Chùa Bửu Minh

Để tỏ lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với đức Thế Tôn, mỗi người đệ tử của Ngài phải tự mình sống đúng với chánh pháp bằng cách không làm các việc ác, hãy làm các việc lành, giữ thân tâm thanh tịnh. Mỗi người chúng ta phải là món quà tu tập, hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực để hiến tặng cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.

Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama),  một con người lịch sử, một thái tử dòng họ Thích Ca tại thành Ca Tỳ La Vệ, sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak tương ứng với tháng năm thường lịch năm 624 trước công nguyên dưới gốc cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni, Nê-pan ngày nay. Siddhartha có nghĩa là con người toại nguyện có đầy đủ phước đức và trí tuệ. 

Thái tử sinh ra 7 ngày thì mẹ ngài, tức thánh Mẫu Ma Da mất. Người mẹ kế của ngài là Ma Ha Ba Xà Ba Đề chăm lo. Lớn lên năm 16 tuổi, thái tử lập gia đình với công chúa Da Du Đà La và có một người con trai duy nhất tên là La Hầu La. Thân phụ của thái tử là vua Tịnh Phạn.

Sống trong cảnh nhung lụa, giàu sang và sung sướng, nhưng thái tử cảm thấy không tự do và thoái mái, cùng với người thân cận của mình tên là Sa Nặc, thực hiện một chuyến đi ra khỏi 4 cửa thành hoàng cung để thăm các cảnh thật bên ngoài. Ra khỏi cửa thành, đi về hướng Đông, thái tử và Sa Nặc gặp người già; đi về hướng Tây, hai người gặp người bệnh; đi về hướng Nam, gặp người chết; và đi về hướng Bắc, gặp vị Khất sĩ. Một trong bốn cảnh thật, cảnh thật thứ tư là hình ảnh thái tử thích nhất làm đề tài thiền quán sau này giúp thái tử trở thành vị ẩn sĩ không nhà, sống không gia đình và không bị ràng buộc bởi gia đình và con cái.

Xuất gia năm 29 tuổi, học đạo với hai vị đạo sĩ Alara – KalamaUddaka – Ramaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em của ông Kiều Trần Như, thấy lối tu và sự chứng đạo của họ thiên kiến, thái tử quyết định chọn cho mình lối tu không tham đắm dục lạc và không khổ hạnh ép xác, tức hướng đi Trung Đạo với con đường Thánh có tám làn xe chạy: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định.[1]   

Dùng bát cháo sữa của nàng Su Dà Ta, nhận bó cỏ Kiết tường của người nông phu, đi thẳng tới Bồ Đề Đạo Tràng, Bồ tát Tất Đạt Đa kiên quyết ngồi thiền định dưới cội Bồ đề 49 ngày đêm cho tới khi thành chánh quả. Ngài thực tập thiền định từ thấp tới cao, quán niệm hơi thở ra vào đều đặn, an trú Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, Diệt Thọ Tưởng Định.[2] 

Đêm thứ 49, canh đầu, Bồ Tát chứng Túc Mạng Minh, biết rõ nhân quả nhiều đời trước của Ngài; canh giữa, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, biết rõ nghiệp báo nhiều đời trước của chúng sanh; canh cuối, khi sao mai vừa mọc, Ngài chứng Lậu Tận Minh, giác ngộ viên mãn, thấy rõ bốn sự thật: Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Con đường đưa đến khổ diệt. Cuối cùng, Bồ tát thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni lúc 35 tuổi.

Sau khi Bồ Tát thành Phật, Phạm thiên Sahampati thưa thỉnh đức Phật ba lần để đi hoằng pháp và giáo hóa chúng sanh. Đức Phật đồng ý những lời thỉnh mời của Phạm thiên, và tìm đến hai vị đạo sĩ trước đây, cả hai vị đều qua đời. Đi đến vườn Lộc Uyển ở Sarnath, đức Phật nói bài Pháp đầu tiên cho năm người bạn đồng tu. Cả năm người này đều thấm nhuần diệu pháp và chứng quả A La Hán. Phật, Pháp và Tăng được hình thành tại đây.  

Đức Phật và Tăng chúng sống chủ yếu nương vào thiền định và việc bố thí của người đàn việt để nuôi dưỡng thân tâm, nương vào môi trường thiên nhiên, vào sự tu chứng, an lạc và hạnh phúc của tự thân để giáo hóa tha nhân. Sống đời sống không gia đình, quý Ngài có nhiều thời gian để tu tập và phục vụ chúng sanh, nương vào tình thầy trò, tình pháp lữ, tình đồng tu, tình hộ pháp và hoằng pháp để làm lợi lạc cho quần sanh.

Tiếp theo, nhà Triệu Phú Da Xá, gia đình Da Xá, các bạn Da Xá, v. v. và v. v… được đức Phật giáo hóa và làm đệ tử của Ngài. Trong số đó, những vị đệ tử đức hạnh và nổi tiếng nhất được liệt kê dưới đây là:

Tôn giả Xá Lợi Phất – Vị có trí tuệ đệ nhất,

Tôn giả Mục Kiền Liên – Vị có lòng hiếu thảo và thần thông đệ nhất,

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – Vị Tổ Sư tu hành khổ hạnh đệ nhất,

Tôn giả Tu Bồ Đề – Vị thâm nhập tánh không (Suññatā) đệ nhất,

Tôn giả Phú Lâu Na – Vị giảng Sư tài giỏi thuyết pháp đệ nhất,

Tôn giả Ca Chiên Diên – Vị luận Sư tài giỏi luận giải Phật pháp đệ nhất,

Tôn giả A Na Luật – Vị có cái nhìn không chướng ngại, tức Thiên nhãn đệ nhất,

Tôn giả Ưu Ba Li – Vị luật Sư gương mẫu trì Luật đệ nhất

Tôn giả A Nan – Vị có khả năng nghe nhiều, tiếp thu, và nhớ kỹ Phật pháp đệ nhất,

Tôn giả La Hầu La – Vị có hạnh nhẫn nhục, oai nghi và tế hạnh đệ nhất.

 

Khi các đệ tử của đức Phật càng ngày càng đông, đức Phật động viên và khuyên bảo: “Này các Thầy Tỳ Kheo! Hãy ra đi nhiều hướng khác nhau để hoằng dương chánh pháp và cứu độ chúng sanh, hãy đem sự tu tập, an lạc và hạnh phúc của tự thân để giáo hóa tha nhân. Vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, các vị hãy truyền bá chánh pháp cho muôn loài. Giáo pháp của Như Lai toàn hảo ở chặn đầu, chặn giữa, và chặn cuối, cả tinh thần lẫn văn tự. Các vị hãy có công bố đời sống thánh thiện và hòa bình cho số đông trên khắp hành tinh này.”(Xem Mahāvagga 19 – 20).

Về sau, đức Phật giáo hóa rất nhiều hạng người khác nhau như các vua quan, quần thần, thương gia, tôi tớ, thậm chí những kẻ hốt phân, kẻ sát nhân và kỷ nữ. Giáo pháp và Tăng đoàn của đức Thế Tôn đều có khả năng dung nhiếp những người đến từ các giai cấp, tôn giáo, màu da, chủng tộc… khác nhau. Những ai có đủ duyên học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình một cách chánh niệm và tỉnh giác, thì họ có thể đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Các đệ tử của đức Phật chủ yếu bao gồm hai chúng xuất gia và tại gia. Cả hai chúng này đều hỗ trợ với nhau như hình với bóng làm yếu tố then chốt để đưa đạo Phật đi vào cuộc đời và giúp đời thêm vui bớt khổ.

Hoằng dương chánh pháp trong 45 năm, tất cả những gì đức Phật dạy như nắm lá cây trong lòng bàn tay nhằm giúp con người nhận diện và chuyển hóa khổ đau, và giúp họ sống cuộc đời an vui và hạnh phúc ngay tại thế gian này.

Trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật khuyên dạy các đệ tử: “Hỡi các đệ tử! Các pháp hữu vi đều vô thường và biến đổi. Các vị hãy tinh tấn tu học và thực hành phật pháp nhiều hơn nữa để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân. Đây là những lời giáo huấn tối hậu của Ta cho các người.” (Xem Trường Bộ – Kinh Đại Bát Niết Bàn II số 16).

Trụ thế ở đời 80 tuổi, khoảng năm 544 trước công nguyên, đức Phật nhập diệt tĩnh lặng, nằm nghiêng mình về hông phải, chân trái trên chân phải duỗi thẳng, đầu quay về hướng Bắc dưới hai cây song thọ tại rừng Sa La (Sala) tại quận Câu Thi Na (Kushinagar), Ấn Độ ngày nay.

Để tỏ lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với đức Thế Tôn, mỗi người đệ tử của Ngài phải tự mình sống đúng với chánh pháp bằng cách không làm các việc ác, hãy làm các việc lành, giữ thân tâm thanh tịnh. Mỗi người chúng ta phải là món quà tu tập, hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực để hiến tặng cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này. 

Kính chúc Quý vị thân tâm thường an lạc và thấm nhuần giáo pháp của đức Thế Tôn!

 


[1]   Xem Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta) thuộc Tương Ương Bộ (Samyutta Nikaya, 56: 11).

[2]   Xem S. III. 28. Sāriputtasayutta;  CDB. III. Chap. VII. 1018.


Thích Trừng Sỹ


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage