Ngày của mẹ cha
Đã
ba năm liên tiếp, cứ Rằm tháng Bảy là Hồng Yến (ĐH Bách khoa Hà Nội)
lại lên chùa dự lễ Vu Lan cầu chúc cho cha mẹ được bình an khỏe mạnh.
Năm nay cũng vậy, mặc dù trời mưa, Yến vẫn vượt hàng chục cây số đến
tham dự lễ Vu Lan tổ chức tại thiền viện Sùng Phúc (Tổ 10, P. Cự Khối,
Long Biên).
Yến
quê ở Lâm Đồng, nhà xa nên mỗi năm chỉ về thăm gia đình vào dịp Tết.
Ngày Vu Lan xa nhà, lên chùa cùng ôn lại sự tích Mục Kiều Liên, hiểu
được ý nghĩa của ngày Vu Lan, Yến càng thấm thía tình yêu thương của mẹ
dành cho mình:
|
Rất đông các bạn trẻ đến chùa để học đạo để hiểu hơn về đạo lý của người làm con |
“Cứ
đến ngày này là mình nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ các em kinh khủng. Lúc ở
nhà mẹ chăm sóc từng li từng tí, nhiều khi mình còn nổi cáu vì mẹ cứ lo
lắng không đâu. Giờ sống xa nhà, ốm đau bạn bè cũng chỉ hỏi thăm xã giao
mới thấy cần lắm bàn tay của mẹ. Muốn về nhà, ôm mẹ một cái thật chặt
thôi cũng đã thỏa lòng”, Yến chia sẻ.
Với
người Việt Nam, nhất là người theo đạo Phật, Vu Lan là mùa báo hiếu,
một mùa mà con cái, nhớ đến công ơn sinh thành của mẹ cha và muốn làm
một cái gì tốt đẹp để đền đáp công ơn dưỡng dục. Theo giáo lý Phật giáo,
trong ngày này, ai còn mẹ sẽ cài lên áo bông hoa hồng màu đỏ, bố mẹ đã
mất thì con cái cài lên ngực bông hoa hồng màu trắng.
Dù
không theo đạo Phật, Trần Thị Huyền (THPT Trần Nhân Tông) vẫn lên chùa
để nghe sư thầy giảng giải về đạo lý của người làm con, về tình mẫu tử
thiêng liêng. Cài lên ngực bông hoa hồng đỏ, Huyền vui sướng, tự hào vì
mình còn cha mẹ:
“Đến
đây, gặp rất nhiều em nhỏ đeo hoa hồng trắng trước ngực mới nhận ra
mình may mắn biết bao khi còn đầy đủ cha mẹ” - Huyền nói.
Ngày ta nhìn lại mình
Lên
chùa không chỉ để thắp nén nhang cầu chúc bình an, sức khỏe cho cha mẹ,
không gian thoáng đãng, yên tĩnh nơi cửa Phật là lúc các bạn trẻ tĩnh
tâm, nhìn lại những gì đã qua.
Đức Anh (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) bày tỏ: “Năm đầu xuống đây học, mình
tiêu tiền vô tội vạ. Cứ hết là gọi điện về xin mẹ. Mẹ thương mình nên
chạy vạy khắp nơi, mẹ bệnh nằm viện cũng không nói cho mình biết. Nhìn
lại quãng thời gian ấy mình thấy có lỗi quá”.
|
Thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ |
Còn Thu Thủy (CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) nhìn lại thời gian qua chợt
thấy mình quá vô tâm với gia đình: “Nhiều khi thấy mình vô tâm quá, mẹ
buồn chuyện gì, đang lo lắng chuyện gì mình cũng không biết. Mình có thể
nhịn ăn sáng cả tháng trời để mua bằng được album mới của nhóm nhạc
mình thích, vậy mà đến sinh nhật mẹ một bó hoa mình cũng chưa từng
tặng”.
Nhịp
sống hiện đại gấp gáp khiến nhiều bạn trẻ không đủ thời gian quan tâm
đến mọi người xung quanh, hay đơn giản là nghiền ngẫm một cuốn sách,
lắng nghe một bản nhạc không lời và cảm nhận hết cái hay của nó. Những
phút thư thái ở cửa chùa là cơ hội để các bạn trẻ cảm nhận những âm
thanh, dư vị của cuộc sống.
"Mọi
ngày quay tít với sách vở, bài tập khiến mình cảm thấy hụt hơi. Không
gian yên tĩnh, mùi trầm hương thoang thoảng cho mình cảm giác rất thoải
mái. Lâu lắm rồi mới được tận hưởng không khí trong lành thế này”, Ngô
Quỳnh Vân (Khoa Du lịch, Viện đại học mở Hà Nội) chia sẻ.
Giữa
guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống hiện đại nhiều
thứ đã thay đổi. Dù vậy chữ hiếu muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị. Chỉ
khi dành nhiều thời gian cho gia đình, ta mới yêu thương và cảm nhận đầy
đủ những nhọc nhằn của mẹ.