KTNT - Người dân nghèo ấp
1A, xã An Phú (Thuận An - Bình Dương) lâu nay vẫn truyền tụng về một cô
tiên nhân hậu đã khám - chữa bệnh, phát thuốc và cho họ cả những bữa ăn
miễn phí. Người viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại là sư cô, bác
sĩ Thích Nữ Liên Thanh (tục danh Nguyễn Thị Kim Anh), trụ trì chùa Long
Bửu.
“Cô tiên bỏ phố, lên rừng"
Cách đây hơn 40 năm, một vị sư cô
trên đường hành khất, vào trú tại một ngôi miếu hoang ở Quảng Trị. Bỗng
nhiên, có tiếng khóc oe oe của một đứa trẻ từ xa vọng lại. Vị sư cô này
đã lao đến cứu đứa bé dưới làn mưa bom bão đạn. Trở về chùa, đứa trẻ mồ
côi ấy được nuôi dưỡng và lớn lên trong sự đùm bọc của mọi người. Cô bé
đó chính là sư cô, bác sĩ Thích Nữ Liên Thanh. Tâm sự với tôi, sư cô nói
rằng, bà không thể quên người đã cứu mạng mình. Cũng từ đó, bà học được
nhiều điều nhân ái ở đời và tự nhủ sẽ làm điều gì đó thật có ý nghĩa để
không phụ lòng những người đã nuôi dưỡng, cho bà cuộc sống. Bởi thế,
trong những ngày ấu thơ, dù theo chân thầy hành đạo khắp nơi, việc học
hành gặp nhiều cản trở, nhưng bà vẫn gắng học và mơ ước trở thành bác sĩ
để chữa bệnh cho người nghèo.
Sư cô Liên Thanh nói: “Hồi đó,
theo thầy hành đạo khắp nơi nên chủ yếu tôi học lỏm những người đi
trước. Năm tôi thi đậu vào lớp 10 cũng là lúc thầy nhận trụ trì chùa Trụ
Yên ở một huyện ngoại thành TP.Hồ Chí Minh nên tôi được học chính quy”.
Để đến trường, bà phải đi xe đạp 30km, hành trang mang theo chỉ là mấy
cuốn sách cũ, ít cơm nguội cùng muối vừng... Cực khổ là thế, nhưng năm
nào Kim Anh cũng đạt học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, bà thi
đậu vào Khoa Tim mạch, Trường Đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh với số điểm
rất cao. Sau 7 năm trời miệt mài kinh sử, bà tốt nghiệp đại học và được
nhận về công tác ở Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh.
Cùng thời điểm đó, bà tốt nghiệp Khoa Sử học Phật giáo, Trường Cao cấp
Phật học TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là 2 bằng thạc sĩ xã hội học và
thạc sĩ sử học Phật giáo trước sự ngưỡng mộ của mọi người. Có trong tay
nhiều bằng cấp, nhiều người nghĩ bà sẽ có vị trí làm việc cao trong xã
hội nhưng bà lại xin chính quyền lên vùng sâu, vùng xa lập nghiệp. Duy
chỉ có thầy chủ trì chùa Trụ Yên là không nói gì, có lẽ, thầy đã hiểu
tâm ý sâu xa của bà
Chọn nơi khổ ải để tôi luyện tâm phật
Vào đúng thời điểm đó, tỉnh Bình
Dương có chính sách trải thảm đỏ kêu gọi nhân tài khắp nơi về phục vụ
tỉnh. Bà làm đơn xin về chùa Long Bửu, một ngôi chùa nằm hẻo lánh bên
những cánh rừng cao su hun hút gió. Không những thế, do ngôi chùa được
xây dựng khá lâu, thiếu người trông coi nên bị xuống cấp nghiêm trọng.
Với quyết tâm cháy bỏng, sư cô Liên Thanh đã thành lập Phòng khám bệnh
đa khoa từ thiện để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại chùa. Bước
đầu gặp vô vàn khó khăn, thiếu tiền bạc, thuốc men, nhưng tấm lòng nhân
hậu của bà đã được người dân cảm mến. Họ đã cùng bà gây dựng một phòng
khám dành cho người nghèo trong chùa. Tâm sự với tôi, bà bảo: “Hạnh
nguyện của tôi là đem sở học của mình để chăm sóc sức khỏe cho người
nghèo, làm một chiến sĩ từ thiện xã hội, chữa trị tâm bệnh và thân bệnh
cho chúng sinh. Tôi nhận thấy, y phương minh (một trong ngũ minh: nội
minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh, y phương minh) là phương
thức thực hành công tác xã hội rất thích hợp với lòng từ bi, là phương
cách thể hiện tinh thần cứu thế tích cực của đạo Phật”.
|
Chùa Long Bửu thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. |
Cuối năm 1999, bà trở thành trụ
trì chùa Long Bửu. Cũng thời gian đó, nhiều khu công nghiệp được quy
hoạch xây dựng gần chùa. Hàng ngàn người đổ về làm công nhân trong các
khu công nghiệp. Bà treo bảng khám bệnh miễn phí cho công nhân. Vào
những ngày nghỉ, bà con nghèo, công nhân đến khám rất đông, bà phải làm
việc từ mờ sáng đến nửa đêm. Một mình làm không xuể, bà lại nhờ các đồng
nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếp sức. Trước nghĩa cử cao đẹp này,
Ban giám đốc bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh) đã ủng hộ nhiệt tình, luân
phiên cử bác sĩ xuống chùa giúp đỡ vật chất, thuốc men và hỗ trợ kiến
thức y học để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Điều vui mừng nữa là
phòng khám được Sở Y tế Bình Dương cấp giấy phép hoạt động.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người
đồng cảm, nhất là các mạnh thường quân khắp nơi tìm đến chùa giúp sức.
Từ việc khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, phòng khám phát luôn cả
thuốc chữa trị. Đáng nói là, tổ chức nhân đạo Agape Foundation của Thụy
Điển hay tin, đã cử người sang tìm hiểu. Khi trở về nước, họ đã gửi
trang thiết bị hiện đại như máy scan, x-quang... trị giá hàng triệu USD
cho phòng khám. Sư cô Liên Thanh đã chia sẻ một phần thiết bị y tế cho
các bệnh viện nghèo ở Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Nai... Đến thời
điểm này, Phòng khám Đa khoa từ thiện Long Bửu có hơn 20 phòng khám và
điều trị bệnh, trang thiết bị không thua gì những cơ sở y tế khác, chỉ
khác một điều là khám, chữa bệnh không lấy tiền. Mỗi ngày có khoảng 20
y, bác sĩ, hộ lý ở các bệnh viện lớn khác tình nguyện đến phục vụ bệnh
nhân nghèo.
Bằng tinh thần trách nhiệm của
người thầy thuốc và tấm lòng từ bi, bác ái của người tu hành, từ năm
2002 đến 2009, sư cô Liên Thanh cùng các y - bác sĩ ở đây đã khám, phát
thuốc miễn phí cho 200.000 bệnh nhân không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà
còn ở nhiều tỉnh thành trong nước. Đặc biệt, Phòng khám còn là chiếc cầu
nối với nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế như Apape Foundation (Thụy
Điển), Long Bửu Charity Foundation (Úc), American Club (Hoa Kỳ)... và
nhận được sự giúp đỡ về kiến thức chuyên môn, thuốc men, trang thiết bị
hiện đại. Cũng từ sự hỗ trợ của các tổ chức này, phòng khám đã tiếp nhận
xe lăn, xe đẩy, xe trợ đi, giường inox... để trao tặng người khuyết tật
ở 15 tỉnh, thành trong nước. Trong Đại hội nữ giới Phật giáo thế giới
(Sakyadhita) lần thứ 11 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo - Thành
hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh từ ngày 28/12/2009 đến ngày 3/1/2010, sư
cô Thích Nữ Liên Thanh được đề cử phụ trách Tiểu ban Y tế.
|
Một chuyến đi từ thiện của sư cô bác sỹ Liên Thanh. |
Bà Nguyễn Thị Ninh, 76 tuổi quê ở
Đồng Nai, giờ vừa là bệnh nhân, vừa là tình nguyện viên của phòng khám
nói trong nước mắt: “Hồi tôi lên chữa bệnh, được sư cô cho ăn cơm chay
của chùa. Ngoài ra, rất nhiều người khác cùng hoàn cảnh như tôi cũng
được nhà chùa giúp đỡ. Một hôm, sư cô bảo chúng tôi họp lại để làm bếp
ăn từ thiện. Phong trào làm từ thiện từ đó ngày một lan rộng. Sau đó, sư
cô còn tổ chức những đoàn từ thiện đi thăm và phát quà cho trẻ em vùng
sâu, vùng xa, trẻ mồ côi, người già neo đơn, gia đình chính sách. Được
biết, tính riêng trong năm 2009, số tiền làm từ thiện của phòng khám lên
đến gần 2 tỷ đồng”.
Ngoài tấm lòng từ bi của sư cô
Liên Thanh, các y - bác sĩ ở đây đều làm việc bằng sự tự nguyện. Y sĩ
Đinh Thị Minh Nguyệt bộc bạch: “Nếu ai không có cái tâm thì không thể
trụ lại lâu ở đây, vì chúng tôi làm việc không lương, chùa có bồi dưỡng
nhưng không đáng kể”. Lương y Võ Thành Thân, công tác ở phòng khám đã 4
năm nói thêm: “Đã làm từ thiện thì phải dẹp bỏ tính toán về danh lợi,
phải có tấm lòng và tinh thần phục vụ bệnh nhân”.
Tiễn chúng tôi ra về, sư cô Liên
Thanh nói: “Hiện tôi đang xúc tiến làm thủ tục nâng cấp từ phòng khám
lên bệnh viện nhân đạo có sức chứa khoảng 500 giường bệnh”. Đây cũng là
mong ước của nhân dân địa phương. Được biết, từ đầu năm 2010 đến nay, ni
cô Liên Thanh đã tổ chức 4-5 đợt tặng quà, xe lăn, khám bệnh từ thiện
cho người nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa. Trong 5
năm qua, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu đã khám, điều trị, cấp
thuốc miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế
với tổng trị giá trên 8,5 tỷ đồng.
Mong sao, ý tưởng xây dựng bệnh
viện nhân đạo sớm trở thành hiện thực để chùa Long Bửu trở thành điểm
đến của nhiều bệnh nhân nghèo, nơi mà họ sẽ được cứu vớt bởi một cô tiên
có thực ở trên đời!.
Thành Văn
Nguon: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/phongsukysu/2010/7/23975.html