Chùa Bửu Minh

Hồi ký Thái Kim Lan HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU

NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN


Hồi ký Thái Kim Lan

HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU
Chùa Từ Đàm bị phong tỏa như thế được gần hai tuần. Khác hẳn với những ngày đầu hết sức căng thẳng, những ngày kế tiếp chúng tôi đã được thao luyện với tính khẩn   trương của tình thế nên “thong thả” hơn đối với diễn biến mỗi ngày. 



Máy phóng thanh vẫn tiếp tục đe dọa và khuyến cáo dân chúng đừng nghe lời Cọng sản và đừng đi theo Cọng sản đang rắp tâm phá rối trị an, nhưng hình như chẳng ai để ý tới. Tuy lệnh phong tỏa dưới đất được chính quyền yểm trợ với 4 phi cơ chiến đấu bay lượn trên không suốt ngày dòm ngó đe dọa, dưới đất tướng Trí ra lệnh gia tăng các chiến xa và quân đội, dùng những đàn chó trận gầm gừ chận đứng ngõ Từ Đàm và liên tiếp dùng lựu đạn a-xít uy hiếp những đoàn người đi lên chùa. Nhưng ngược lại với những ngày đầu, dần dần chính những người bao vây chùa Từ Đàm đã âm thầm “giải” phong tỏa ở phía sau chùa vào ban đêm để cho Phật tử vào chùa, hay chính họ dẫn vào cũng như đưa các thư từ của phụ huynh các người bị giữ ở chùa. Một điều làm cho chúng tôi cảm động nhất là phần đông các bậc phụ huynh đều bảo người thân bị kẹt trong chùa “cứ ở lại với các Thầy”. Sau hơn một tuần ăn uống thiếu thốn vì hết gạo, bỗng nhiên chúng tôi thấy bàn cơm mỗi bữa khá phủ phê, sau mới biết chính những người lính phong tỏa đã bí mật cho các chị tiểu thương đem gạo và lương thực vào ngả sau của chùa.

Có thể nói trong thời gian bị phong tỏa ở chùa Từ  Đàm chúng tôi đã trải qua những những ngày lạ lùng nhất về tình đồng đạo và sức mạnh cảm hóa của chính nghĩa. Hình như có một ánh hào quang nào đó tỏa sáng từ cây Bồ Đề trước sân, từ Tượng Thích Ca Mâu Ni trong chánh điện hay từ đức độ của Qúi Ôn Qúi Thầy, mà mọi sắt đá hung dữ từ bên ngoài bỗng hóa mềm, trong lúc ấy càng ngày tình đồng đạo của những người ở ngoài chùa mỗi lúc càng sôi nổi. Không có ngày nào mà chúng tôi không thấy thấp thoáng những khuôn mặt bạn bè chao qua đảo lại ở bên kia đường. Ai ở dưới phố mà không chộn rộn ngóng lên chùa Từ Đàm? Chùa Từ Đàm bỗng trở nên một đề tài thu hút tất cả những bận tâm của mọi người dưới phố. Trên khắp các đường phố quần chúng sôi động khác thường. Sinh viên học sinh không còn thói quen hàng ngày “bát phố” Trần Hưng Đạo như trước mà rủ nhau đạp xe lên chùa nghe ngóng tình hình. Mỗi ngày những gương mặt đầy cảm khái của bạn bè, như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường…  đứng bên kia đường hầu như là một sự an ủi và khuyến khích, như một lời nhắn nhủ đừng sờn lòng cho chúng tôi ở trong sân. Có thể nói không quá đáng rằng hiện tượng “đồng tình” của quần chúng cho một phong trào như  trong cuộc vận động 63 đã không xảy ra một lần thứ hai. Trong hơn hai tuần bị phong toả người trong chuà đã không có cảm giác bị cô lập với thế giới bên ngoài, ngược lại chưa bao giờ người trong cuộc lại thấy trong lòng khởi lên một niềm tin về công bằng và lẽ phải như tiếng nói của lương tri con người đã được con người bảo vệ và bồi đắp mạnh mẽ dường ấy ! 

Trong khoảng thời gian này cuộc vận động đã lan tràn ra trên khắp các tỉnh miền Nam, các khuôn hội hoạt động rất mạnh mẽ và đoàn kết. Thầy Trí Quang đã liên lạc được với qúi Thầy ở Sài gòn. Thầy Tâm Châu cũng đã cho người ra Huế gặp Quí Thầy ngay khi cuộc vận động bắt đầu, với một lá thư nhỏ “Tâm Châu chỉ biết một chữ nhất”.  Quí Thầy trong ban lãnh đạo ở Sài gòn đã cho người ra tận Huế đem đến cho Thầy Trí Quang và đã bàn phối hợp công việc vận động. Chính trong thời gian này Thầy Thiện Minh (điều hành văn phòng bốn cơ quan PG tại Huế) quyết định vào Sài gòn gặp Quí Thầy trong UBLPBVPG bàn công việc cụ thể phối hợp với Huế. 

Tôi còn nhớ, chúng tôi đã mừng như thế nào, khi thấy Thầy Thiện Minh trở lại Huế sau mười ngày vắng mặt, khi bóng Thầy xuất hiện nơi cửa Tam Quan, tay cầm chiếc nón lá rộng vành của nhà sư, phong độ khoan thai của một vị sứ giả. Chúng tôi mừng đón Thầy như con chờ mẹ đi chợ về. Nhưng Thầy Thiện Minh đã không đem thêm tin gì mới lạ, cuộc diện kiến (ngày 5.6.1963) của Phái đoàn Phật giáo Ủy ban Liên Phái Phật giáo  và Ủy ban Liên Bộ (được Tổng thống Diệm cho phép thành lập ngày 3.6.1963) đã là một cuộc tiếp xúc hình thức lấy lệ, chưa có một thỏa thuận nào cụ thể. Chính quyền không có một chút thực tâm muốn giải quyết và chỉ đưa ra những lời hứa suông.

Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, là người duy nhất vẫn giữ vẻ điềm đạm và ôn hòa, thầy Thiện Minh còn mĩm cười dí dõm tự trào : “các vị trong chính quyền, kể cả ngài Tổng thống, vẫn còn giữ thành kiến, cho rằng “thầy chùa nấu canh chua chẳng ngọt”, bởi thế họ không thể “hạ mình” để nói chuyện nghiêm túc với một nhóm người gọi là UBLPBVPG mà không có tóc chi cả và cả đời không biết ngồi ghế bành. Thái độ của họ quá tự tôn, họ đĩnh đạc ngồi trong ghế bành, chân vắt mảy, tiếp chuyện với “lũ trọc đầu” cho có lệ. Nhưng chúng ta vẫn nhẫn nại. Đòi hỏi của Phật tử là chính đáng. Anh em sinh viên cứ an tâm. UBLPBVPG liên lạc trao đổi thường xuyên với Ủy ban Liên bộ để phản ảnh những vi phạm các điều đã thương thuyết. Hiện nay ở Sài gòn phong trào ủng hộ nguyện vọng của Phật tử lên rất cao. Nhưng anh em sinh viên ở Huế vẫn là những kẻ tiên phong trong cuộc vận động này. Vẫn thành tâm cầu nguyện là mọi việc thành tựu ! Nghe nói mấy ngày ni anh em phải nhịn đói phải không ? Thầy đã nhờ Ủy ban khiếu nại việc Từ Đàm bị phong tỏa, bị cắt điện nước, bị chận đường và họ hứa sẽ can thiệp…”

Cả mấy anh em đều nhao nhao lên : “Họ can thiệp mô nà ? Vẫn phong tỏa, vẫn chười bới đinh tai, vẫn chận đường ngoài tê tề thưa Thầy, anh em sinh viên muốn lên đây đều bị ăn lựu đạn cay cháy da đó Thầy, bị chó berger rượt chạy có cờ ! May nhờ mấy anh lính thương chùa, có nới tay một chút mới có bữa đói bữa no !”. 
Phan Chánh Đông cười xen vào, kẻ cả : “Ui chao, cả bọn đua nhau mà ca vọng cổ cho Thầy nghe chắc tới chiều tối. Thôi để Thầy đi nghỉ chơ mấy ông nội !” Rồi hắn quay qua tôi “còn bà thì chưa lên được chức “mệ nội” mô hí !”. Hắn lại nhe răng cười rổn rảng.

Rời phòng Thầy, chúng tôi chia nhau công việc trong chùa như thường lệ. 

Hôm ấy đến phiên tôi hốt lá trong sân giúp mấy chú tiểu. Trời tháng sáu, nắng vẫn trung thành với mặt trời tháng sáu ! cứ ngang nhiên đổ oà trên mặt đất tất cả những nung nấu của sức nóng miền xích đạo, sân chùa khô khan đến nứt nẻ, sỏi đá trong sân nóng hổi như những viên lửa hồng , lá khô vừa rụng xuống đã choáng váng bốc lên bay bổng, không chìu theo nhát chổi tung cả bụi “tam muội hoả” của mấy người chia nhau bốn góc đang dồn lá đem cho nhà bếp nhen lửa. Mọi vật ngất lịm trong áng nắng, bãi hoải trong màu xám trắng của đất cát trong sân. Chỉ duy cây Bồ đề không biết lấy sinh khí từ đâu mà vẫn xanh trên ngọn, vẫn mát nơi thân, vẫn đổ bóng chan hòa trên mặt đất, như một ân huệ của ngày tháng sáu ! 

Nhưng hôm ấy nhìn màu xám của sỏi đá trong sân, nhìn màu xanh không đổi của cây Bồ Đề tôi bỗng nhớ đến hàng phượng từ Phú Văn Lâu lên cầu Bạch Hổ giờ này chắc đang rối rít trao bông cho nhau thay vòm xanh phủ kín đường đi, nhớ cây phượng nơi góc Đài Phát thanh cạnh cầu Trường Tiền thường sà hoa xuống nước và nhớ làm sao những cây phượng trong sân trường Đồng Khánh năm năm vẫn rộ một màu đỏ thắm với tuổi học trò. Trong những ngày nồng cháy tháng sáu của Huế, chỉ có hoa phượng là có thể thi gan dài hơi uống nắng từng nghỉn mà không say. Uống nắng ừng ực vào lòng như thế, tưởng đâu phượng sẽ tung rãi một thứ lữa hỏa diệm sơn đốt cháy phố phường, nhưng huyền diệu là phượng trên trời ! Trong màu nắng chói chang lòa mắt, hoa phượng lại bắt mắt cho mắt nhìn thêm ! và hành nhân đang quáng nắng bỗng chợt mát trong hồn khi dừng lại trên từng cánh mỏng màu san hô hổ phách trang đài khoe sắc trên tầng lá xanh. Sáng, trưa, chiều màu hoa đỏ như môi son thiếu nữ nhoẻn nụ cười tươi nhất trên khắp các nẻo đường xứ Huế khiến cho người Huế ở kiếp nào cũng sẵn lòng đổ mồ hôi hột, nhể nhại trần thân chịu cơn nắng suốt cả đời người, để được một sáng ra đường gặp hoa, buổi trưa tình cờ thấy hoa và buổi chiều đi về với hoa trong những ngày hè thét  lửa.  
Riêng tôi hôm ấy đứng trong sân chùa Từ Đàm khổ hạnh bỗng nghe nhớ  nỗi say mê của tuổi mười sáu ép phượng trong sách vở mong giữ hoài một màu đỏ trong tim như giữ một mảnh đời của Huế. 

