Ân Cha mẹ: Cha mẹ có những ân nghĩa đối với con cái, người nào làm cha mẹ rồi mới thấy rõ thâm ân nầy:
- Ân sinh sản: Làm mẹ phải chín tháng cưu mang, ăn uống phải kiêng cử,
phải giữ gìn khi đi, đứng, ngủ, nghỉ cẩn thận lúc thai mang. Khi sinh
con biết bao nhiêu là nguy hiểm, có khi phải bị mất mạng. Cha phải lo
tão tần làm lụng vất vả, để lo cho mẹ tròn con vuông.
- Ân nuôi nấng: Từ khi mới sanh ra cho đến lúc lớn khôn, cha mẹ phải tão
tần, vất vả để nuôi nấng con cái, lo cho con đủ ăn, lo cho con mặc đủ
ấm, lo cho con an giấc ngủ. Mong cho con ăn ngon, chóng lớn; mua thứ nọ,
tạo thứ kia luôn luôn muốn làm cho con cái mình được vui vẻ.
- Ân thuốc thang: Khi con đau ốm, cha mẹ phải lo săn sóc, chữa trị cho
con, lo đến nỗi quên ăn bỏ ngủ, cốt làm sao để bảo vệ sức khỏe, thân
mạng cho con cái của mình.
- Ân dạy bảo: Cha mẹ phải dạy bảo con cười vui, đi đứng, ăn uống, học
hành, lễ phép và xử thế ở đời, những việc đó cốt tập cho con mình từng
bước đi vững vàng khi còn nhỏ, và khôn lớn bước vào cuộc đời, tự kiếm
sống nuôi thân, làm điều hữu ích cho xã hội.
Ân Thầy bạn: Ở đời người ta thường dùng ngạn ngữ: " Không thầy đố mầy làm nên", Thầy dạy dỗ, còn bạn bè thì chỉ dẫn thêm. Ân nầy gồm có:
- Mở rộng kiến thức: Thầy dạy cho chúng ta biết đọc, biết viết, biết ăn ở
hiền lành phải đạo làm người, biết những điều cần phải biết, cốt để làm
cho mình trở thành con người tốt, hữu dụng cho xã hội.
- Khai sáng trí thức: Chẳng những Thầy dạy cho ta hiểu biết mà Thầy và
Bạn còn dạy cho ta biết nhận xét, lý luận làm cho trí hiểu biết của
chúng ta đạt được sự thông suốt, chính xác và đúng đắn.
- Khuyến khích: Nhờ có Thầy và Bạn luôn luôn khuyến khích, nhờ đó chúng
ta được an ủi khi buồn vui, chúng ta mạnh dạn tiến bước, làm được những
điều hay, lẻ phải cho bản thân và xã hội.
Ân Quốc gia xã hội: Chúng ta sống trong một nước, giữa
xã hội loài người, đời sống chúng ta được yên ổn, ấm no và hạnh phúc;
quốc gia và xã hội đem lại những điều ấy cho chúng ta, chúng ta đã thọ
những ân nghĩa như sau:
- Trị an: Chính phủ của quốc gia nào cũng lo trị an để bảo vệ chế độ,
nhưng nếu vì lợi ích nhân dân, thì phải lo cho nhân dân yên ổn làm ăn,
nhờ đó nhân dân được ấm no hạnh phúc.
- Giữ vẹn biên cương, bảo toàn độc lập: Nhờ có quốc gia giữ gìn, bảo vệ
sự toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, đất, biển cả và bảo toàn sự độc lập. Nếu
không được vậy, lãnh thổ bị nước ngoài xâm lấn, đất nước bị đô hộ hay
lệ thuộc nước ngoài. Một nước mất độc lập thì dân chúng bị sưu cao, thuế
nặng, làm lụng vất vả để cung phụng tài sản cho nước ngoài. Nước mất
độc lập, nhân dân không còn được ấm no và hạnh phúc.
- Sự ấm no hạnh phúc: Một người chúng ta không thể nào làm đủ những nhu
yếu cho chính bản thân mình dùng, chẳng hạn một người không thể làm nghề
nông để có đủ thức ăn, không thể làm nghề thợ dệt để có đủ quần áo,
chăn mền mặc khi ấm lạnh, không thể làm ra đủ thuốc thang để trị bệnh
khi đau yếu, không thể có đủ kiến thức để bảo vệ sự sống với thiên
nhiên, không thể tự mình làm ra đủ tiện nghi khác để mình dùng. Xã hội
đã phân công cho mỗi người một nghề, làm một công việc để sản xuất ra
tất cả nhu yếu và phương tiện cho con người dùng.
Ân Tam Bảo: Đối với Phật-Pháp-Tăng người Phật tử có những trọng ân như sau:
- Ân Phật Bảo: Vì sự khổ đau của chúng sanh, Thái Tử Tất Đạt Đa đã đi
tìm con đường giải thoát mọi ràng buộc khổ đau đó, là Phật tử chúng ta
phải nhớ đến ân đức của Ngài:
+ Lìa bỏ ngôi báu, gia đình: Ai đã làm được như Phật ? Ngài đã bỏ ngôi
báu Thái Tử của mình, bỏ cung vàng, điện ngọc, lìa xa cha mẹ, vợ con để
đi tìm con đường giải thoát mọi đau khổ cho chúng sanh.
+ Sáu năm khổ hạnh nơi rừng già: Thái Tử Tất Đạt Đa đi tu trong sáu năm
cùng với nhóm ông Kiều Trần Như tu khổ hạnh, nhịn đói, chịu rét trong
chốn rừng già hiu quạnh.
+ Thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh: Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh cực
đoan, Ngài tham thiền và chứng đắc Phật quả, rồi đem chân lý ra giảng
dạy cho chúng sanh tu tập để giải thoát luân hồi sanh tử. Nếu Ngài không
giáo hóa làm gì chúng ta biết được chân lý như ngày nay?
- Ân Pháp Bảo: Nhờ có kinh điển, ngày nay chúng ta mới biết giáo lý của Đạo Phật, do đó Pháp Bảo có những ân:
+ Chỉ đường giải thoát: Nhờ có kinh điển, chúng ta hiểu được cuộc đời là
giả tạm, chịu nhiều khổ đau, phải tu chứng đạt đến Niết Bàn để giải
thoát mọi ràng buộc khổ đau.
+ Chỉ dạy phương pháp tu học: Chẳng những Phật đã chỉ cho chúng ta thấy
sự đau khổ của cuộc đời, trong sinh tử luân hồi, kinh điển còn ghi lại
những phương pháp tu học để được giải thoát.
+ Tạo an lạc cho ta, hòa bình cho thế giới: Phật dạy lánh ác làm thiện,
mọi người phải từ bi, nhân ái sống với nhau trong xã hội, nhất là hàng
ngày hàng giờ cho tận cùng hằng sát na (một cái co tay và duỗi thẳng tay
ra, có 60 sát na) giữ cho tâm ta an lạc từng cá nhân, tất cả mọi người
như thế thì lo gì thế giới chẳng hòa bình.
- Ân Tăng Bảo: Tăng là những người đã lìa bỏ gia đình để tu giải thoát
cho mình và lo cứu giúp mọi chúng sanh, vì thế có những ân:
+ Duy trì chánh pháp: Những vị Tăng giữ gìn giới luật, từ bi, bố thí
những điều đó làm cho giáo lý của Phật tồn tại ở thế gian, nhờ đó chúng
ta mới biết Đạo Phật, biết phương pháp tu học giải thoát.
+ Thay Phật hóa độ chúng sanh: Tăng là những vị làm Sứ giả của Như Lai, tức là thay Phật giáo hóa cho chúng sanh tu học.
+ Truyền trao giới pháp: Chúng ta muốn phát tâm cầu đạo, chúng ta phải
quy y Tam Bảo, chính vị Tăng đã thay Phật truyền trao Giới luật và dạy
cho chúng ta phương pháp tu học.
(Trích "Bốn ân của người Phật tử" - Phúc Trung)