Tôi
nhận ra một điều là ở làng, trừ mùa đông ra còn lại quanh năm thì những
buổi chiều thường giống nhau. Một sắc nắng nhạt trộn trong vài thoáng
gió lắt lay sấy qua ngọn sương trên mép cỏ. Một ít mây khe khẽ mỉm cười ý
nhị với dăm ba chấm hoa ngây ngô. Trên thảm đất vẫn còn nguyên dấu chân
châu chấu vừa đấm đá nhau túi bụi và đã bắt tay giải hoà.
Chính khi ấy, trẻ con kéo nhau xuống bãi đất Cồn Mai để chơi trò. Chúng
tôi bứt một sợi dây mơ từ trong bụi, đem ra tuốt qua mấy ngọn lá để
được một sợi dây to cỡ chiếc đũa, dài chừng ba sải tay. Người Quảng Trị
gọi cái dây này là dây chạc chìu. Phải chăng chỉ có người Quảng
Trị mới gọi thế (?) Nên chi Hoàng Phủ Ngọc Phan từng thách rằng, nếu
không phải người Quảng Trị chính hiệu thì đừng hòng hiểu được nó khi đọc
thơ Tạ Nghi Lễ. "Có gì tặng em: một trái hồng leo/ Anh hái về khi qua xóm Rú/ Nụ hôn nào trao em rất vội/ Giờ gói đời anh: mảnh dây chạc chìu".
Hai đứa trẻ cầm hai đầu dây chạc chìu, đứng hướng mặt vào nhau và bắt
đầu quay theo một chiều. Dây chạc chìu chuyển động tạo thành một cái vòm
trống hình quả bầu dục. Mấy đứa còn lại lần lượt bước vào trong cái vòm
ấy và nhảy cẫng sao cho chân không chạm dây. Cái dây chạc chìu quay
chậm kẻ vào không gian một khung nhạc. Mỗi đứa trẻ đang nhảy là một nốt
nhạc chuyển động trong khung ấy. Hai tay đánh lăng như một cặp rê móc
đôi. Đó là một bản ký âm duyên dáng trên cánh đồng làng. Tôi đã ngẩn ngơ
ngắm nghía và tự hỏi một cách ngây ngô rằng: - Sao người ta gọi tuổi
thơ mà không gọi là… tuổi nhạc?
Hồi học lớp hai, nhóm bạn chúng tôi cứ mỗi buổi chiều lại tập trung ở
nhà Định để học nhóm, dưới sự chỉ bảo của anh Hà, anh ruột Định. Sau
buổi học, tất cả kéo nhau ra đường chơi nhảy dây. Trong nhóm chỉ con bé
Xíu có má lúm đồng tiền chấm phẩy và bé Út là gái nên hay bị mấy thằng
bắt cầm dây quây. Thằng Định nói con gái đừng có chợng rợng nhảy nhiều
mà sau này ế chồng. Không ngờ lớn lên bé Xíu lại là đứa lập gia đình đầu
tiên.
Chơi chán trò nhảy dây thì lại chuyển sang nhảy sập. Lấy miếng gạch kẻ
ra giữa nền đất một hình khung. Người chơi cầm một chiếc dép, ném lần
lượt lên các ô phía trước rồi nhảy lò cò một chân vào ô kế đó để lấy
dép. Nếu gặp ngăn sập thì phải chãng hai chân ra hai bên. Nhảy thế nào
cho chân đừng chạm vào vạch. Đây là trò chơi luyện thăng bằng và thể
hiện sự khéo léo. Những bàn chân nhỏ nhắn nhịp nhàng nhảy như một chú
chim chích bông chuyền cành để nhặt lấy con sâu mồi, là chiếc dép. Khung
nhạc tuổi thơ vạch ra ngay trên nền đất, mỗi bước nhảy giống một nốt
phím nhấn vào đấy và thanh âm ngân lên là tiếng cười reo chúc mừng, hoặc
cái xuýt xoa tiếc nuối. Khoảng lắng của bản nhạc là lúc đứa trẻ đã lên
đến nấc cuối cùng, quay lưng lại rồi đưa tay về phía sau để tìm chiếc
dép. Nếu tay chạm vào đất là phạm quy, khi đó tựa như nốt phím đã đánh
lại và người chơi coi như thua cuộc để nhường phần chơi một bản nhạc của
kẻ khác.
Vào mùa hè. Nắng chín như đôi má của một nàng tiên vào độ yêu. Chúng
tôi dán giấy làm diều rồi căng cước chỉ nối đất với trời. Sợi cước chỉ
vút lên theo thăm thẳm gió và xô nghiêng buổi chiều qua phía hoàng hôn.
Mấy sợi dây diều duỗi song song như thể ấn định vào bầu trời một khuông
nhạc với các đường kẻ tơ màu trắng. Trên kia, con diều sau khi đã căng
no gió thì đứng yên - tư thế ấy trẻ con gọi là diều đang ngủ. Có lẽ là
diều đã hoá thân thành những dấu lặng trắng để ngân dài thêm cho bản
nhạc đồng quê.
Chúng tôi lấy một chiếc lá khô, xé rãnh nhỏ và gắn vào cước chỉ để làm
thư gửi lên trên cao. Dăm cánh thư nhỏ nhắn leo chầm chậm từng bước giữa
khung trời mỏng tang, đó chính là những nốt nhạc đằm thắm nhất trong
bản hoà tấu buổi chiều xanh.
*
Những buổi chiều như thế đã giữ giúp chúng tôi một sự hồn nhiên dễ
thương. Tôi cảm nhận được sự yên bình đến lạ ngay chính trong tâm hồn
mình mỗi khi nhớ về ngày ấy. Có lẽ, đối với tôi, cánh đồng làng là nơi
tuyệt vời nhất trên đời này.
Ngày xưa Platon từng mỏi gối đi khắp Hy Lạp để kiếm tìm tiểu vương quốc
lý tưởng Utopia, nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo, ý vị. Hình ảnh ấy ít
nhiều phản ánh tính tò mò và khát vọng vươn tới sự tuyệt đối của mỗi
người. Còn với những đứa trẻ quê nghèo, có lẽ tự thuở ấu thơ chúng tôi
đã tìm được Utopia của riêng mình, đấy chính là cánh đồng làng với những
trò chơi dân gian giản đơn. Và những đứa trẻ làng là những hoàng tử
thánh thiện trong vương quốc ấy.
Hoàng Công Danh