Chùa Bửu Minh

Theo khảo sát bước đầu của tôi, trong văn hóa truyền thống Tây Nguyên, rồng không phải là một biểu tượng của quyền lực hay liên quan đến vẻ đẹp, sự trường cửu.

Do đó, Hàm Rồng là một danh từ ít có khả năng thuộc về vốn từ vựng cổ của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cụ thể là thuộc kho từ của đồng bào Jrai, Bahnar nơi trái núi này tọa lạc…

 

Tại một công trình được công bố dưới dạng bản thảo, theo TS Nguyễn Thị Kim Vân, địa danh Hàm Rồng cách trung tâm thành phố Pleiku hiện nay 11km về phía Nam có thể được ghi là Hdrung, Hgrông hoặc Hdrông (vẫn theo khảo sát thực địa của tác giả thì đây đều là những từ “không có nghĩa”). Cũng theo mô tả của chị thì ngọn núi cao 1.028m nói trên “có dạng hình nón cụt, khá cân đối nhưng nhìn từ phía hướng Thanh An (phía Tây Nam) ra, ta lại thấy ngọn núi này gần giống một con rồng, đầu hướng về phía Đông, thân trải dài trên cao nguyên phía Tây. Nhưng do quốc lộ 14 trườn qua sát “cổ rồng” làm cho người ta khó nhận ra hình dạng hoàn chỉnh của cả dãy núi”. Từ những cứ liệu trên, TS. Vân sau khi cho rằng “chúng ta khó xác định được một cách viết tên núi (Hàm Rồng – NV) bằng tiếng Jrai, Bahnar” đã cố gắng lí giải cách định danh Hàm Rồng qua hai “lí do” của người Việt như sau: Hàm Rồng là biến âm từ cách gọi núi của người Jrai, Bahnar. Núi có hình dạng của một con rồng trải dài trên cao nguyên (nhìn từ phía Tây Nam lên), (Nghiên cứu xác định địa danh lịch sử - văn hóa ở Gia Lai – đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Sở VHTTDL chủ trì – Nhiều tác giả, TS. Nguyễn Thị Kim Vân chủ nhiệm, Pleiku, 4-2006, tr. 96, 97; mục từ “Hàm Rồng” do N.T.K.V viết. NQT viết các mục từ tiếng Bahnar trong tập sách vừa xuất bản này).

Quanh năm mây phủ, Hàm Rồng luôn bầu bạn cùng sương gió. Ảnh tư liệu

Trong tình hình tư liệu về địa danh này nghèo nàn như cho đến thời điểm vừa qua (không có tư liệu thành văn, điền dã thì hỏi ai “ai cũng lắc đầu”), những nhận xét nêu trên theo chúng tôi là có cơ sở nhất định và có thể tạm chấp nhận được. Là người trong cuộc, chính chúng tôi cũng đã từng nhiều lần cất công đi tìm và… nhiều lần mất công về địa danh gần gũi mà hóa ra xa lạ này. Vẫn biết, nhất định ngọn núi ấy phải có nguồn gốc, lai lịch nhưng hỏi ai bây giờ, khi mà mọi ngả đường đều trở nên vô vọng?

Cho đến một ngày gần đây, tình cờ trong một câu chuyện với một số người dân tộc Bahnar cao tuổi ở gần Pleiku, chúng tôi mới được biết rằng ngoài cách lí giải vừa nêu ở trên, Hàm Rồng còn có thể được hiểu theo một kiểu khác nữa: Theo những người Bahnar đã cung cấp tư liệu thì Hơdrông là từ đồng nghĩa với Jrai – tức người Jrai, đất Jrai. Hơdrông xưa được ước đoán là trung tâm của khu vực Pleiku và vùng phụ cận hiện nay – một vùng đất của người Jrai. Có thể xác nhận điều vừa nêu được thể hiện trong văn học dân gian Bahnar. Chẳng hạn, trong một sử thi cổ sơ của người Bahnar do chúng tôi sưu tầm được (9 băng HF90, khoảng 300 trang A4 đơn ngữ), thấy xuất hiện 16 lần tập hợp từ có vần Jrai koh tông, Hơdrông koh uan (tạm dịch nghĩa là “bị người Jrai đánh chém oan ức”). Những người biết ngôn ngữ này đều thống nhất rằng hai danh từ riêng trong tập hợp từ trên là đồng nghĩa, tức đều chỉ người Jrai như đã nêu. Núi Hàm Rồng hiện nay từ trước vẫn được gọi là Chư (núi) Hdrung (với người Jrai) và Kông (núi) Hơdrông (với người Bahnar). Rất có thể, người xưa đã chọn ngọn núi vốn được tạo bởi núi lửa này để đặt, gọi tên cho nơi cư trú của cộng đồng Jrai. Nhưng nguồn gốc của chữ Hơdrông đang bàn ấy do đâu mà ra?

Trước hết phải nói ngay rằng Hàm Rồng là một tên gọi mới xuất hiện gần đây, chưa để lại dấu ấn nào đáng kể trong văn hóa Gia Lai truyền thống. Còn về nguồn gốc của địa danh Hơdrông, chúng tôi có sưu tầm được câu chuyện của người Bahnar như sau:

Ngày xưa, khi mưa xuống cũng là lúc bỗng nhiên xuất hiện một loại sâu lạ trên mặt đất. Cả người Jrai và Bahnar ở vùng này đều lo sợ bởi loài vật ấy rất hung hãn trong việc phá hoại hoa màu. Họ đã cúng xin thần linh giúp đỡ nhưng sự việc chẳng những không như ý mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Năm này qua năm khác, lúa bắp bị sâu phá không thương tiếc. Để chống lại cái đói, người Jrai và Bahnar quyết định hợp quần lại với nhau để đánh sâu cứu lấy lúa bắp của mình… Trải bao khó khăn, vất vả và cả những mất mát hi sinh, con người đã đẩy lùi được sâu bọ. Người ta kể rằng vùng đất là núi Hàm Rồng ngày nay chính là nơi sâu bị tiêu diệt nhiều nhất. Xác chúng chất thành gò, thành đồi, thành núi như bây giờ ta hằng thấy. Cũng có người lại kể rằng, bao nhiêu sâu bị thua trận đã tháo chạy tan tác đi khắp nơi. Duy nhất một con đầu đàn là không kịp thoát thân, đành nằm chết ở chỗ ấy, rồi lâu ngày, lâu tháng, lâu năm, xác nó biến thành núi đồi như ngày nay. Lại cũng có người nói, ngày đó, chỉ có một con sâu lạ khổng lồ đến quấy phá rồi bị giết chết, xác nó bị hóa thành dốc núi như bây giờ…

Hàm Rồng có giống hình ảnh con sâu trong huyền thoại? Ảnh tư liệu & Đoan Trang

Con sâu ấy tên gì? Người Bahnar nói đó là Hơdrông. Thực ra trong ngôn ngữ của tộc người này, Hơdrông là một danh từ chung, chỉ loài sâu nói chung. Ví dụ, để chỉ sự nhỏ nhoi, bé bỏng người ta nói vần vè rằng:  alơp nge kơne hơdrông tức là (nhỏ) như con sâu, con chuột. Phải chăng từ  “con sâu” trong ngôn ngữ Bahnar, người ta đã Việt hóa nó thành Hàm Rồng như hiện tại? Một vấn đề được lẩy ra từ Hàm Rồng là địa danh này hẳn là do người Việt đặt, chỉ được người Việt biết và do đó, chắc chắn nó đã được sử dụng trong một số văn bản nhất định. Rất cẩn tìm xem đâu là văn bản sớm nhất có ghi lại địa danh này.

Bằng nhiều cách, người viết bài này đã cố gắng khôi phục câu chuyện xưa vừa kể nhưng chưa được như ý muốn. Chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục lần theo địa danh này thông qua con đường văn  học dân gian và ngôn ngữ bản địa… Cung cấp thông tin trên, người viết mong muốn được phản hồi từ quý độc giả, với hi vọng rằng, một ngày không xa ý nghĩa của địa danh này sẽ được làm sáng rõ thêm.

Nguyễn Quang Tuệ

 

BBT: Trong khi chờ đợi một sự cắt nghĩa đầy đủ và thuyết phục, địa danh Hàm Rồng đã được thể hiện khá đa dạng trên các văn bản hiện hành. Xin dẫn ra dưới đây một số cách viết liên quan đến tên gọi này để bà con cùng tham khảo:

- Sách Gia Lai 30 năm chiến tranh giải phóng do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai biên soạn, xuất bản năm 1993, tại trang 8 ghi: ”điểm cao Chử HơDrung (1028m)” và chí thích địa danh này “còn thường được gọi núi Hàm Rồng hay Hòn Rồng”.

- Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập 1 (1945 - 1975) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo biên soạn, , NXB Chính trị Quốc gia, 1996, tại trang 22 có đoạn: ”… như ngọn núi Chư Hdrông (Hàm Rồng) cao 1.028m”.

- Sách Địa chí Gia Lai do UBND tỉnh Gia Lai biên soạn, NXB VHDT, 1999, tại trang 28, gọi địa danh này là Hàm Rồng.

- Sách Xã gào – Bàu Cạn - Mảnh đất anh hùng do Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku tổ chức biên soạn năm 2000, ở các trang 3 (lời giới thiệu) và 5 (giới thiệu vị trí địa lí) đều gọi địa danh này là núi Hòn Rồng.

- Sách Ký ức Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, NXB Quân đội nhân dân, 2002, tại trang 8 có đoạn: “sư đoàn Kỵ binh không vận 1 ở An Khê, sư đoàn bộ binh 4 ở Hòn Rồng thuộc tỉnh Gia Lai”.

- Sách Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai (1930 - 2005), do UBMTTQ tỉnh Gia Lai chỉ đạo biên soạn, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tại trang 16 có đoạn: “Cao nguyên Pleiku có hình vòm, đỉnh ở Chư Hdrung (núi Hàm Rồng) cao 1.028m”.

- Các tài liệu tiếng Anh, trước 1975, thường ghi địa danh Hàm Rồng là Dragon Mountain hoặc Dragon Jaw Mountain…

pleikucafe.com mong tiếp tục nhận được sự hồi âm và bổ khuyết của Quí độc giả để vấn đề ngày càng thêm sáng tỏ.

Nguồn: pleikucafe.com


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage