Ngoài sự tích Mục Kiền Liên - Thanh Đề, trong kinh điển Phật
giáo -- Nam Tông cũng như Bắc Tông -- còn có nhiều bài giảng của
Đức Phật đến các đệ tử để giúp họ giữ gìn mối hòa thuận trong gia
đình, để cùng nhau tăng trưởng trong chánh pháp. Trong bài viết
thô thiển nhân dịp Vu Lan năm nay (1995), tôi xin mạn phép được
trình bày một vài đoạn ngắn trong kinh điển Pali, nói về chữ Hiếu
mà Đức Phật đã giảng cho các đệ tử. Quí bạn đọc có thể tìm hiểu
thêm qua các kinh sách liệt kê ở phần cuối của bài viết.
Công ơn trời biển
Ca dao Việt Nam thường ví công ơn cha mẹ như núi Thái Sơn, như
nước trong nguồn chảy ra. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật đã ví
công ơn trời biển của cha mẹ như biển cả nghìn trùng. Ngài giảng
rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nên rộng bao
la và nhiều hơn biển cả:
"... Nầy các tu sĩ, sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các
ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, thì nhiều hơn
nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao
đếm được. Lưu chuyển luân hồi của chúng sanh trùng điệp nên không
thể nêu rõ khởi điểm. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc tất
cả các nghiệp hành của chúng sanh."
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật cũng ví cha mẹ như những ngọn
lửa đáng cung kính, vì cha mẹ là người đã đem lại sự sống và tăng
trưởng cho con cái, cũng như ngọn lửa đem lại nguồn sống, nguồn
năng lượng cho loài người:
"... Nầy các Bà-la-môn, cha mẹ của các người là các ngọn lửa
đáng cung kính. Vì sao thế? Vì từ đó mà tạo ra sự sống, sự hiện
hữu. Do đó cha mẹ như là các ngọn lửa thiêng đáng cung kính, đáng
được tôn trọng, đáng được cúng dường, và sẽ đem lại chánh lạc"
Vì công ơn cha mẹ to tát như thế, Đức Phật còn nói rằng có hai
hạng người mà chúng ta không bao giờ trả hết ơn được, đó là mẹ và
cha (Tăng Chi Bộ):
"... Có hai hạng người, nầy các tu sĩ, Ta nói không thể trả hết
ơn được. Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai
cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn
đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên
trái đất nầy cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ
nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn
khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đời nầy."
Đảnh lể phương Đông
Trong Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Singalovada Suttanta),
Trường Bộ Kinh, một buổi sáng khi Đức Phật đi trì bình khất thực
trong thành Vương Xá, Ngài thấy chàng trai Thi-ca-la-việt dậy sớm, ra
khỏi nhà và chấp tay đảnh lễ sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc,
Thượng, Hạ như lời cha mẹ dạy theo truyền thống mà không hiểu ý
nghĩa của của việc làm đó. Đức Phật giảng rằng chấp tay đảnh lễ
như thế cũng chưa đủ, mà cần phải thành tâm quán tưởng các phép cư
xử với người chung quanh: hướng Đông là sự liên hệ giữa cha mẹ và
con cái, hướng Tây là sự liên hệ vợ chồng, hướng Nam là liên hệ
thầy trò, hướng Bắc là liên hệ bạn bè, hướng Thượng là liên hệ
giữa tu sĩ và cư sĩ, hướng Hạ là liên hệ giữa chủ nhân và người
giúp việc.
Về liên hệ giữa cha mẹ và con cái, Đức Phật giảng:
" ... Có năm nhiệm vụ người con phải làm: nuôi dưỡng cha mẹ,
làm tròn mọi bổn phận người con, giữ gìn gia đình với truyền
thống, bảo vệ tài sản thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời."
Thêm vào đó, Đức Phật cũng giảng:
"... Có năm trách nhiệm cha mẹ cần phải chu toàn: ngăn chận con
làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy cho con có được
nghề nghiệp tốt, tìm người phối ngẫu tốt cho con, và trao gia sản
cho con đúng lúc."
Rõ ràng đây là một thông điệp trách nhiệm, một trách nhiệm hỗ
tương giữa cha mẹ và con cái. Con có năm bổn phận với cha mẹ, và
cha mẹ cũng có năm trách nhiệm với con cái. Khi cha mẹ và con cái
chu toàn các điều đó, thì gia đình được hạnh phúc, và phương Đông,
theo nghĩa bóng nầy, mới được an lành. Lúc đó việc đảnh lễ về
hướng Đông mới thật sự có ý nghĩa.
Tăng trưởng trong Chánh Pháp
Đức Phật còn khuyên con cái phải cùng cha mẹ tu tập, từ bỏ con
đường bất thiện, dấn thân vào con đường thiện, giúp nhau tăng
trưởng trong chánh pháp. Trong Tăng Chi Bộ, Phật thuyết:
"... Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ
với của cải, vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha
mẹ. Nầy các tu sĩ, những ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì
khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào thiện pháp; đối với
cha mẹ gian tham thì khuyến khích, hướng dẫn, để cha mẹ an trú vào
hạnh bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí thì khuyến khích, hướng
dẫn, để cha mẹ an trú vào chánh trí; như vậy thì những người đó
làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha."
Đức Phật giảng rằng trả hiếu bằng cách cúng dường tài sản vật
chất thì chưa đủ, mà phải nhắm đến mục đích tối hậu là cùng nhau
tăng trưởng trong chánh pháp, tiến đến sự giải thoát khỏi mọi hoạn
khổ sinh tử luân hồi. Muốn cho cha mẹ đạt được sự an bình, hạnh
phúc tối hậu, thì người con phải giúp cha mẹ từ bỏ các ác hạnh và
thực hiện các hạnh lành, từ bỏ gian tham và thực hành bố thí rộng
lượng, từ bỏ vô minh và chứng đạt trí tuệ.
Lợi ích của Hiếu Thảo
Chính khi phụng dưỡng, nuôi nấng cha mẹ, người con sẽ được
hưởng những công đức, quả lành do lòng hiếu thảo đem lại. Đức Phật
giảng (Tăng Chi Bộ):
"... Vị thiện nam tín nữ nào với những tài sản do nỗ lực tinh
tấn thu hoạch được, do công sức nhọc nhằn tự mình tạo ra, một lòng
cung kính cúng dường, phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ người ấy, được
sự cung kính, phụng dưỡng như thế, sẽ khởi lên lòng thương mến và
cầu nguyện: 'Xin cho con tôi được sống lâu! Xin cho con tôi được
che chở, thọ mạng an bình!'. Nầy các cư sĩ, một người con hiếu
thảo được cha mẹ thương mến như vậy, chắc chắn sẽ tăng trưởng lớn
mạnh trong chánh pháp."
Trong Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy cư sĩ Mataposaka:
" Người nào theo chánh pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha.
Và tạo nhiều công hạnh,
đối với cha và mẹ.
Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,
Trong đời nầy tán thán,
Sau khi chết được sanh
Hưởng an lạc chư Thiên"
Trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật giảng rằng gia đình nào có con cái
biết hiếu dưỡng cha mẹ, thì gia đình ấy có phước báu, đáng được
tôn trọng và cung kính, đáng được xem như ngang hàng với Phạm
Thiên. Phạm Thiên là những chư Thiên cao nhất ở Dục giới và Sắc
giới. Ngài giảng:
"... Nầy các tu sĩ, những gia đình nào có con cái kính lễ cha
mẹ trong nhà, thì những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với
Phạm Thiên, được chấp nhận như ngang bằng với gia đình các bậc Đạo
sư, đáng được kính trọng và cúng dường.
Phạm Thiên là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc Đạo sư là đồng
nghĩa với cha mẹ. Các bậc đáng cúng dường là đồng nghĩa với cha
mẹ. Vì sao thế? Vì cha mẹ giúp đỡ con cái rất nhiều, vì cha mẹ
nuôi dưỡng con cái đến ngày chúng lớn khôn, đào tạo chúng để đưa
chúng vào cuộc đời."
Chính Đế Thích (Sakka), vị vua cõi Tam Thập Tam Thiên cũng nhờ
công đức phụng dưỡng cha mẹ mà kiếp sau sinh được làm vua trời
(Tương Ưng Bộ):
"... Thuở xưa khi Thiên chủ Đế Thích còn là người, vị ấy chấp
trì giới luật nghiêm túc và một lòng hiếu dưỡng cha mẹ. Nhờ đó mà
được sanh ra làm vua trời ngày hôm nay:
Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng
Nói những lời nhu hòa,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng gian tham,
Là một người chân thực,
Nhiếp phục mọi sân hận.
Với một người như vậy,
Chư Thiên Tam Thập Tam,
Gọi là bậc cao quí. "
Kết luận:
Trên đây chỉ là sơ lược về một vài lời Phật dạy, ghi chép trong
kinh điển, về chữ Hiếu. Đức Phật đã nói rất nhiều về công ơn trời
biển của cha mẹ, nói đến trách nhiệm của con cái để đền đáp công
ơn to lớn đó. Hình thức lễ nghi không phải là chính yếu, mà chính
các hành động thực tiễn phụng dưỡng, cúng dường cha mẹ mới là quan
trọng. Phụng dưỡng cha mẹ sẽ tạo ra nhiều phước báu cho bản thân
ta - hiện tiền và kiếp sau, và cho hạnh phúc gia đình ta. Đức Phật
còn dạy rằng cách trả ơn tốt đẹp và đầy đủ nhất là cùng cha mẹ
vững niềm tin nơi chánh pháp, cùng nhau bước vào con đường chánh
thiện, bỏ ác giới, bỏ gian tham, theo đời sống đạo đức, thực hành
hạnh bố thí, bỏ con đường vô minh tối tăm và hướng đến ánh sáng
của trí tuệ quang minh, để thoát vòng sinh tử đau khổ .
Bình Anson
Perth, Western Australia
Mùa Vu Lan 1995
Tham khảo:
1. Trường Bộ Kinh. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991.
2. Tương Ưng Bộ Kinh. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1993.
3. Tăng Chi Bộ Kinh. Viện Phật Học Vạn Hạnh, 1980.
4. Thích Thiện Siêu và Thích Minh Châu, 1993. Chữ Hiếu Trong Đạo Phật. Hội Phật Giáo Thừa Thiên.