Chùa Bửu Minh

Còn nhớ, bên lề một cuộc họp của Hội đồng tư vấn dân tộc, tôi hỏi Hòa thượng "Đảm nhiệm nhiều vị trí, vai trò như vậy, hòa thượng làm thế nào để cân đối quỹ thời gian”? Hòa thượng nhìn tôi và mỉm cười "Có cái Tâm sáng, mọi khó khăn sẽ được hóa giải”.


Sáng 28-11, lễ viếng Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Tứ chính thức được diễn ra tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ... đã gửi vòng hoa kính viếng.

Tham dự lễ viếng có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Hàng vạn tăng ni, phật tử đã tới chùa Quán Sứ để từ biệt Trưởng lão Hòa thượng.

Người tham gia sự nghiệp  thống nhất Phật giáo Việt Nam


Đầu tháng 11, cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong sự kiện đó, phật tử cả nước đều tâm niệm vai trò quan trọng của hòa thượng Thích Thanh Tứ đối với sự hợp nhất tổ chức Giáo hội toàn quốc.

Bước chân vào cửa thiền như duyên tiền định, từ năm 1955-1957, Hòa thượng chăm lo Phật sự tại chùa Đống Long, chùa Nho Lâm, Phó Nham huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, trực tiếp cùng tăng ni, phật tử và nhân dân địa phương tham gia lao động sản xuất. Từ năm 1958 đến năm 1967, Hòa thượng tham gia thành lập Tùng Lâm Phật giáo tỉnh Hưng Yên và được suy cử làm Chánh thư ký. Năm 1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tỉnh Hưng Yên được thành lập. Hòa thượng được suy tôn làm Chánh thư ký tỉnh hội (1969-1973). Từ năm 1974 đến 1980, Hòa thượng được suy cử ủy viên Ban Trị sự kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, chính thức làm việc tại chùa Quán Sứ, trụ sở Trung ương Hội.

Với trọng trách của mình, Hòa thượng đã cùng chư tôn giáo phẩm thành viên Ban Trị sự Trung ương xây dựng nhiều chương trình hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời, củng cố hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, tạo nền tảng và tiền đề cho việc phát triển tổ chức Giáo hội Phật giáo toàn quốc khi đất nước hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Nam - Bắc chung một nhà, non sông liền một dải, Trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam đã chủ động thành lập các phái đoàn vào thăm các tổ chức hệ phái Phật giáo miền Trung và miền Nam để tạo mối liên hệ pháp lữ và chia sẻ tâm nguyện của tăng ni, phật tử giữa các vùng miền sau nhiều năm đất nước bị chia cắt.

Trong các chuyến viếng thăm đó, Hòa thượng được cử làm Thư ký đoàn để tham vấn Chư Tôn Đức trong việc xây dựng nội dung và chương trình làm việc tiếp xúc với Chư Tôn lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo ở miền Trung và miền Nam.

Cuối năm 1979, đầu năm 1980, đoàn Phật giáo miền Bắc do Trưởng lão hòa thượng Thích Đức Nhuận- Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Trưởng lão hòa thượng Thích Thế Long- Phó Hội trưởng kiêm Tổng thư ký và Hòa thượng lúc đó là Chánh văn phòng đã vào TP Hồ Chí Minh, TP Huế, gặp gỡ Chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở miền Trung miền Nam làm công tác vận động tổ chức hội nghị hiệp thương xúc tiến thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hòa thượng được cử làm Phó Thư ký Ban vận động. Với trọng trách của mình, Hòa thượng đã đi thăm nhiều cơ sở tự viện, gặp gỡ nhiều Chư Tôn giáo phẩm thuộc các tổ chức, hệ phái Phật giáo, trên cơ sở đó Hòa thượng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng giúp Chư Tôn Giáo phẩm của các tổ chức, hệ phái Phật giáo đồng thuận, hòa hợp để sớm đi đến sự hợp nhất tổ chức thành lập Giáo hội toàn quốc.

Với sự gia trì của Tam Bảo, sự nhất tâm của tăng ni, phật tử, Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được long trọng tổ chức từ ngày 4-11 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, trụ sở của Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

Hội nghị đã quyết nghị thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam với danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương, chương trình hoạt động Phật sự và nhân sự Ban lãnh đạo Trung ương. Hòa thượng được suy cử làm Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tháng 11- 1997...

Trải qua các chức vụ, Hoà thượng đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với đạo pháp, đặc biệt là sự phục hồi các hoạt động Phật sự của Phật giáo miền Bắc sau ngày đất nước thống nhất.

30 năm xây dựng và trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã có nhiều đóng góp to lớn cho những thành tựu Phật sự chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành cầu nối giữa đạo và đời, giữa Phật giáo miền Bắc với Phật giáo miền Trung và miền Nam.

Thành viên tích cực trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Con đường tu hành của Hòa thượng Thích Thanh Tứ gắn liền với việc phụng sự đất nước và giác ngộ quần sinh. Hòa thượng luôn tâm niệm: Nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại, nhân dân tín đồ phật tử cũng không có cuộc sống an lạc, Phật pháp không được xiển dương.

Thấm nhuần tư tưởng "Phật pháp bất ly thế gian giác” với truyền thống "Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm hiện diện và đồng hành cùng dân tộc, Hòa thượng đã sớm giác ngộ cách mạng. Có thể nói, trong suốt cuộc đời, Hòa thượng lúc hóa thân Bồ Tát, lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ cách mạng với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế. Hòa thượng được suy cử làm ủy viên Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Hưng Yên, tổ chức thành viên của Hội Liên Việt (nay là MTTQ Việt Nam).

Là thành viên tích cực trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, Hòa thượng được tín nhiệm cử tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam khóa VII, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo của UBTƯMTTQ Việt Nam khóa V, VI, VII.

Với tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật, Hòa thượng đã thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà và động viên các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam, các trung tâm nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn.

Thông qua sự vận động của Hòa thượng, nhiều số phận không may mắn đã được các nhà hảo tâm trợ giúp. Nhiều ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình thương đã được xây dựng từ nỗ lực chăm sóc cho người nghèo của Hòa thượng.

Có thể nói, trong sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn liền với vai trò của Mặt trận, có sự đóng góp to lớn của Hòa thượng. Tại những cuộc họp của Hội đồng tư vấn Tôn giáo thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam, những cuộc họp của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hòa thượng thường xuyên đưa ra những ý kiến tâm huyết với mong muốn thúc đẩy sự gắn kết đạo- đời.

Hòa thượng còn trực tiếp tham gia Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam để cùng đóng góp tham mưu xây dựng chính sách xã hội ngày càng hiệu quả hơn.

Còn nhớ, bên lề một cuộc họp của Hội đồng tư vấn dân tộc, tôi hỏi Hòa thượng "Đảm nhiệm nhiều vị trí, vai trò như vậy, hòa thượng làm thế nào để cân đối quỹ thời gian”? Hòa thượng nhìn tôi và mỉm cười "Có cái Tâm sáng, mọi khó khăn sẽ được hóa giải”.

Tôi đã hiểu, vì sao Giáo sư Vũ Khiêu lại tặng Hòa thượng câu đối "Chính đại quang minh tâm hướng Phật- Từ bi hỷ xả chí ưu dân”.

Theo: Đại đoàn kết


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage