Chùa Bửu Minh

Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân cho lắng nghe nỗi khổ của cuộc đời, tiếng kêu ai oán của chúng sinh và tìm cách cứu giúp. Năng lượng Quán Thế Âm không nằm bên ngoài, nó nằm bên trong, sẵn sàng phát khởi bất cứ lúc nào nếu như người biết lắng nghe, biết từ bi, biết nhẫn nhục, biết lặng im. Mẹ là một vị Bồ tát vì khi đứa con đau, đứa con nói với mẹ, mẹ xoa dầu, bắt gió, mua thuốc uống, dẫn đi bác sĩ.


Chất Quán Thế Âm có sẵn trong mẹ nên đâu cần đi chùa mới thấy Quán Thế Âm, ở nhà nhìn mẹ cũng thấy Quán Thế Âm rồi. Người cũng vậy, người đi vào cuộc đời giúp người này người kia quên cả bản thân, nơi nào khổ, đến đó xoa dịu, nơi nào than, đến đó giúp đỡ, người là Bồ tát không sai khác. Một anh bạn đi trên đường bị hư xe, tìm mãi không thấy chỗ nào vá xe, vừa đi vừa vái Quán Thế Âm. Lát sau tìm được tiệm sửa xe, vá xong phát hiện trong túi quên mang ví tiền, người sửa xe cười xí xóa không lấy tiền của anh.

Trên đường về, anh tự nhủ, niệm Quán Âm có thấy Quán Âm đâu, chỉ thấy bể bánh xe, quên mang bóp tiền, may gặp được ông sửa xe tốt bụng. Nếu nhìn kỹ, anh sẽ thấy ông sửa xe đó là Quán Thế Âm. Ông ấy giúp anh sửa xe, lại thông cảm hoàn cảnh quên ví, ông không lấy tiền, vậy mà anh không nhận ra, lo mơ tưởng Bồ tát ở tận đâu đâu. Rất nhiều vị Bồ tát hiện thân ra đời trên cõi trần gian này, mình nào biết, mình bị kẹt vào hình tướng nhiều quá. Lạy tượng Quán Âm đâu chỉ lạy một bức tượng cầu xin này nọ, lạy để nhắc nhở bản thân tập tâm Bồ tát, tập lắng nghe, tập chia sẻ, tập tâm từ, tâm bi, tập nhẫn nhục.

Quán Thế Âm hiện thân trong muôn hình vạn trạng hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Hiện thân lớn nhất là hiện thân ông Thiện, tức là tính thiện trong con người của mình. Thiện là điều tốt đẹp cho mình và người trong cách suy nghĩ, lời nói và hành động. Thiện có tính chất nhắc nhở, như nói: Nhân chi sơ tính bổn thiện, thiện là bản chất của con người. Gặp một người cho là ác, không phải họ ác đâu, họ chưa kịp thiện thôi.

Không cần ngồi suy nghĩ xem Quán Âm là nam giới hay nữ giới, mất thì giờ, hãy nhìn vào tính thiện của ngài để học hỏi và thực tập. Biết giới tính rồi không thực tập, biết cũng vô ích. Gọi là Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính, đơn giản vì các vị này tu hạnh nhẫn nhục, hạnh từ bi, hạnh lắng nghe, hạnh im lặng sấm sét… Biết người nào có hạnh này, mình sẵn lòng xá chào vì đó là một vị Bồ tát.

Gần đây nghe băng đọc Quan Âm tóc rối nói về một người mẹ hy sinh vì đứa con của mình mà không mảy may đòi hỏi sự đền đáp. Năng lượng Bồ tát trong người có thừa, chỉ tại người không sử dụng nó, để nó nằm im lìm và che lấp bởi những nghiệp bất thiện. Bồ tát hành tâm đại từ đại bi vì thấy từ bi thôi chưa đủ. Người thực tập từ bi đã thấy mệt, nói chi đến tâm đại từ đại bi. Có bao giờ người dành ra một tiếng đồng hồ ngồi quán niệm từ bi hay thực tập từ bi chưa, còn Bồ tát thực tập liên tục không ngừng nghỉ, mới làm vụ này xong, làm đến vụ khác.

Trong địa ngục, nhất là ngục vô gián, chúng sinh chịu khổ liên tục, cái khổ này liên tiếp cái khổ khác. Các vị Bồ tát cũng thế, tu từ hạnh này đến hạnh khác, rất liên tục, rất miên mật, và vì vậy cứu giúp chúng sinh không biết bao nhiêu mà kể, từ chúng sinh này đến chúng sinh khác. Thật ra không phải có một vị Bồ tát hay vị Phật nào đó chạy đến cứu mình, mà do mình tự cứu, chính năng lượng Bồ tát hay năng lượng Phật trỗi dậy và giúp mình vượt qua khổ nạn.

Bồ tát Quán Thế Âm còn là hiện thân của ông Ác, ở đây không phải là gieo cái ác cho người khác, mà dùng sức mạnh của từ bi để dẹp loạn, dẹp tà ma, yêu quái, bùa ngải, yêu chú. Thần chú Quán Âm và các biểu tượng bắt ấn được sử dụng chế tác năng lượng mạnh mẽ nhằm đả phá các thế lực đen tối chuyên có âm mưu hãm hại người.

Người có định lực mạnh, ma quỷ sẽ không làm gì được, hơn nữa cứu nhân độ thế, hoá giải những oan kết ở trần gian. Cái ác hiện hữu khắp nơi, hữu hình lẫn siêu hình, nếu không tỉnh thức, người sẽ bị nó dìm chết đến mức không gì có thể cứu vãn được. Người ta còn hãm hại cả người chết, nói chi đến người sống.

Niệm Bồ tát Quán Thế Âm không phải kêu Bồ tát tới cứu mà chủ yếu gọi lại, vực dậy năng lượng Bồ tát ngủ yên bấy lâu trong mình, tập hợp hằng hà sa số năng lượng Bồ tát từ vô lượng kiếp do sự tu tập mà phát triển bấy lâu, chính năng lượng này tạo ra sức mạnh đánh đuổi hay hàng phục những gì xấu xa dơ bẩn nhất, thậm chí chuyển hóa được chúng.

Trong chùa, có nơi thờ ông Thiện và ông Ác, chẳng qua đó là biểu tượng của Bồ tát Quán Thế Âm. Đôi lúc mình phải hiền hậu, đôi lúc phải dữ dằn, mạnh bạo lên. Tính dữ dằn này không phải là lớn tiếng, mạnh ăn, mạnh nói mà sử dụng tính vững chãi, kiên định, tinh thần mạnh mẽ, từ bi trào dâng để chuyển hóa những cái không từ bi. Một người chuyên dùng lời chửi bới, mình vẫn im lặng, đến lúc nào đó họ sẽ im, không chửi bới nữa, vì sức đâu mà chửi. Cái im lặng của mình có tính dữ dằn, chặn đứng những trận cuồng phong là như vậy.

Vấn đề là có làm chủ được mình không, khi làm chủ được, tâm như phiến đá, sóng đánh bao lâu cũng không mòn. Một âm thanh lớn gọi là sư tử hống, không phải ai đó thét lên hay tuyên bố điều gì, mà lời chia sẻ qua thực chứng tu tập, biểu hiện ở người có tu có chứng, muốn chứng phải có hoàn cảnh, nên tu cũng cần hoàn cảnh, nói cách khác là tu trong mọi hoàn cảnh.

Ngày nay thiện ác lẫn lộn, không còn gì là thiện, và đầy dẫy cái ác. Hơn nữa, cái thiện bị cho là ác và cái ác được cho là thiện. Cái ác trá hình làm cái thiện, và cái thiện phải giả ngu giả dại. Thế giới suy đồi tới mức người ta sẵn sàng giết nhau vì một lời nói hay chút ít tiền bạc. Nhưng ngồi than van thế giới suy đồi có ích gì, dành thời gian tu tập, không nhiều thì ít, và có thực tập còn hơn không. Một số người chê bai pháp môn Hiện pháp lạc trú, nhưng thà có thực tập còn hơn không có. Bản thân đã giỏi chưa mà đi phán xét người khác. Ngày xưa đức Phật còn không dám phán xét ai, huống chi là mình, mình đâu là gì giữa cõi đời này.

Ông Thiện là ngài Hộ pháp, ông Ác là Tiêu Diện Đại Sĩ. Thiện, ác phải rõ ràng phân minh, nếu không thế giới này loạn, không biết đâu là thật, đâu là giả. Ông Ác hàng phục quỷ dữ chắc mệt lắm vì quỷ dữ ngày càng đông, trong khi ông Thiện thảnh thơi, rảnh rang hơn, vì người tu ngày càng ít. Nếu ông Thiện thất nghiệp, thì thôi rồi, đời này còn gì. Ông Ác thất nghiệp thì hay hơn nhiều. Mỗi người có Phật tính và cũng có ma tính.

Hồi nhỏ, đọc truyện Phật giáo, đến đoạn có con ma hiện hình quấy rối đức Phật, tôi tưởng có ma thật. Ma này là ma trong mình, ma tham, ma sân, ma si, ma kiêu ngạo, ma nghi ngờ, ma tà kiến và đủ thứ ma khác. Mấy con ma đó sai mình làm điều ác và do mê lầm, mình phục tùng chúng, ma tính trỗi dậy, biến mình thành một con ma.

Thời đại này, ma nhiều hơn người và ma đội lốt tu sĩ cũng không ít. Không khéo tu, mình bị sập bẫy, từ thiên thần trở thành ác quỷ, nhưng ác quỷ bỗng nhiên biết tu, biết hối cải, quay đầu là bờ, ác quỷ trở thành thiên thần. Nói nhân chi sơ tính bổn thiện thì cũng nói nhân chi sơ tính bổn ác. Loài hiền nhất là loài người và loài ác nhất cũng là loài người. Giải quán quân cho cái hiền và cái ác, loài người giành hết, không loài nào qua mặt được. Mình phải biết lợi dụng tính thiện trong mình để làm giàu bản thân và chuyển hoá cái ác đi.

Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân cả ông Thiện lẫn ông Ác, thiện vì giúp đời, và ác là hàng phục người. Như con người, có cả thiện lẫn ác nhưng cái ác của con người, như đã nói ở trên là cái ác của sự bệ rạc, tha hoá và suy đồi. Một người bạn rủ đi nhậu, biết vậy là phạm giới, nói không với lời mời đó, tìm cách từ chối khéo, mình vui, bạn cũng vui. Mình sử dụng nghị lực từ chối vì muốn giữ giới, đem lại lợi ích cho mình, đây gọi là lấy sức mạnh chống lại tà dục, bằng không mình làm đệ tử ma men. Người say gọi là ma men, chẳng ai gọi là bồ tát men cả.

Nhìn bức tượng ông Ác, chắc mấy đứa nhỏ sợ lắm, hai mắt ông mở to trừng trừng, lưỡi dài như muốn chạm đến mình. Ông Ác vậy chứ hiền lắm, chỉ cần mình biết thực tập tình thương, ông đâu làm gì mình, ông sẽ giao nộp mình cho ông Thiện. Còn ông Thiện trông coi những người thiện vậy mà dữ, nếu không lo thực tập tình thương, ông sẽ đi méc ông Ác. Tôi hay nói vui như vậy với mấy đứa con nít.

Hồi còn nhỏ, mẹ dạy tôi phải biết làm điều thiện. Mỗi tháng, mẹ đưa tôi một cuốn sách Phật giáo để đọc, rồi sau đó phải viết một bài báo cáo, xem mình học và thực tập được gì từ cuốn sách đó. Có người mẹ như thế thật may mắn vì biết hướng con mình đi về nẻo lành, không như những bà mẹ khác, bắt con cái học thêm đủ thứ, dạy kiếm tiền, dạy leo lên nấc thang danh vọng cao nhất. Nhờ mẹ mà bây giờ tôi biết tu, biết bố thí, biết viết những dòng chữ này.

Tôi có nhiều sư phụ, nhưng không ai giỏi như mẹ, mẹ còn là sư phụ tâm linh. Người ta thường nói mẹ hiền Quán Thế Âm, đi đâu không ai bằng mẹ. Bồ tát Quán Thế Âm không thể có mặt mọi nơi nên đã hiện thân trong hình tượng người mẹ. Đâu cần vào chùa mới thấy Bồ tát, ở nhà cũng thấy Bồ tát rồi. Nói tu hạnh Bồ tát chi cho xa vời, tu hạnh mẹ là hay hơn cả. Bất cứ ai, mình cũng thương như mẹ, như cha, như con cái, như anh chị em, đó là hạnh của mẹ.

Kinh Sức Niệm Quan Âm dạy khi thấy khổ quá, niệm Nam mô Bồ tát Quan Thế Âm, mọi tai nạn đều vượt qua, nếu có, sức tàn phá của nó giảm đi ít nhiều. Ngày xưa nhiều người vượt biên, phó mặc sự sống cho biển cả, rất nhiều người niệm Quán Thế Âm mà đến được bờ bên kia. Bây giờ, người ta niệm để cầu công thành danh toại, hoặc chờ đến khi có nạn mới niệm. Cái gì gọi là cứu khổ cứu nạn? Muốn Bồ tát cứu thì trước hết hãy tự cứu mình, nói cách khác là tự cứu trước khi trời cứu.

Người ta đi chùa cầu xin nhiều hơn là thực tập, hay triệu tập thỉnh chư Tăng làm lễ cầu siêu nhiều hơn tự siêu thoát. Mình có khả năng tự cứu mạnh mẽ hơn ai hết, năng lượng Bồ tát có sẵn trong mình, niệm Bồ tát là niệm chính mình và khi được cứu là do hiệp lực của nhân duyên tốt phát khởi.

Nhiều người cầu nguyện hoài mà không thấy thành tựu vì nhân duyên không đủ hoặc nghiệp lực chặn lại, chưa cho phép quả tốt phát sinh. Không có ai tu dùm và chẳng có ai độ mình bằng chính bản thân, tự tu thì tự độ, không tu thì không tự độ được. Hạnh phúc nằm trong lòng bàn tay, không ai lấy nó đi hay không ai mang đến cho, tự mình thực tập, tự mình có hạnh phúc.

Bồ tát Quán Thế Âm là một biểu tượng, vấn đề là mình có thực tập hay không hay cứ mãi đi vòng quanh. Trong mỗi cuốn sách, kết thúc bài là tôi ghi chúc quí vị an lạc và thảnh thơi. Không biết có an lạc và thảnh thơi nổi không nhưng tôi vẫn cứ chúc. Chúc là một chuyện còn thành tựu hay không, ăn thua ở quí vị. Nếu có thực tập, quí vị sẽ an lạc, thảnh thơi, còn không, ngàn câu chúc cũng trở thành vô nghĩa.

Quí vị vong linh lắng nghe kỹ, nếu đi về nẻo lành, quí vị sẽ mau siêu thoát, bằng không thì cứ như vậy hoài, cho dù tôi thương quí vị cũng không đủ bằng việc quí vị thực tập. Một người đi qua sông, thay vì chờ người đến bắc cây cầu,   thì tự mình đóng thuyền hay tự học bơi, qua sông sẽ trở thành chuyện dễ dàng. Mọi thứ đều do tâm mà ra, tâm đẹp, sinh về cõi đẹp, tâm xấu, sinh về cõi xấu, vậy thôi.

Đàm Linh Thất

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/Tap-chi-Dao-Phat-Ngay-Nay/Bai-viet-chon-loc/5869-Hien-than-ong-thien-va-ong-ac.html?VivvoSessionId=a074072a5c1e7e5911c1272c1607c15a


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage