Chùa Bửu Minh

Khoảng cách giữa thiên nhiên và tâm thức


Tâm Hải dịch từ Anh sang Việt

Tham dự khóa thiền tại thiền viện Nilambe Kandy, Tích Lan – Mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ ngồi xe bus từ Kandy trên con đường đá gồ ghề đồi núi và việc bắt bỏ những con đỉa hút máu để đến được trung tâm thiền.

Nhưng một khi bạn đã đến được nơi này, cho dù trời có mưa thư thác đổ cũng không thể ngăn cản bạn có được cảm giác nhẹ nhàng nhất trên quả đất này. Chỉ thoáng nhìn tất cả những vị Phật tử, những người ngoại quốc và những người Tích Lan đang tinh tấn thực tập kỷ năng hành thiền nơi đây cũng giúp bạn lắng lòng mình lại!

Trung Tâm thiền Phật giáo Nilambe là một nơi rất nổi tiếng để bạn “chạy trốn” khỏi những lo lắng đời thường để tập trung chuyên chú vào việc hành thiền. Trung tâm được thành lập vào năm 1979 bởi ông Godwin Samararatne và một nhóm Phật tử thiện tâm. Sau khi ông qua đời vào năm 2000, người thầy giáo chính của trung tâm hiện nay là ông Upal Nishanta Gamage.

Vì là một người nước ngoài và là người không theo tôn giáo nào cả, tôi muốn tìm hiểu và thử nghiệm cách sống của người Phật tử. Trang bị cho mình một cây dù, một bó đuốc và cặp mắt lúc nào cũng phải canh chừng mấy con đỉa. Tôi đã theo tu học ở trung tâm trong vòng hai ngày. Đó là một kinh nghiệm sống mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Điều trước tiên trong thời khóa biểu là học hành thiền như thế nào. Một người Phật tử tại gia tên là Nalaka đã dẫn tôi đến phòng tập yoga của trung tâm để hướng dẫn tôi về thiền tập. Mới nghe thì có vẻ quá đơn giản: nhắm mắt lại và chú tâm vào hơi thở. Nhưng chỉ sau 10 giây đồng hồ tôi biết được rằng việc chú tâm vào hơi thở không dễ dàng chút nào! Trí óc tôi suy nghĩ lung tung nhiều thứ. Một vài điển hình phát khởi trong đầu tôi như: Không biết mấy con đỉa nó làm gì sau khi hút máu no căng? Chà nếu mình có thêm con mắt phía sau nữa thì tuyệt biết bao? Cái tư thế kiết già/ bán già này không được thoải mái lắm nha… Nhưng theo lời của người hướng dẫn là chỉ nhận biết được những luồng tư tưởng của mình là đủ và hãy để cho chúng cứ trôi chảy tự nhiên.

Đó là những gì tôi làm kế tiếp khi tham gia hành thiền với mọi người. Cùng với cả thảy 18 người đến từ nhiều nơi trên thế giới, tôi nhắm mắt lại và để cho tâm vận hành. Ô! Còn nữa – tôi cũng phải chú tâm vào hơi thở. Thư giản và nhận biết về thân thể mình như lời của người thầy đã hướng dẫn.

20 phút sau đó tôi xả thiền, vai hơi xệ và nghiêng. Ồ, chắc là đã quá thoải mái! May là mọi người ai nấy đều nhắm mắt lại. Nên chắc chẳng ai để ý dáng ngồi không mấy thanh tao theo trí tưởng tượng của tôi. Vào buổi tối có một thời tụng kinh và một bữa ăn nhẹ đơn sơ. Mọi việc diễn ra trong im lặng hùng tráng.

Hầu hết tất cả mọi người đã khó nhọc cố gắng để đến với trung tâm đều ở lại một thời gian khá lâu. Không có quy định nào cả, nhưng phần đông những người đến trung tâm để hành thiền họ lưu lại nơi này ít nhất là một tuần. Tất cả mọi người đến đây đều có nhiều lý do khác nhau – có người đến để học những kỹ thuật về thiền, có người đến học hỏi thêm về giáo lý của đạo Phật, lại có người học cách làm thế nào để giải quyết những vấn đề cá nhân bằng cách hành thiền. Những người Phật tử và các vị thầy hướng dẫn sống ở đây và sẽ dạy cho bạn tất cả những khía cạnh của việc hành thiền.

Còn đối với tôi, mặc dù tôi cố gắng để nhắm mắt lại trong hầu hết các thời gian thiền tập nhưng thật sự tôi được khai thị, hai con mắt được thật sự mở ra. Và ngoài việc có nhiều con đỉa đang bám trên chân của tôi, thì thời gian ở tại trung tâm thiền này là một kinh nghiệm đáng nhớ. Nó thật sự đem cho tôi món ăn tinh thần… xí lộn.. ý tôi nói là việc hành thiền!

“Bạn sống càng đơn giản, bạn càng có nhiều hạnh phúc”


Tâm Hải (The Buddhist Translation Group)

http://nhomphiendich.org/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage