- Khi nguyện
cho người khác hạnh phúc, chính trong lúc đó tâm ta thoát khỏi những
tình cảm tiêu cực như đố kỵ, ích kỷ, ghét bỏ… Khi ấy chúng ta xóa bỏ
được, dù chỉ là tạm thời, sự phân biệt chia cách kiên cố giữa ta và
người khác. Chính sự thoát khỏi những ràng buộc tiêu cực nặng nề này đưa
chúng ta đến miền đất chung của hạnh phúc.
- Với hành động
nguyện cho, tâm thức chúng ta được nâng cao và mở rộng. Nói cách
khác, tâm thức chúng ta được chuyển hóa một phần từ tiêu cực sang tích
cực. Điều này đem lại sự an vui cho tâm.
- Khi nguyện cho
người khác được hạnh phúc, chúng ta phải nghĩ đến hạnh phúc an vui chứ
không phải khổ đau tranh chấp. Sự nghĩ đến hạnh phúc này làm tâm được
thấm nhiễm hạnh phúc.
Khi mong muốn tốt đẹp cho người khác, sự
tốt đẹp ấy có mặt trong tâm ta. Như cầm một bông hoa cho ai, tay ta
cũng thấm đôi phần mùi hương của nó, mắt ta cũng thưởng thức được hình
sắc của nó. Tóm lại, chúng ta sống bằng những ý tưởng của mình. Sống
bằng ý tưởng lạc quan, thiện ý thì có hạnh phúc. Ý tưởng bi quan, ác ý
thì phiền não khổ đau.
- Nguyện cho người khác được hạnh phúc làm
tuôn trào từ bi hỷ xả. Khai mở từ bi hỷ xả là khai mở nguồn hạnh phúc.
Được bao trùm trong nguồn từ bi hỷ xả ấy, chúng ta trải nghiệm mình và
người là một, mình và thế giới là một.
Qua vài nhận xét trên,
chúng ta thấy cách để có được hạnh phúc an vui mà ít tùy thuộc điều
kiện nhất, nghĩa là tựdo nhất, là nguyện cho người khác được hạnh phúc.
Điều này chỉ tùy thuộc vào tâm chúng ta mà không tùy thuộc vào những
điều kiện hoàn cảnh bên ngoài như giàu nghèo, địa vị, rỗi rảnh hay bận
rộn, đang phiền não hay đang vui vẻ… Thế nên, nguyện là một quyền lợi
sẵn có, không cần ai chế định, cho phép. Nguyện là quyền lợi để có được
hạnh phúc bất cứ lúc nào thay vì là một bổn phận mỗi ngày phải tuân thủ.
Nguyện là chìa khóa mở ra những kho tàng hạnh phúc chờ đợi được khai
thác nằm trong mỗi người, bất kể hoàn cảnh, địa vị, tuổi tác, giàu
nghèo…
“Mong cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc và có được những nguyên nhân của hạnh phúc,
“Mong cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân của khổ đau,
“Mong cho tất cả chúng sanh không bao giờ xa lìa hỷ lạc bao la vượt khỏi mọi khốn khổ,
“Mong cho tất cả chúng sanh luôn luôn ở trong sự buông xả siêu thoát mọi thương ghét”.
Đây là bốn lời nguyện Từ Bi Hỷ Xả. Bất cứ khi nào chúng ta phát khởi những lời nguyện này, chúng ta liền có an vui.
Một
người muốn tự hoàn thiện thì luôn luôn sống trong nguyện cho người khác
được hạnh phúc, bất cứ đang làm gì trong sinh hoạt hàng ngày:
“Khi
cho thức uống, thức ăn, y phục, nguyện cho tất cả chúng sanh uống
được nước pháp vị…, dứt sự khát ái thế gian, thường cầu trí giác ngộ,
lìa cảnh dục, được sự hoan hỷ của pháp. Nguyện cho tất cả chúng sanh
được một vị thấu rõ các Phật pháp đều không sai khác. Nguyện cho tất cả
chúng sanh được y phục ‘biết hổ thẹn’ để che thân, bỏ lìa tà kiến ác
pháp, da thịt mịn màng, nhan sắc tươi sáng, thành tựu cái vui đệ nhất
của bậc Giác Ngộ…”.
“Nguyện tất cả chúng sanh rốt ráo ra khỏi những phiền não. Nguyện tất cả chúng sanh lìa hẳn thân bịnh, được thân Như Lai”.
“Nguyện
tất cả chúng sanh lìa hẳn tất cả khổ não bức bách, thành tựu năng
lực tự tại an vui. Nguyện tất cả chúng sanh lìa hẳn những khổ đau, được
tất cả hoan hỷ, dứt hẳn thân khổ được thân thanh tịnh an vui. Nguyện tất
cả chúng sanh dứt hẳn các sự khổ, không có lòng oán hận, luôn thương
mến nhau…”.
Toàn bộ phẩm Thập hồi hướng, kinh Hoa Nghiêm là
những lời nguyện như vậy. Cho đến sự hoàn thiện cao rộng nhất là Mười
Hạnh Nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền trong phẩm cuối của kinh Hoa Nghiêm.
Mười Hạnh Nguyện này phát khởi từ pháp tánh, lưu xuất từ pháp tánh,
nên là một với pháp tánh, nghĩa là trùm khắp vũ trụ; và do đó, chuyển
hóa vũ trụ thành pháp giới Hoa Nghiêm.
Một đời sống bình thường
của chúng ta càng có nhiều ‘nguyện cho’ thì càng được thăng hoa thành
hạnh phúc. Đời sống của chúng ta càng thấm đẫm những nguyện cho thì đời
sống ấy càng thấm đẫm hạnh phúc. Cuộc đời của chúng ta càng ngày càng
giàu có những nguyện cho này; càng ngày càng giàu có hạnh phúc.
Mỗi
người chúng ta đều tự do xông ướp đời mình bằng những nguyện cho, để
được sống trong “đại dương hạnh phúc vì lợi lạc cho tất cả những gì đang
sống”:
Nguyện tôi là người bảo vệ cho những ai không
có sự bảo hộ. Là người hướng dẫn cho những ai đang đi trên đường. Với
những ai muốn băng qua dòng sông, Nguyện tôi là một con thuyền, một
chiếc bè, một cây cầu. Nguyện tôi là một hòn đảo cho những người mong
mỏi bến đậu, Một ngọn đèn cho những ai mong ngóng ánh sáng,
Là
một cái giường cho những ai cần đặt lưng ngơi nghỉ. Nguyện tôi là một
tôi tớ cho những ai cần sai bảo. Nguyện tôi là một viên ngọc như ý, một
cái bình đáp ứng những mong muốn,
Một lời thần chú, và một
cây thuốc. Nguyện tôi là một cây ban điều ước muốn, Là con bò ước cho
tất cả chúng sanh. Cũng như đất và những nguyên tố khác, Tồn tại như hư
không tồn tại, Cho vô số chúng sanh đang sống, Nguyện tôi là nền tảng và
phương tiện cho đời sống của họ.
Như thế, đối với bất
cứ vật gì đang sống, Trong khắp không gian mười phương, Nguyện tôi là sự
nuôi sống và chất bổ dưỡng của họ, Cho đến khi tất cả họ vượt qua khỏi
những biên giới của khổ đau. (Đi vào Bồ tát hạnh của Shantideva, chương 3)
Được
làm một cây thuốc, một viên ngọc như ý, một cái bình đáp ứng những mong
muốn, làm bốn nguyên tố đất nước lửa không khí thiết yếu cho sự sống
của chúng sanh, là sự nuôi sống và chất bổ dưỡng cho tất cả những gì
đang sống…, điều đó là hạnh phúc lớn nhất mà một con người có thể ước
mong (nguyện) và thực hiện (hạnh).
* Nguyễn Thế Đăng (Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo)