Đây là một vấn đề mà ai ai cũng biết, nhưng với mục đích “ôn
cố tri tân”, nên một lần nữa người viết bổ sung thêm những tiếng nói hòa
vào bản hợp xướng để làm cho pháp âm vang mãi đến mọi nơi.
Bộ máy đầu não của tổ chức, giống như điều hành tổng thể của các giác
quan trong một con người, làm sao để thân tâm được phát triển điều hòa
kiện toàn nhất.
Bộ máy này phải điều hành nhiệt tình nhất, khai thác hết tường tận
đến từng hồng cầu và bạch cầu của cơ thể, nên đóng vai trò rất quan
trọng. Chúng tại gia và xuất gia cũng như những tế bào hình thành nên
Phật giáo.
Trên lĩnh vực thể dục thì chúng ta nên định hình phát triển các
phương pháp yoga tọa thiền, trị bệnh điều hòa khí huyết, võ thuật dưỡng
sinh v.v… để nâng cao sức khỏe và tinh thần cộng đồng, vì thường tâm hồn
mạnh mẽ trong thân thể không bệnh tật.
Về lĩnh vực đức dục, trên căn bản từ giới định tuệ được đức Phật và
chư Tổ giảng dạy, ghi chép lại trong ba tạng Kinh Luật Luận, trên cơ sở
đó tiếp tục thảo luận nghiên cứu các phương pháp ứng dụng để giải quyết
các vấn nạn của xã hội, duy trì đạo lí chân thiện mỹ, quân bình đời sống
vật chất và tinh thần của mọi người.
Vì yêu cầu phải tiếp xúc nắm bắt động thái xã hội một cách nhanh
nhất, ghi nhận xử lý thông tin vô cùng phong phú và phải linh hoạt, nên
người điều hành phải có đạo đức, trí tuệ và thể lực toàn diện, nên khi
các thành viên biểu quyết, có thể chọn lựa phù hợp với ba vấn đề đó.
Đừng nên quá khách sáo mà không điều chỉnh được các yếu tố này, một khi
chọn lựa thì phải chính xác, đúng người đúng việc, đúng chức năng và
nghĩa vụ.
Trên lĩnh vực vĩ mô, người lãnh đạo nên điều hành tổng thể về giáo dục, văn hóa và từ thiện.
Về giáo dục, đào tạo những người chuyên Phật học để làm công tác
hoằng pháp, giảng dạy ở các trường lớp, phải đào tạo nghiêm túc nhất và
tùy theo thời đại mà học thêm các ngành khác để có văn bằng tương xứng,
để có thể đứng lớp ở các môn đạo đức, văn hóa, triết học, Phật học v.v..
trong tất cả các trường từ mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại
học và hậu đại học.
Vì theo đà phát triển của xã hội, nhu cầu thiết thực này một ngày nào
đó sẽ thực hiện được, không thể để đến lúc hệ thống giáo dục cần mới
chuẩn bị thì e rằng lúc đó không kịp đáp ứng, cầu vượt quá cung, thì dẫn
đến bất cập.
Ngoài ra đào tạo các vị Tăng tài kỷ năng kỹ xảo kinh nghiệm chuyên
hướng dẫn đại chúng tu học và trụ trì tự viện. Và mặt khác, giáo dục
chuyên sâu về phương pháp tu độc lập cho ai đó không thích tham gia hai
lĩnh vực hoằng pháp và trụ trì, để họ tự mình đủ sức ẩn tu.
Về văn hóa nghệ thuật, Phật giáo chúng ta có thể không tham gia các
lĩnh vực kinh tế chính trị, nhưng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không thể
không đoái hoài. Phật giáo là một phần của văn hoá, góp phần hoàn thiện
bức tranh đa màu sắc của dân tộc Việt Nam.
Vì vậy chúng ta phải giữ gìn và phát huy bản chất văn hóa nghệ thuật,
thông qua các hoạt động như phát thanh truyền hình, Kinh sách, tạp chí,
internet v.v... phải tổ chức nghiêm túc, cố vấn kiểm duyệt và phát huy
tốt các lĩnh vực này, khuyến khích sáng tác, đóng diễn các bộ phim, vở
chèo, cải lương, bài chòi, hát bội, âm nhạc hiện đại v.v.. về các câu
chuyện điển tích điển cố, để qua đó truyền tải nội dung có tính chất
giáo dục nhân quả nghiệp báo, khai thác từ tập quán nghe nhìn trong ý
thức của quần chúng.
Phải nghiêm mật giống như người đạo diễn chỉ đạo diễn viên diễn xuất
để thể hiện đúng tinh thần của vai diễn, sau khi bộ phim đóng máy thì
trải qua các công đoạn cắt hình ghép ảnh lồng âm thanh v.v… và kiểm
duyệt xem lại rất cẩn thận, nên trên tinh thần đó, chúng ta đừng làm
theo hình thức, chạy theo số lượng, kỷ lục v.v.. lấy có, mà phải tạo ra
những tác phẩm bất hủ muôn đời.
Thông thường người cư sĩ tại gia thường hay bận rộn, quan tâm lo lắng
và suy nghĩ trên lập trường của cá nhân, trước tiên họ phục vụ cho bản
thân cho gia đình của mình sau đó mới đến tha nhân; còn đối với tổ chức
của Phật giáo thì họ lại lấy nỗi khổ của tha nhân là nỗi khổ của chính
mình, niềm vui của tha nhân là niềm vui của chính mình, vì thế công tác
từ thiện xã hội đựơc ví như một phần của thân thể không thể tách rời. Đó
là một trong những việc làm cao đẹp và trân quý của người xuất gia.
Vì vậy trên lĩnh vực thứ nhất của sáu ba la mật (bố thí, trì giới,
nhẫn nhục, thiền định, tinh tấn và trí tuệ), thì tổ chức phải nhất quán,
kết hợp giáo dục và văn hóa trong khi làm từ thiện. Không kể là nơi
thiên tai hạn hán bão lụt, hay người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, bệnh
viện nhà tù, nhà tình thương trại cải tạo v.v.. hình bóng của người con
Phật luôn hiện diện, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho tha nhân.
Nhưng khi thực hiện điều đó, phải hồi hướng công đức về Phật Pháp
Tăng, để có sức mạnh tổng hợp nhất quán, tránh trường hợp tự lập đoàn
thể cá nhân mà giảm thiểu năng lực, trở thành manh mún, hoặc chia rẽ
thành tông phái hội đoàn mới, dễ gây mất đoàn kết trong Phật giáo, do đó
phải đào tạo kỹ năng tổ chức và khả năng điều động nhân sự cho người
làm công tác từ thiện.
Yếu tố tổ chức như mạch máu lưu thông hết toàn thân, bình đẳng đến
mọi nơi, luân lưu không hề ngừng nghỉ, sự điều hành chỉ đạo tổ chức cũng
như vậy, đoàn kết hòa hợp như nước với sữa, để đem đến sự cống hiến
toàn diện nhất cho xã hội, để mỗi cá thể trong hai chúng tại gia và xuất
gia phát huy hết năng lực của mình, đồng thời có mối quan hệ hỗ tương
mật thiết lẫn nhau, như thân thể không có một tế bào nào dư thừa, không
có một yếu tố nào đó đáng bỏ.
Từ sự tổng quan này, tạo nên sức mạnh vô hình, nối kết chúng ta lại
với nhau để cùng nhau giải quyết vấn đề muôn kiếp của nhân sinh, đi đến
giải thoát giác ngộ, đừng để uổng phí một giây một phút nào của sinh
mệnh và tâm thức.