Chùa Bửu Minh

Trong cuộc sống hiện đại, ngay trong lòng xã hội Việt Nam, ngày nay người ta phải nỗ lực nhiều hơn, bươn chãi nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cá nhân và gia đình.

Người ta lao vào công việc như một cái máy được lập trình sẵn, mà quên đi những nhu cầu khác về thể chất, tinh thần và tâm linh, cũng như lơ là trong các mối quan hệ với bằng hữu, gia đình và xã hội. Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng (stress) và dẫn đến nhiều căn bệnh cũng như những hệ lụy khác. Liệu có cách nào dung hòa giữa công việc và phần còn lại của của cuộc sống mỗi người?

Sau ba tháng nghỉ hè, kể từ chương trình Mừng Ngày Của Cha 12/06, chiều thứ Bảy ngày 10/09/2011, Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình Sài Gòn đã hoạt động trở lại, với loạt đề tài về kỹ năng làm chủ bản thân. “CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG” là đề tài được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, nhằm trả lời câu hỏi trên trong bầu khí giao lưu, vui tươi, thoải mái với gần 300 người tham dự. Với vẻ bề ngoài còn rất trẻ trung, thật khó có thể hình dung đó là một diễn giả 71 tuổi, bác sĩ đã trình bày đề tài bằng phong cách đĩnh đạc của người có trải nghiệm về mặt xã hội cũng như uyên thâm về y khoa, nhưng không kém phần dí dỏm, gây cười, thu hút giới trẻ như bác sĩ đã từng gây ấn tượng với bao học sinh, sinh viên khi phụ trách “Phòng mạch Mực Tím” nổi tiếng trong một thời gian dài.

Dưới tác động của thế giới hiện đại, với thông tin bùng nổ, mọi thứ tiện lợi, bác sĩ đã đặt ra vấn đề với hàng loạt câu hỏi: Tại sao người xưa thảnh thơi, có cuộc sống cân bằng hơn chúng ta bây giờ? Tại sao người xưa nghèo khó mà vẫn “nuôi con giỏi dạy con ngoan”? Tại sao…??

Ngày xưa, người đàn ông là trụ cột trong nhà, đi làm kiếm tiền nuôi sống cả gia đình; Người phụ nữ chủ yếu được giao trọng trách nuôi con, dù trình độ học vấn không cao, nhưng có thể nói đã nuôi dạy con rất tốt. Nhưng giờ đây cả đàn ông và phụ nữ đều phải làm việc “đầu tắt mặt tối”, 12-16 giờ /ngày (kể cả ăn trưa, đi lại…). Luôn căng thẳng với nạn kẹt xe, khói bụi, lô cốt, tai nạn giao thông…. Về nhà chỉ còn ít giờ cho cơm nước, ngủ, nghỉ, giải trí, lo cho con cái… hành trang mang về nhà là bao nỗi bực dọc, bao việc chưa giải quyết xong… bơ phờ, hốc hác.

Thời buổi hiện đại ngày nay với những phương tiện tối tân, dường như cả thế giới được gói gọn trong lòng bàn tay, nhưng những lời than thở về đời sống lại thường xuyên được bắt gặp trong các buổi tham vấn vì cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại: “Sáng vác ô đi, tối vác về”, gia đình chán nản, bản thân chán nản.

Sức khỏe là yếu tố quan trọng trong cuộc sống mỗi người, nhưng ít ai quan tâm thực sự sức khỏe là gì? Theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vào năm 1946, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being; bien-être) về thể chất (physical), tâm thần (mental), xã hội (social). Rõ ràng, sức khỏe không chỉ được đo lường bằng tình trạng có bệnh hay không có bệnh như nhiều người lầm tưởng. Chính vì thế, nhìn vẻ bề ngoài không thể biết chính xác sức khỏe của một người, nhất là về sức khỏe tâm thần và tâm linh.

Ngày nay, sức khỏe xã hội là điều cũng đáng được quan tâm khi người ta thường xuyên gặp phải những bức xúc, bực bội trong cuộc sống: ra đường gặp lô cốt, đến cơ quan công quyền gặp điều khó chịu, đến bệnh viện thì chật chội, bất an.

Bác sĩ đã dí dỏm khi nói đến cái thâm sâu trong tiếng Việt: Đau khổ là đau thể chất, khổ nỗi niềm; Bệnh hoạn: có bệnh là có hoạn nạn. Ngành y tế chỉ chăm lo mở bệnh viện cho nhiều, đó là điều nguy cơ vì chỉ quan tâm đến bệnh hoạn mà không quan tâm đến sức khỏe thực sự có cả về tâm thần và xã hội.

Một trong những vấn đề có liên quan đến sức khỏe tâm thần và xã hội chính là stress (căng thẳng tinh thần). Stress là nguyên nhân tiềm ẩn của 60-90% bệnh nhân đến khám bác sĩ. Nó gây nhiều bệnh chứng dẫn đến trầm cảm, tự tử, giảm chất lượng cuộc sống. Nhưng có một điều may mắn là đối với stress thì phòng bệnh dễ hơn trị bệnh, và một đời sống cân bằng là cách phòng stress tốt nhất.

Những bức hình vui đã nói lên những hoạt động có thể xảy ra trong đời sống hiện đại, khi có người nói rằng “Có 2 lần trong ngày tôi cảm thấy stress là ngày và đêm”. Đó là hình ảnh người người phụ nữ xoay lưng vừa bế đứa con với đôi mắt như diễn tả đôi mắt người mẹ, vừa phải làm việc trên máy vi tính xách tay; vừa phải lo cho công việc bếp núc; Hình ảnh người phụ nữ mở to miệng hét vào điện thoại; Hình ảnh người đàn ông vừa chạy như bay, tay xách vali, tay cầm điện thoại nghe với vẻ mặt căng thẳng.

Để nhận diện được stress cần biết những dấu hiệu của stress, bao gồm:
- Những dấu hiệu về nhận thức: Giảm sút trí nhớ; Do dự, khó tập trung; Suy nghĩ không logic; Phán đoán sai ; Chỉ thấy mặt tiêu cực; Mất định hướng; Hoang mang, sợ hãi.
- Những dấu hiệu về cảm xúc: Buồn rầu; Dao động, bứt rứt; Tâm tính bất thường; Kích động/Thiếu kiên nhẫn; Không thể thư giãn; Dễ cáu gắt, căng thẳng; Cảm giác bị tràn ngập, cô đơn; Trầm cảm…
- Những dấu hiệu về thể chất: Nhức đầu, đau lưng, đau cột sống cổ; Rối loạn tiêu hóa, bón…; Răng miệng hôi; Mất ngủ/ Tức ngực; Thị giác kém; Mụn, chàm ngoài da; Yếu sinh lý…; Dễ cảm cúm, nhiễm trùng…
- Những dấu hiệu về hành vi: Rối loạn dinh dưỡng (Béo phì,Gầy); Xa lánh mọi người; Tìm đến rượu, thuốc lá, ma túy…; Căng thẳng (Cắn móng tay, đi lui đi tới)…; Nghiến răng, nhai nhóp nhép… ; Hoạt động quá đáng (mua sắm, thể dục…); Phản ứng quá độ/ Dễ gây sự…

Cân bằng cuộc sống, cách nào? Vấn đề này đặt ra cho xã hội hiện đại là giải quyết làm sao để cân bằng cuộc sống. Cuộc sống như một bánh xe đang lăn, khi bánh xe mà phình chỗ này, xẹp chỗ kia thì nó chạy không đều được. Người ta đưa ra những thứ ảnh hưởng đến bánh xe cuộc sống như tài chính, gia đình, tâm thần, công ăn việc làm, xã hội, thể chất, tâm linh… tất cả những thứ đó cần phải đều nhau để bánh xe lăn tròn.

Cuộc sống người ta được ví như một người làm xiếc với những trái banh. Trái banh công việc được ví như trái banh cao su, thả nó xuống thì nó dội lên, công việc có mất đi thì cũng sẽ có lại, còn những trái banh khác là trái banh bằng thủy tinh, nó rớt xuống thì sứt mẻ, vỡ vụn, thế nên gia đình nếu gãy đổ thì khó hàn gắn lại, sức khỏe mà tiêu đi thì khó phục hồi lại…

Các biện pháp giúp cân bằng cuộc sống:
- “Từ bi với mình”: đừng làm cho mình đau khổ, bệnh tật mà cần quan tâm đến bản thân một chút. Cần bớt tham sân si, nếu tham nhiều, cứ muốn điều này đến điều khác sẽ dễ dẫn đến giận dữ, phải biết cách sống trong hiện tại. Trong tiếng Anh có chữ present có 3 nghĩa thật hay vừa là có mặt, là hiện tại, và là món quà: có mặt trong giây phút hiện tại đó là món quà của cuộc sống.
- Xác định mục tiêu vừa tầm: muốn nhiều quá, ôm đồm quá sẽ không đạt tới được, gây ra đau khổ.
- Chọn ưu tiên: chọn điều gì trước thì tập trung vào điều đó như phải chọn giữa gia đình, tình yêu hay tiền bạc…
- Phân bố thời gian: có thời khóa biểu và phải biết ủy quyền, nếu không biết ủy quyền thì tự làm khổ mình vì quá ôm đồm. Chronophage: nuốt thời gian, có những điều làm cho người ta mất thời giờ vô ích nên cần phải tránh bớt điều không cần thiết cho cuộc sống.
- Cần phải có kế hoạch, nhưng kế hoạch đừng quá máy móc, dễ gây đổ vỡ.
- Cần chú ý đến môi trường làm việc kể cả môi trường xã hội, các phương tiện phục vụ công việc. Con người căng thẳng thì dễ dẫn đến các nguy cơ. Trước đây, trong các công ty lớn ở Nhật người ta tạo ra những phòng có bao cát dán hình nộm giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng để nhân viên đấm vào đó như là một hình thức xả stress.
- Cần có những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp: tôn trọng, chân thành tạo sự tin tưởng của người khác, thấu cảm để đặt mình vào vị của người khác, để hiểu rõ sự việc, hiểu được hết họ, người nào có khả năng thấu cảm người khác người đó sẽ dễ thành công.
- Sử dụng công nghệ: đừng để bị lệ thuộc vì nhiều khi mất thời giờ hơn là hiệu quả, nhiều khi nó làm phá vỡ khung cảnh tự nhiên và làm cho con người bị lệ thuộc.
- Đừng ôm công việc cơ quan đem về nhà; Gần gũi với thiên nhiên; Đừng quên chăm sóc sức khỏe. “Self care”: cần tự chăm sóc mình, tốt nhất là có một “bác sĩ riêng” là những người quen biết để khỏi hoang mang trong vấn đề y tế; Dành thời gian cho bản thân;
- Giảm “Stress” bằng cách thở bụng, tập thiền, Yoga, du ngoạn, giải trí…
- Dinh dưỡng hợp lý: Theo tháp dinh dưỡng, theo bốn nhóm thức ăn và cách ăn.
- Cần tìm niềm vui trong hoạt động giải trí, sáng tạo: Viết, vẽ, ca, hát, nhảy múa… chụp hình, quay phim, cắm hoa, nấu ăn…“Cầm kỳ thi họa”, tận dụng mặt có lợi trong thời đại Internet.
- Với gia đình, đó là mối quan tâm lớn cần để ý. Nếu không, gia đình không còn là tế bào của xã hội nữa, mà là nơi đào tạo ra những người xấu, những thế hệ tương lai không tốt nữa. Vì thế cần dành thời gian cho gia đình;
- “Từ bi hỷ xả”, quan tâm đến người chung quanh… Sống trong hiện tại, đừng so sánh, đừng bắt mình phải giống người khác, đừng chạy theo thành tích, sống dối trá, khoe khoang, hình thức (xe cộ, quần áo, hàng hiệu…).

Cách thực hành để tìm ra sự không cân bằng trong đời sống của mình là vẽ ra sơ đồ những vòng tròn đồng tâm, sau đó chia thành 6 hoặc 8 phần bằng nhau và ghi vào đó những mục tiêu muốn theo đuổi tùy theo mỗi người. Chẳng hạn: công việc, sức khỏe, tài chính, sở thích, vui cười – những thử thách, học hỏi, bạn bè, gia đình. Sau đó tô màu đánh dấu đo lường mức độ quan tâm của mình trong từng lĩnh vực. Vùng tô màu nào càng gần tâm thì mức độ quan tâm càng ít. Các vùng tô màu càng không đều nhau thì sự mất cân bằng trong đời sống càng lớn.


Mục đích của việc vẽ ra sơ đồ này là làm cho người ta nhận ra mình đang thiếu sót hoặc quan tâm quá mức lĩnh vực nào, cần để ý hoặc giảm thiểu sự quan tâm để cân bằng các lĩnh vực trong cuộc sống. Đôi khi người ta cũng phải biết bỏ đi, tự giải phóng mình, phải có thời gian cách ly với những nguyên nhân gây stress trong đời sống của mình.

Nếu muốn giữ sức khỏe cần phải thực hiện theo nguyên tắc SAFER: Không thuốc lá (Smoking), Giảm rượu (Alcohol), Dinh dưỡng đúng (Food), Vận động (Exercise), Thở (Respiration). Cần tự nhắc nhở mình cắt bớt những nguy cơ dẫn đến bệnh tật hoặc sự căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống. Nếu có điều kiện vận động tốt thì đó là điều quá quý báu hay có chế độ dinh dưỡng đúng cách cũng làm người ta không bị cuốn hút vào những thực phẩm mà hiện nay có nhiều vấn đề cần lưu tâm.
Muốn cân bằng cuộc sống cần phải quan tâm đến nhiều điều và cần nhớ rằng tự mình mới có thể điều chỉnh được, chứ bác sĩ không thể làm thay việc đó. Điều này không quá khó mà tất cả nều nằm trong tầm tay của mỗi người để công việc và đời sống cân bằng với nhau.

Sau khi kết thúc đề tài, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dành thời gian để tận tình trả lời các câu hỏi mà khán giả đặt ra: về thiền theo quan điểm y học để giảm stress; về tinh thần cầu tiến; sự khác biệt giữa phấn đấu và tham vọng trong cuộc sống; giữa công việc và cuộc sống. Bác sĩ đã chân thành chia sẻ về những biến cố trong cuộc đời mình, để từ đó thay đổi cách sống, cách làm việc, nhằm nhận ra sự đơn sơ của hạnh phúc để có cuộc sống cân bằng.

Tạ Ân Phúc.
(tường thuật)

http://www.dohongngoc.com


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage