Chùa Bửu Minh

Về thăm chốn tổ Vĩnh Phúc


Ngô Quốc Trưởng

Chùa Vĩnh Phúc tọa lạc thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đời Lê, chùa thuộc thôn thượng làng Phù Lãng, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc.

 Chùa nằm trên dãy núi Côn Cương mà các thư tịch thường viết “Côn Cương sơn đảnh Vĩnh Phúc thiền tự”. Chùa ra đời khi nào không biết, ngay trong văn bia đời Lê cũng chưa có một cứ liệu rõ ràng: “Chùa Vĩnh Phúc trên núi Côn Cương có từ lâu, vốn xưa nhiều linh ứng, vì thế mà chùa có tên là Vĩnh Phúc. Phía đông có sông Mại bao quanh, phía tây có cầu trên đỉnh núi, phía nam có núi Châu là tiền án, phía bắc có đỉnh Bài ôm sau”(1). Văn bia như mô tả về mặt địa lí – phong thủy, giải thích tên chùa.

Theo văn bia, lần trùng tu lớn của chùa là năm 1663. Hai thác bản đưa ra chênh lệch một năm (2). Lần trùng tu này, chùa hoàn thành các công trình như: “Năm Quí Mão (1663), hưng công tu tạo chùa Vĩnh Phúc, làm các sở thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang hai bên, cửu phẩm, gác chuông, tam quan hoàn mãn đã xong, cưu công đã tất”. Chùa đã đầy đủ hạng mục công trình, xứng đáng là một đạo tràng. Qua văn bia, chúng ta thấy chùa được xây dựng theo mô hình “nội công ngoại quốc”- một mô hình thông dụng ở các ngôi chùa thuộc đồng bằng Bắc bộ.

Người hưng công chủ trì công việc không ai khác là Hòa thượng Minh Lương mà văn bia ghi lại: “Nay có bậc đại bồ tát hóa thân, thiền tổ Minh Lương Mãn Giác hòa thượng tôn nghiêm phúc tuệ người xã Lương Đa, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam, xuất gia từ nhỏ, thấy cảnh anh linh muôn cổ. Vì thế, chí lớn dấy lên mà tu nhân khuyến hóa trên từ các bậc vương công, dưới đến các bậc thiện tín hiền nhân cùng phát lòng lành, thấm nhuần công đức” (3). Văn bia cung cấp thông tin về quê hương của Minh Lương ở xã Lương Đa, xuất gia từ nhỏ mà trước đây các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam lại chỉ biết Minh Lương người Việt mà thôi.

Về Minh Lương, Kế Đăng Lục ghi: “Hòa thượng Minh Lương núi Phù Lãng, đời 73, nghe Hòa thượng Chuyết Công từ thiên triều sang, học thông kinh sử. Vì thế đến tham vấn, hỏi rằng: Việc sinh tử nên tránh thế nào? Tổ trả lời: Giữ chỗ không sinh tử mà tránh. Lại hỏi: Như thế nào là chỗ không sinh tử. Tổ trả lời: Ở trong sinh tử mới được. Sư chưa ngộ, Tổ bảo: Ông hãy đi đi, chiều đến đây. Sư như hẹn mà đến, Tổ bảo: Đợi sáng mai đến, đại chúng làm sáng tỏ cho ông, sư bỗng tỉnh ngộ, lễ bái” (4). Tổ biết liền truyền tâm ấn cho. Sau đó, sư phó pháp cho Chân Nguyên, kệ rằng:

Ngọc xinh ẩn trong đá,
Hoa sen nẩy tự bùn.
Nên biết tìm giác ngộ,
Nơi sinh tử trầm luân
. (Nguyễn Lang dịch)

Phó kệ xong, bảo đệ tử rằng: Ta nay về đây, nói xong thị tịch. Đại chúng xây tháp trên núi Lãng, hương hỏa thờ phụng.” (5)

Tiểu truyện đã cho chúng ta biết được người thầy của Minh Lương là Chuyết Công Hòa thượng (6). Chuyết Công Hòa thượng người Trung Quốc, sang Việt Nam truyền giáo tại Thăng Long, sau về Kinh Bắc. Minh Lương đến tham vấn và học đạo với Chuyết Công ở chùa Khán Sơn. Hình ảnh tổ Minh Lương được Chuyết Công ngữ lục ghi lại: “Mồng 6 tháng 7 (1644, tác giả chú), sư cử người vào nội cung xin giày, tỏ ý về tây, nhưng người ta lại không hiểu. Mồng 8, sư chèo thuyền về Ninh Phúc tự, sư Minh Lương vào hỏi thăm sức khỏe...” (7) Thiền sư Minh Lương học đạo ở chùa Khán Sơn, sau đó về chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự). Năm 1644, trước khi Chuyết Công viên tịch, Ngài vẫn còn tu tập dưới sự dạy bảo của thầy mình. Minh Lương trú lại chùa Bút Tháp một thời gian, sau đó về Vĩnh Phúc. Năm 1663, Ngài cho trùng tu chùa, qui tụ hàng mấy chục vị đệ tử xuất gia mà văn bia có ghi tên. Minh Lương có thể mất năm 1675, vì hàng đệ tử của ông xây tháp lập bia vào đầu xuân năm Vĩnh Trị 1 (1676).

