Chắc tại vườn chùa nhiều cây cối, mà ở đời cái sự trốn tránh luôn
tìm nơi rậm rạp. Vậy người tu
hành có phải trốn tránh không mà vườn chùa cũng rậm rạp?
Lúc đầu
sư thầy chẳng có ý định bắt giữ.
Thầy nghĩ heo nó khôn lắm, thế nào rồi cũng tìm về cái nơi
được sinh ra.
Nhưng suốt hai ba hôm sau con heo vẫn đi long nhong quanh vườn, phóng uế lung
tung, thi thoảng lúc thầy đang tụng kinh trong chánh điện lại nghe tiếng
khịt khịt trái tai. Chẳng đặng đừng thầy phải đóng bốn cọc tre, nẹp mấy tấm ván bìa xung
quanh làm thành cái chuồng. Ném vào trong ít ngọn rau khoai lang, thế là con heo chui ngay vào nhai ngon lành. Thầy khóa cửa chuồng lại, tạm thời cứ cho nó sống ở đây, mai mốt có
ai đến xin thì thầy cho. Nhiều khi đấy cũng là một cái
duyên, nó có mến chùa thì mới đến. Mà cũng có thể là nghiệp của con heo,
trải qua mấy ngàn lần tích lũy công đức tiền kiếp mới được thế này. Và nhà Phật
gọi cái đức ấy là căn tu.
Nhiều người đến viếng
chùa thấy lạ, rỉ tai nhau. Từ bữa đó chùa đông người đến
thăm viếng hơn.
Thầy nghĩ nơi này hẻo lánh, đạo Phật chưa ai biết. Nhờ
con heo mà người ta đến chùa thì cũng là một điều hay. Chùa
được giáo hội phong hiệu tự đàng hoàng, song, người ta quen gọi ngôi chùa heo,
hơi thô thiển nhưng không thể trách. Gọi thế cũng như dân gian hay gọi
tên quai nôi, mà tên quai nôi thì có đâu sang với đẹp.
Cũng may heo là loài ăn
chay được, chỉ cần rau ráng ngũ
cốc thôi. Xong bữa cơm còn đồ thừa thầy đem đổ vào máng cho nó.
Rồi thầy phát quang mảnh đất cỏ rậm sau nương chùa, trồng khoai lang. Người mới
khó nuôi chứ heo thì dễ, cho gì nó ăn
nấy. Ăn như heo. Thành ra có nuôi heo
cũng hay, tận dụng được những thứ thừa thãi. Bậc tu hành vốn sống nhờ
công đức của chúng sanh, mỗi miếng ăn phải biết quý trọng công sức lao động của người đời.
Minh họa của Thanh Huyền
Con heo
lớn nhanh, thầy phải nới cái chuồng ra rộng thêm cho nó có chỗ đi lui đi tới.
Nhờ chay tịnh mà con heo láng mịn, da lông mọc thưa.
Chỉ có điều nó là con heo cái, dân mình hay gọi heo nái, nhưng nó
có đẻ đâu mà gọi là nái.
Người
đến chùa vô tình buột miệng, con heo này phối đực được rồi đấy. Phỉ phui cái miệng, nhà chùa không ủng hộ chuyện đó.
Trong mầm sinh có chủng tử khổ đau, có manh nha tử biệt.
Sinh trụ hoại diệt là quy luật muôn đời của
loài hữu tình, cũng là nghiệp chướng mà nhà Phật phải vượt qua để đạt giải
thoát.
Vào kỳ động dục, con heo
cái cứ dũi mõm sủi đất nền, húc phá bốn bức thành, thức ăn đổ vào nó vớt vát qua
quýt vài miếng rồi đẩy lật cái máng đi. Tham dục vốn là căn nguyên của mọi tội
lỗi. Phá một hồi chán nó lại nằm ì ra giữa nền. Sư thầy
đưa tay vuốt dọc từ đầu nó xuống tận đuôi, như an ủi
động viên, như cầu mong thứ lỗi. Thầy không thể làm khác được. Có người nói như thế là ác. Trời sinh ra có đực có cái thì phải cho nó đến với
nhau chớ.
Nhờ sống cảnh thanh tịnh,
ăn chay tịnh riết con heo cũng bớt dần cái tham đắm bản năng ấy.
Cứ mùa dậy cái sau lại bớt quậy phá đi. Nhưng cội rễ si
mê thì khó bỏ lắm. Nó nằm ì ra, chán ăn.
Ngó đâm tội mà chẳng thể cho nó toại nguyện. Vào chùa là chấp nhận những
nguyên tắc ràng buộc để về sau được giải thoát. Thôi coi như kiếp này nó chấp
nhận tu hành hòng kiếp sau được đầu
thai làm người. Mà kiếp người cũng khổ chớ sướng sung
chi đâu. Ừ, nhưng đấy là sự đầu thai gần nhất để thăng lên cõi Phật.
*
Khi
Sanh vào chùa cạo đầu làm chú tiểu thì con heo đã được mười tuổi rồi, ở chùa nên
tuổi heo cũng gọi là tuổi đạo. Nó cũng tu mà, có khi còn tu nhiều hơn con người nữa là khác.
Mỗi lần hai thầy trò tụng kinh thì con heo nằm oẹp xuống, hướng mũi vào trong
chùa, tai
vểnh lên như nghe kinh, mắt nhắm lại chẳng khác nào nhập pháp.
Con heo được nuôi nấng và
chăm sóc chu đáo. Quanh năm, ngày nào hai thầy trò cũng múc nước tắm cho nó.
Mùa nóng thì tắm bằng nước giếng, mùa lạnh pha thêm
nước sôi cho ấm. Điệu Sanh xắn tay áo lên, cầm một cục sỏi to cọ quanh mình con heo.
Từ khi
có chị bán vải, cái chị không sinh được con đã ly dị chồng ấy, đến chùa thì chị
đỡ đần giúp. Dù sao có bàn tay
phụ nữ mọi việc thu vén chăm bẵm cũng tốt hơn nhiều. Con heo coi chừng thích
được chị chăm sóc, nó nhắm nghiền mắt lại vẻ thích thú mỗi lần được chị cọ xát
lên da. Chị xoa tay vào chỗ bụng con heo, sờ mấy cái
núm xám đen rồi chép miệng: “Thế này mà không đẻ đái được gì cũng buồn”. Điệu
Sanh đứng bên ngoài buột miệng: “Tại thầy không cho nó đẻ đấy”.
Trái
ngoắc vậy đó, người muốn có con thì chẳng sinh được, kẻ sinh được lại không ai
cho. Chị thèm khát mong mỏi có được cái diễm phúc làm mẹ mà chẳng được.
Nhiều khi chị nghĩ nếu mình đổi phận với con heo thì có lẽ hay. Cho nó ra ngoài
mặc sức sinh con, để chị vào chùa ở chay ở nể. Nhưng nghĩ là nghĩ vu
vơ vậy, chớ có căn tu cả đấy. Lâu nay chị vốn là một đệ tử sùng đạo Bổn
sư, một phật tử thân tín nhà chùa, năng lui tới thăm viếng và đóng góp công quả.
Chỉ chừng ấy thôi thì tốt, còn cạo trọc đầu làm ni sư thì khó lắm.
Con heo
cái lớn hết cỡ, bụng phình xệ xuống chạm sát nền chuồng, đi lại khó khăn. Suốt ngày nó nằm một chỗ, mắt nhắm nghiền, thở nhẹ, thi thoảng co
duỗi chân cựa quậy một chút cho đỡ tẻ. Những ngày chùa có lễ, bà con Phật tử đến đông, cứ vây quanh cái
chuồng ngó con heo cái.
Người tỏ vẻ thích thú khi ngắm lớp da dẻ trắng hồng của nó,
heo nái ở ngoài nhăn nheo chớ làm sao được khuôn dung như thế.
Người lại cảm thương cái phận nằm chờ vô thưởng vô phạt, lại tiếc khi ngó mấy
cái núm ú tròn ở bụng heo, giống này mỗi lứa phải sinh được trên chục con bụ bẫm
chứ chẳng phải chơi. Đa phần người ta mủi lòng thương,
bảo thầy nhốt chi con heo, kìm giữ cái khát khao sinh nở của nó.
Lạ một điều là người ta không bao giờ biết rằng cuộc sống trần
tục vướng nhiều sự khổ não hơn. Chẳng thương lấy cái thân mình trong cõi cuồng mê,
lại bận tâm trắc ẩn cho kẻ khác.
Những
ngày sóc vọng như thế chị bán vải ở miết trong chánh điện, phụ lo dầu đèn, lau
quét tàn nhang, ai đưa hương hoa đến viếng thì chị nhận rồi sắp đặt.
Nhất quyết chị không ra chỗ chuồng heo,
cứ như thể sợ người ta nhắc đến chuyện sinh đẻ thêm buồn.
Tiếng tăm ngôi chùa heo lan xa. Tiếng tốt tiếng xấu đều có.
Thiên hạ đồn đại thêu dệt trăm chuyện như mộng. Người bảo con heo là hóa thân
của vị Bồ Tát từ cung trời đâu suất giáng hạ nhập thế. Ai muốn cầu xin điều gì
cứ đến vườn chùa, khấn thầm rồi sờ tay vào con heo là được.
Kiểu như các sĩ tử đến mùa thi đổ xô vào Văn Miếu xoa đầu các cụ
rùa đá để mong đỗ đạt.
Thế là con heo cái lạc
loài bỗng dưng được hóa thiêng. Người ta kiêng cữ, không gọi nó bằng cái tên heo
phàm tục nữa mà xưng chung chung là Chú, như gọi một
chú tiểu. Ai đến chùa đều nói ra vườn thăm Chú. Người
ta càng sùng bái Chú chừng nào thì thầy thêm lo chừng nấy.
Đạo Phật là chân tín, không chấp nhận những trò mê muội đó.
Sư thầy bước ra chuồng, nhìn con heo cái nằm an
nhiên, yên trí rằng nó đang thiền định. Tâm nó từng ngày lãnh nhận dần những quả đắc lợi. Chẳng có
thần thánh thiêng liêng gì đâu, sư thầy chỉ nghĩ đơn giản là con heo có căn
tu.
Chị bán
vải đến chùa thường xuyên. Cái tâm chị tốt, muốn nương tựa vào tam bảo như một bến bờ vững
chắc, và chị làm thiện nguyện chỉ mong phần đời còn lại được sống an lạc, chẳng
đòi hỏi gì hơn. Thế nhưng đàn bà thường nhẹ dạ cả tin.
Nghe người ta bảo bữa nhờ sờ vào tai Chú mà làm ăn khấm khá lên, một cô mãn kinh
nói xoa đầu Chú thì hết bệnh nhức óc… Lúc đầu chị không tin
lắm. Rồi nghe thêm mấy người khác nữa kể, chị đâm hoang
mang, và tin. Ở đời đôi khi điều
giả nhưng nhờ người ta nói hoài mà thành sự thật.
Lần thấy chị tắm cho heo,
điệu Sanh hỏi: “Cô có xin Chú điều gì không? Cô tắm cho Chú
hoài thể nào xin cũng được”. Vừa lúc ấy chị lần tay
xoa vào phần bụng con heo. Chị nghĩ, giờ có xin cũng đã muộn.
Rồi chị ngẩn ra cười méo mó, chắc mình
có xin Chú cũng không thể cho, vì Chú cũng đâu có sinh được nhiệm mầu công lực
ấy.
Buổi
chiều chị xách làn từ chùa trở về nhà.
Nước mắt tự dưng chảy. Không rõ đang thương heo hay thương mình.