Âu Mỹ mới đi sâu nghiên cứu về Thiền chừng
khoảng nửa thế kỷ nay và những năm gần đây,
Thiền đã chính thức được coi như là một phương
pháp trị liệu. Nhiều trường Đại học Y khoa lớn
trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng.
Thiền – phương pháp trị liệu
Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ Thiền cũng giống
như giấc ngủ hay nghỉ ngơi tích cực. Nhưng
nghiên cứu cho thấy Thiền là một trạng thái an
tịnh tỉnh giác (state of restful alertness) ở
mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất tùy trình độ
hành giả. Trong lúc Thiền, hành giả có thể giảm
đến 40% nhu cầu ôxy và giảm 50% nhịp thở. Các
nghiên cứu sinh lý học về Thiền vẫn còn đang
tiếp diễn nhưng đã chứng minh được Thiền có khả
năng làm giảm stress, cao huyết áp, tạo sự sảng
khoái, yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc
sống.
Theo thống kê của một cơ quan bảo hiểm y tế,
Thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân
và giảm số lần đi khám bệnh. Nghiên cứu đối
chứng về cơn đau kinh niên, trầm cảm, Thiền làm
giảm 50% các triệu chứng tâm thần và giảm 70%
triệu chứng lo âu. Thiền cũng giúp làm giảm cân,
béo phì, nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma
túy nói chung.
Hành giả thực hành Thiền hơn 5 năm có tuổi già
sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi,
dựa trên ba yếu tố là huyết áp, khả năng điều
tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt
của thính giác.
Đặc biệt, một nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh
viện tại Mỹ cho thấy Thiền đã giúp làm giảm sai
sót chuyên môn y khoa đến 50%, đồng thời cũng
làm giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối
với bệnh viện. Ở các công nhân kỹ thuật có thực
tập Thiền trong tám tuần cho thấy họ làm việc
phấn khởi hơn, thích thú hơn, nhiệt tâm hơn,
giảm thiểu các bệnh cảm cúm thường gặp trong khi
nhóm chứng không có sự thay đổi. Tóm lại, hiệu
quả của Thiền đã được chứng minh trong nhiều
lĩnh vực đời sống.
Không phải “thở nào cũng là thở”
Ở Đông phương, Thiền đã được biết đến từ rất lâu
đời. Có lẽ từ ngày xa xưa con người tình cờ phát
hiện ra những giây phút rơi vào trạng thái an
lạc, sảng khoái, siêu thoát nào đó, một trạng
thái nói không được mà chỉ có thể cảm nhận, trực
nhận bởi chính bản thân mình, rồi tích lũy kinh
nghiệm, truyền đạt lại cho nhau bằng nhiều cách.
Dù gọi là Thiền (Việt) hay chan (Hoa), zen (
Nhật)... thì cũng đều có nguồn gốc từ Dhyana (Sankrist)
hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là
nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở,
hơi thở, là khí. Vậy jhanas hay dhyana chính là
quán sát hơi thở. Vấn đề là tại sao và cách nào
để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là “quan
sát hơi thở” lại có thể dẫn tới sức khỏe, dẫn
tới tuệ giác.
Các bài học cơ bản về thực tập Thiền thường bắt
đầu bằng câu “Thở vào thì biết thở vào, thở
ra thì biết thở ra...” dễ gây hiểu lầm. Thở
thì ai mà chả biết thở kia chứ? Thực ra ở đây
không phải là “biết thở” mà là nhận thức được
(recognize, discern), ý thức rõ (realize), cảm
nhận được (perceive) cái sự thở, cái hơi thở
đang đi vào và đang đi ra kia kìa mới là điều
cốt lõi!
Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở, quán
sát hơi thở thì có cái gì hay? Sao không chọn
quán sát các đối tượng khác? Thật ra thì quán
sát cái gì cũng được cả nhưng hơi thở thì dễ
quán sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình,
ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu
cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì
không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta
thôi! Mỗi phút ta lại phải thở cả chục lần. Lúc
mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò, lúc
êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước
một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn
hển. Lúc sảng khoái, ta lâng lâng. Lúc sợ hãi,
hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình
vạn trạng. Nhờ đó mà quán sát được cái tâm ta.
Thở lại gắn liền với hoạt động cơ bắp, khi mệt,
ta “bở hơi tai”, mệt đứt hơi! Do vậy mà quan sát
được cái thân ta. Rõ ràng hơi thở là một sợi dây
nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối
giữa thân và tâm. Nói khác đi, ta có thể dùng
quán sát hơi thở để kiểm soát cảm xúc và hành vi
của ta.
Sảng khoái đến từng tế bào
Ngủ là cách giảm tiêu hao năng lượng nhưng vẫn
còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ
thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc. Thiền
giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng
kể còn hơn cả giấc ngủ như khoa học đã chứng
minh. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng
thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm
thấy nhẹ nhàng, sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng,
sảng khoái đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể.
Nói đến Thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi:
ngồi Thiền. Thiền thực ra không nhất thiết phải
ngồi. Đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng được. Giữ lưng
thẳng đứng là một yêu cầu vô cùng quan trọng,
tránh cong vẹo cột sống, đau thắt lưng. Trong
Thiền còn một yếu tố rất quyết định nữa là sự
thả lỏng toàn thân. Thả lỏng toàn thân là cách
làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, không
còn căng cứng nữa. Có thể nói thân thể như gồm
có hai phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lỏng
là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó - tiếng Việt ta
có một từ rất hay là xả hơi đó vậy!
Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, hoạt động
vỏ não đã trở nên tĩnh lặng thì tiêu hao năng
lượng giảm một cách đáng kể, do đó không đòi hỏi
nhiều dưỡng chất cung cấp bởi thức ăn. Ăn ít đi
mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể
đỡ vất vả. Thí nghiệm cho thấy các sinh vật bị
cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ
hơn.
Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách
đây 700 triệu năm - tức là khi có những sinh vật
đơn bào đầu tiên trên trái đất thì cũng chẳng
khác biệt mấy chút. Với “người anh em” đơn bào
đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí,
cùng bú chung một núm vú vũ trụ, cùng với muôn
loài khác nữa. Các sinh vật cùng chia sẻ một
cách bình đẳng, không phân biệt. Ta hút lấy ôxy
của không khí lại tạo ra khí carbonic; trong khi
cây cỏ hút carbonic lại tạo ra ôxy. Nhưng chính
con người có thể làm hại môi trường sống của
mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự
sống của thiên nhiên và sinh vật trên hành tinh
xanh này!
Danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV ở nước ta đã đúc kết
một lời khuyên: “Bế tinh - Dưỡng khí - Tồn thần/
Thanh tâm - Quả dục - Thủ chân - Luyện hình”.
Thử nhìn lại đời sống hiện nay ta thấy: tinh
không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm
náo loạn..., bảo sao các hiện tượng tâm thần, tự
tử, béo phì, tiểu đường, huyết áp..., kể cả
chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai... chẳng ngày
một gia tăng?
Đừng tìm đâu nữa cho mất công. Hãy quay về nương
tựa chính mình. Bởi nói cho cùng, ai có thể
“thở” giùm ai? Ai có thể “Thiền” giùm ai?
BS Đỗ Hồng Ngọc
- theo Hoa Linh Thoại
ảnh Đặng Huỳnh