Minh Lương đã khuyến hóa khắp nơi nhất là các bậc vương tôn dòng chúa Trịnh, trong đó có Tuyên Quận công Trịnh Quán, người đã từng khắc in bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (8). Qua văn bia, chúng ta có thể biết được Trịnh Quán với tự là Chân Tùng chính là vị đệ tử tại gia của Minh Lương. Điều này cũng dễ hiểu vì Minh Lương truyền pháp theo bài kệ:

Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông…

Hàng đệ tử của Minh Lương, ngoài Chân Nguyên ra thì hầu hết ít được người biết đến. Chân Nguyên không phải là trưởng tử của Minh Lương, sư huynh ông là Chân Ngôn và Chân Tường. Chân Nguyên đào tạo hàng loạt các đệ tử mà sau này những học trò mình đã truyền giáo khắp nơi thuộc xứ Đàng Ngoài. Về Chân Tường, chúng ta không biết nhiều nhưng chính ông đã viết Vĩnh Phúc thiền tự bi vào năm Chính Hòa 13 (1692), quê ông ở xã Hoằng Trung, huyện Thuần Lộc, phủ Hà Trung, thừa tuyên Thanh Hoa, là quan viên tử đã xuất gia. Chân Hỷ viết văn bia “Nam Mô A Di Đà Phật” năm Dương Đức 3 (1674) thuật lại việc bầu hậu Phật cho Dật sĩ Nguyễn Tài Khiêm, tự Chân Thắng. Văn bia có tên Chân An, liệu có phải là Chân An Tuệ Tĩnh (?-1713) (9) trụ trì chùa Giám, là vị danh y nổi tiếng Việt Nam hay không.

Sau Minh Lương, các đệ tử của ông đã phát triển ngôi chùa này, trở thành một pháp phái riêng thuộc dòng Lâm Tế. Chúng ta thấy được qua việc hàng cháu chắt ông là Như Tồn, Tính Ngân, Hải Tông đứng ra trùng tu ngôi tháp Kim Cương vào năm Cảnh Hưng 34 (1773). Về sự hưng phế của ngôi chùa trong giai đoạn Tây Sơn, chúng tôi không có cứ liệu.

Đến đời Nguyễn, chùa vẫn còn được truyền thừa và đào tạo được nhiều vị Tăng Ni xuất sắc. Tiêu biểu là tổ Thông Duệ (10), mà sơn môn thường gọi là tổ Kim Mã. Ngài người xã Mã Não, tổng Thụy Lôi, huyện Kim bảng, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nội. Thuở nhỏ, ngài học Nho, lớn lên xuất gia tại chùa Vĩnh Phúc. Năm Minh Mệnh 16 (1835), ngài vào kinh đô Huế dự khoa sát hạch tăng của triều đình, ngài đạt hạng bình, được ban giới đao độ điệp để hành đạo. Ngài trụ trì hai chùa là Vĩnh Phúc và Phúc Long cùng thuộc xã Phù Lãng. Theo văn bia “Đức La xã Vĩnh Nghiêm tự sáng tạo lịch đại tu tác công đức bi kí” cho biết năm Tự Đức 2 (1849), dân làng Đức La thỉnh hòa thượng Kim Mã về trú trì chùa Vĩnh Nghiêm nhưng ngài còn lo hành đạo tại Phù Lãng nên giao cho đệ tử Tâm Viên về trông nom. Ngài Tâm Viên về kế đăng chốn Vĩnh Nghiêm, xây dựng đạo tràng lớn. Ngài có công khắc ván in kinh mà sau này hai vị đệ tử là Thanh Hanh và Nguyên Biểu đã học theo hạnh thầy.

Tổ sư Kim Mã đã đào tạo nhiều đệ tử xuất gia nhưng nổi bật có hai ngài Mã Minh và Tâm Viên. Hai vị thiền sư này đã phát triển dòng thiền Vĩnh Phúc, tạo ra nhiều pháp phái lớn như pháp phái Phúc Long (Phù Lãng), pháp phái Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), pháp phái Bồ Đề (Hà Nội) đều thuộc chốn tổ Vĩnh Phúc.

Thời Pháp thuộc, Vĩnh Phúc là một tổ đình lớn, đào tạo nhiều thiền tăng. Những vị này rất lưu tâm đến việc xây dựng nền Văn Hóa Phật Giáo, tiêu biểu là Thanh Hanh: “Áng chừng như Tổ nhận thấy rằng giữa thế kỷ thứ 20 này, hoàn cầu đương hô hào văn minh tiến bộ về khoa học, triết học, cố nhiên sau này nhân loại phải lấy giáo lý của Phật làm nền tảng cho lâu đài triết học bằng những kinh điển Đại thừa của Phật giáo. Tổ luôn luôn lui tới Trường Viễn Đông Bác Cổ tìm tòi ba tạng kinh điển Đại thừa, lại xin phép cho các môn nhân vào sao về cắt ván lưu thông” (11). Chính Thiền Sư Thanh Hanh đã đứng ra in lại một số tác phẩm Phật giáo trong đó Thiền Tông Bản Hạnh đã được ông cùng với Thanh Minh, Thanh Nhiên lo tổ chức in. Về Thanh Minh được Thanh Hanh giới thiệu như sau: “Nay thầy Thanh Minh chùa Hoa Yên vốn là môn nhân của Phù Lãng, ứng duyên đến đây, tùy sức xây dựng…” (12) Thanh Minh là môn nhân Phù Lãng thì việc hai vị thầy của ông là Thông Địa và Thông Cảm phải giữ trọng trách đối với ngôi chùa này mà cuối tác phẩm ông đã cung tiến để hồi hướng cho hai vị quá cố đó. Như vậy, ngôi chùa vẫn còn phát triển cho đến những thập niên ba mươi. Theo lời kể của vị vãi già, chùa đã bị thực dân Pháp bắn phá hư hại nhiều nhưng không xác định được năm. Chúng tôi cho rằng chùa bị phá trong giai đoạn 1946-1954. Khi hòa bình lập lại, chùa cũng không người trông nom, một số công trình đã bị hư hại nặng dẫn đến sụp đổ. Hiện nay, chùa mới được trùng tu lại với qui mô nhỏ, chỉ còn một ngôi chùa hình chữ đinh, bên phải là nhà tổ, phía trước là đền bác Hồ. Lần vào khóm cây cạnh đền, chúng tôi tìm thấy một tấm bia chữ đã mờ, không niên hiệu, chỉ có thể đọc được tên vị tăng với pháp danh Chân Tường (13) cùng một biển đá có chạm 3 chữ “Báo Ân Tháp”. Hàng loạt tháp tổ đã bị đổ, hiện không tìm được dấu vết. Nhìn lại trang sử chùa Phù Lãng, chúng ta có thể tự hào nơi đây đã từng đào tạo nhiều thiền tăng mang tâm nguyện hoằng hóa Phật đạo. Chúng ta thấy được vai trò của ngôi chùa đã đóng góp vào sự phát triển của Phật Giáo trong suốt quá trình từ Lê Trịnh đến thời hiện đại. Qua lời tâm sự của vị vãi già, người viết thấy được sự khát khao trông mong của nhân dân và Phật tử nơi đây là có một vị Tăng hay Ni về trụ trì mở cảnh, giáo hóa làm cho chốn tổ phát triển hơn.■

Ngô Quốc Trưởng

Chú thích:
1. Theo Vĩnh Phúc Thiền Tự Bi thác bản viện nghiên cứu hán nôm, kí hiệu 5637
2. Theo Vĩnh Phúc Thiền Tự Hậu Phật Bi có hai mặt, mặt trước đưa ra năm trùng tu là 1663, mặt sau cho là 1662. chúng tôi chọn năm 1663 vì trước khi trùng tu, người ta lo tìm các vật liệu, vì thế phải là năm 1663 mới đúng.
3. Theo Vĩnh Phúc Thiền Tự Bi, kí hiệu 5638.
4. Trong Thiền Uyển tập anh, phần tiểu truyện Thiền sư Vân Phong cũng có đoạn đối thoại này.
5.  Như Sơn, Kế Đăng Lục, bản in năm 1907, Chùa Nguyệt Quang, Đông Khê trùng khắc, Thư Viện Nghiên Cứu Hán Nôm kí hiệu AC. 158a, tờ 41a.
6. Đàm Chí Từ, Cuộc Đời Và Hoạt Động Của Ngài Chuyết Công Hòa Thượng Tại Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử số 10, 11 năm 2007.
7. Nghiên cứu lịch sử số 10 năm 2007, tr. 32.
8. Hoàng Thị Ngọ, Chữ nôm và tiếng việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, NXB KHXH, H. 1999, tr. 32-34.
9. Hà Văn Tấn, Bia Chùa Giám Với Thiền Sư Tuệ Tĩnh trong Những Phát Hiện Mới Về Khảo Cổ Học Năm 1992, Tr. 256-257.
10. Theo Văn Bia “Phúc Long Hòa Thượng Sắc Mệnh” tại chùa Phúc Long, xã Phù Lãng. Tổ Kim Mã là vị xuất thân từ Vĩnh Phúc, sau đó trụ trì chùa này như văn bia ghi. Ông kiêm nhiệm trú trì chùa Phúc Long.
11. Tiểu Sử Chư Tổ Tại Chùa Quán Sứ, NXB Đuốc Tuệ, H. 1948, tr 18.
12. Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập, tập 1, Tu Thư Vạn Hạnh, TP HCM, 1980, tr 261-262. Hay Thiền Tông Bản Hạnh, phẩn Dẫn Tự, bản in năm Bảo Đại 7, chùa Vĩnh Nghiêm-Đức La tàng bản.
13. Văn bia này hiện Thư Viện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm chưa có thác bản, niên hiệu của nó đoán đời Lê trung hưng, qua cách ghi tên vị sư Chân Tường, mà chân Tường chính là đệ tử của Minh Lương.

Nguồn: Tập san Pháp luân 59


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage