linh Quang để việc chăm sóc sức khỏe và để cho tứ chúng đệ tử được thân cận cung dưỡng ngài thuận tiện hơn.
Đến ngày 11 tháng 10 năm quý dậu nhằm ngày (24-11-1993) ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc giờ thân tại Tổ Đình Linh Quang TP. DaLat ngài hưởng thọ 75 tuổi đời và 45 đạo, để lại  vô vàn tiếc thương cho môn đồ hiếu quyến, và Tăng Ni Phật Tử trong nước cũng như ngoài nước nói chung, và Tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Tất cả đã hoài vọng đến ngài với nhiều kính mến sâu sắc, và niềm tri ân vô hạn.
Đối với ngài là một cao tăng, đã trọn đời hy sinh phục vụ cho sự nghiệp, hoằng dương và tu học chánh Pháp vô thượng, đã đem lại lợi lạc quần sanh, những công hạnh của ngài thật là lớn lao đối với Giáo Hội trong việc truyền bá chánh pháp.
 
 
NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TỨ THẾ, SẮC TỨ LINH QUANG TỔ ĐÌNH VIỆN CHỦ TRÙNG HƯNG LIÊN TRÌ TỰ TRÚ TRÌ HÚY THƯỢNG NGUYÊN HẠ MINH TỰ ĐỨC THIỆU HIỆU HẢI ẤN BÙI CÔNG ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THUỲ THỬ CHỨNG MINH.
 
 
......................
 
TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH QUANG HUY
NGUYÊN ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN
TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ TỈNH HỘI PHẬT GIÁO DAKLAK
TRỤ TRÌ SẮC TỨ KHẢI ĐOAN TỰ
 
Hòa thượng thế danh Đinh văn Hương, húy thượng Tâm hạ Trung, tự Hưng Quang thuộc dòng Lâm tế thứ 43.
Hòa thượng sinh năm 1932 tại làng Vĩnh Xương (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) trong một gia đình nhiều đời theo đạo Phật.
Năm lên 12 tuổi (1944), sau khi thi đỗ yếu lược, được song thân gởi cho Hòa thượng chùa Kim Quang (Khánh hòa) và được Hòa thượng thế phát quy y.
Năm 13 tuổi (1945), mặc dù rất khó khăn thiếu thốn mọi bề (chiến tranh bùng nổ, Bổn sư lại viên tịch) nhưng Hoà thượng vẫn giữ được ý chí xuất trần, đến chùa Kim Sơn (Nha Trang) nhận Hòa thượng Giác Hải làm ân sư.
Năm 22 tuổi thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Thiên Phước (Nha Trang). Bốn năm sau, Hòa thượng xin lên núi Trà Cú học Mật tông, vì còn quá trẻ nên chưa được theo học, Ngài trở lại Khánh Hòa.
Cũng năm ấy, Hòa thượng thọ Tỳ kheo tại giới đàn Thiên Bửu do Hòa thượng Phước Huệ làm đàn đầu, sau đó ra Phú Yên cầu Hòa thượng Hưng Từ làm Y chỉ sư.
Sau khi học hết chương trình Phật học trung cấp, Hòa thượng trở về chùa tổ, thừa lệnh Bổn sư  làm trụ trì chùa xưa.
Năm 1963, Hòa thượng được công cử về trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan – trụ sở Phật giáo Daklak cho đến ngày viên tịch.
Và kể từ đây, bước chân của Hòa thượng đã in dấu trên khắp miền Cao nguyên Trung phần. Hòa thượng đã từng tham gia nhiều hoạt động đạo cũng như đời để bảo vệ Đạo pháp và dân tộc trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963.
Năm 1966, nội bộ Phật giáo phân hóa trầm trọng nên Hòa thượng trao trả nhiệm vụ Tuyên úy Tiểu khu Daklak, lui về chăm lo Phật sự và giúp đỡ đồng bào trong cuộc sống vất vả. Hình bóng của Ngài đã khắc sâu trong tâm khảm đồng bào cao Nguyên bằng nguyện lực và lòng bao dung đầy đạo hạnh của Hòa thượng .
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng - đất nước thống nhất, một mình một bóng Hòa thượng đã đem hết công sức lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, vượt qua sóng gió trong những năm tháng khó khăn vất vả của buổi đầu đất nước mới đi vào ổn định.
Năm 1985, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhiều mặt, Hòa thượng đã cùng Tăng ni – Phật tử tỉnh nhà vận động mở Đại hội đại biểu Phật giáo, thành lập Ban Trị sự tỉnh nhà và Hòa thượng được Đại hội tín nhiệm suốt hai nhiệm kỳ ở cương vị Trưởng ban Trị sự.
Từ đó cho đến khi trút bỏ huyễn thân, Hòa thượng tích cực hoạt động Phật sự, kiến nghị với Chính quyền các cấp, hợp thức hóa các cơ sở Giáo hội, thành lập cơ sở mới, đưa vào hoạt động trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thật xúc động khi thấy hình bóng của Hòa thượng đã hiện diện nơi miền xa xôi hẻo lánh, tại các trại cùi nghèo nàn - xơ xác. Chính trong thời gian nầy Hòa thượng đã nhuốm bịnh. Trải qua gần 10 tháng, mặc dù được Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh, Chính quyền các cấp, các ngành Y học tận tâm chăm sóc chửa trị, nhưng do cơn bịnh hiểm nghèo, thân tứ đại đến hồi tan rã và Hòa thượng đã thuận thế vô thường, trút bỏ báo thân.
Đến phút sắp giã từ cuộc đời giả huyễn, Hòa thượng luôn nhắc nhở tứ chúng đệ tử: “Nên giữ nên giữ một tinh thần đoàn kết hòa hợp sau lưng Giáo hội để duy trì mạng mạch đạo pháp, nên tập một nếp sống thanh tịnh ôn hòa”, Hòa thượng còn mong mỏi các cơ sở của Giáo hội sẽ được nhà nước quan tâm trao trả,û xin giúp đỡ cho những vùng kinh tế mới có những mái ấm tinh thần dù mái tranh vách lá để Phật tử có nơi lễ bái cầu nguyện.
Đúng 17h10 ngày 16/11/1993 (nhằm ngày 03/10/ Quý Dậu) Hòa thượng đã an nhiên tịch, hưởng thọ 61 tuổi  đời, 40 năm tuổi đạo. Trên 30 năm gắn bó với Phật giáo và đồng bào Daklak.
Mặc dù thân sư tử đã rời chốn rừng thiền, nhưng pháp âm kia, hình ảnh đó vẫn còn mãi trong tâm trí và tình cảm của Tăng tín đồ Daklak.
 
NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP TAM THẾ
SẮC TỨ KHẢI ĐOAN TỰ TRỤ TRÌ, HÚY THƯỢNG TÂM HẠ TRUNG
TỰ HƯNG QUANG HIỆU QUANG HUY HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
 

Cổng Tam Quan

Chánh Điện

Chư Tăng Đang Tụng Kinh

Đạo Tràng Đang Nghe Pháp

Tháp A DI ĐÀ & Tháp HT thượng Quang hạ Huy

Quan Âm Các

Đại Hồng Chung

 

Nhà Thờ Cốt

Hội Trường & Thư Quán

ảnh và bài Hải Định - Hải Trung



Nguon: http://lientri.com.vn/t%E1%BB%B1vi%E1%BB%87n/tabid/63/id/145/language/en-US/Default.aspx


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage