Với Ðạo Phật, tín ngưỡng bao hàm ý nghĩa đức tin, và đức tin ở đây
không phải là giáo điều, mang tính áp đặt trong quá trình học và hành
đạo. "Ðức Tin" ở đạo Phật bao hàm ý nghĩa trí tuệ và phải được chứng
thực qua quá trình kinh nghiệm. Danh từ Phật Pháp như chúng ta đã biết,
đó là cách thức, phương pháp, con đường để đạt đến "Phật", một thuật ngữ
chỉ có thể ra đời khi Ðạo sư Gotama đã chứng ngộ trên đường hành đạo.
Vì vậy, Phật pháp không phải là một học thuyết mang tính lý luận, mà là
tất cả những gì thực tiễn con người có thể vận dụng một cách linh hoạt
trong đời sống hàng ngày. Ðiều này thể hiện rõ qua hình ảnh "bánh xe
pháp luân". Ðây chính là biểu tượng của tiến trình hành động để khẳng
định, chứng thực những điều Phật dạy qua nhân cách sống, và hệ thống
kinh điển Ngài để lại sau ngày nhập diệt.
Nghiên cứu giáo lý đạo Phật người ta thường cho rằng giáo lý Phật giáo
mang tính khế cơ. Ðiều này không phải ngẫu nhiên hoặc không có cơ sở.
Nền tảng vững chãi cho nhận định trên là tính thực tiễn và ứng dụng của
tiến bộ tâm thức và hành động hướng nội mà mọi người có thể tự thực
hành.
Thật vậy, toàn bộ giáo lý Phật giáo là khối lượng lớn những phương
pháp linh hoạt, thích hợp với nhiều mặt, nhiều lúc, nhiều nơi, và nhất
là những căn tánh khác nhau của con người có thể đi từ tự giác, giác tha
và cuối cùng đạt đến giác hạnh viên mãn. Qua giáo lý mang tính khế cơ
của đạo Phật, chúng ta thấy không có lời dạy nào của Ngài mà không bao
hàm hai điểm lớn: "Xây dựng trên căn bản của con người" và " Dẫn đến
giác ngộ tối thượng cho mỗi nguời".
1- Duyên Khởi
2- Tứ thánh đế
3- Bát chánh đạo.
l. Duyên Khởi :
Giáo lý căn bản hàng đầu của Phật giáo, thể hiện vũ trụ quan, thế giới
quan, nhân sinh quan. Duyên khởi là sự nương tựa vào nhau mà hình
thành, phát triển, tồn tại lẫn hủy diệt. Quá trình ấy, duyên là tiền đề,
là điều kiện tiên quyết. Bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ, vật chất
hay tinh thần đều do tập hợp các nhân duyên mà thành, nương tựa vào nhau
để tồn tại, không có sự vật nào tự mình sinh ra, độc lập tồn tại. Giáo
lý duyên khởi được triển khai thành bốn loại duyên căn bản :
- Nhân Duyên: Duyên gần gũi nhất, điều kiện gần gũi
nhất, làm cơ sở, cái này là tiền đề để sinh ra cái khác. Chẳng hạn
nguyên liệu và sản phẩm, hạt lúa và cây lúa, tấm ván và cái bàn,....
- Tăng Thượng Duyên: Cái trợ lực cho nhân duyên như nước, phân bón cho cây lúa, người thợ và dụng cụ để tạo từ nguyên liệu tấm ván thành cái bàn.
- Sở Duyên Duyên: Những điều kiện làm đối tượng cho quá trình nhận thức, tức là cái có, cái hiện hữu: Cái bàn, Cây lúa.
- Vô Gián Duyên: Sự không gián đoạn cần thiết cho mọi phát triển, trưởng thành và tồn tại của vật chất, vũ trụ, nhân sinh.
Kinh A Hàm, Phật dạy: "Vì cái này có nên cái kia có, vì cái này không
nên cái kia không, vì cái này sinh nên cái kia sinh, vì cái này diệt nên
cái kia diệt". Luật Nhân quả trong quan niệm đạo Phật cũng được quan
sát theo góc độ nguyên tắc duyên sinh vừa nêu trên.
2. Tứ Thánh Ðế:
Là giáo lý căn bản thứ hai của đạo Phật, đề cập trong nhiều kinh điển,
nhất là trong kinh Chuyển Pháp Luân. Giáo lý này được xác lập trên cơ
sở nhân quả với hình thức song đối trong quá trình biện chứng tác thành
của nó. Tìm hiểu Tứ Diệu Ðế chúng ta thấy nổi bật hai phương diện lớn:
- Sự hiện diện khổ đau và nguyên nhân tạo thành đau khổ.
- Niềm an lạc khi khổ đau đã diệt và con đường dẫn đến an lạc.
Theo luật nhân quả cuả đạo Phật, 4 chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo không
phải lả giáo điều siêu hình, mà là một nguyên lý có thể kiểm nghiệm
trong bất cứ trường hợp nào - hoặc cảnh ngộ riêng tư xảy ra trong thực
tế đời thường của cuộc sống. Chẳng hạn đói nghèo và nguyên nhân của đói
nghèo, niềm vui khi cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy và con đường đạt đến
niềm vui ấy. Trong lần thuyết giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển nhằm độ 5
vị Tỳ Kheo, Phật dạy: "Ðây là Khổ cần phải biết. Ðây là Tập cần phải
đoạn. Ðây là Diệt cần phải chứng. Ðây là Ðạo cần phải tu". Lời dạy trên
tất yếu phải được triển khai chi tiết, cụ thể , và điểm xuất phát của nó
cũng được xây dựng trên cơ sở Bát Chánh Ðạo, mà chánh tri kiến là 1
trong 8 nguyên tắc của hành động chân chính. Thâm hiểu Tứ Ðế bằng tri
thức, con người sẽ xác định cho mình một quan điểm sống. Về mặt này con
người không nên tự cho phép tâm mình dẫn dắt hành động trong mơ hồ của
thế giới lý luận suông, mà phải đặt tâm đối diện với sự thực để đoạn trừ
cái nguyên nhân khổ đau bằng con đường tu tập (đạo), nhằm đạt đến mục
đích tối hậu - Giải thoát.
3. Bát Chánh Ðạo:
Giáo lý căn bản thứ ba của Phật giáo. Ðó là con đường của 8 nguyên tắc
hành động chân chính, 8 nguyên tắc nầy tồn tại trong mối quan hệ nhân
quả và gắn bó mật thiết với đời sống tu tập hàng ngày :
1. Thấy đúng.
2. Nghĩ đúng.
3. Nói đúng.
4. Hành động đúng.
5. Sống nghề nghiệp chân chính.
6. Cần mẫn và nỗ lực chân chính.
7. Khởi niệm chân chính.
8. Thiền định chân chính.
Nếu đem 8 nguyên tắc hành động chân chính trên vận dụng vào đời sống
hàng ngày, chúng ta thấy chúng được xác lập trên cơ sở luật nhân quả, hỗ
tương; nguyên tắc nầy vừa là kết quả, đồng thời là nguyên nhân tạo nên
nguyên tắc khác. Ðiều quan trọng nhất khi tìm hiểu giáo lý này, là làm
thế nào để thông hiểu nó - tức là nhận biết được cái "đúng", cái "chân
chính" của mỗi một nguyên tắc. Theo lời Phật dạy: Tất cả không phải chỉ
có thể đạt được trên mặt lý thuyết, sách vở, hay phương pháp suy luận
bằng tri thức vốn có, mà cần phải thực hành trong quá trình sống vẹn
toàn của chữ tâm. Ba đạo lý căn bản của đạo Phật được tỉnh lược nêu
trên, chính là nền tảng cho tất cả tông phái Phật giáo Nguyên thủy cũng
như Ðại thừa ở Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới. Có thể xem đó
là cỗ xe lớn dẫn đường cho quá trình hành động và cứu độ bản thân và kẻ
khác. Xây dựng bản thân tư giác ngộ chân lý, đem chân lý ấy giác ngộ cho
kẻ khác, và cuối cùng đạt đến sự nghiệp giác ngộ tràn đầy. Việc làm ấy
phù hơp với tinh thần đạo Phật - lấy con người làm gốc, mọi nỗ lực phấn
đấu đều nhằm đạt tới mục đích cuối cùng phục vụ đời sống vật chất và
tinh thần của con người. Ðọc những mẩu chuyện tiền thân của Ðức Phật,
chúng ta tìm về con người trần thế của Ngài, và sẽ hiểu hơn về nguồn
cội. Sinh thời ngài không bao giờ tự cho mình là đấng thần minh, hay một
vị cứu tinh siêu phàm nào, mà chỉ là người trần thế đơn thuần đã giác
ngộ. Chính nhân cách sống trong cuộc đời trần thế của Ngài dạy trong
kinh điển. Ðạo Phật chủ trương: Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về
bản thân và xã hội mình đang sống, và có thể thay đổi về bản thân và
hoàn cảnh sống theo ý muốn. Ðức Phật dạy: "Con người phải tự cứu lấy
mình" và con đường tự cứu là "Tự mình thắp đuốc lên mà đi."
Thực hành đạo Phật là thực hành về nhân cách sống và thâm hiểu kinh
điển, giáo lý, nhằm đạt đến nhận thức đầy đủ những điều trong đời sống
thực tại, xây dựng cho mình một lối sống tốt đẹp lấy tình thương làm
nguyên tắc cao nhất của đaọ làm người, và cuối cùng rèn luyện ý chí để
thành tựu đại nguyện giúp đời, xây dựng đất nước.