1. Pho tượng Ngưu Cửu Đại Phật, Nhật Bản
Pho tượng Phật Di Đà vĩ đại phải
kể đến đầu tiên đó là pho tượng Ushiku Daibutsu (Ngưu Cửu Đại Phật). Nếu tính cả
10 mét chiều cao của đài sen và 10 mét chiều cao của phần bệ móng thì tổng chiều
cao của pho tượng là 120 mét, nặng 4.000 tấn. Pho tượng vĩ đại này được ghép từ
6.000 phiến đồng thiếc có độ bền cao. Trong thời điểm hiện tại thì đây là pho
tượng Phật Di Đà cao nhất thế giới. Pho tượng tọa lạc tại thành phố Ushiku của
tỉnh Ibaraki, một tỉnh thuộc phía Đông Bắc của Tokyo, Nhật Bản. Công trình kiến
trúc này được xây dựng nhằm kỷ niệm ngày sinh của ngài Thân Loan, vị tổ khai
sáng Tịnh Độ Chân Tông ở Nhật Bản, và được hoàn thành vào năm 1993.
Đây là một công trình kiến trúc
hiện đại. Bên trong pho tượng
có một hệ thống thang máy lên đến độ cao 85m, dùng để đưa du khách lên ngắm cảnh,
và một khu bảo tàng rộng lớn, có đến 4 tầng, mỗi tầng có một tên gọi khác nhau:
Tầng 1: Cảnh giới Vô Lượng
Quang và Vô Lượng Thọ
Tầng 2: Thế giới của sự tri ân
và báo ân
Tầng 3: Thế giới Liên Hoa Trang
Nghiêm
Tầng 4: Không gian núi Linh Thứu.
Tại tầng này, ở phần ngực của tượng Phật, có các cửa sổ để cho du khách có thể
nhìn ngắm cảnh quan bên ngoài.
Pho tượng Phật Di Đà này được Tổ
chức Xác lập kỷ lục thế giới ghi nhận là pho tượng Phật cao nhất thế giới vào
năm 1996.
2. Pho tượng Linh Sơn Đại Phật, Trung Hoa
Linh Sơn Đại Phật (Ling Shan
Grand Buddha) là pho tượng Phật Di Đà cao 88 mét. Đây là pho tượng bằng đồng nặng
700 tấn. Pho tượng này tọa lạc trong khuôn viên của Tường Phù cổ tự, một ngôi
chùa cổ được xây dựng vào đời Đường (618-907), ở thành phố Vô
Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Hoa. Công trình kiến trúc này được hoàn thành
vào năm 1996. Vì pho tượng nằm ở vùng núi Linh Sơn nên được gọi là Linh Sơn Đại
Phật.
Linh Sơn Đại Phật cao to sừng sững, khí thế oai nghiêm, hùng
vĩ. Phía Nam của Đại Phật là Thái Hồ, mặt sau tựa vào núi Linh Sơn, bên trái nối
liền với Thanh Long, bên phải nối với Bạch Hổ, địa hình hiểm trở, huyền bí, quang cảnh ưu nhã, mỹ lệ. Linh
Sơn Đại Phật trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh của tỉnh Giang
Tô, thu hút đông dảo khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, lễ bái
hàng năm.
3. Pho tượng Phật A Di Đà ở Phật Quang Sơn, Đài Loan
Đây là pho tượng Phật A Di Đà
cao 40 mét, nằm trong khuôn viên của tu viện Phật Quang Sơn, thành phố Cao
Hùng, Đài Loan. Phật Quang Sơn là một Hiệp hội Phật giáo lớn mạnh của Trung Hoa,
do ngài Tinh Vân sáng lập. Hiện tại, Hiệp hội Phật giáo Phật Quang Sơn có rất
nhiều tu viện và các trung tâm tu học, các trung tâm giáo dục, hoạt động xã hội
ở nhiều nước trên thế giới. Trụ sở chính của Phật Quang Sơn đặt ở thành phố Cao
Hùng, Đài Loan.
Tượng Phật A Di Đà tại tu viện
Phật Quang Sơn ở Cao Hùng được hoàn thành vào năm 1975. Tại khu vực xung quanh
pho tượng Phật lớn này còn có dựng 10.000 pho tượng Phật Di Đà nhỏ, trong tư thế
đứng thẳng, tay phải hướng lên trên, tay trái hướng xuống đất, biểu trưng cho ý
nghĩa tiếp dẫn chúng sanh về với cảnh giới Cực Lạc của Ngài.
4. Pho tượng Phật Di Đà ở Ulan Bator, Mông Cổ
Pho tượng Phật Di Đà ở thành phố
Ulan Bator, Mông Cổ cao 23 mét, được hoàn thành vào năm 2005. Thành phố Ulan
Bator là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Mông Cổ. Thành phố Ulan Bator
nằm phía Bắc của miền Trung Mông Cổ, có độ cao 1.310 mét so với mực nước biển, trên một thung lũng
nằm bên sông Tuul. Thành phố Ulan Bator được hình thành từ năm 1639, với vai
trò là một trung tâm Phật giáo và di chuyển dần cùng với những người dân du mục.
Năm 1778, Ulan Bator được hình thành một cách cố định tại địa điểm hiện tại,
nơi hợp lưu của hai dòng sông Tuul và Selbe. Trong thế kỷ 20, Ulan Bator đã
phát triển thành một trung tâm kinh tế của Mông Cổ.
5. Pho tượng Phật Di Đà tại Kamakura, Nhật Bản
Kamakura Đại Phật (Kamakura
Daibutsu) là pho tượng Phật Di Đà trong tư thế ngồi kiết già cao 13,5 mét, nặng
121 tấn. Đây là pho tượng Phật bằng đồng lớn thứ hai tại Nhật Bản, và là một pho tượng cổ, được xây dựng
hoàn tất vào năm 1252. Pho tượng
tọa lạc trong khuôn viên của tu viện Kōtoku (Cao Đức), tại thành phố Kamakura,
tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Vào năm 1498, một đợt sóng thần mạnh đã cuốn trôi những
công trình kiến trúc của ngôi chùa, chỉ còn trơ trọi nền móng và pho tượng Phật.
Kể từ đó đến nay, suốt hơn 500 năm, pho tượng Phật bằng đồng ấy vẫn uy nghi
trong nắng gió, tuyết sương.
Vào năm 1960-1961, chính phủ Nhật
Bản đã tiến hành trùng tu pho tượng nhằm gia cố phần cổ và giúp cho
thân tượng có thể chuyện động tự do trên nền đá, để
tránh bị sụp đổ khi xảy ra động
đất.
Hiện nay, Kamakura Đại Phật được
xem là một trong những quốc bảo của Nhật Bản. Cũng chính vì lẽ này mà Đại Phật Kamakura
cùng với khu di tích thuộc tu viên Cao Đức là một trong những điểm du lịch tâm
linh thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
***
Trên đây là năm pho tượng Phật Di Đà vĩ đại nhất trên thế giới. Những công
trình kiến trúc ấy đã trở thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong các
chuyến hành hương của tín đồ Phật tử và du khách trong nước cũng như quốc tế. Những
công trình ấy không chỉ là biểu tượng của lòng tin mà còn là niềm tự hào của
tín đồ Phật tử.
Minh Nguyên
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 617, số đặc biệt nhân vía Di Đà, ra ngày 26/11/2011)