Đêm hôm ấy tôi nằm mơ thấy mình cùng với lũ bạn đạp xe trên khắp các con đường quen thuộc nơi chốn cố đô. Mỗi năm hè về lũ con gái mười sáu mười bảy chúng tôi thường có lệ rủ nhau đạp xe đi “duyệt” các nẻo đường xem phượng nở hoa và chấm điểm cây nào sây bông nhất mùa. Cong lưng trên xe, mồ hôi dính bết tóc mai, má đã hâm hấp hồng trong nắng, cả đoàn con gái áo trắng chạy hết đường Lê Lợi, dọc sông bến Ngự qua An Cựu rồi băng qua cầu Trường Tiền, duyệt hết quãng đường Trần Hưng Đạo, vòng lại chui qua cổng Thượng Tứ vào trong Đại Nội. Vừa đi vừa ngắm cây cỏ vừa chỉ trỏ cười nói râm rang. Trong mơ nghe kháo nhau năm ni được mùa hoa phượng, cả bọn đâm ra khó tính không dừng lại ở một gốc cây nào mà cứ đi mãi, đến cuối một con đường không nhớ tên, lũ con gái đồng kêu lên kinh ngạc : một cây phượng già hiển hiện trước mắt với tàn hoa rực rỡ chưa từng thấy trong đời. Cả bọn quẳng xe sóng soãi trên đất, chạy đến đứng dưới gốc phượng nhìn lên, sửng sốt trước màu đỏ liên hoan trên nền trời thiên thanh nhạt nhoà buổi sáng ! Hàng nghìn đoá hoa phượng chen nhau trên cành trùng trùng điệp diệp toả quanh thân cây, đan kín bầu trời, ánh nắng và màu xanh da trời chỉ còn thấp thoáng những chấm lóng lánh như kim cương điểm xuyết trên màu đỏ, tạo một cảm quan thị giác chập chờn huyền ảo, từ đó màu đỏ bỗng lung linh tràn ra thành những dợn sóng của một mặt hồ màu hổ phách mông mênh thu hút mê hoặc… Những khuôn mặt ngước nhìn trời bỗng như bị thôi miên trở nên bất động. Thoáng sau tôi nghe dạ dày mình thót lên một cảm giác mất trọng lực, cùng lúc cả lũ thiếu nữ áo trắng đột nhiên tay quàng tay thành vòng tròn cất mình lơ lửng rồi vụt bay la đà vào trong vùng màu đỏ ối, như một đàn thiên nga đập cánh sà vào trong biển lửa. Chúng tôi bay lượn xoáy vòng trên các bông hoa càng lúc càng nhanh với một tốc đọ chóng mặt, màu đỏ loang loáng ngời hào quang ! Trong mơ đường bay hầu như dài vô tận, cả bọn thấy trong lòng hạnh phúc khôn tả nên cất lên tiếng cười ròn rã, và Lê, cô bạn có nước da ngăm đen từ thời tiểu học, nỗi tiếng một thời hát hay với bài “Thuyền viễn xứ” ở trường Đồng Khánh, bỗng cất cao giọng hát, đồng thời toàn thể rừng hoa bỗng biến thành một tấm thảm nâng đoàn con gái lên phía trời xanh. Trong lúc tiếng hát của Lê vút dài réo rắt trên từng không ! Cảm giác choáng váng ngợp người giữa khỏang bao la làm nghẹt thở !

Tôi giật mình choàng tỉnh ! Mồ hôi đầm đìa ướt áo ! Cùng một lúc tiếng gà chùa Từ Đàm đang rền rĩ  trong khóm cây chanh sau vườn. Mọi người đã lục tục trở dậy. Máy phóng thanh bên đường đã bắt đầu rột rẹt sửa soạn những bài diễn văn nhai lại.

Hôm ấy là ngày 11. 6. dương lịch. 9 giờ rưỡi sáng tất cả Phật tử trong chùa  đã họp nhau trên chánh điện  để tụng kinh hàng tuần cho các Thánh Tử Đạo. Chúng tôi cùng nhau đọc kinh và nghe giảng đến khoảng hơn 11 giờ trưa. Vừa dứt câu “nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, thề trọn thành Phật đạo !” mọi người lạy từ lui ra, bỗng nghe chuông trống bát nhã vang lừng một cách lạ thường. Mọi người đều giật mình quay ra phía góc tả hữu hai bên chánh điện, thấy một bên anh Từ, bên kia Thầy Chánh Trực đang dùng hết sức bình sinh nổi chuông và trống liên hồi. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau không biết chuyện gì trầm trọng đã đang và sẽ xảy ra mà trống chuông đổ khẩn cấp đến thế ! Vừa dứt tiếng trống, anh Từ nói lớn, sắc mặt và giọng nói đầy bi hùng pha lẫn chút nghẹn ngào của nước mắt đang quanh mi : “mời tất cả ở trong chánh điện, Thầy có chuyện nói với qúi vị !”

Vài phút sau tin truyền ra như một tia chớp của cơn giông : Hoà Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu vào khoảng 11 giờ sáng hôm nay với lời nguyện: 

“Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện của của Phật giáo." 
  
“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì chùa Quán Âm, Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy Phật giáo nước nhà lúc ngữa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng Tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường Chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật Giáo. 

Mong ơn mười phương Chư Phật, Chư Đại đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện như sau: 

1- Cầu hồng ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong Bản Tuyên ngôn.  
2- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.  
3- Mong nhờ hồng ơn Đức Phật gia hộ cho Chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tại nạn khủng bố, bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.  
4- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. 

Trước khi nhắm mắt mà về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở. 

Tôi thiết tha kêu gọi Chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni, Phật tử đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật Pháp. 

Nam mô Đấu Chiến thắng Phật.  
Làm tại chùa Ấn Quang ngày 8/4 Nhuần Quý Mão.  
Chùa Quán Thế Âm.  
Tỳ Kheo Thích Quảng Đức kính bạch

Nghe tin tất cả mọi người đều thảng thốt như bị điện giựt, rồi không ai bảo ai mọi người đều qùi xuống, các ni sư có người oà lên khóc, nhiều tiếng niệm Phật nho nhỏ thốt lên như những tiếng kêu tán thán, rồi tất cả mọi người đồng sụp lạy và qùi tụng theo lời của anh Từ xướng lên “Nam Mô tiếp dẫn đạo sư A di đà Phật”, tiếng tụng kinh ban đầu còn lảo đảo ngập ngừng trong cơn xúc động, nhưng càng lúc càng vững vàng tự tin lấn át mọi nghẹn ngào của nước mắt đang chảy nơi người Phật tử, nghe ầm ì như tiếng của một cơn sóng thần từ trên trời dội xuống. 

Tôi ngồi đó như bị câm, môi tê cứng không thể mấp máy tụng theo mọi người. Hình như tôi chưa có một ý niệm hay chưa vẽ ra được trước mắt hình ảnh về mấy chữ vừa được nghe : “Hoà Thượng Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân“. “Đốt cháy thân xác thịt da mình để cứu đạo Pháp và giác ngộ con người !” ! Đã đành mỗi chữ trong dòng thông tin này như “đốt cháy“ – “thân xác – thịt da” – “cứu” – “Đạo Pháp“ thì rõ nghiã, nhưng sau từng chữ là tổng thể của một chí nguyện và sức mạnh tinh thần vô úy vô ngại dũng mãnh để biến thành ngọn lửa thiêu thân hiện thực, điều này đang vượt quá giới hạn kinh nghiệm của một đứa sinh viên Phật tử nhỏ bé yếu đuối là tôi đang cúi đầu sụp lạy. Tôi tự hỏi không biết mình sẽ phản ứng như thế nào khi được chứng kiến tận mắt cảnh tượng hy sinh chưa từng có này : khóc, la hét, ngất xỉu, niệm Phật, lạy, sửng sờ, sợ hãi, chết cứng, sùng bái ? Mọi liên tưởng hay so sánh của con người về hình ảnh đó bỗng trở nên hạn hẹp và tố cáo kinh nghiệm chủ quan cũng như trình độ hiểu biết của từng cá nhân. Tôi nhớ đến màu đỏ lửa của hoa phượng trong giấc mơ : Lửa ! lửa! Lửa !  Một kẻ ngu ngơ như tôi chỉ có thể tưởng tượng được ngọn lửa vây quanh ngài cũng đỏ như màu hoa phượng trong giấc mơ, nhưng trong giấc mơ, hoa phượng có thành lửa đỏ cũng chỉ là mơ… lửa không nóng mà lại mát rượi cả tâm hồn ! Và cho dù tôi có học thuộc lòng lý thuyết của David Hume về kinh nghiệm bỏ tay vào lửa là bị phỏng, phỏng làm đau… mà bản tính của con người sợ đau nên học được thói quen thấy lửa là tránh, đã sợ đau tránh lửa thì  làm sao có thể hiểu hết được sức mạnh siêu nhiên vô úy của người ngồi kiết già trong lửa ? 

Có người như bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Cố vấn Ngô đình Nhu, chủ tịch Phụ nữ Liên đới VN, trong tình cảm riêng tư, khi nghe tin “lửa cháy…thân xác” liền nghĩ ngay đến món “thịt nướng” trong biệt thự sang cả của bà, không hơn không kém ! Tổng thống Ngô Đình Diệm, trong vai trò của ông, vừa nghe tin đã rụng rời, rơi cả giấy đang cầm tay và hốt hoảng đọc lời hiệu triệu nhưng vẫn tuyên bố một câu đầy oai quyền “sau lưng hiến pháp còn có tôi” như một lời tự thú về quá trình độc tài của chính ông. Cả thế giới nhìn Việt nam với nỗi kinh ngạc về sức mạnh tâm linh của một hiện tượng tôn giáo độc nhất vô nhị trên đời. Và báo chí khắp năm châu kín trang đi tìm ý nghĩa hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức như một hy sinh cao cả ! Họ làm sao hiểu hết được hành động phi   thường này qua những tam đoạn luận, phép tỷ giảo, loại suy, phân tích, so sánh ngay cả với chúa Jesus ! Hình như mọi so sánh đều là những quá trình giảm thiểu rút gọn vào kinh nghiệm thuộc thế giới thường nghiệm, do đấy trở nên ngờ nghệch và khập khiểng. 

Vượt lên trên tất cả sức tưởng tượng của con người cũng như lòng tin căn cứ vào thói quen cho rằng “lửa có khả năng khủng khiếp đốt cháy tiêu hủy hết tất cả những chi thuộc về ‘sắc tướng’”, Thích Quảng Đức đã đưa một thông điệp khác cho loài người : LỬA đã không thể thiêu hủy trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ! – nghe thượng tọa Đức Nghiệp người đã đưa Hoà Thượng Thích Quảng Đức đến ngã tư Lê Văn Duyệt Phan Đình Phùng (Sài gòn) ngồi xuống ung dung châm lửa tự thiêu, kể lại rằng hôm ấy mấy chục ký giả ngoại quốc chứng kiến vụ tự thiêu,- những kẻ được tôi luyện trong tri thức khoa học và tin tưởng vào khoa học -, đã lon ton chạy đi tìm thêm mấy bình xăng, quẹt hết mấy hộp diêm, hì hà hì hục cố tình đốt lui đốt tới hầu mong có thể tiêu hủy trái tim vẫn còn nguyên vẹn sau khi nhục thể của Ngài đã thành tro, nhưng LỬA đã qui hàng trước TRÁI TIM BỒ TÁT. Trái tim có sức mạnh biến lửa tam muội thành LỬA TỪ BI. Hiện tượng bất ngờ ! Những kẻ tự hào văn minh Tây phương ngơ ngác ! Hình như mọi thứ ngôn từ khoa học vừa dừng lại nơi đây, nơi cái gạch nối ấy, gạch nối giữa thể xác và tâm linh, giữa trái tim nhục thể và trái tim bất diệt, khoa học đang dừng lại bên bờ nhịp đập và nhịp ngừng của trái tim, quờ quạng không tiến xa hơn một bước, trong lúc kẻ hành thâm bát nhã đã thâm nhập vào bến bờ của tâm – ý - thức siêu ngã, đã qua bờ và đã quay về – khi đi cũng như khi trở lại không bằng con đường nào khác hơn là con đường của TÂM – của trái tim : từ trái tim khả tử đến trái tim bất tử – tuy hai mà chỉ là một, trái tim Quảng Đức ! : 

Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ, Phật pháp chẳng rời tay” ,  
“Bóng người vượt chín tầng mây, nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề”. 

Có chăng chỉ còn “vần điệu của thi nhân”, trong một phút giây trực cảm, đã đến gần với nhịp đập của trái tim Bồ Tát ấy, đã có thể “sờ” được ngọn lửa từ bi, khả dĩ đem ánh sáng ngọn lửa Quảng Đức chiếu dọi vào tâm hồn của người Việt trên khắp miền Nam và cả thế giới. Một tháng sau ngày Thích Quảng Đức tự thiêu, với “Lửa Từ Bi” thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thêm một lần làm ngọn lửa này rực sáng thiên thu bất diệt, đã làm bừng cháy ý nguyện của Phật tử miền Nam :

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc  
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi  
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác  
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.  
Rồi đây… rồi mai sau… còn chi ?  
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát  
Với thời gian, lê vết máu qua đi  
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát  
Dội hào quang xuống chốn A tì  
Ôi ngọn lửa huyền vi… 

Lời thơ vang dội đã gây nên một tác dụng mãnh liệt nung đốt ý nguyện vô úy của Phật tử miền Nam, đến nỗi những người có uy quyền phải giật mình thảng thốt. Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu nổi giận trước đám bộ hạ tướng tá giám đốc công an, cảnh sát, mật vụ  của ông và quát tháo rằng, cả guồng máy công an cảnh sát miền Nam chẳng làm gì được mà thua một bài thơ của tên thi sĩ quèn trói gà không chặc. Hình như trong cơn nóng giận, bị nung đốt trong lửa dục độc tôn và lửa hờn ghét tất cả những ai không theo mình, bị mê hoặc trong lửa ái ngã và chấp ngã, ông Cố vấn vốn nổi tiếng thông minh tài ba đầy mưu thần chước qũy đã không thấy được sức mạnh của một  “cung” rất nhỏ trong “vần điệu thi nhân”, một dấu nhấn hầu như vô hình nhưng có mãnh lực đưa mũi tên mỏng như lá tre phá cả thành trì vô minh, khai phóng giác ngộ  giải thoát, đưa bài thơ theo cùng với ngọn lửa Quảng Đức tỏa khắp mười phương :

Từ cõi vô minh 
Hướng về cực lạc 
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác 
Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác.

Chính cung thương “nhạn quá trường giang” của tâm vô ngã “chỉ nguyện được là rơm rác” đã giúp thi nhân “tự đốt mình” diệt mọi sân si tham ái, vượt bờ giới hạn ngã chấp, lời thơ bay vút rực sáng trong tâm nhân loại ngọn lửa từ bi Quảng Đức :

Thơ cháy lên theo với lời kinh,  
Tụng cho nhân loại hoà bình, 
Trước sau bền vững tình huynh đệ này… 

Hôm nay khi viết những giòng này, như một cuộc hẹn vô tình, lại cũng là ngày 11 tháng 6 của năm xưa, đã vừa vặn 40 năm ngọn lửa Thích Quảng Đức ! Bút mực thời ấy đã chảy ra rất nhiều, lời ca ngợi tán thán cũng đã lắm, sự sùng bái quá đà tột bực. Nhưng bỗng giựt mình cho hôm nay và cho cả ngày xưa ấy ! 40 năm đã đem lại nhiều thăng trầm cho Việt nam, quá nhiều tang thương ngẫu lục cho cả mấy thế hệ 50, 60, 70, đến nỗi lịch sử lắm khi vì quá đau hay quá kiêu hãnh lại bỏ sót một vài điều tâm linh đáng để quan tâm, nhưng dễ bị bốc hơi ở nơi những trang sử thiên về vật chất ! Bia đá dễ mòn nhưng bia miệng có lẽ không nên mòn về hiện tượng tâm linh Thích Quảng Đức. 

Thích Trí Quang tán thán ngọn lửa Quảng Đức bằng một câu đáng suy ngẫm : “nước Việt nam có lắm vĩ nhân, nhưng Bồ Tát Quảng Đức là vĩ nhân mà siêu nhân”.[1]  
Thật thế, Việt nam của thế kỷ hai mươi đã có nhiều điều đáng nói, nhưng trên bình diện thể tính văn hoá Việt nam – hay nói nôm na trên bình diện tu tâm, - có lẽ điều đáng nói nhất mà không quá đáng là Việt nam đã có một siêu nhân Thích Quảng Đức với một sức mạnh tâm linh đã được thực chứng bằng “trái tim Bồ tát”. Ngọn lửa Thích Quảng Đức không chỉ bùng cháy cho người Phật tử, ngọn lửa Thích Quảng Đức là một minh chứng cho cả một nền văn hoá Việt nam được thể nhập như một đồng nhất “tâm thể”, khơi dậy cho thế hệ nối tiếp một niềm hi vọng nhân ái trên con đường hội nhập nội tâm – và có lẽ chỉ ở điểm này – ở tính nhân ái từ bi nhẫn nhục nhưng đầy vô úy vô ngại -  trái tim Quảng Đức khác với “trái tim bốc lửa linh thiêng” (“heilig gluehend Herz”) của một Prometheus , - kẻ đem lửa cho trần gian -  mà Goethe đã từng ca ngợi (J. W. v. Goethe, Prometheus).[2] Prometheus phản kháng và  thách đố Thượng đế, kẻ đánh lừa trái tim “tươi trẻ và thánh thiện” đã bùng cháy một thời cho thần linh và Thượng đế ngủ yên,  đã là một giấc mơ  huyền thoại về lý tưởng văn hóa của con người Tây phương, giấc mơ về hiệu hữu của loài người không phụ thuộc vào thần linh và Thượng đế , của một giống người với trái tim bốc cháy theo hình tượng một Prometheus “biết đớn đau, biết khóc biết cười, biết vui chơi và hạnh phúc” và “vô úy” (J. W v. Goethe, ) [3] , không hãi sợ thần linh. Prometheus bắt đầu xây dựng nhân tính bằng tự do, nhưng cũng bằng sự kiêu hãnh chấp ngã của một cá tính phương Tây. Xét cho cùng Prometheus cũng chỉ là giấc mơ huyền thoại lý tưởng của Tây phương ! Với Hitler, tập đoàn thuộc địa, đế quốc và độc tài phương Tây, giấc mơ Prometheus phần nào đã trở thành cơn ác mộng của loài người.  Trong lúc “Thích Quảng Đức ngồi yên thế hoa sen trong biển lửa” làmột hiện thực “vô úy - từ bi” trọn vẹn của con người đã vượt chấp ngã, của “vị Phật đã thành”, khởi đầu bằng sự phát triển chánh kiến chánh niệm, mở rộng trái tim cho tất cả chúng sinh, quên mình cho lý tưởng giác ngộ, chỉ nẻo cho tha nhân lầm đường và cầu nguyện cho chính những người thù nghịch với con người. Ngọn lửa Thích Quảng Đức  không phải là một huyền thoại hay một niềm tin mù quáng mà là ngọn lửa của con người, của “mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi”. 

Đứng đầu thế kỷ hai mươi mốt, trong một thời điểm mà thế giới chưa bao giờ như ngày hôm nay bị phá sản về tinh thần và văn hóa trầm trọng đến từ hai phía : sự hung hăng thô bạo của thế lực vũ lực ngụy tín  và sự vô vọng hư  vô (nihilist) của  cuồng tín tâm linh, nền tảng đạo đức nhân loại đang lung lay sụp đổ dưới chân của mỗi người. Với LỬA TỪ BI và TRÁI TIM BỒ TÁT, Việt nam có lý do hơn ai cả để tin tưởng vào sức mạnh vô úy siêu nhiên đầy tình nhân loại của chính con người Việt nam.

Nói điều ấy mà không mang một chút ảo tưởng, nếu mỗi người, nhất là người Phật tử  Việt nam không xem câu chuyện Thích Quảng Đức như một hiện tượng đặc biệt duy nhất, chỉ nên được nhớ hay quên như một dữ kiện lịch sử. Tấm gương Bồ Tát Quảng Đức là một minh kính sửa lại cái nhìn sai lệch cho rằng hiện tượng tâm linh tôn giáo là một liều thuốc độc mê ngủ, đồng thời mở ra một chân trời mới cho thấy khả năng tâm linh của con người liên hệ với thực tại siêu việt trong nổ lực vươn tới tuyệt đối thiện mỹ, mà những tôn giáo độc thần giáo điều thường  giao trọn trong tay Thượng đế. 

Đối với thế hệ trẻ ngọn lửa Thích Quảng Đức trở nên một vấn nạn, một tiền đề tu chứng khởi đầu hành trình tỉnh thức cho cả một đời người, một tấm gương khai phá sức mạnh tâm linh siêu nhiên của con người Việt nam.

Nếu nhớ không sai, vấn nạn ấy anh em sinh viên đã thao thức đặt ra ngay sau ngày Thích Quảng Đức tự thiêu cũng như trong những buổi hội thảo những năm tháng kế tiếp, rồi bị rơi vào quên lãng. 

Câu hỏi thường được đặt ra là “Thiêu thân có phải là một sự tự sát và đạo Phật có chấp nhận tự sát hay không ?” Trả lời câu hỏi ấy mà chẳng trả lời, Thầy Trí Quang đưa ra lời dạy của Đức Phật  làm cả bọn chưng hửng “Thân người khó được !”

Vĩnh Tùng ngay hôm đầu tiên, với tiếng nói sư tử hống hề hề, lại đặt câu hỏi cố hữu : “Rưá là răng, thưa Thầy”. Phan Chánh Đông, thường khi hay phản bác lại  câu   “Huế chay” đó bằng một câu khác cũng “Huế rặt” không kém “Răng trong miệng a tề !”, hôm ấy bỗng dưng im lặng, đôi mắt ốc bưu cũng bớt long lanh. Cả bọn thanh niên trẻ vốn ưa suy luận, ốn ào đặt vấn đề bỗng thấy đang đứng trước một vách đá, băn khoăn : chúng tôi đang vấp vào một nghịch lý mà luật chơi lý luận lý không cho phép. Rõ ràng nếu “thân người khó có” thì phải qúi trọng “thân người”, có nghĩa là phải “ái”, phải  “thủ” phải “chấp” lấy tấm thân “khó có” này, có nghĩa là phải bảo vệ thân xác đến mức toàn thiện tận cùng, phải qúi hoá nâng niu nó, không được coi thường coi nhẹ mạng sống của con người !  Từ đó “tự thiêu thân” phải chăng là điều cấm và Thích Quảng Đức đã không tuân lời Phật dạy ?

Vĩnh Kha hạ kính cận xuống, nhìn mà không thấy ai : “thưa Thầy, hình như chưa đả thông được lời dạy ‘thân người khó được’ với sự tự thiêu  !”   Chị Tuyết xen vào : “Thưa Thầy, theo con nghĩ, Đức Phật đã dạy coi tấm thân ngũ uẩn tứ  đại là vô thường, thì chuyện tự thiêu chẳng có chi mâu thuẫn !”.  “Nhưng lại mâu thuẫn với thân người khó có !” Đông tủm tỉm nhắc lại câu hỏi ban sơ. 

Đến đó Thầy Trí Quang mới dẫn chứng thêm “trong kinh cũng có nói về đốt thân xác như một hành động tu chứng chế ngự bản thân và nhất là trong trường hợp cần phải cứu độ sinh linh,  hành giả có thể tự  nguyện hủy thân mình !” . Chúng tôi thở phào an tâm, đã có lời Phật dạy như thế ! Nhưng trong lòng nỗi băn khoăn vẫn chưa dứt. Hình như chúng tôi cũng đang quanh quẫn trong rừng rậm hoài nghi mà một người chưa học Phật thấu đáo thường mắc phải, và những kẻ ngộ nhận Phật giáo thường vội vàng dựa vào đó để đi đến những kết luận xuyên tạc : kết luận Đạo Phật là phi tôn giáo, từ chối bản thể siêu việt và không giải đáp được những câu hỏi siêu hình của con người. Những kết luận này cho thấy sự nông cạn, không thấy được hay không muốn thấy hai bình diện chân lý khác nhau trong lời dạy “tấm thân ngũ uẩn” và “thân người khó có” của Đức Phật. Trong lúc thấy được tính giả hợp của tấm thân ngũ uẩn là nhìn đúng bản chất của sự vật trên bình diện khoa học khách quan,  thì mặt khác lời dạy “thân người khó có”   nhấn mạnh đến giá trị hiếm có của chính thân người trên thế gian, chính giá trị này mang đến ý nghĩa cho sự hiện hưũ của con người như là một thực thể có khả năng giác ngộ, giải thoát. Ngay ở điểm này cho thấy, trí tuệ trong cái nhìn khách quan khoa học “thân ngũ uẩn” luôn luôn đi đôi với câu hỏi về đạo đức tâm linh “thân khó có” đã làm nên yếu tính tu học của người Phật tử. Hành giả  thấy được sự giả hợp của tấm thân ngũ uẩn, nhưng không bao giờ vất bỏ tấm thân muôn kiếp mới được làm người trên thế gian này !

Phải suốt cả cuộc đời hành thâm chính kiến ngũ uẩn, tận tâm lực qúi trọng nhưng không chấp thủ “thân người khó có” mới hiểu được ý nghĩa hạnh nguyện khẩn thiết “được tự thiêu” của Bồ Tát Quảng Đức. Ý nghiã này ngoài lòng từ bi vô lượng không bắt nguồn từ đâu khác hơn sự thâm nhập và thực chứng lời dạy của Đức Phật về giá trị đạo đức và tâm linh của thực thể con người. 

40 năm vấn nạn Thích Quảng Đức như một công án cho cả đời người. Ngờ đâu câu trả lời đã nằm trong câu hỏi. Thích Quảng Đức là câu trả lời, là gạch nối giữa “thân khó có” trong sự tu luyện thân xác trở nên kim cương bất hoại và “tự thiêu vì chánh pháp cứu độ sinh linh” như một hạnh nguyện từ bi vô lượng vô biên. Nhìn lại Thích Quảng Đức là nhìn lại cả hành trình tu chứng của Phật Giáo Việt nam như một thực chứng giác ngộ giải thoát mà mỗi người Việt nam đang có sẵn trong tâm thức của chính mình ! 

Trở lại ngày hôm ấy, 11.6.1963,  sau khi tin Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài gòn được loan báo và xác nhận từ UBLPBVPG, mọi việc biến chuyển bất ngờ. Thoạt tiên  cái máy phóng thanh trước chùa trước đó không lâu vẫn mồm loa mép giãi đột nhiên bặt tiếng, mấy ông công an đang ngồi lai rai cà phê cà pháo bỗng vội vàng chụp mũ phớt lên đầu phóng xe chạy bay biến. Khoảng ba giờ chiều một phái đoàn của toà Đại biểu Trung phần và ông Tỉnh trưởng trịnh trọng lên gặp qúi Ôn và qúi Thầy. Khi phái đoàn ra về, tin chùa Từ Đàm hết bị phong tỏa liền được công bố. Giây kẽm gai trước cổng chùa đã được tháo gỡ, hàng rào quân cảnh cũng giải tán. Xe thùng quân đội, xe jeep từ từ rút lui. Chùa Từ Đàm bỗng chốc trống trãi lạ lùng ! Anh Từ lên máy nói báo tin qúi Ôn khuyên mọi người chuẩn bị về nhà. Cảm giác lúc ấy thật là khó tả. Mọi người vừa vui mừng vừa bịn rịn. Chúng tôi rủ nhau lên chào lạy qúi Ôn qúi Thầy để từ giả ra về. Thầy Trí Quang báo tin ngày hôm sau Hoà thượng hội chủ Thích Tịnh Khiết sẽ cùng đi với Thầy Thiện Minh  vào Sài gòn. Chúng tôi e dè hỏi Thầy cuộc vận động ở Huế có còn tiếp tục hay không nếu Thầy cũng đi vào Sài gòn và anh em sinh viên PT tại Huế có những công việc cụ thể nào. Thầy chỉ cười và bảo chính Thầy cũng chưa biết có đi hay không, anh em nên về nghỉ ngơi kẻo gia đình mong đợi.

Chúng tôi từ giã nhau tại sân chùa. Quái lạ, lúc bị phong toả chỉ ước mơ giây phút ấy, mà sao lúc chia tay rời Từ Đàm hình như đứa nào cũng thấy bâng khuâng. B.Tôn phá tan bầu không khí ấy bằng một cử chỉ dấu cảm động rất ‘mệ Tôn’, vừa nói vừa liếc nhanh qua tôi rồi day về phía Trương Phì : “Nì thôi chạy về nhà mau cho rồi, mấy bữa ni ở dơ ở dớp, hai tuần mà cứ một bộ đồ mặc đi mặc lại. Ui chao không đẹp đẽ chi hết. Mau về mà tắm rữa cho sạch sẽ, rồi đi phố nữa chơ !” Phan Chánh Đông, khi nào cũng thận trọng, vừa trả lời B.Tôn vừa dặn anh em . “Phố xá chi chừ ! Anh em nên cẩn thận ! Công an vẫn còn theo dõi đó nghe ! Về nhà nghỉ ngơi nhưng nhớ báo tin cho nhau !” Chúng tôi chia tay khi nắng chưa tắt trên ngọn cây Bồ đề.

Về đến nhà, mẹ tôi mừng rơi cả đôi đũa bếp đang chăm  “trách” cá nục chuối kho nước với ớt xanh chìa voi và ớt bột trên bếp lửa. Buổi cơm chiều đối với người tuyệt thực trở về khá thịnh soạn với cá nục kho, tôm rim và rau muống luộc. Cả nhà vừa cầm đũa, đã thấy bóng người lấp ló trước cửa với tờ giấy viết vội của Phan Chánh Đông cho biết rằng tên tuổi của những sinh viên tuyệt thực đã bị ghi vô sổ đen và mọi người nên “tẩu tán” đừng ngủ ở nhà, và ban đêm đừng đi ra ngoài cũng như không mở cửa nếu có người đến gõ cửa. Riêng Đông sẽ không có mặt ở Huế một thời gian.  Chưa kịp mừng đoàn tụ, mẹ tôi nghe đọc thư nhắn đã tái mét mặt mày, sợ thất thần. Nuốt vội cơm, mẹ tôi lập tức cho người nhắn cậu tôi xuống nhà. Cậu tôi đến với chiếc xe trắc xông màu đen. Không giải thích nhiều, mẹ tôi bảo tôi lên xe cùng với mẹ và một  xách áo quần đã chuẩn bị vội vàng. Tôi chưa kịp hỏi đi đâu, thì xe đã rồ bánh, qua cầu Gia Hội, qua cầu Trường Tiền, qua cánh đông An Cựu, về phía cầu Hai rồi lên đèo Hải Vân. Chúng tôi đang ở trên đường vào Đà Nẳng.

Chú Thích:

[1] Hồi ký không xuất bản của thầy Trí Quang 
[2] Johann Wolfgang von Goethe, trích từ bài thơ “...Prometheus”:  
            “Hast du’s nicht alles selbst vollendet,  
             Heilig gluehend Herz?  
             Und gluetest, jung und gut,  
             Betrogen, Rettungsdank  
             Dem schafenden  dadroben?”...  
[3] J.W. v. Goethe, đã dẫn ở trên:  
             “Hier sitze ich, forme Menschen  
              Nach meinem Bilde,  
              Ein Geschlecht, das mir gleich sei,  
              Zu leiden, weinen,  
              Geniessen und zu freuen sich,  
              Und dein nicht zu achten  
              Wie ich” 


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage