Những
điều làm tôi suy nghĩ nhiều, là sức mạnh nội tâm, quyền năng nội tâm mà
Hòa thượng Quảng Đức thể hiện trong toàn bộ cử chỉ của Ngài mãi cho đến
nay ít người nói đến. Tuy rằng cũng có người nói, như Bác sĩ Huard,
nguyên hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội trước Cách Mạng Tháng
Tám.
Tôi đọc bài của Huard khi tôi còn ở Hà Nội, công tác tại một cơ
quan tập trung khá nhiều thông tin sách báo miền Nam và nước ngoài. Đây
là vào năm 1963, sau khi vụ tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức gây một
chấn động sâu sắc, lan rộng và kéo dài trong nước cũng như ở nước ngoài.
1. Bức ảnh tự thiêu của Morrisson và bài viết của giáo sư Huard.
Tôi có bức ảnh chụp chàng thanh niên dũng cảm người Mỹ tự thiêu
để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh chiếm gần một trang tờ
báo Match (Pháp). Đây là hình chụp một thanh niên đang chạy, với quần áo
bốc lửa, hình ảnh này chắc chắn là đã gây xúc động nhiều ở Mỹ trong
giới thanh niên, vì Morrisson là một thanh niên, nhưng không thể nào so
sánh được với hình ảnh của Bồ tát Quảng Đức, ngồi thản nhiên bất động
trong ngọn lửa cháy ngùn ngụt chung quanh Ngài. Một bên là hình ảnh một
con người, một thanh niên dũng cảm. Một bên là hình ảnh một bậc Thánh,
một siêu nhân. Có thể vì nét khác biệt đó mà sự hy sinh của Bồ tát Quảng
Đức có một tầm cỡ thế giới, còn sự hy sinh của Morrisson có một tầm cỡ
hạn chế trong nước Mỹ mà thôi.
Trong bài viết của giáo sư Huard lộ ra vẻ hoài nghi là con người
chỉ có thể bình thản chịu đựng một sức nóng như vậy, nếu nhờ Thiền định
mà mà làm tê liệt được trung khu thần kinh cảm giác ! Phải chăng, đây là
trường hợp của Bồ tát Quảng Đức ?
2. Về cấp định “Diệt tthọ tưởng định”.
Trong kinh tạng Nguyên thủy Pàli cũng từng đề cập đến cấp định
này gọi là “Diệt thọ tưởng định” hay “Diệt tận định”. Ở cấp định này,
con người ngưng hơi thở, mọi cảm giác và tưởng đều ngưng chỉ, tuy rằng
tinh thần vẫn sáng suốt.
Ngài Huyền Trang, trên đường đi Ấn Độ cầu pháp, có đi ngang qua
nước Đại Hạ (Bactria, tức Apghanistan hiện nay), có viếng thăm một động
đá gần Kabul (Thủ đô Apghanistan), trong đó có hai nhà sư ngồi nhập định
bất động từ rất nhiều năm. Thỉnh thoảng những người dân ở đây lại đến
cắt tóc và cạo râu cho hai vị sư, chỉ có râu tóc là dấu hiệu sống của
họ. Họ đã ngưng thở, trái tim họ ngưng đập, nhưng rõ ràng là họ vẫn
không chết. Phải chăng, họ đã chứng được “Diệt thọ tưởng định”, cho nên
họ có thể ngồi bất động hàng năm, không thở, tim không đập mà vẫn không
chết. Tuy không chết, nhưng mọi cảm thọ, mọi tưởng đều ngưng chỉ.
Phải chăng, Hòa thượng Bồ tát Quảng Đức cũng đã nhập “Diệt thọ
tưởng định”, ngưng chỉ mọi cảm xúc, kể cả cảm xúc nóng, cho nên Ngài có
thể ngồi an nhiên bất động trong ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt.
Do đó, trong bài viết của mình, Bác sĩ Huard có thể đã nói đúng
một phần, khi đoán rằng Ngài Quảng Đức có thể chủ động làm tê liệt trung
khu thần kinh cảm giác. Nhưng Bác sĩ Huard không hiểu làm thế nào Hòa
thượng Quảng Đức đạt tới được một trình độ tê liệt cảm xúc như vậy ?
3. Thông điệp về một nền văn minh tâm linh hướng nội.
Tuy nhiên thắc mắc của giáo sư Bác sĩ Huard chỉ là một vấn đề
trong bức thông điệp mà Ngài Quảng Đức gởi đến nhân loại qua ngọn lửa tự
thiêu của Ngài. Do là bức thông điệp về sức mạnh nội tâm, vượt hẳn sức
mạnh của mọi thứ vũ khí, tiền bạc và quyền lực. Con người vũ trang bằng
khoa học và công nghệ cao, tưởng có thể chinh phục làm chủ thiên nhiên
và vũ trụ, nhưng kết quả là nó không làm chủ được bản thân nó, còn thiên
nhiên thì cũng quật lại nó với những đòn kinh khủng mà thảm họa sóng
thần ở Nam Á vừa rồi là một điển hình tiêu biểu ? Nhà bác học Einsten
đã từng cảnh cáo rằng, chế tạo bom khinh khí và bom nguyên tử không khác
gì trao cái búa cho một thằng điên. Thằng điên tức là con người nó đập
phá lung tung. Như chúng ta thấy, các cường quốc nguyên tử ý thức về
nguy cơ này cũng muốn hạn chế sự phổ biến của bom nguyên tử nhưng rất là
khó khăn.
Nền văn minh hướng ngoại một chiều của phương Tây tạo ra những
mẫu người mất cân đối, không hài hòa, tạo ra xã hội cũng mất cân đối và
hài hòa, với tệ nạn xã hội tràn lan. Máy móc càng tinh xảo bao nhiêu thì
con người càng thoái hóa bấy nhiêu. Chúng ta không nên lấy làm lạ, khi
chủ nghĩa phát xít đã xuất hiện và phát triển ở Đức, là một nước khoa
học tiên tiến, chứ không phải ở một nước lạc hậu.
Ngọn lửa tự thiêu ở Bồ tát Quảng Đức là một cảnh cáo đối với nền
văn minh quá thiên về vật chất, không chú trọng sức mạnh và quyền năng
nội tâm. Sau khi chế độ Diệm Nhu bị sụp đổ, có tờ báo ngoại quốc đã
viết: “Vụ tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức có giá trị bằng sức mạnh của
30 sư đoàn”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bài học và bức thông điệp của Bồ
tát Quảng Đức để lại vẫn còn giá trị thời sự nóng bỏng. Ý nghĩa chính
trị của nó được bàn đến nhiều rồi. Nhưng ý nghĩa tâm linh của nó vẫn
chưa được đề cập đến một cách sâu sắc. Đáng lẽ người ta phải đặt câu hỏi
:
Sức mạnh gì đã giúp cho Hòa thượng Quảng Đức ngồi an nhiên tự tại
giữa ngọn lửa ngùn ngụt cháy ? Rõ ràng đó chỉ có thể là sức mạnh tâm
linh, sức mạnh nội tâm, mà nếu có được, con người có thể chiến thắng tất
cả. Nhưng đáng tiếc là do ảnh hưởng của văn minh Tây phương hướng ngoại
chạy theo vật chất, nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay cũng hướng
ngoại, cũng chạy theo vật chất.
Đó là vấn đề mà Phật giáo Việt Nam hiện nay đang và phải quan tâm.
Trong một nước như nước Việt Nam, có một truyền thống Phật giáo
gần 2000 năm. Kho tàng thực nghiệm tâm linh chắc là rất phong phú đa
dạng. Nội dung kho tàng ấy như thế nào ? Làm sao để kho tàng đó hỗ trợ
cho sự nghiệp giác ngộ và giải thoát của mỗi người Phật tử chúng ta ?
Làm sao để kho tàng đó được khai thác có hiệu quả, tạo ra được những mẫu
người có cuộc sống nội tâm phong phú, làm chủ được bản thân mình, có
cuộc sống hạnh phúc, an lạc, sống thật sự vì lợi ích của mọi người, mọi
chúng sinh.
Hiện nay, phương Tây đang hướng về cái gọi là kho tàng tâm lý
phương đông, chủ yếu là tâm lý học Phật giáo. Xu thế này, chúng ta thấy
rõ trong tư liệu mang đầu đề tiếng Anh “Khoa học về tâm thức” (Mind
science) thuật lại nội dung cuộc hội thảo ở Haward (Trường Đại học nổi
tiếng ở Mỹ) với sự tham gia của giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhà tâm
lý học phương Tây, trong số này có nhiều chuyên gia về Thần kinh sinh
học (neuro biology) một số người đã từng đến châu Á, tìm hiểu tại chỗ
các trung tâm thiền định Phật giáo. Tôi dẫn chứng sau đây lời thú nhận
của Francisco Varela, chuyên gia Thần kinh sinh học, một trong các giám
đốc ở Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của nước Pháp (CNRS) :
“Chúng tôi cho rằng, sự tái phát hiện nền triết học phương Đông
đặc biệt là truyền thống Phật giáo, sẽ là một phong trào phục hưng lần
thứ hai của lịch sử văn minh phương Tây và ảnh hưởng của nó cũng không
kém phần quan trọng so với sự tái phát hiện tư tưởng Hi Lạp trong phong
trào phục hưng ở châu Âu. . .”
(Trích dẫn từ cuốn “Le moine et le philosophe (Tu sĩ và triết gia)” bản Pháp văn – XB Nil trang 30)
Như chúng ta biết, Đạo Phật cho rằng tâm thức con người có những
lớp tâm thức thô và vi tế khác nhau, người bình thường chỉ biết và sống
với lớp tâm thức thô, kết hợp với hoạt động của não bộ. Còn các lớp tâm
thức vi tế và siêu vi tế thì hoạt động không cần dựa vào não bộ. Các nhà
Thần kinh sinh học phương Tây không biết gì về lớp tâm thức vi tế và
siêu vi tế này. Phát hiện và khai thác được những lớp tâm thức vi tế và
siêu vi tế này, quyền năng con người sẽ được tăng trưởng rất nhiều. Con
người sẽ làm chủ được bản thân mình, tiến tới làm chủ được sự sống và
chết, thành tựu được giác ngộ và giải thoát.
GS. Minh Chi (Hội thảo Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam năm 2005)