Chùa Bửu Minh

Đành rằng, hạnh phúc đời thường hiểu ở một nghĩa nào đó là sự sung túc về nhà ở, cơm ăn, áo mặc… Thế nhưng cung bậc của hạnh phúc luôn thay đổi vì tiêu chuẩn hạnh phúc của mỗi người không giống nhau


HỎI:


Lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả, thế nhưng tôi không bao giờ hạnh phúc vì luôn gặp phải nhiều bất trắc trong cuộc sống cũng như trong gia đình. Con đường đại học thì đi chưa trọn vẹn, xin được việc làm ở một công ty nổi tiếng chưa đầy một năm thì phải ra đi. Ở nhà, tuy là chị cả, nhưng tất cả nhưng chăm sóc yêu thương của cha mẹ dường như luôn dành cho hai đứa em út. Hơn thế nữa, mẹ tôi tuy là một Phật tử, thường đi chùa làm việc, nhưng với tôi lắm khi mẹ lại hành xử dường như rất ư là xa lạ. Hiện giờ, tôi cảm thấy niềm tin về công việc, về gia đình trong bản thân đang sút giảm (có khi thoáng mất hẳn).Xin giúp tôi một giải pháp trong lúc này.


ĐÁP:


Không phải ai sinh ra trong một gia đình khá giả cũng gặt hái được nhiều hạnh phúc trong cuộc đời. Đành rằng, hạnh phúc đời thường hiểu ở một nghĩa nào đó là sự sung túc về nhà ở, cơm ăn, áo mặc… Thế nhưng cung bậc của hạnh phúc luôn thay đổi vì tiêu chuẩn hạnh phúc của mỗi người không giống nhau. Bạn thử hỏi những người đang sống xung quanh, theo họ, hạnh phúc là gì, tất bạn sẽ nhận ra có rất nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Có thể, bất hạnh của bạn không phải ở điều kiện vật chất, không phải lo toan đến những điều kiện sống đời thường mà có thể là những “bất cập” trong quan hệ đối xử ở gia đình cũng như những vướng mắc hoặc không thành công trong cuộc sống tự lập của mình.


Chuyện hoàn thành tấm bằng đại học, dẫu là mong mỏi của bao nhiêu lớp trẻ hôm nay, thế nhưng trong hành trang kiến thức về cuộc sống, sự thành công của một con người thì bằng cấp chưa phải là một yếu tố quyết định. Đọc lại những gương thành công trong xã hội, xưa cũng như nay, tất bạn nhận ra nếu như vẫn duy trì trong tim mình một bầu nhiệt huyết, nếu như những ước vọng về sự nghiệp luôn xuất hiện trong tâm trí bạn thì cửa ngõ thành công tong cuộc đời sẽ luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn đấy thôi.


Là chị cả trong gia đình, hơn ai hết, vai trò của bạn là cùng với cha, mẹ chăm nom em nhỏ trong gia đình. Theo cảm nhận của bạn, dường như cha mẹ ít quan tâm về bạn mà chú ý đến những đứa em hơn. Thật ra, đây là một cảm nhận không sai nhưng trong nhiều trường hợp, phần lớn cảm nhận đó chưa chính xác vì “cái tôi” trong bạn có cảm giác bị tổn thương. Điều này dễ hiểu tại sao khi có đưa con đầu lòng, tất cả mọi yêu thương của cha mẹ luôn dành trọn cho chúng. Nhưng khi có đứa con thứ hai, thứ ba thì sự quan tâm của cha mẹ như đã nghiêng hẳn về những đứa trẻ sau này, làm cho đứa con đầu cảm thấy hụt hẫng, như “bị bỏ rơi”.Đây là một hiệu ứng tâm lý tạm thời thường xảy ra khi trong gia đình có nhiều con mà năng lực chăm nom của cha mẹ không đầy đủ.Nói như vậy để bạn hiểu, ở một chừng mực nào đó, sự quan tâm của cha mẹ về phía bạn vẫn đầy ắp đó thôi, nhưng do năng lực, sự thể hiện tình cảm của cha mẹ chưa được khéo léo, hoàn hảo nên đã tạo ra một cảm giác “bị bỏ rơi” trong bạn. Bạn cần phải thấy, là con do cha mẹ đứt ruột sanh ra, tất cả mọi đứa trẻ đều được sưởi ấm trong tình thương vô điều kiện của cha mẹ và đặc biệt nhất “con nào cũng là con”, do đó thực tế không hề có sự phân biệt đối xử đâu, bạn ạ!


Tuy nhiên, đứng trên phương diện duyên nghiệp mà nhìn nhận, thì trong một chừng mực nào đó, có những đứa trẻ ra đời không nằm trong sự “tính toán”, sắp xếp của cha mẹ. Có những đứa trẻ ra đời trong bối cảnh có một sự rạn nứt, khó khăn, bối rối từ ba mẹ thì những đứa trẻ ấy, tuy vẫn được chăm nom đúng mực, những tận trong sâu thẳm của những người mẹ, người cha, sự hiện diện của chúng đôi khi là biểu hiện cho một “chứng tích”, một vết hằn năm tháng nào đó. Trong trường hợp này, ít nhiều thí đứa con ấy sẽ thiếu đi những thuận duyên cần và đủ để sống thanh thản trong đời.


Trong hoàn cảnh của bạn, mặc dù mẹ thường đi chùa đều đặn, nhưng không hẳn cứ đi chùa đều đặn là tự thân sẽ hoàn thiện trong cư xử với gia đình. Bạn cần phải thấy, trong điều kiện thực tế, nhận thức của một con người không phải lúc nào cũng đi liền với năng lực thực hiện của họ. điều cần nhất là phải biết áp dụng những lời dạy, những quan điểm sống của đạo Phật vào trong đời sống của chính bản thân. Như vậy mới có thể tạo nên một sự chuyển hóa đầy hiệu quả. Mong rằng, mẹ bạn thường xuyên đi chùa, gặp được một bậc minh sư và trên hết trong tự thân, mẹ bạn biết cách áp dụng những lời dạy cua Đức Phật vào hoàn cảnh sống của gia đình thì một ngày không xa, bạn sẽ có những cảm nhận rất tươi sáng về gia đình và ngay khi ấy, niềm tin về cuộc sống luôn ngập tràn trong bạn.


Theo Tổ tư vấn/GiacNgo.Vn



©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage