Những năm còn bé bám đuôi mẹ đi lễ chùa vào dịp tết, tôi được nghe giảng
giải: Đây là Đức Thích Ca mâu ni thần thông quảng đại, người đã tu khổ
hạnh dưới gốc cây bồ đề cả trăm năm mới thành chính quả. Đây là Quan thế
âm bồ tát cứu khổ cứu nạn...
Bà hướng mắt vào tượng quan võ dữ
dằn, giải thích: Còn đây là Bát bộ kim cương thần thông biến hóa, có tài
tiễu trừ ma quỷ. Các ngài xưa đều là dân lục lâm thảo khấu, nhưng rồi
được Phật giáo hóa, ngộ ra theo vào cửa Phật nên được thành chính quả.
Chỉ vào hai hàng bụt ốc hai bên tả hữu vu, bà nói vui: Bên nhịn mặc để
ăn thì béo tốt, còn bên nhịn ăn để mặc thì gầy tong teo...
Tôi
nghe mà như bị cuốn vào cổ tích. Khi đến chỗ mặt động, là một vòm phù
điêu mô tả Thập điện Diêm vương thì tôi kinh hãi nhất. Ở đấy là các cảnh
tội nhân bị xử tội nấu vạc dầu, bị lũ quỷ đầu trâu mặt ngựa hành hạ bẻ
răng rút lưỡi, cưa xẻ, bị cho vào cối giã, bị dìm xuống nước, phải leo
cầu vồng, bên dưới có đàn chó ngao chờ sẵn, nếu ngã xuống là chúng cắn
xé.
Mẹ bảo đó là những người khi ở dương gian sống thất đức như trộm
cắp, dối trá lừa đảo, xảo trá mua đầy bán vơi, lừa thầy phản bạn hãm hại
người ngay, sống bất lương, bất hiếu với cha mẹ, mắc muôn vàn thứ tội
nên khi chết phải đi qua mười cửa điện âm phủ, chín cửa ngục để Diêm
vương xét xử, phải bị quỷ sứ hành hạ cho đến bao giờ hối cải mới mong
được đầu thai trở lại làm người. Còn những kẻ tham lam lừa lọc lấy cắp
nhiều của cải quá thì phải vào kiếp trâu cày ngựa kéo để trả nợ trần
gian, bị hành hạ đòn roi. Có người phải vào kiếp chó để dọn phân, canh
cửa giữ nhà...
Cho nên sống kiếp này phải nhớ kiếp sau, nếu không
tử tế, lại còn gây nhiều tội thì còn lâu mới được trở lại làm người.
Chuyện nhà chùa mở ra trước mắt tôi như một cuốn sách luân lý. Đó là bài
học đạo đức đầu tiên tôi học trong đời.
Năm nay về quê ăn tết,
mẹ nhắc tôi: Đi đâu thì đi, nhưng nhớ lên chùa thắp hương. Tôi nghe lời
bà trở lại chùa làng. Chùa bây giờ không cổ kính rêu phong như tôi tưởng
mà đã được tu sửa khang trang, tượng được sơn son thếp vàng bóng nhẫy.
Người đi chùa khá đông. Không chỉ các vãi già như xưa, mà đám nam thanh
nữ tú dắt tay bá cổ nhau cũng nhiều lắm. Lại áo quần xí xớn đủ kiểu. Chỗ
này chỗ kia hương khói nghi ngút. Khấn vái cũng sì sụp chen nhau. Họ đi
nhanh qua các bệ thờ, bỏ nhanh lên bệ những tờ hai trăm khó tiêu ngoài
chợ để Phật chứng giám lòng thành. Rồi lễ thì như làm khoán, hai tay
chắp vái lia vái lịa giống cảnh băm bèo.
Xem ra lòng thành kính
cũng pha chất vội vàng. Chùa còn đủ cả Bát bộ Kim cương, Thích Ca tam
thế... nhưng mặt động có cảnh Thập điện Diêm vương không còn nữa. Tôi
vừa lặng lẽ đi thắp hương các án thì phát hiện ra hòm công đức nhiều
quá. Hầu như bệ thờ nào cũng có các hòm gỗ sơn đỏ nghền nghệt cạnh án
thờ. Hàng chữ hòm công đức cứ như trừng mắt nhìn người đi lễ.
Tôi
lại nhớ mẹ khi xưa đi lễ chùa, trong chiếc làn cói đựng đồ lễ bà thường
đem theo chiếc đĩa sành. Đến bên bệ Phật, bà cẩn trọng sắp từng món lên
chiếc đĩa đã lau sạch. Xong, rồi mới châm nén hương và lùi ra quỳ trước
án chắp tay khấn vái. Đợi nhạt tuần hương lại chắp tay xin lễ, đem về
một phần nhỏ, gọi là xin lộc chùa.
Tôi cứ bâng khuâng khi bước
chân ra khỏi cửa chùa. Bây giờ lễ to, người đi lễ cũng nhiều. Nhưng lễ
càng to thì hình như càng tăng vẻ mê muội. Còn lòng thành kính thì xem
ra đã hao vơi đi nhiều lắm.
Đỗ Đức - Thanh Niên