Thôi
rồi, những nhịp đập của một trái tim từng yêu thương nhất và cũng từng
cô đơn nhất! Thôi rồi, những khát vọng cháy bỏng của tình yêu, và cũng
thôi rồi, những dằn vặt khổ đau trần thế! Có chăng, chỉ còn lại những
giai điệu Orpheus (*) đầy quyến rũ và cũng đầy day dứt như xoáy vào tâm
hồn người nghe những vấn nạn muôn thuở của thân phận kiếp người.
Thực
vậy, sáng tác của Trịnh Công Sơn rất đa dạng và phong phú. Nhưng, nhìn
chung toàn bộ những ca khúc của anh đã toát lên một chủ đề nhất quán, ấy
là chủ đề về thân phận con người gắn liền với thân phận quê hương đất
nước. Bởi vậy dù hát về tình yêu, về chiến tranh, hay về quê hương nòi
giống; ở anh vẫn khắc khoải một nỗi lo âu trước vực thẳm cuộc đời; trước
nỗi cô đơn không thể cứu vãn; trước sự phi lý của tồn tại, và trên hết
là tâm trạng lưu đày trong cõi tạm!
Nói
chung, đó là những vấn đề căn bản của những trào lưu triết học hiện
sinh phương Tây, cũng tương tự như những vấn đề Sinh - Lão - Bệnh - Tử
của đạo Phật khái quát về đời người. Nó phản ánh tâm trạng khủng hoảng
của con người, đặc biệt là giới trí thức đang bị mất phương hướng trong
một thế giới tan rã, phân liệt bởi hai cuộc đại chiến. Chính trên cái
nền triết lý này, vào những năm 60 ở nước Anh đã xuất hiện nhóm nhạc
rock hay nhất của mọi thời đại: nhóm The Beatles với những tên tuổi tiêu
biểu lừng danh như John Lennon, Paul McCartney v.v... Họ nổi tiếng vì
đã phản ánh được tâm trạng bức xúc của thời đại bằng những ca từ đầy
tính triết lý, và nhất là bằng nghệ thuật âm nhạc độc đáo, vô song của
họ được biểu hiện trên cả hai mặt sáng tác và biểu diễn.
Cùng
thời gian đó, khi mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lên đến đỉnh cao,
thế hệ trẻ ở các đô thị miền Nam, trong đó có Trịnh Công Sơn và lớp bạn
bè của anh thuộc tầng lớp trí thức trẻ luôn bị ám ảnh bởi cái chết - một
chủ đề kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh. Trong một bối cảnh như vậy,
thân phận con người đương nhiên là một vấn nạn, một chủ đề tư tưởng mang
tính triết lý, và nếu như nó đã được đề cập, phân tích, lý giải từ Ðông
sang Tây bởi những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới
thể hiện bằng những tác phẩm văn chương, thơ ca, cùng những luận văn
triết học siêu việt, thì ta thấy ở Trịnh Công Sơn cũng giống như nhóm
Beatles, anh đã thể hiện bằng âm nhạc. Tuy nhiên, ở Beatles mang nặng
ảnh hưởng hiện sinh, cổ vũ cho tự do, cho sự sống hết mình của thế hệ
trẻ, biểu hiện ở tinh thần phản kháng, tinh thần nổi loạn chống lại cái
phi lý của hiện hữu, được xem như mục đích của tồn tại. Tiêu biểu cho
tinh thần này là câu nói của nhà văn hiện sinh nổi tiếng A. Camus: “Tôi
đã nổi loạn, vậy thì tôi tồn tại”. (Je me révolte, donc je suis).
Trong
khi ở Trịnh Công Sơn là sự ảnh hưởng của triết lý đạo Phật, vốn nhạy
cảm về tính hữu hạn của đời người trong quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử,
trong dâu bể vô thường! Chính điều này đã chi phối mạch tư duy âm nhạc
của anh để làm nên một phong cách Trịnh Công Sơn với những ca khúc nổi
tiếng tiêu biểu như Cát bụi, Diễm xưa, Biển nhớ, Bên đời hiu quanh, Ở
trọ, Biết đâu nguồn cội, Phôi pha, Dấu chân địa đàng, Như cánh vạc bay,
Ðóa hoa vô thường, Một cõi đi về v.v...
Chỉ
với những tiêu đề của chùm ca khúc trên cũng đã phần nào nói lên tính
triết lý của tác giả. Tuy nhiên, tính triết lý không chỉ biểu hiện ở nội
dung những ca từ vốn đã rất nổi tiếng ở anh mà còn được kết hợp một
cách nhuần nhuyễn với những giai điệu cực kỳ điêu luyện thường được viết
trên nền của một giọng thứ (mineur) u hoài, man mác gợi lên một sự trầm
tư không dứt về ý nghĩa tồn tại của đời người trên tuyến tính thời
gian, mà xét đến cùng, chỉ là một tiến trình từ chiếc nôi đến nấm mồ,
không thể nào nghịch đảo “Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ” (Cỏ xót xa
đưa). Bởi vậy khi nghe Trịnh Công Sơn, chúng ta thường bắt gặp một cái
nhìn đầy ưu tư về thân phận
Ưu
tư? - phải chăng vì nó vượt lên trên những giá trị thường nhật, nó chạm
tới những vấn đề vĩnh cửu, nó chạm tới nỗi đau hiện hữu của con người,
mà đạo Phật gọi là Khổ đế (Dukkha). đế đầu tiên và quan trọng nhất trong
Tứ diệu đế nổi tiếng của đạo Phật. Có thể nói toàn bộ những ca khúc của
Trịnh Công Sơn là một cuốn tiểu thuyết trường thiên minh họa cho chủ đề
triết lý này, mà mỗi bài ca là một khúc đoạn trường luôn để lại những
vết thương, bắt đầu từ vết thương đầu tiên, ấy là sự ra đời của con
người, mà anh đã cảnh báo trong lời ru"... Trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày
mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa). Sinh là khởi điểm của
một kiếp luân hồi, nếu như tự nó không phải điều đáng buồn - thì cũng
chẳng có gì đáng gọi là vui. Trong một tác phẩm thấm nhuần tinh thần
Phật giáo là Cung oán ngâm khúc, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã viết về sự
ra đời bằng những câu thơ đầy triết lý:
“Thảo nào khi mới chôn rau (nhau)
Ðã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
Khóc vì nỗi thiết tha thế sự
Ai bày trò bãi bể nương dâu”
Và
trước Nguyễn Gia Thiều gần hai thế kỷ, trong vở kịch nổi tiếng “Vua
Lia” - nhà viết kịch lừng danh William Shakespeare từng viết: “Con người
không cất tiếng cười khi chào đời, mà khóc thét lên, bởi nó quá hãi
hùng khi phải bước vào cái sân khấu mênh mông đầy bất ổn của những kẻ mê
cuồng!”. Cũng với tinh thần triết lý trên, nhà thơ Byron nổi tiếng của
nước Anh thế kỷ thứ XIX từng viết: “Con người có thể chữa lành mọi vết
thương cơ thể, nhưng không bao giờ chữa lành được vết thương của sự ra
đời” (nguyên văn tiếng Anh: One can heal all physical hurt, but can
never heal the hurt of birth). Chúng ta thấy hầu như các danh nhân cổ,
kim, Ðông, Tây đều đã nhìn nhận nỗi khổ của đời người đúng như lời dạy
của Ðức Phật được khái quát thành Khổ đế.
Người
ta thường nói: “Văn tức là người” (style c'est l'homme) mà theo triết
lý đạo Phật thì con người chỉ là sự lộ thể tất yếu của Nghiệp, điều này
đúng với bất kỳ ai trong chúng ta một khi đã có mặt trên cõi đời này.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939 tại Ban Mê Thuột, nhưng lớn lên ở quê
nhà, thành phố Huế, trong khung cảnh tĩnh lặng của chùa Hiếu Quang, nơi
gia đình gửi anh vào vì hoàn cảnh và dường như nhìn thấy nơi bản thể
anh có căn nghiệp tu hành. Nhưng, những năm tháng ở chùa chỉ còn lưu dấu
trong âm nhạc của anh bằng cái nhìn sâu thẳm và hư vô trước cuộc đời.
Toàn
bộ tuổi trẻ của anh là những cuộc trốn tránh quân dịch, uống thuốc xổ
để lọt qua những vòng khám tuyển và hậu quả là một thể trạng ốm yếu với
những căn bệnh dai dẳng đeo bám anh, cho đến giờ phút cuối của cuộc đời.
Cũng chính vì trốn tránh quân dịch mà anh đã theo học một lớp sư phạm
ngắn hạn ở Qui Nhơn, để rồi lên Bảo Trọng, Lâm Ðồng làm giáo viên kiêm
hiệu trưởng ở một trường tiểu học vẻn vẹn có ba lớp trong một ấp chiến
lược heo hút của người Thượng. Ðây là một trong những thời kỳ cô đơn
nhất, còn để lại nhiều dấu ấn trong những tác phẩm nổi tiếng của anh. Và
cũng chính ở cuối thời kỳ này đã đưa đến cuộc gặp gỡ định mệnh với ca
sĩ Khánh Ly vào năm 1967 tại Ðà Lạt. Khi ấy Khánh Ly mới ngoài hai mươi
tuổi, tuy chưa nổi tiếng như sau này, nhưng chị đã được giới sành điệu
biết đến như một giọng ca thể hiện hay nhất tác phẩm của những nhạc sĩ
tiền chiến từng một thời vang bóng như Lê Thương, Ðặng Thế Phong, Văn
Cao, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh v.v...
Sau
cuộc gặp gỡ đó, hai người đã quyết định hạ sơn, chấm dứt thời kỳ mai
danh ẩn tích đầy khổ hạnh ở chốn cao nguyên hoang dã. Trở về với không
khí âm nhạc sôi động của thành đô khi đó, giọng hát liêu trai của Khánh
Ly đã mau chóng chắp cánh cho những giai điệu diễm kiều của Trịnh Công
Sơn để cùng thăng hoa trên bầu trời âm nhạc, làm nên một cuộc phối ngẫu
kỳ diệu nhất giữa hai tài năng sáng tác và biểu diễn trong lịch sử ca
khúc Việt Nam. Thành công rực rỡ của họ đã được giới mộ điệu ghi nhận
trong cuốn băng để đời Sơn ca số 7.
Tiếp
theo là một giai đoạn sáng tác đầy hứng khởi và sung mãn của anh, thể
hiện một tinh thần nhập thế, hòa mình với thời cuộc để chia sẻ với hoàn
cảnh đau thương của đất nước trong hàng loạt những tác phẩm rất ấn tượng
được gọi tên là Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam. Thành công của giai
đoạn này đã khiến anh và Khánh Ly trở thành thần tượng của giới trẻ, đặc
biệt là sinh viên và trí thức. Vinh quang của Trịnh Công Sơn đã vượt ra
ngoài biên giới Việt Nam và lên đến đỉnh cao vào năm 1972. Trong một
cuộc thi hát quốc tế được Hãng truyền hình NHK tổ chức tại Osaka - Nhật
Bản, bài hát Ngủ đi con trong tập Ca khúc da vàng được trình diễn qua
giọng ca tuyệt vời của Khánh Ly đã đoạt giải Ðĩa hát vàng (Gold disc),
có số phát hành trên hai triệu đĩa. Kể từ đó tên tuổi của Trịnh Công Sơn
được ghi trong Từ điển bách khoa của nước Pháp (Encyclopédie de tout
les pays du monde) như là một người đã hát lên nỗi đau thương của nhân
loại trong chiến tranh qua những khúc ca mà đúng ra phải gọi là những
lời kinh nguyện cầu cho những linh hồn khổ đau và tuyệt vọng!
Cuộc
đời con người như được gọt ra từ một khối đá huyền bí, cho dù có mài
giũa đến mấy, những đường vân tiền nghiệp vẫn mãi mãi hiện lên. Là một
Phật tử, Trịnh Công Sơn rất tin ở điều này và dường như nó đúng với
những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời. Theo họa sĩ Trịnh Cung, một
trong những người bạn thân nhất của anh cho biết, đến ngày 30-4-1975
Trịnh Công Sơn đã quyết định ở lại, mặc dù trước đó một người bạn của
anh là ký giả nổi tiếng Ðỗ Ngọc Yến cùng đi với một nhà báo Mỹ đến gặp
anh để đưa ra lời mời là đã có chuyến bay dành chỗ cho anh cùng gia đình
đi Hoa Kỳ. Nhưng anh đã từ chối, và đến trưa ngày 30-4 lịch sử, anh đã
lên Ðài Phát thanh Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn và kêu gọi văn nghệ sĩ
hãy ở lại với quê hương, đất nước. Một trang đời mới đang đón chờ anh,
và sau đấy anh đã trở ra Huế để dấn thân vào một cuộc sống mới đầy cam
go, thử thách. Trải qua hai năm lao động, học tập ở Cồn Tiên - một vùng
đất hoang vu đầy bom mìn chưa tháo gỡ, anh kể lại có lần ra đồng làm
việc, một con trâu đi trước anh chỉ vài mét đã dẫm phải mìn và chính cái
chết của nó đã cứu sống anh. Với anh, thời kỳ này là một dấu lặng dài
đã giúp anh có thể điềm tĩnh nhìn lại mình qua những biến cố lịch sử.
Sau
những sự kiện trên, anh đã trở về Sài Gòn vào năm 1979, sau một thời
gian dài im hơi lặng tiếng cho đến thập kỷ của những năm 80 được xem là
thời kỳ khởi sắc trở lại trong cuộc đời sáng tác của anh. Hàng loạt
những ca khúc mới lại ra đời, tiêu biểu như: Mỗi ngày tôi chọn một niềm
vui, Tuổi đời mênh mông, Huyền thoại mẹ, Ðóa hoa vô thường, Lặng lẽ nơi
này, Em còn nhớ hay em đã quên, Nhớ mùa Thu Hà Nội, Tôi ơi đừng tuyệt
vọng v.v... Anh đã tỏ ra vui hơn trong nhiều ca khúc mới. Nhưng nhìn
chung, vẫn là một Trịnh Công Sơn “triết gia” luôn cố tìm hiểu thân phận
cái tôi còn đầy duyên nợ trần thế của anh.
“Tôi là ai mà còn trần gian thế?
Tôi là ai mà yêu quá đời này!”
(Trích ca khúc “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”).
Con
người Trịnh Công Sơn được thể hiện rất rõ qua những ca khúc tiêu biểu
của anh, chẳng hạn như Một cõi đi về là tác phẩm anh rất tâm đắc, nên đã
dịch lời sang tiếng Anh với đầu đề My own lonely world (Cõi đơn độc
riêng của tôi). Ðiều này cho thấy anh thường xuyên ở trong một tâm trạng
cực kỳ cô đơn, và có nhiều nỗi buồn trong cuộc đời.
Tuy
nhiên, nhờ ở căn cơ, tâm đạo, bản lĩnh và trình độ tu chứng nên anh đã
hóa giải được những hệ lụy nhân sinh, để biến những nỗi buồn, sự cô đơn
thành những khúc ca như một thứ phúc âm độ nhật cho đời và qua đó tìm ra
Một cõi đi về cho riêng mình cũng như cho mọi người. Bởi vậy âm nhạc
của anh bao giờ cũng mang tính triết lý, một thứ triết lý mang sắc thái
Phật giáo Thiền tông đã hòa tan một cách tự nhiên trong mỗi ca từ, mỗi
âm điệu của tác phẩm. Có thể vì vậy mà nhiều người xem anh như một thiền
sư - một thiền sư hoằng pháp bằng lời ca tiếng hát, ứng với cái nghiệp
của một thời ở chùa từ những ngày niên thiếu xa xưa của chính anh.
Trịnh
Công Sơn thường khiêm tốn nói về mình: “Tôi chỉ là kẻ hát rong đi qua
miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.
Qua câu nói tưởng như hư vô này là một thông điệp đầy minh triết mà anh
muốn nhắn gửi với chúng ta rằng “Trong cái mong manh tạm bợ của cuộc
sống trần gian, mọi danh lợi đều chỉ là phù du, hư ảo. Con người chớ nên
vì nó mà tự đầy đọa mình trong những phi lý của hận thù, tranh chấp,
của đố kỵ, ghét ghen!” Hôm nay anh đã giã từ miền đất vừa đi qua, nhưng
tinh thần nhân bản của anh sẽ còn lại mãi mãi.
Trong
những ngày diễn ra lễ tang anh, những tác phẩm nổi tiếng của anh đã trở
thành những khúc Requiem (Khúc nguyện hồn) để cầu siêu cho chính anh.
Ðặc biệt là Cát bụi và Một cõi đi về đã được diễn tấu qua tiếng kèn saxo
alto đầy xúc động của Trần Mạnh Tuấn. Và sự xúc động đã lên đến cao
trào trong một khung cảnh thật ấn tượng, khi một đoàn các nhà sư xếp
hàng dài trước linh cữu để thắp hương tưởng niệm anh, thay cho những lời
cầu kinh, họ cùng cất tiếng đồng ca Một cõi đi về... Không khí bi
thương của tang lễ bị dồn nén như bỗng òa vỡ. Hầu như mọi người đều bật
khóc. Một tình thương mênh mang đã bao trùm lên tất cả! Qua tiếng hát
nghẹn ngào của các nhà sư, giai điệu bi thiết của Một cõi đi về thực sự
trở thành khúc nguyện hồn không chỉ cho người nhạc sĩ cô đơn vừa nằm
xuống, mà còn cho tất thảy mọi chúng sinh mà anh hằng gắn bó, yêu
thương! Có thể nói Trịnh Công Sơn đã phát Bồ đề tâm qua thơ ca và âm
nhạc trong tác phẩm bất hủ của mình để độ cho tất cả mọi chúng ta -
những ai còn lận đận trong Một cõi đi về.
Sau
hết, nhân dịp giỗ đầu của nhạc sĩ (1-4-2001 - 1-4-2002), chúng tôi xin
được qua bài viết còn sơ lược này để thắp lên một nén hương nguyện cầu
cho vong linh anh tìm thấy sự yên tĩnh đời đời ở cái thế giới mà mọi
chúng ta ai ai rồi cũng sẽ lần lượt tựu về. Với ý nghĩa đó, con người
không vĩnh biệt nhau, mà chỉ tạm biệt.
Ðâu
đây vẳng lại dư âm những lời ca như từ một cõi giới xa xăm vọng về
“Trên hai vai ta đôi vừng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi
về...”.
Chí Anh (Đạo Phật ngày nay)