Conseils de Sagesse aux
hommes d'aujourd'hui, nxb Presses du Chatelet, 2009. Phiên bản tiếng Anh: In My Own Words, nxb Hay House, 2008). Phần
chuyển ngữ gồm toàn bộ một chương ngắn (chương 8, tr. 121-129) bình giảng một
bài thơ gồm tám tiết bốn câu do một nhà sư Tây Tạng thuộc hậu bán thế kỷ XI và
tiền bán thế kỷ XII trước tác nhằm vào việc luyện tập tâm thức cho một người tu
tập Đạo Pháp.
"Tám
Tiết thơ giúp tập luyện Tâm thức" là tựa của một bài thơ ngắn do một
nhà sư Tây Tạng là Guéshé Langri Tangpa (1054-1123) trước tác với chủ đích giúp
phát huy tinh thần giác ngộ qua phép thiền định về hoán chuyển giữa ta và người
khác, (một phép thiền định rất phổ thông của Phật giáo Tây Tạng: đó là cách tự
nguyện xin được nhận về phần mình tất cả khổ đau của người khác, và trao lại cho
họ tất cả những gì đạo hạnh của mình), và
xem đấy là mục đích cao cả nhất trong cuộc sống của chính mình. Tôi được nghe
giảng về các tiết thơ này từ thuở còn bé khi tôi còn ở Lhassa, và từ đấy mỗi
ngày tôi đều đọc lên những tiết thơ ấy, đấy cũng là những gì thuộc vào sự tu tập
hằng ngày của tôi. Những tiết thư ấy như sau:
"Tôi quyết tâm hành động bằng mọi cách để mang lại
Sự an vui tuyệt vời cho tất cả chúng sinh,
Sự tuyệt vời ấy vượt lên trên tất cả những thứ bùa phép mầu nhiệm nhất,
Tôi xin được yêu thương chúng sinh với tất cả tâm hồn tôi.
Mỗi khi tiếp xúc với họ,
Tôi xin tự xem mình là người kém cỏi nhất,
Và trong tận đáy lòng, tôi xin kính cẩn xem tất cả
Đều là những con người tối thượng.
Đối với từng hành động, tôi xin luôn dò xét
Trong tận cùng tâm thức, nếu có một xúc cảm bấn loạn nào lóe lên,
Có thể mang lại nguy hại cho người khác hoặc cho tôi,
Thì tôi sẽ cương quyết chống lại hầu loại bỏ nó.
Tôi xin yêu thương tất cả chúng sinh hung dữ,
Những ai đã tạo ra những thảm họa nặng nề,
Và những khổ đau mênh mông,
Tôi xin yêu thương họ như vừa khám phá ra một gia tài vô giá.
Vì ganh ghét mà một số người ngược đãi tôi,
Trút lên tôi những lời nhục mạ, vu khống và mọi điều tệ hại khác,
Thì trước những thử thách ấy, tôi xin nhẫn nhục chịu đựng,
Và hiến dâng cho họ tất cả sự vinh quang.
Đối với những người vô cớ làm tôi bị thương tổn nặng nề,
Dù tôi từng mang lại sự tốt lành cho họ và đặt hết lòng tin nơi họ,
Thì tôi xin vẫn được xem họ
Như những vị thầy tâm linh tốt nhất của tôi.
Tóm lại tôi xin mang lại cho tất cả chúng sinh,
Dù trực tiếp hay gián tiếp và không phân biệt một ai
Mọi sự giúp đỡ và những niềm phúc hạnh của tôi,
Và đổi lại, tôi xin gánh vác với tất cả sự kính cẩn
Những bất hạnh và khổ đau của những người mẹ của tôi, (xem tất cả chúng sinh như những người mẹ của mình).
Tôi xin cố gắng giữ cho các phép tu tập ấy
Không bị ô nhiễm bởi tám mối lo toan thế tục, (gồm có: lợi lộc, lạc thú, ngợi khen, vinh quang, danh vọng, thua thiệt, khổ đau, thất sủng, quở phạt) .
Và khi đã thấu hiểu được thế nào là bản chất ảo giác của mọi hiện tượng,
Thì khi ấy tôi cũng sẽ được giải thoát khỏi sự trói buộc của bám víu".
Bảy tiết đầu tiên của bài "Tám tiết thơ giúp tập luyện tâm thức"
đề cập đến chủ đề liên quan đến thể dạng giác ngộ quy ước (hay tương
đối) của tâm thức mà thuật ngữ Phật giáo gọi là bồ-đề-tâm (bodhicita) tương đối. Tiết sau cùng nêu lên thật ngắn gọn thể dạng thứ hai
của sự giác ngộ là bồ-đề-tâm tuyệt đối.
Tiết
thứ nhất của bài thơ mang ý nghĩa như sau: "Những
ai đã quyết tâm mang lại sự an vui tối thượng cho tất cả chúng sinh, một sự an
vui quý giá hơn cả viên bảo châu mầu nhiệm giúp thực hiện được mọi điều nguyện
ước, tất nhiên sẽ phát nguyện như sau: xin cho tôi được mãi mãi yêu thương tất cả
chúng sinh". Tiết thơ nêu lên sự tương kết giữa "tôi" và người
khác. Thế nhưng trên thực tế sự tương kết đó có thật sự xảy ra hay không? Trong
cuộc sống thường nhật, thật ra ta chỉ biết quan tâm - tất nhiên là với tất cả sự
hăng say - đến cá nhân mình và quyền lợi của mình. Ta đặt lên trên hết sự tìm
kiếm an vui hầu mang lại hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau cho riêng mình. Đấy là
mối bận tâm hàng đầu và trọng đại nhất so với tất cả những mối bận tâm khác, và
đấy cũng là gánh nặng mà ta phải tự đảm trách cho mình. Trong khi đó, việc lo
toan cho người khác thì ta lại đặt xuống hàng thứ yếu, không có gì đáng để quan
tâm hoặc đấy là một thứ gì hoàn toàn vô nghĩa.
Thực trạng đó phải được thay đổi, chúng
ta phải gia tăng sự luyện tập tâm thức đến một mức độ có thể hoán đổi được việc
xem sự an vui của chính mình là quan trọng hơn hết và đặt sự an vui của người
khác xuống hàng thứ yếu. Chúng ta cần phải phát huy một sự kính trọng sâu xa và
một mối quan tâm chân thật đến sự an vui của người khác và đồng thời không nên
quan tâm quá đáng đến sự an vui của chính mình. Đấy là mục đích cần phải thực
hiện. Muốn thành công ta phải luyện tập tâm thức mình thật chuyên cần, sự luyện
tập đó dựa vào nhiều phương pháp khác nhau.
Tiết thứ hai là: "Mỗi khi có dịp tiếp xúc với người
khác, tôi xin tự xem mình là người kém cỏi hơn cả, và tất cả các người khác đều
hàm chứa một giá trị tối thượng, sự quán nhận ấy xuất phát tự đáy tim tôi".
Tất nhiên là cách cư xử khiêm tốn nêu lên trong tiết thơ trên đây trái ngược lại
với thái độ trịch thượng mà ta thường có khi phóng nhìn vào người khác. Vì thế ta
nên thay đổi thái độ đó và phải kính trọng tất cả chúng sinh, xem tất cả chúng
sinh đều là anh chị em của mình và riêng mình thì phải là người thấp kém nhất
khi so sánh với họ. Ta phải biết yêu thương họ và mang thân xác, tâm thức cũng
như toàn diện con người của ta để hướng vào mục đích mang lại sự an vui cho tất
cả chúng sinh mà chính chúng ta đã đặt họ lên hàng tối thượng.
Tiết thứ ba là: "Đối với từng hành động, tôi xin luôn canh chừng từ trong tận cùng
của tâm thức tôi, nếu thấy có một sự hiềm khích hay méo mó nào xảy ra có thể
mang lại nguy hại cho người khác và cho tôi, thì tôi sẽ cương quyết đương đầu ngay
hầu loại bỏ nó". Chỉ khi nào biết thương yêu người khác và tự đặt mình
vào một vị thế khiêm tốn, thì khi đó chúng ta mới có thể nhận thấy được những gì
lệch lạc sẵn có trong tâm thức của mình từ trước, chẳng hạn như thái độ tâm thần
lầm lạc tự cho mình là quan trọng hơn hết, hoặc các quan điểm sai lầm về bản chất
thật sự của chính mình. Tiết thơ thứ ba nêu lên các sự lệch lạc ấy nhằm khuyên
chúng ta phải canh chừng ngay từ bên trong tâm thức để ngăn chận không cho các
cách hành xử lầm lẫn như thế có thể xảy ra. Khi chúng vừa loé lên thì ta phải
kiểm soát ngay tâm ý của mình, tương tự như ta phải canh chừng an ninh cho một
ngôi nhà. Sự canh chừng đó phải thật cẩn trọng và cảnh giác, sự cẩn trọng và cảnh
giác ấy có thể so sánh với hai người lính cảnh sát của nội tâm. Khi tâm thức đã
được canh giữ cẩn thận thì ta sẽ không còn cần đến sự kiểm soát của bất cứ một người
cảnh sát nào ở bên ngoài, vì trong trường hợp đó đương nhiên ta sẽ không phạm
vào các hành động thiếu đạo hạnh và độc hại. Thế nhưng nếu không có hai người cảnh
sát bên trong - tức sự cẩn trọng và cảnh giác - canh giữ, thì dù cho hùng mạnh
đến đâu các lực lượng cảnh sát bên ngoài cũng khó mà kiểm soát được một tình trạng
hung bạo khi nó đã bùng nổ ra. Thật cũng không đến đỗi quá khó để nhận thấy điều
ấy, sự can thiệp của cảnh sát nào mấy khi hiệu quả trước những thảm cảnh do khủng
bố gây ra.
Tiết thứ tư là: "Mỗi khi trông thấy các chúng sinh hung ác phải gánh chịu sức mạnh
nghiền nát của những hành động hung bạo và sai lầm, thì tôi xin được xem họ như
những gì trân quý nhất, tương tự như tôi vừa khám phá ra một kho tàng".
Nội dung của tiết thơ nêu lên trường hợp những kẻ ghê tởm nhất, chẳng hạn như những
kẻ ăn thịt người hay những kẻ thật tồi tệ. Mặc dù không hề có ý định làm hại họ,
thế nhưng thói thường chúng ta vẫn tìm cách tránh né họ và quay ra hướng khác để
tránh mọi sự giao tiếp với họ. Thế nhưng thật ra ta không nên giữ thái độ như
thế. Những gì mà chúng ta cần phải tập là yêu thương họ, dù cho họ đang hiện diện
trước mặt ta hay không cũng thế. Chúng ta phải cố gắng tập luyện như thế nào để
mỗi khi gặp họ ta sẽ không thốt lên: "Thật khổ! Lại phải làm một cái gì đây
để giúp họ!", hoặc: "Lại thêm một gánh nặng nữa, một sự khổ nhọc nữa
phải gánh vác!". Thay vì phản ứng như vậy khi gặp họ, thì ta nên tìm thấy niềm
hân hoan như vừa khám phá ra một viên bảo châu quý giá, một kho tàng hay một cái
gì đó thật tuyệt vời, phải xem đấy là một cơ hội hiếm hoi mang lại cho ta dịp
may để giúp đỡ họ.
Tiết thứ năm là: "Khi người khác trút lên đầu tôi mọi sự
giận dữ, nguyền rủa tôi, vu khống tôi, hoặc mang lại mọi thứ tệ hại khác cho
tôi, thì xin cho tôi đủ sức gánh chịu mọi sự thua thiệt và hiến dâng cho họ sự
vinh quang". Thật hết sức quan trọng phải giữ một thái độ rộng mở và
thiết tha yêu thương người khác. Tuy nhiên hơn thế nữa việc tu tập còn đòi hỏi
chúng ta nhất thiết phải giữ thái độ ấy đối với những ai vì một lý do nào đó muốn
làm hại ta, dù đấy là trường hợp họ bị khích động bởi sự giận dữ thúc đẩy họ thực
thi những ý đồ lắt léo nhằm mục đích cố tình làm thương tổn đến ta, hay đấy là trường
hợp mà họ chỉ mang những ý định ấy trong đầu cũng vậy. Trong các trường hợp như
thế, ta phải xem họ như những gì vô cùng quý giá. Thái độ mà ta phải giữ đối với
những người khi mà sự ác ý của họ chuyển thành hành động chống lại ta, là phải
chấp nhận sự thua thiệt và mất mát về phần mình và nhường cho họ sự chiến thắng.
Đấy là ý nghĩa của tiết thơ trên đây.
Tiết thứ sáu là: "Đối với một người mà tôi hằng mang lại
điều tốt cho họ, thế nhưng họ lại đối xử tồi tệ với tôi, thì xin cho tôi được
xem người ấy như một vị đạo sư tối thượng". Tất nhiên trong số trùng
trùng điệp chúng sinh, luôn luôn có một số nào đó mà ta phải miễn cưỡng giúp đỡ
họ, hoặc phải cố gắng tỏ ra thật tốt đối với họ - đấy là một thái độ cao cả và
thích đáng. Thói thường người được giúp đỡ phải tỏ ra biết ơn và phải có một
vài cử chỉ nào đó trước lòng tốt của ta. Thế nhưng cũng có trường hợp mà người được
ta giúp đỡ lại đối xử một cách quá thấp kém không xứng đáng với hành động của
ta. Trường hợp đó khiến cho ta cảm thấy bị tổn thương và bị đối xử tệ bạc. Vậy một
người đang tu tập cách hành xử trong cuộc sống hay nói cách khác là một vị bồ-tát,
thì phải phản ứng ra sao? Tất nhiên là phải đối xử với người ấy như là một vị đạo
sư hướng dẫn tâm linh cho mình, và xem đấy là một dịp may vô cùng quý giá được gặp
một người như thế để yêu mến họ, bởi vì chính họ đã mang lại một cơ hội hiếm
hoi để giúp mình luyện tập sự kiên nhẫn và lòng bao dung. Đấy là thể dạng tâm thức
mà người bồ-tát phải tập luyện.
Sau đây chúng ta xét đến nội dung của
tiết thứ bảy, đấy là: "Tóm lại, tôi
xin được trực tiếp hay gián tiếp mang lại sự tốt lành và tình thương cho tất cả
những người mẹ của tôi; tôi xin được kín đáo nhận chịu về phần tôi tất cả những
bất hạnh và khổ đau của những người mẹ ấy". Trường hợp này vẫn còn thuộc
vào cấp bậc giác ngộ tương đối của tâm thức. Nếu muốn cho cách hành
xử tốt đẹp đó, tức là yêu thương người khác hơn cả chính mình, được phát huy thật
cao độ và nhiệt tình, thì nó phải được thoát ra từ cội nguồn của lòng từ bi. Từ
bi là một phản ứng của tâm thức khi nó không thể chịu đựng nổi trước những cảnh
khổ đau của người khác và phát lộ những ước nguyện mãnh liệt cầu mong sao cho họ
tìm được sự giải thoát trước những khổ đau ấy. Tất nhiên một mặt chúng ta phải
biết lo lắng sâu xa khi nghĩ đến những cảnh thống khổ của người khác, thế nhưng
một mặt khác thì chúng ta cũng phải biết mở rộng lòng mình cho niềm hân hoan tràn
ngập, khi chúng ta nhìn thấy những cảnh hạnh phúc và an vui của người khác, và
đấy cũng là một cách phát lộ lòng tốt và tình thương của mình. Cả hai thái độ ấy
- tức lòng từ bi và sự hân hoan phát sinh từ tình thương chân thật - là cội nguồn
giúp cho yêu thương bám rễ, và sự yêu thương đó sẽ thúc đẩy chúng ta nên nghĩ đến
người khác hơn là chính mình. Đấy cũng là nguyên tắc căn bản trong phép luyện tập
gọi là tonglen (tức là cách hiến dâng
và nhận lãnh) mà tiết thơ trên đây đã nêu lên.
Thật ra trên thực tế, sự kiện hoán
chuyển hạnh phúc của mình cho người khác và ngược lại xin nhận chịu khổ đau của
họ chỉ có thể xảy ra được trong một số trường hợp thật hiếm hoi: tức là chỉ có
thể thực hiện được khi nào giữa ta và người ấy đã từng có một sự liên hệ và tương
quan nghiệp lực thật đặc biệt nào đó từ các kiếp trước. Chỉ trong các trường hợp
như thế thì sự hoán chuyển khổ đau của người khác sang cho cho mình may ra mới
có thể xảy ra được, trên thực tế thì chuyện ấy rất khó thực hiện. Thế nhưng tại
sao lại khuyến khích mọi người nên tập luyện theo phép tu tập ấy? Bởi vì đấy là một phương pháp giúp đạt được một
cá tính cực mạnh, một lòng quả cảm vô song và một sự nhiệt tình sâu đậm; những
phẩm tính ấy sẽ giúp cho sự tu tập của mình thăng tiến nhanh hơn trên đường đưa
đến giác ngộ tâm linh.
Tiết thứ tám và cũng là tiết cuối
cùng mang ý nghĩa như sau: "Cầu xin
cho sự tu tập của tôi tránh được mọi sự ô nhiễm của tám mối lo toan thế tục. Vì
quán nhận được tất cả các dharma tức là các thành phần cấu hợp tạo ra mọi hiện
tượng đều là ảo giác, nên tôi cầu xin loại bỏ được chúng hầu giải thoát cho tôi
ra khỏi sự trói buộc của các chu kỳ hiện hữu". Ý nghĩa nêu lên trong tiết
thơ thứ tám là sự giác ngộ tuyệt đối của tâm thức. Trong khi các tiết khác chỉ
nhắm vào các phương tiện tu tập, thì tiết thứ tám lại hướng trực tiếp vào con
đường giác ngộ tâm linh.
Phát huy tâm thức hướng vào mục đích
yêu thương người khác hơn cả chính mình đôi khi cũng cho thấy một sự nguy hiểm
nào đó, bởi vì chúng ta từng bị chi phối từ quá lâu đời bởi những lệch lạc tâm
thần thường phát sinh khi tu tập Đạo Pháp. Vì muốn được nhiều người biết đến nên
đôi khi ta cũng có thể rơi vào sự thèm khát uy danh do phép tu tập vì lòng lòng
vị tha mang lại; hoặc biết đâu từ trong thâm tâm ta cũng mong đợi một cách kín
đáo những người được hưởng các thành quả tu tập của ta sẽ mang tặng ta những
món quà hồi đáp. Hoặc giả ta cũng có thể thốt lên: "Chính thế! Tôi đây là
một người tu hành, một người tu tập Đạo Pháp!". Đó là những gì có thể mang
lại cho ta những cảm tính kiêu hãnh để tự thấy mình cao hơn và chính mình là
người ban ơn cho kẻ khác. Tất cả những sự méo mó tâm thần đó và các thái độ do
chúng làm phát sinh có thể xảy ra với chúng ta bất cứ lúc nào. Vì thế việc tu tập
mang lại giác ngộ cho tâm thức cũng có thể trở nên nguy hiểm, do đó chúng ta phải
thật thận trọng không để vướng vào những gì mà người ta gọi là "tám mối lo
toan của thế tục" (còn gọi là "tám dharma thế tục") (có thể xem thêm bài
viết "Khái niệm về tám mối lo toan thế tục" của Hoang Phong trên các
mạng Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức, Hoa Vô Ưu...), trong số
các mối lo toan đó có thể kể ra: hy vọng được vinh quang, hy vọng được ngợi
khen, hy vọng được thích thú, hy vọng được lợi lộc... Nhất định phải loại bỏ hoàn
toàn những thứ lệch lạc ấy ra khỏi việc tu tập Đạo Pháp của mình. Phải giữ cho sự
tu tập được tinh khiết, tức là phải hoàn toàn quên mình và đặt người khác lên
trên mọi sự ngờ vực. Đấy là một điều vô cùng quan trọng.
Vài lời lạm bàn của
người dịch
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma viết và thuyết giảng
theo nhiều cấp bậc khác nhau nhằm mục đích thích nghi với quảng đại người đọc và
người nghe. Quyển sách trên đây thuộc vào một cấp bậc khá đại cương, thế nhưng
cũng vô cùng sâu sắc. Bài thơ của nhà sư Guéshé Langri Tangpa trên đây có thể
xem như một bài kinh ngắn, và những lời bình giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tuy ngắn
gọn, dễ hiểu nhưng thật ra rất thâm sâu và uyên bác, thế nhưng thiết nghĩ một vài
lời ghi chú thêm về một vài chi tiết biết đâu cũng có thể giúp cho người đọc dễ
theo dõi hơn nữa về bài thơ cũng như phần bình giải của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Các
lời ghi chú này gồm trong ba chủ đề: thứ nhất là tính cách thiết thực của việc
tu tập do bài thơ nêu lên, thứ hai là sự kiện nêu lên trong tiết thơ thứ bảy cho
rằng tất cả chúng sinh đều là những người mẹ của mình, thứ ba là khái niệm về sự giác ngộ tuyệt đối nêu lên trong tiết
thơ thứ tám thay cho phần kết luận của toàn bộ bài thơ.
Tính cách thiết thực của
bài thơ
Mở đầu cho phần thuyết giảng Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma cho biết là nội dung của bảy tiết thơ đầu tiên thuộc lãnh vực của sự
giác ngộ quy ước còn gọi là bồ-đề-tâm tương đối. Vậy sự giác ngộ
hay bồ-đề-tâm quy ước là gì?
Đó là những lời nguyện ước và các cách
hành xử của một người bồ-tát. Vì thế trong mỗi tiết thơ chúng ta đều nhận
thấy trước hết là sự nguyện ước, sau đó
là hành động:
- tiết thứ nhất: quyết tâm thực hiện
sự an vui cho tất cả chúng sinh - tôi xin yêu thương tất cả họ.
- tiết thứ hai: xin được làm người
khiêm tốn nhất - xem tất cả các chúng sinh khác đều cao hơn mình.
- tiết thứ ba: nguyện canh chừng từng
xúc cảm bấn loạn - cương quyết đương đầu và loại bỏ các xúc cảm ấy.
- tiết thứ tư: xin hội đủ nghị lực để
yêu thương những người hung ác - xem họ như một gia tài quý báu khôn lường.
- tiết thứ năm: xin nhẫn nhục chịu đựng
sự ngược đãi của những người hung ác - hiến dâng cho họ sự vinh quang.
- tiết thứ sáu: nguyện rằng nếu những
người mà mình hằng giúp đỡ làm thương tổn đến mình - thì sẽ xem họ như những vị
thầy tốt nhất.
- tiết thứ bảy: nguyện hiến dâng hạnh
phúc của riêng mình cho tất cả các người mẹ - xin gánh chịu tất cả khổ đau của
họ.
Các quyết
tâm và các cách hành xử trên đây
là những phương tiện thiện xảo (upaya) giúp các người tu tập và các vị bồ-tát
thăng tiến trên đường giác ngộ. Các phương tiện thiện xảo đó cũng có thể xem như
những phương thuốc hóa giải giúp cho một cá thể khống chế cái tôi của mình. Thật vậy đối với một người tu tập, cái tôi luôn luôn là một trở ngại to lớn
nhất và kiên cố nhất. Chẳng những "cái tôi" là một bức tường vững chắc
ngăn chận con đường hướng về giác ngộ mà còn là một yếu tố tâm thần gây ra mọi
thứ xúc cảm bấn loạn trong tâm thức và cũng là nguyên nhân chính yếu nhất trói
buộc một cá thể trong chu kỳ bất tận của luân hồi. Một cách vắn tắt, bảy tiết
thơ đầu tiên là những liều thuốc hóa giải giúp cho người tu tập quên mình để phát
động lòng từ bi hướng vào người khác, hầu vượt lên trên cái ngã của mình. Tuy
nhiên liều thuốc nêu lên trong tiết thơ thứ bảy có vẻ là một liều thuốc mạnh hơn
hết, đó là cách tập cho mình nhìn vào tất cả chúng sinh và xem họ là những người
mẹ của mình. Vậy ý nghĩa thật sự của tiết thơ này ra sao?
Xem tất cả chúng sinh đều
là những người mẹ của mình
Nội dung của toàn bài thơ được dựa trên
nguyên tắc của phép tu tập gọi là "phép
hoán chuyển giữa ta và người khác" (tonglen), thế nhưng ý nghĩa của tiết thơ
thứ bảy biểu trưng rõ rệt và trực tiếp nhất cho nguyên tắc đó: tức nhận chịu mọi
khổ đau của người khác và hiến dâng cho họ tất cả hạnh phúc của mình. Người khác
ở đây có nghĩa là tất cả chúng sinh và đấy cũng là tất cả những người mẹ của mình,
gồm người mẹ trong kiếp sống này và tất cả những người mẹ của mình trong muôn ngàn
kiếp trước. Những người mẹ ấy tất nhiên đã tái sinh và biết đâu họ là những chúng
sinh đang sống bên cạnh chúng ta hôm nay, hoặc đang hiện hữu khắp nơi trong thế
giới này. Chúng ta phải cư xử với họ như những người mẹ của mình. Do đó thiết
nghĩ cũng nên mở thêm một dấu ngoặc ở đây để nghĩ rằng Vu Lan không nhất thiết
là một dịp lễ để chúng ta cầu an hay cầu siêu cho một người mẹ, mà đúng hơn là
một dịp để mỗi chúng ta hồi hướng tất cả công đức và hiến dâng hạnh phúc của mình
cho tất cả những người mẹ trong ba ngàn thế giới thế giới, đã từng sinh ra mình
trong quá khứ và sẽ còn sinh ra mình trong tương lai. Các chữ "trực tiếp" trong tiết thơ thứ
bảy là có ý nói đến người mẹ của mình trong kiếp sống này, và chữ "gián tiếp" là để chỉ tất cả
những người mẹ của mình trong quá khứ xuyên qua hình tướng của những chúng sinh
khác.
Phép tu tập "hoán chuyển giữa ta và người khác" nêu lên trong tiết thơ
thứ bảy là do Tịch Thiên (thế kỷ thứ VIII) đề nghị trong tập Nhập Bồ-đề Hành luậnBodhicaryavatara) và cũng biểu trưng cho
liều thuốc hóa giải mạnh nhất để chống lại cái tôi hay cái ngã. Tuy nhiên Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma cũng nhắc cho chúng ta biết nội dung của tiết thơ thứ bảy vẫn còn thuộc
vào lãnh vực của bồ-đề-tâm tương đối.
Vậy bồ-đề-tâm tuyệt đối là gì và phần
kết luận trong tiết thơ thứ tám muốn nói lên điều gì? (
Khái niệm về Bồ-đề-tâm
Bồ-đề-tâm tiếng Phạn là Bodhicitta, bodhi có nghĩa là tỉnh thức, tỉnh giác hay giác ngộ, citta là tâm trí, tâm thức... Sở dĩ mạn
phép dài dòng như trên đây vì nguyên gốc Hán ngữ của chữ tâm có nghĩa là tim,
thế nhưng chữ tâm trong thuật ngữ bồ-đề-tâm lại có nghĩa là lý trí hay trí tuệ
và không tượng trưng cho một thể dạng xúc cảm nào cả. Bồ-đề-tâm do đó có nghĩa
là "Tâm thức giác ngộ", "Tinh thần giác ngộ" hay "Tư
duy giác ngộ"... Bồ-đề-tâm là một khái niệm xác định vị trí, lý tưởng, hành
động và sự giác ngộ của một người bồ-tát, do đó bồ-đề-tâm được xem là khái niệm
căn bản nhất của Phật giáo Đại thừa nói chung và của Phật giáo Tây Tạng nói riêng.
Bồ-đề-tâm gồm có hai thể dạng khác nhau
là bồ-đề-tâm tương đối và bồ-đề-tâm tuyệt đối, mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn gọi một
cách khác là sự giác ngộ quy ước và sự giác ngộ tuyệt đối. Một cách tổng quát Bồ-đề-tâm
tương đối biểu trưng cho lòng từ bi và bồ-đề-tâm tuyệt đối biểu trưng cho sự Giác
ngộ hay Trí tuệ.
Bồ-đề-tâm
tương đối (samvrtibodhicitta) gồm
có hai thể dạng là bồ-đề-tâm ước vọng
tức là sự biểu lộ ước nguyện của người bồ-tát ước mong đạt được giác ngộ vì lợi
ích của chúng sinh, và bồ-đề-tâm thực hiện
tức là hành động của người bồ-tát. Hai thể dạng ấy được thể hiện trong bảy tiết
đầu tiên của bài thơ.
Bồ
đề tâm tuyệt đối (paramarthabodhicitta)
là sự quán nhận hai thứ tánh không (sunyata) cùng một lúc: tánh không của một "cái tôi cá thể" và "bản chấtvô thực thể" tức ảo giác của mọi hiện tượng, và cũng thật tuyệt
vời vì tuy rằng tất cả đều là trống không thế nhưng bồ-đề-tâm tuyệt đối vẫn hàm
chứa một sức mạnh quán thấy được Phật tính nơi mỗi chúng sinh. Nói cách khác bồ-đề-tâm-tuyệt đối là khả năng cảm nhận
thật sâu xa bản thể "như lai" (tathata
- ainsité, suchness) của hiện thực. Đấy là ý nghĩa biểu trưng cho sự Giác
ngộ và Giải thoát nêu lên trong tiết thơ thứ tám thay cho phần kết luận.
Tóm lại khi nào chúng ta chưa đủ sức
chuyển động chung với vô thường, hòa
nhập với bản chất vô thực thể của vũ
trụ và nhìn thấy Phật tính trong nơi
sâu kín của mỗi chúng sinh thì khi ấy chúng ta vẫn còn là kẻ tôi đòi của sự bám
víu và nô lệ cho cái tôi đang chỉ huy từ bên trong tâm thức của chính mình.
Bures-Sur-Yvette,
29.07.11
Hoang Phong
Xem thêm:
KHÁI NIỆM VỀ "TÁM MỐI LO TOAN THẾ TỤC" TRONG PHẬT GIÁO - Hoang Phong