Chùa Bửu Minh

Ở đây, sự thiếu văn hóa trong phát ngôn bắt đầu từ một số cây viết tự nhận là Phật tử nhưng rất vô trách nhiệm, kém văn hóa. Đã xuất hiện những từ ngữ thô tục, láo xược, hỗn hào, vô lễ đối với những vị tôn túc, như ví hoạt động của một giáo hội địa phương với hình ảnh cỗ xe được kéo bởi những con bò già…


1. Gần đây, văn hóa phát ngôn được cộng đồng mạng đặc biệt chú ý, khi có một đại biểu Quốc hội lên tiếng chỉ trích một đại biểu Quốc hội khác trên mạng bằng những lời lẽ nặng nề, bạo liệt, mang tính chất thóa mạ, xúc phạm, bôi xấu. Từ việc này, thiết tưởng, cũng nhân đó mà nên bàn tới vấn đề văn hóa phát ngôn trên các trang mạng Phật giáo.

2. Sự phát triển của công nghệ thông tin, của internet, đã nâng cao vai trò người đọc trong hoạt động truyền thông. Người đọc, từ việc tiếp nhận nội dung truyền thông một cách thụ động, đã trở thành những chủ thể phát ngôn mới trên mạng thông qua nhiều hình thức như phản hồi với nhiều dạng, các mạng xã hội, trang blog cá nhân…

Người đọc ngày nay trên mạng internet có thể tạo ra những làn sóng thông tin, những cuộc thảo luận xã hội cao trào, âm vang dư luận truyền thông mạnh mẽ.

Sự dịch chuyển vai trò công chúng truyền thông hiện đại trong kỷ nguyên internet đã được ghi nhận như một sức mạnh mới, một quyền lực mới.

Trong chuyên luận “Về quyền lực trong quản lý nhà nước hiện nay” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012), các tác giả PGS TS Lê Minh Quân – Th.s. Bùi Việt Hương đồng chủ biên, đã nói tới khái niệm “sức mạnh công chúng”, bên cạnh các khái niệm sức mạnh cứng, sức mạnh mềm, sức mạnh thông minh…, cũng như khái niệm “quyền lực thứ năm”, là quyền lực công chúng, bên cạnh “quyền lực thứ tư” là quyền lực của truyền thông.

Như vậy, việc tồn tại, trình bày trên truyền thông đại chúng những ý kiến khác biệt nhau, mâu thuẫn nhau, đối lập nhau, xung đột nhau, phủ nhận nhau, đã trở thành phổ biến, bình thường, tự nhiên.

3.    Hiện tượng như trên trên internet tất yếu ảnh hưởng đến các trang web, blog, facebook Phật giáo. Đó cũng là điều bình thường, tự nhiên, là một xu thế không thể khác đi được. Việc biên tập, cắt cúp, thay đổi nội dung đối với phát ngôn…, trong nhiều trường hợp, đã tỏ ra không phù hợp với sự phát triển của công nghệ và phong cách truyền thông hiện đại.

4.    Nhưng cũng vì thế, vấn đề văn hóa trong phát ngôn nảy sinh, trước hết trên hoạt động đối với internet nói chung, và đương nhiên nảy sinh không thể tránh khỏi đối với các trang web, blog, facebook Phật giáo.

Vì trở nên tự do phát biểu hơn, nên người ta có thể nói mọi thứ, kể cả những lời lẽ nặng nề, chua cay, bất lịch sự, thiếu văn minh… 

Cộng đồng mạng trở nên quen thuộc với từ “ném đá”, với hiện tượng đánh hội đồng bằng lời lẽ, đấu tố tập thể bằng ngôn ngữ, mà trong nhiều trường hợp, đã tỏ ra rất thiếu văn hóa, kích động.

5.    Việc những ảnh hưởng như trên xuất hiện trên một số trang mạng web, blog, facebook Phật giáo là một vấn đề nghiêm trọng. Vì phát ngôn, tức “ngữ” trong Phật giáo, là một trong 3 lãnh vực mà Đức Phật luôn lưu ý việc chú trọng tu tập (bên cạnh “thân” và “ý”).

Đạo Phật đề cao ái ngữ, coi ác ngữ là tội lỗi, nên vấn đề như trên là hết sức nghiêm trọng trong quan niệm của đạo Phật. Nó càng trầm trọng hơn khi nó bắt đầu lây lan vào các trang web, blog, facebook Phật giáo.

Ở đây, sự thiếu văn hóa trong phát ngôn bắt đầu từ một số cây viết tự nhận là Phật tử nhưng rất vô trách nhiệm, kém văn hóa. Đã xuất hiện những từ ngữ thô tục, láo xược, hỗn hào, vô lễ đối với những vị tôn túc, như ví hoạt động của một giáo hội địa phương với hình ảnh cỗ xe được kéo bởi những con bò già…

Rồi có những việc lèo lái dư luận để chống báng người này, nhóm kia. Trước đại hội đại biểu Phật giáo, người ta tổ chức viết bài hạ uy tín một vị tu sĩ Phật giáo, nhằm mưu toan can thiệp nhân sự Giáo hội. Internet với mặt tiêu cực cũng được sử dụng vào mục tiêu thấp kém như thế trong thời gian đại hội Phật giáo, y như những kiểu cách văn hóa ngoài đời. Đồng thời với những dạng manh động phát ngôn như vậy, là hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều kiểu đấu tố bằng từ ngữ, sự sân hận trào lên đầy khoảng giữa những con chữ, câu văn mỉa mai hung hiểm bắt đầu dậy lên trên một số trang mạng Phật giáo.

6. Tôi không chủ trương che đi, dấu đi, bỏ qua như không có những việc như vậy. Vì làm như vậy không phù hợp với tính chất của truyền thông thời đại. Cứ để nó hiện nguyên hình rồi chỉ tên, đối trị với nó Chánh niệm không phải là quay mặt, tránh mặt, mà trước hết phải thấy được tất cả triệu chứng bệnh tật, phải để triệu chứng bệnh tật phơi bày. Sự thiếu văn hóa trong truyền thông hiện đại đang vấy bẩn cộng đồng mạng Phật giáo là một sự thật cần nhận rõ. Cách nghĩ, cách nói bất tịnh, ô nhiễm đang lây lan từ ngoài đời vào trong đạo phải được ngăn chặn. Cứ cho nó phơi bày, nhưng cần có đối sách. Tu tập chính là ở chỗ này.

7.    Theo đà phát triển chung của truyền thông hiện đại, việc tồn tại những ý kiến, trình bày những suy nghĩ, những lời nói khác biệt nhau, thậm chí tương phản nhau, phủ nhận nhau, trong truyền thông Phật giáo phải là việc bình thường. Chánh kiến không phải duy nhất cho nói chỉ một ý kiến.

Tuy nhiên, cách thể hiện trên truyền thông Phật giáo của người Phật tử phải mang tính Phật giáo, tức là phải trên cơ sở ái ngữ. Ý kiến có thể khác, nhưng phải cùng tinh thần ái ngữ. Mà ái ngữ thì không thể chấp nhận động cơ phát ngôn kiểu nói xấu thầy nầy, triệt hạ thầy nọ, bôi nhọ uy tín tác giả kia, bằng những lời lẽ hạ cấp, thiếu văn hóa, bằng những thủ đoạn. Cái xấu, cái thấp kém thì dễ ô nhiễm, lây lan. Bao giờ cũng thế. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong nhận thức. Phải nhận mặt những biểu hiện hạ đẳng văn hóa, những mưu toan xấu xa nham hiểm, gieo rắc mầm mống ô nhiễm trong những phát ngôn trên các trang mạng Phật giáo từ những bước lây nhiễm, cấu thành ban đầu, tinh vi, để kịp thời chế áp nó, từ vị thế của chánh kiến, chánh ngữ.

Phải làm sao để giữ thanh tịnh một cách tự giác, thống nhất trên các trang mạng Phật giáo, không để cái cách dùng mạng để bôi xấu thầy này, hạ uy tín thầy khác, phỉ báng tác giả nọ, sắp xếp vị trí chức vụ giáo phẩm kia mặc tình lây lan trong cộng đồng Phật giáo.

Dứt khoát không thể để những tâm địa, ý đồ xấu xa khai thác mặt trái của truyền thông hiện đại cho những mục tiêu hạ cấp, hèn mạt, ty liệt làm hoen ố, dơ bẩn những trang mạng Phật giáo.

Trong mười điều ác của nhà Phật, đó là “nói lời hung ác”, lại kèm thủ đoạn dối trá, phát sinh cùng với sự bùng nổ của internet, như ký dưới nhiều tên, giả dạng làm nhiều nguồn, tức vọng ngữ. Chúng ta, phải làm sao loại trừ cung cách phát ngôn đó ra khỏi truyền thông Phật giáo bằng cách thức triệt để nhất, cũng là thanh tịnh nhất, là làm cho mọi người ghê tởm nó, khinh bỉ nó, tránh xa nó.

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage