Chùa Bửu Minh

Thi sĩ Phạm Thiên Thư quê Thái Bình, sinh năm 1940. Thuở nhỏ thường lêu lổng, rong chơi quanh trang trại Đá Trắng ở Hải Dương, rồi đến năm 1954 lên đường di cư vào Nam, lưu trú tại Sài Gòn từ đó đến nay.


Đại học Vạn Hạnh là nơi thi sĩ trưởng thành và cũng bắt đầu làm thơ từ đấy. Chảy trôi xanh biếc huyền mộng là cõi thơ dạt dào bao tình cảm thiết tha qua những thi phẩm : Động hoa vàng, Đoạn trường vô thanh, Quyên từ độ bỏ thôn Đoài, Trại hoa đỉnh đồi, Nhân gian, Ngày xưa người tình, Đôi lời thược dược, Huyền ngôn xanh, Hát ru Việt sử thi, Đạo ca và đặc biệt là những tác phẩm thi hóa kinh Phật như Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Hiếu, Kinh Thơ. Thơ và nhạc hòa âm cùng một suối nguồn lung linh diệu ảo, vô cùng diễm tuyệt ngân nga :
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
Đó là 4 câu thơ mở đầu dẫn vào Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư, một thi phẩm thâm thúy, trữ tình chứa chan đầy chất thi ca âm nhạc, là bản trường ca dài 400 câu lục bát, lãng đãng nàng thơ diễm tuyệt, bước về trang nghiêm cho cuộc đời và cỏ hoa sông núi, rừng biển thiên nhiên.
Đi vào cõi thơ Phạm Thiên Thư là phiêu du lồng lộng những phương trời bồng bềnh chuếnh choáng, tràn đầy cỏ hoa, chim bướm, sắc nước hương trời với nhiều quyến rũ thanh kỳ tú lệ. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với biết bao thú vị như lạc vào chốn nào thấp thoáng sương mù, bàng bạc ẩn hiện ánh trăng huyền ảo, rạo rực phơi bày lung linh những sắc màu kỳ hoa dị thảo, lấp lánh long lanh giữa trời thơ đất mộng. Từ nơi vườn lòng thong thả, nhà thơ ngồi lắng nghe văng vẳng tiếng dế kêu rì rào quạnh vắng vườn khuya, thưởng thức giọng chim vành khuyên ca hót líu lo trong buổi bình minh nắng sớm hay chập chờn theo cánh bướm vàng bay lượn cuối nẻo hoàng hôn ùn mây khói nhạt nhòa :
Dế buồn dỗ giấc mù sa
Âm nao lãng đãng tơ ngà sương bay
Người về sao nở trên tay
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót mơ
Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Tưởng xưa có kẻ trên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa
Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa

Sầu đưa chi mà da diết lâm ly, ngan ngát hương vị tình yêu siêu nhiên nguyên thủy. Một hương vị tình yêu diệu kỳ chỉ có thể thưởng thức được từ giữa tâm hồn lai láng bồi hồi của chúng ta mà thôi. Ơi chao ! Từ đâu em đến hay từ vô lượng kiếp em về khơi mở lung linh chuyện tình sử ngọn ngành :
Từ em khép nép hài xanh
Về qua dục nở hồn anh đóa sầu
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Sông nước thì muôn đời cứ mãi hoài trôi chảy miên man, nên hoàn toàn mới mẻ mới lạ, như Heraclitus triết gia Hy Lạp nói : “Không ai có thể hai lần tắm trong cùng một dòng sông” và Khổng Tử cũng phát biểu tương tự : “Chảy đi chảy hoài như thế kia ư, suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.” Còn dòng sông cuộc đời, cũng từ muôn thuở vẫn khơi vơi trôi chảy giữa ngày tháng năm ròng rã, nhưng không chảy trôi hết được những tương tư sầu mộng trong thầm kín nghìn thiết tha kỳ lạ :
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ
Đêm về thắp nến làm thơ
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thư tôi
Thi sĩ thì chỉ biết làm thơ thôi chứ còn biết làm chi hơn nữa, phải không hỡi người em diễm kiều yêu dấu ? Vĩnh viễn thiên thâu, từ đây cho đến ngàn đời tái sinh, chết đi sống lại trong vòng luân hồi bất tận thì thi nhân cũng còn mãi tiếp tục làm thơ, trút hết tinh hoa hòa điệu cùng nhịp thở với tâm tình tha thiết kính tặng, dâng hiến riêng cho em mà thôi :
Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
Giọt lệ nhỏ xuống cho tình yêu là giọt lệ thiêng liêng nhất, chính những giọt lệ đó đã kết tinh thành suối nhạc nguồn thơ của nhân loại từ thuở hồng hoang cho đến thời hiện đại hôm nay. Thấy rõ sâu sắc một cách tinh tế điều đó, nhà thơ càng thêm dồi dào bao cảm xúc, rung động trước vẻ đẹp thuần túy bình dị của nàng thơ, thục nữ nhu mì mềm mại, dịu dàng duyên dáng, yểu điệu đi về trên gót mộng thanh tân :
Em về hong tóc mùa xuân
Trăng trầm hương tỏa dưới chân một vành
Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân
Gót mộng thanh xuân rực ngời mới lạ trên hội ngộ tao phùng, tung tăng nhảy múa hát ca, huy hoàng rạng rỡ một thời xanh hoa mộng, rồi phôi pha tạ từ trong mong nhớ chờ đợi, trong buồn thấm ngậm ngùi, phơ phất từng cơn gió thu về lành lạnh heo may :
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di
Mây xưa cũng bỏ non về
Em xưa cũng giã câu thề đó đây
Nhớ đành biết mấy tầm tay
Lông chim biển bắc hoa gầy bãi đông
Đợi ai trăng dõi hoa buồn
Vắng em từ thuở theo buồm gió xuôi
Chiều chiều mở cổng mây trôi
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao hôm
Đôi mắt thi nhân đăm chiêu ngắm nhìn sâu vào lòng đời nhân thế, để thấy rõ tận tường, hiểu biết thâm sâu hai mặt của thực tế, trùng phùng rồi chia tay, gặp gỡ rồi ly biệt, theo lẽ đương nhiên như thế, thì nhà thơ cũng tùy duyên, uyển chuyển theo công cuộc sáng tạo giao thoa cùng mưa nắng bốn mùa :
Chim từ bỏ động hoa thưa
Người từ tóc biếc đôi bờ hạ đông
Lên non kiếm hạt tơ hồng
Đập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay
Người về đỉnh núi sương tây
Ta riêng nằm lại đợi ngày mướp hoa
Bến nam có phố giang hà
Nghiêng nghiêng nậm ngọc dốc tà huy say
Tình cờ anh gặp nàng đây
Chênh vênh gót nguyệt vóc gầy liễu dương
Qua sông có kẻ chợt buồn
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu
Hình ảnh thi nhân “dốc tà huy say” thật ấn tượng làm sao ! Say tình say mộng, say nhạc say thơ, say và say chuếnh choáng càn khôn, khiêu vũ cùng vũ trụ đất trời, bởi vì em là chất rượu quý ngàn năm ấp ủ men nồng, ơi rượu hồng nhan cạn hết một ly, hai cốc, ba chén, bốn xị là đã thấu thị cuộc tình vạn đại lưu linh, vô lượng thương yêu diệu ảo giao hòa :
Hoa đào tưởng bóng đào xưa
Thuyền sang bến nọ dòng mờ khói vơi
Hoa dương vàng nhạt sầu người
Ta về uống nước sông khuây khỏa lòng
Đưa nhau đổ chén rượu hồng
Mai sau em có theo chồng đất xa
Qua đò gõ nhịp chèo ca
Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say
Lấy nước sông xanh làm rượu uống chơi cũng là một cách điệu tiêu dao tao nhã. Với nhà thơ nhạy cảm, chỉ cần một giọt sương, một suối tóc là cũng đủ say
túy lúy rồi, huống chi là rượu quan hà dưới dòng trong trẻo nước trôi qua. Lý Bạch ngày xưa chắc cũng thống khoái cuồng ngâm với rượu trăng đầm đìa trên sông Dương Tử hay như Phạm Công Thiện từ thuở còn thơ dại đã lấy sông Cửu Long làm rượu hồng đào, nên mãi xuất thần say đắm, say sưa suốt bình sinh cuộc sống, hoặc như Tản Đà say rượu hoàng hoa bên bến sông Hồng phiêu hốt cuồng ca, còn Phạm Thiên Thư thì lấy rượu tình thơ làm chất xúc tác cho thêm thi vị đậm đà :
Đất nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông
Lại đem bầu ngọc ra trồng
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân
Người vui ngựa chợ xe thành
Ta leo cầu trúc bên ghềnh thác rơi
Theo chân chim gặp mây trời
Lại qua khói động hỏi người tu non
Còn gì thích thú hơn là một ngày nhàn nhã, thảnh thơi rời bỏ phố thị ồn ào, náo nhiệt, làm một cuộc ngao du thanh thản lên rừng núi thiên nhiên, viếng thăm những bậc thiền sư, ẩn sĩ, ni cô hào hùng cùng tuế nguyệt thi gan :
Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn
Nên khuya lửa hắt hiu vàng
Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa
Ý nào hóa hiện ngàn hoa
Chữ nào cẩn nguyệt trên tà áo ni
Dỗ non suối giọng thầm thì
Độ tam thế mộng sá gì vóc hoa
Ni cô hiện giữa ta bà
Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng
Giai thoại thiền kể rằng, có một thiền sinh đốn ngộ bất ngờ khi khám phá ra “ni cô vốn là con gái.” Có chi đâu giữa bờ mê bến ngộ chỉ cách nhau một kẻ tóc đường tơ. Nàng con gái không ưa thích chuyện lấy chồng, sinh con đẻ cái nheo nhóc, đeo mang nặng nhọc trong cuộc sinh tồn nhiều bức bách nhiêu khê. Vì thế, nhẹ nhàng cất bước thong dong lên đường như cánh nhạn vút bay lên bầu trời tâm nội thanh thoát vân du :
Ni về khép cửa chùa tu
Sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng
Thu vươn ngọn chổi đôi bông
Thoảng dâng hương lạ bướm vòng cánh duyên
Sư lên chót đỉnh rừng thiền
Trong tim chợt thắp một viền tà dương
Ngón tay nở nụ đào hương
Cầm nghiêng Tịnh độ một phương diệu vời
Một dòng hoa nổi trên trời
Một dòng hoa nở trong người trầm tư
Cánh nào mở cõi không hư
Phiến băng tuyết khảm một tờ Kim Cang
Hồn thơ Phạm Thiên Thư được hàm dưỡng từ tinh thần vô sở trụ của Thiền tông nên luôn luôn linh động, sáng tạo hài hòa giữa đời với đạo một cách tự nhiên, như thi sĩ Bùi Giáng đã có lần tán thán : “Nguồn thơ Phạm Thiên Thư chảy từ cõi uyên nguyên Phật giáo, tràn ngập vào lục bát Việt Nam, trở thành một dòng riêng biệt bát ngát.”*
Phật giáo uyên nguyên cho biết rằng, từ đời thuở nào, con người chúng ta vốn sẵn có Tự tánh thanh tịnh rồi, nên mình khỏi phải làm gì thêm nữa mà chỉ cần thấy tánh là trở về nhập cuộc. Nhập vào nguồn sống vi diệu ngay bây giờ và ở đây, như có lần Phạm Thiên Thư tâm sự : “Gạn sạch ý niệm để tịch mặc trước cỏ hoa, chiêm ngưỡng thiên thu trong ánh chớp, lắng nghe tiếng rơi của hạt mưa, thể chứng đại nguyện của vách đá, trầm lặng tàn khốc như biển xanh. Vắng vẻ mọi so đo chân giả, xa lìa mọi giả danh, tham chấp, đạp lên biến hoại để trùng sinh. Hãy tái tạo từng hơi thở, từng tế bào, từng sợi tóc. Sống mãnh liệt, vượt thoát cõi giới ý niệm vàng võ, nổ tung mọi con đường ảo tưởng, mọi tiến bộ trá ngụy, mọi cố hương ru ngủ, mọi chia phân giới hạn để thể nhập kiến không. Đẩy cửa vào Tâm giới, nơi đáy cùng của vạn vật Nhất như, thức ngủ với trăng sao, im lặng sấm sét như núi lớn, đồng nhất nơi Tự tánh bình đẳng.”**
Đúng vậy ! Hãy nhập cuộc vào cái trật tự tự nhiên cùng nhật nguyệt thiên địa, càn khôn vũ trụ bao la. Trong trật tự ấy, chúng ta là một pháp vô tâm nên vô sự như trời xanh mây trắng, nắng vàng cơn mưa, núi đồi biển cả, khói sương làn gió, cỏ cây chim hót, cánh bướm đóa hoa...là những pháp vô sự nên vô vi. Muôn loài vạn vật đều vô vi mà bình đẳng nhau trong pháp giới vô ngại rỗng rang.
Từ cõi miền uyên nguyên đó, Phạm Thiên Thư thênh thang, nhẹ nhàng từng bước chân thi sĩ đi về thể hiện ngoạn mục giữa cõi tồn lưu sinh động hàm dung, cũng sầu vui chia sẻ cùng nhịp đập trái tim cuộc đời với người em thuần hậu chơn mỹ thi ca, cũng đầy nhiệt tình mà vẫn giữ niềm xa cách, như có vẻ nguội lạnh mà vẫn chan chứa yêu thương, vừa say đắm mặn nồng vừa lững lờ hờ hững như không :
Thế thôi phố bụi xe hồng
Hồ ngăn ngắt dục đôi dòng nhạn bay
Đưa nhau đấu rượu hoa này
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm
Xuống non nhớ suối hoa rừng
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây
Về thành nhớ cánh chim bay
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa
Đó là tâm trạng của nhà thơ cũng là tâm trạng chung của chúng ta . Thôi thì cứ để mặc nhiên, như nhiên cho dòng thơ trôi chảy. Thơ là hơi thở, làm thơ là chuyển động không khí chung quanh, hấp thụ dưỡng chất mặt đất và chuyển hóa tinh thần hướng về cái đẹp chân thiện mỹ. Đi đứng nằm ngồi, tư duy suy tưởng, nói năng im lặng đều cùng một năng lượng từ cỗi nguồn tâm tánh nhiệm mầu. Sâu thẳm trong đó là cả một kho tàng phong phú, chỉ cần tương ứng là diệu dụng ngay lập tức, hiện liền ra trước mắt đây thôi. Lặng yên thi sĩ chiêm ngưỡng hương sắc mong manh để cảm nhận vẻ đẹp phù du của mộng đời hư huyễn phù trần :
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
Đoạn trường dâu bể ừ thì dâu bể đoạn trường, thi nhân vẫn dấn bước đăng trình trên phong thái phiêu linh, tùy hỷ, tùy thuận chúng sinh. Chấp nhận hết thảy mọi buồn vui sướng khổ, mọi đắng cay mặn chát mà thực ra không chát mặn, đắng cay gì hết trọi. Nói như nhà thơ Tuệ Sỹ : “Suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đọa thân tâm, đày đọa trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đọa đó mà kỳ thực không là đày đọa. Cũng vậy, suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ lụy lao đao nhưng không là khổ lụy lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca làm sao hiểu nổi ? ”***
Cõi thượng thừa của thi ca là gì ? Một câu hỏi chơi vơi, không có câu trả lời. Thi sĩ mỉm cười im lặng, rồi thong dong đọc thơ lục bát, những vần thơ bảng lảng thiên thanh vĩnh thúy, nghi ngút tận cuối bãi đầu ghềnh, lênh láng ngàn mây trắng giăng phủ đồi hoang dại mờ khuất dặm mù xa :
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Ngựa xưa qua ải sương này
Còn nghe nhạn lạc kêu hoài bãi sông
Nước xuôi gờn gôn mây hồng
Tiếng ca lạnh thấu hoàng hôn giục đò
Bềnh bồng sông nước thường trôi về trong dòng thơ Phạm Thiên Thư cũng như nàng thơ gầy cũng thường xuyên hiện hữu. Hình bóng yểu điệu thục nữ ấy là tinh anh kết tụ từ muôn sắc ngàn hoa, từ hồn thiêng sông núi tạo thành, khiến chàng thi sĩ đa tình lãng mạn bỗng hóa thân thành cánh bướm Trang Tử bay lượn về chấp chới vờn quanh vườn hoa cỏ bên thềm :
Mắt nàng ru chiếc nôi êm
Ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời
Em là hoa hiện dáng người
Tôi là cánh bướm cung trời về say
Say thơ say nhạc, say em mềm mại suối tóc mây hồng, suốt ngày đêm say mê đắm mộng, nồng nàn điệu thở chờ nhau. Yêu dấu hỡi ! Xiết bao nao nức, rộn rã, dạt dào rồi bàng hoàng, sững sốt mới hay chỉ là huyễn mộng chiêm bao :
Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ thuở bao giờ
Gặp đây giả bộ hững hờ khói bay
Tình cờ như núi gặp mây
Như sương đậu cánh hoa gầy tiêu dao
Tỉnh ra thì giấc chiêm bao
Chuyện mười năm cũ lại nao nao lòng
Yêu nhau từ vô lượng kiếp rồi em ạ em ơi ! Lời thơ thổn thức, rưng rưng ngấn lệ phập phồng. Mộng và thực xóa nhòa không còn biên giới phân hai nữa mà
nhập vào Bồ đề thể tánh toàn triệt uyên tư :
Em từ rửa mặt Chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thau hương hiện kính Bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi
Luân hồi sinh tử trùng trùng vô tận, từ vô thủy đến vô chung. Có mê man, đắm lụy trần hồng thì mới mau đưa tới vỡ bùng tỉnh thức. Thức tỉnh rồi thì mọi việc ở đời coi như đã xong, thong dong bước vào Tịnh độ, xả buông xuống hết mọi lợi danh, tham vọng, mê si ám chướng, mở rộng lòng đại từ đại bi, trang trải ra khắp mười phương, phát đại nguyện thượng thừa thương yêu tất cả muôn loài vạn vật chốn trần gian :
Thư em ướp nụ lan vàng
Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa
Áo em phất cõi Di Đà
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ
Hoa đại từ bừng nở, hương từ bi, từ ái ngan ngát, lan tỏa mọi miền khắp cõi nhân sinh, làm cho thiên hạ, ai ai cũng hít thở được bầu không khí vi diệu, nồng ấm đậm đà. Phải chăng cõi ta bà đã biến thành cảnh giới Niết bàn, Tịnh độ hào phóng hân hoan :
Đưa em tìm động hoa vàng
Then mây khóa một Niết bàn ven khe
Mai sau viễn khách nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh
Hoa vàng ta để chờ anh
Hiện thân ca hát trên nhành tâm mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên
Động hoa vàng thấp thoáng giữa thiên thu vời vợi, lãng đãng bên miền chẳng có đâu mà vẫn hiện hữu nhiệm mầu, vẫn duy tâm sở hiện giữa thực tại hiện tiền. Mầu nhiệm như tiếng đàn vô thanh của Thúy Kiều đã làm rung động hàng triệu triệu trái tim con người trên mặt đất nhân sinh từ bao giờ cho đến bây giờ, thật không thể nghĩ bàn sức sáng tạo tuyệt trù của bậc đại thi hào Nguyễn Du. Cùng tương ứng với Nguyễn Du có Phạm Thiên Thư cũng thử hòa âm vào giai điệu da diết tiếng lòng muôn thuở đồng thanh :
Lòng như bát ngát mây xanh
Thân như sương tụ trên cành đông mai
Cuộc đời chớp lóe mưa bay
Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không
Thân tâm bệnh nghiệp trần hồng
Lênh đênh trầm nguyệt bềnh bồng phù vân
Giam trong tài mệnh giả chân
Trăm năm hồ dễ một lần bay cao
Đau lòng chuốc tiếng đàn nao
Năm cung nước chảy lại chao phận mình
Đời Kiều trải mấy nhục vinh
Ngã nhân đã vượt thế tình đã qua
Đoạn trường sổ gói tên hoa
Xưa là giọt lệ nay là hạt châu
Đó là cuộc đi kỳ cùng của Thúy Kiều theo thể điệu : “Trăm năm trong cõi người ta... Mua vui cũng được một vài trống canh” song hành với nhịp đàn chan chứa ân tình linh diệu cứ mãi vang lên văng vẳng tận đáy lòng, sau mười lăm năm đoạn trường mới trùng phùng tao ngộ, bắt gặp lại nụ cười :
Mười lăm năm lại đơm tươi
Duyên may bọt sóng chim trời gặp nhau
Lan xưa in đáy lòng sầu
Trách chi con suối nhạt màu thời gian
Trăng nao man mác tơ đàn
Chừ nghe hờ hững đôi làn khói bay
Lò trầm ai chửa ngừng tay
Mà sao hơi lạnh như ngày mưa thưa
Vui giờ nuối cái buồn xưa
Chút gì để nhớ để chờ để không
Tưởng đàn nối nhịp tơ đồng
Thuyền trăng sớm tếch bến hồng bay lên
Chơi vơi trong cõi diệu huyền
Đời Kiều dệt một trường thiên tuyệt vời
Tuyệt vời, tuyệt diệu đến độ vô ngôn, chỉ biết cảm nhận thôi, chứ không thể diễn đạt bằng lời. Trời đất quê hương vẫn còn mãi rung ngân bất tuyệt tiếng đàn tâm hạnh thanh thoát tài hoa :
Tơ chùng tưởng cuốn mưa sa
Hiên văn khép mở phên hoa khói trầm
Bao năm vùi giữa cát lầm
Như cành sen trổ trong đầm hạ xanh
Giờ Kiều lại nối âm thanh
Thử đem sương gió tựu thành cung dây
Tiếng đàn rã liễu rời mây
Ngón tay dã hạc vờn bay dặt dìu
Hai hàng lau lách đìu hiu
Đồi phong lá gọi bóng chiều xác xao
Hạt đàn tấm tức nao nao
Suối tuôn mạch đá đau bào lòng non
Lơ thơ hoa trải đường mòn
Bâng khuân ráng đỏ theo con nhạn về
Năm cung da diết đê mê
Nắng hoen thềm phấn mây kề song hương
Ngón cong đàn trổ nụ hường
Ngón xuôi tơ rụng hoa vương mấy dòng
Thế là, kể từ Thúy Kiều mười lăm năm đọa đày, luân lạc, đoạn trường của Nguyễn Du đến Thúy Kiều hóa thân thành nàng thơ diễm tuyệt huyền mộng, Phạm Thiên Thư đã đưa ngôn ngữ thi ca Việt Nam phiêu diêu lên đến chỗ tuyệt đỉnh ngút ngàn :
Cho thơ hòa với mênh mang
Cho mênh mang đọng hạt đàn vô thanh
Đất dày nhập với trời xanh
Đoạn trường xưa hóa trường thành lưng mây
Áo thơ hồng quả tươi cây
Tiếp thu lẽ sáng chan đầy mạch linh
Muôn loài mở cuộc hồi sinh
Dựng lên khắp cõi bình minh đại hòa
Kiều giờ là cỏ là hoa
Đường gân mạch máu xương da cũng nàng
Bài thơ thoát vận đoạn tràng
Hóa thành hạt ngọc nghiêm trang trời người
Nếu thế giới thi ca Nguyễn Du còn mãi âm vang đồng vọng một tiếng lòng muôn thuở thiên thu thì thế giới thi ca Phạm Thiên Thư cũng cứ vẫn rạt rào trên cung bậc ngân nga suối nhạc nguồn thơ vĩnh cửu.

CHÚ THÍCH:
* Bùi Giáng. Thi ca tư tưởng. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1972
** Phạm Thiên Thư. Kinh Ngọc. Đại học Vạn Hạnh ấn hành, Sài Gòn 1971
*** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, 2007.
Thơ Phạm Thiên Thư trích trong 2 thi phẩm :
Động hoa vàng. Tiếng Thơ xuất bản, Sài Gòn 1971
Đoạn trường vô thanh. Tái bản lần thứ hai. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2003 .

 

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4630&SubID=2&ID=7


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage