Em thân mến!
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về
trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em
đôi điều về đạo hiếu của con người.
Có thể em chưa phải là Phật tử, chưa
biết gì về Đạo Phật. Nhưng em cũng cần biết một cách khái lược về hiếu
đạo, vì điều đó đâu có xa lạ gì với truyền thống đạo đức của người Việt
Nam.
Vả lại, em cũng cần biết rõ đâu là hiếu,
đâu là bất hiếu để có một cái nhìn đúng đắn, chính xác trong cuộc sống
hôm nay, một cuộc sống với nhịp độ hối hả, chóng mặt, dễ làm ta đánh mất
những giá trị nhân bản muôn đời mà hiếu đạo là nền tảng trong mọi kiếp
nhân sinh.
Em sẽ bảo vì sao lại nói đến chữ Hiếu,
trong khi vấn đề đã được rất nhiều người nhắc đi nhắc lại, e rằng sẽ trở
thành điệp khúc: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đó thôi.
Nhưng em ạ! Có những vấn đề đã trở thành
truyền thống, nhắc lại đúng lúc, đúng thời cũng là một cách nói mới
nhằm nhắc nhở, động viên, khuyến khích nhau trong cuộc sống rất bận rộn
này. Nếu không như vậy thì mọi vấn đề dù có nóng hổi đến đâu cũng sẽ
chìm vào quên lãng.
Vì thế, tôi không ngại viết ra đôi điều làm phiền em phải đọc.
Em ạ! Một chữ Hiếu mà bao la rộng khắp,
nói làm sao hết nghĩa hết tình, chỉ đại khái thôi để cho em có một ý
niệm trong lòng. Xin mượn lời tiền nhân đã dạy:
“Thờ Cha kính Mẹ hết lòng,
Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường.
Chữ Để là nghĩa chữ nhường,
Nhường anh nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em”.
Như vậy em thấy hiếu để là kính trên
nhường dưới, một dạ khắc ghi, siêng năng làm bổn phận, đạo lý này rất
bình thường nhưng mà cao cả biết bao!
Ca dao Việt Nam có câu:
“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”.
Thật vậy, có gì quý hơn một người biết
kính trọng Ông Bà, Cha Mẹ, luôn luôn hiếu thuận hết mực, từng cử chỉ,
lời nói ôn hòa thì mới tạo được niềm tin với mọi người. Nếu một người cư
xử tệ bạc với Cha Mẹ, với người trên mà lại cư xử tốt với người ngoài,
chắc không có gì lạ, chỉ để cầu danh cầu lợi mà thôi.
Một người thật lòng thật dạ biết hổ thẹn
sẽ không hành xử như vậy. Điều đó khiến cho em hiểu, hiếu là quan trọng
đến mực nào. Bởi thế, Đức Phật có dạy :
“Hiếu đứng đầu muôn hạnh” (Hiếu vi vạn hạnh chi tiên).
Trong thời đại nguyên tử mọi giá trị
tinh thần đều bị đảo lộn, mọi thứ đều được hiện đại hóa, vì thế hiếu
hạnh cũng có phần bấp bênh trong lòng những con người bội bạc, quên cội
nguồn.
Tuổi trẻ quê tôi bây giờ đã rủ nhau đổ
xô về đất thị thành ngày càng nhiều. Các em đã từ giã làng quê ra đi
chen chúc trong các xí nghiệp để bảo đảm cuộc sống tiện nghi; trao dồi
thêm kiến thức thời đại vì sợ rơi vào lạc hậu.
Do vậy, em phải phấn đấu học hỏi, đáp
ứng theo nhu cầu xã hội ngày càng cao, và cái cảnh cô đơn tủi phận của
những bậc Cha Mẹ xảy ra là điều tất yếu.
Em đi làm việc phương xa mang theo hình
ảnh một người tha phương, phiêu lưu trong vòng lẩn quẩn của chén cơm
manh áo. Bỗng một hôm nào đó “Giật mình mình lại thương mình xót xa!” thì đã quá muộn màng. Em càng khôn lớn thêm lên thì bậc Cha Mẹ đã sắp thành “người thiên cổ”. Muốn báo hiếu ư? Cũng không còn kịp nữa.
Em có quyền sống và làm mọi việc, nhưng luôn nhớ bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”.
Nghĩa là khi em làm điều gì phải xét xem điều ấy là thiện hay ác? Có
làm tổn hại ai không? Có làm cho Cha Mẹ vừa lòng hay phải lấy tai tiếng
vì mình?
Em nên biết, hiếu được xuất phát từ tấm
lòng tri ân sâu xa đối với song thân và được biểu hiện nơi hành động
thiện lành, không cô phụ công ơn sinh thành dưỡng dục của người. Em cần
phải hiểu, thương yêu kính trọng thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải trao dồi
thêm trí huệ, biết đâu đúng đâu sai, việc gì nên làm không nên làm.
Người có tâm hiếu thì không thể mê mờ
trong hành vi lời nói. Hiếu không nằm trong một tâm hồn bệnh hoạn, đầy
dẫy tham - sân - si. Chính mình đã không biết xử xự tốt đối với hoàn
cảnh thì làm sao có thể giúp cho người thân được hạnh phúc.
Căn bản đạo đức là hiếu đạo, trợ duyên
cho đời sống đạo đức là quy y Tam Bảo, giữ gìn năm giới cấm, thực tập
theo nếp sống Bát chính đạo, nương pháp Phật làm cương lĩnh cho mọi ý
nghĩ, lời nói và hành động.
Việc báo hiếu báo ân là điều phải làm,
vì là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả nhất của những người con. Và chúng ta
đem hiếu hạnh đó dâng lên cúng dường ngôi Tam bảo nhân mùa Vu Lan báo
hiếu báo ân năm nay.
Muốn báo ơn Cha Mẹ thì cái tình thật
đáng cần hơn cái tiền. Em còn nhớ câu chuyện con trai Lão Hạc của Nam
Cao không? Vì muốn thay đổi hoàn cảnh hiện tại nên đã tuyên bố: “Con đi, khi nào có bạc trăm con mới về”,
và anh đã ra đi, đi mãi vào lòng đất, làm phân cho gốc cao su, bỏ lại
người cha già bơ vơ thật tội nghiệp. Sau đó ông lão đã chết vì cô đơn
buồn bã, vì mòn mỏi đợi chờ bằng liều thuốc độc.
Vu Lan là ngày hội tụ những niềm vui
trong tâm hồn những người con hiếu hạnh. Đức Mục Kiền Liên chưa bao giờ
rời xa chúng ta, cả cuộc đời Ngài vẫn ở trong ta, vẫn chói lòa tấm gương
hiếu hạnh một cách hoàn hảo.
Nếu em biết sống đời hiếu hạnh thì em
cũng chính là hiện thân đức Mục Kiền Liên, em đã sống thật đáng sống. Từ
chỗ đứng của mình bằng tất cả tấm lòng thành, em hãy chắp tay hướng về
Phật đài và vui mừng vì được báo ân Cha Mẹ, như một nghĩa vụ thiêng
liêng, càng thực hiện càng thêm an lạc.